Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CẢI CÁCH

Trung Quốc muốn cải tổ quyền sở hữu đất đai

Hội nghị Trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc hôm thứ Bảy 09/11/2013. Trong vòng bốn ngày (từ 09/11 - 12/11/2013), khoảng 476 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản họp bàn và đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến tương lai nền kinh tế đất nước. Chủ đề này được tờ phụ san Kinh tế và Doanh nghiệp của báo Le Monde số ra hôm nay đề cập đến.

Một nông trang viên nhìn lại mảnh đất của ông bị trưng thu để xây nhà ở, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 19/10/2013)
Một nông trang viên nhìn lại mảnh đất của ông bị trưng thu để xây nhà ở, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 19/10/2013) REUTERS
Quảng cáo

Trong bài « Kế hoạch 383, một dự án cải cách mới của Bắc Kinh », báo Le Monde cho biết, Hội nghị lần này tập trung chủ yếu vào một chương trình cải cách mới xoay quanh ba chủ đề: Thị trường, Chính phủ và các tập đoàn quốc doanh. Bộ ba chương trình cải cách này có liên quan đến 8 lãnh vực (cải cách quyền sở hữu đất đai, thuế khóa, doanh nghiệp Nhà nước…) với ba mục tiêu chính : « Giảm chi phí gia nhập thị trường nhằm thúc đẩy cạnh tranh », « Thực hiện chính sách an sinh xã hội cơ bản » và « Hình thành thị trường đất công hữu ».

Các chương trình cải cách này phải được tiến hành trên nhiều mặt nhằm giải quyết các vấn đề được xác định từ lâu. Trong đó, một vấn đề nổi cộm mà Thủ tướng Lý Khắc Cường muốn có những thay đổi đó là sự can thiệp của các chính quyền địa phương vào nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Hồng Thịnh (Sheng Hong) nhận định : « Một trong những đồng thuận, đó là tấn công vào sự độc quyền trong nhiều lãnh vực như dầu khí chẳng hạn ». Theo ông, « nhìn một cách tổng quát, người dân không được hưởng lợi nhuận từ các tập đoàn Nhà nước. Trái lại, lương và thưởng cho những người làm trong lãnh vực này thì không có chút giới hạn nào ». Đối với ông Hồng Thịnh, cuộc chiến trên mặt trận này sẽ là rất khốc liệt do dàn lãnh đạo của các tập đoàn quốc doanh lại gồm những « nhóm lợi ích », những người không muốn từ bỏ quyền lợi của mình.

« Cải tổ sở hữu đất đai » : một cuộc cách mạng nhỏ tại Trung Quốc ?

Trong số các chương trình cải cách đó, Le Monde đặc biệt chú ý đến dự án cải tổ « quyền sở hữu đất đai ». Trong bài viết có tựa đề « Trung Quốc muốn cải cách quyền sở hữu đất đai để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa », tờ báo đánh giá đây là một cuộc cách mạng nhỏ tại Trung Quốc.

Vài tuần trước khi Hội nghị Trung ương 3 khai mạc, một đề xuất cải cách do ông Lưu Hạc (Liu He), cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì được công bố. Theo đó, Trung Quốc có lẽ phải đưa ra một « cải cách cho phép nông thôn và thành thị có những quyền đất đai như nhau ». Tức là, người dân tại nông thôn được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường hay được đem thế chấp để vay ngân hàng.

Le Monde cho biết để sắp xếp lại hoạt động sản xuất nông nghiệp và tái cân bằng nền kinh tế, Bắc Kinh đang tập trung vào phát triển các thành phố, biến thành phần nông dân nào sở hữu những thửa ruộng kém năng suất thành tầng lớp tiêu thụ đô thị mới. Một nhà xã luận trong nước từng viết rằng : « Nếu Trung Quốc hiện đại hóa thì phải đô thị hóa đất nước. Và chính sách cải cách sở hữu đất đai là chìa khóa của sự thành công ».

Hiện nay, tại Trung Quốc, luật về quyền sở hữu đất đai được dựa trên những cải cách có từ những năm 1990. Đạo luật này phản ảnh sự bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị. Tại các thành phố, đất đai vẫn thuộc về Nhà nước, nhưng chủ sở hữu được cấp chứng nhận sở hữu tư cho một giai đoạn kéo dài khoảng 70 năm và có thể được triển hạn.

Trong khi đó, tại các vùng nông thôn hiện nay, kể từ khi từ bỏ chế độ hợp tác xã, đất đai được phân phối theo từng mẫu cho nông dân, nhưng vẫn thuộc quyền cai quản của chính quyền xã. Nhưng khi người nông dân muốn từ bỏ nông thôn để lên thành thị kiếm sống, họ không thể nào chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đó là chưa kể đến tình trạng, để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, nhà ga… chính quyền địa phương trưng thu đất đai của người dân và chỉ trả một khoản bồi thường rất thấp. Sau đó, đất đai lại được chuyển giao cho các nhà đầu tư bất động sản với giá cao để phát triển đô thị. Le Monde nhận thấy mọi cải cách quy định việc trưng thu đất đai của nông dân phải được trả với giá cao hiện đang gặp phải sự phản đối từ các chính quyền địa phương.

Theo ông Lê Lí Tinh (Li Lixing), giáo sư kinh tế tại đại học Bắc Kinh, sự phân giới địa lý, cấp các giấy tờ chứng nhận và khả năng chuyển nhượng quyền sử dụng trong một giai đoạn hạn chế là những bước quan trọng và mới mẻ cho nông dân. Ông nói : « Về mặt pháp lý, họ không được quyền bán, nhưng chỉ được cho thuê trong một khoảng thời gian tương đối dài ». Vì vậy, khả năng được chuyển nhượng dứt điểm quyền sử dụng đất hay được phép thế chấp vay ngân hàng chắc chắn giúp thúc đẩy nhanh hơn nữa làn sóng đổ về thành thị.

Trận cuồng phong « Haiyan » tàn phá nặng nề Philippines

Trận cuồng phong Haiyan quét qua Philippines và Việt Nam hồi cuối tuần qua cũng là chủ đề thời sự nóng trên các báo Pháp hôm nay. « Người dân Philippines kiệt quệ sau khi bão Haiyan tràn qua » là hàng tít nhận định trên trang nhất tờ Le Figaro. « Siêu bão tại Philippines : Thi thể rải rác khắp nơi », Libération đau buồn chạy tít. Hầu hết, các báo đều nhận định đây là trận cuồng phong dữ dội nhất Philippines phải hứng chịu trong năm 2013.

Báo Le Figaro đưa ra con số thống kê sơ bộ cụ thể 10 000 người đã bị thiệt mạng. Tại đảo Leyte, nơi bị thiệt hại nặng nhất, trận cuồng phong đã tàn phá hầu như 70 đến 80% khu vực. Theo các báo, đa số những người thiệt mạng là do nước dâng cao, cuốn trôi nhà cửa.

Hôm thứ Bảy vừa qua, bão Haiyan tràn qua Philippines với sức gió mạnh đến hơn 300km/giờ với đỉnh điểm lên đến gần 380km/giờ, gây ra những đợt sóng cao nhiều mét, kèm theo những trận mưa to như thác đổ tàn phá nặng nề khu vực miền trung Philippines. Nhiều nhân chứng mô tả với phóng viên tờ báo hiện tượng xảy ra giống như là một trận sóng thần, nhà cửa bị san bằng và hàng ngàn người bị chết trôi.

Sau trận bão, quang cảnh tại những nơi cơn bão đi qua thật thảm hại, « mọi thứ đều bị phá hủy, bị quét sạch như là những chiếc que diêm », theo như hàng tựa nhận định của tờ Libération trong mục Quốc tế. Tờ báo dành nhiều trang báo để đăng những tấm ảnh mô tả cảnh tượng đổ nát khủng khiếp : Nhà cửa bị đổ sập thành mảnh vụn, cây cối bị bật gốc, tàu bè bị hất văng sâu vào bờ hay xe cộ bị lật đổ nghiêng ngửa. Hệ thống viễn thông bị cắt đứt hoàn toàn. Còn theo mô tả của báo Le Monde tại đảo Leyte, thây người nằm rải rác khắp nơi trong sân bay, tại nhà thờ.

Các hình ảnh do các báo đăng cho thấy, những người sống sót lang thang trong đống đổ nát hy vọng tìm kiếm được người sống sót, hay thi thể người thân và chút tài sản, vật dụng còn sót lại. « Họ đi giống như là những đoàn âm binh đi tìm thức ăn. Cứ như là trong phim vậy đó ! », như mô tả của một nhân chứng với AFP, được Le Figaro trích lại.

Vấn đề cấp bách hiện nay làm thế nào tiếp tế lương thực và chỗ nương náu cho những người sống sót. Tại Philippines, những người làm công tác cứu hộ e ngại tình trạng bất ổn, nạn cướp bóc và bạo lực bắt đầu xảy ra. Bên cạnh đó, một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính phủ là làm sao khẩn cấp thu nhặt xác người để tránh một cuộc khủng hoảng vệ sinh nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của các báo, Philippines thường xuyên hứng chịu các trận thiên tai chết người. Mỗi năm quần đảo hứng chịu ít nhất 20 trận bão nhiệt đới. Báo Le Monde nhắc lại vào năm 2012, bão Bopha đã làm 2.000 người thuộc đảo Mindanao, Philippines thiệt mạng và mất tích.

Siêu bão : Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính ?

Bàn về nguyên nhân những trận cuồng phong ngày càng dữ dội, Libération cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự liên hệ giữa số vụ thiên tai gia tăng và hiện tượng hâm nóng khí hậu.

Theo giải thích của Phó Giám đốc nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC), ông Jean Jouzel, trong vòng ba thập niên nay, các trận thiên tai từ hiện tượng vòi rồng cho đến lũ lụt, liên tục xảy ra với một nhịp độ chưa từng thấy. Một nghiên cứu do nhà bảo hiểm Munich Re công bố năm 2012 cho thấy, trong cùng giai đoạn, số lượng thảm họa tăng gấp 5 lần tại Bắc Mỹ ; gấp 4 lần tại Châu Á ; 2,5 lần tại Châu Phi, 2 lần tại Châu Âu và 1,5 lần tại Nam Mỹ. Một chỉ số khác cho thấy có mối liên hệ đó, cường độ các trận bão và cuồng phong thường có liên quan đến nhiệt độ đại dương.

Libération còn trích một nghiên cứu của nhà khoa học Đan Mạch, quan sát các dữ liệu có được về nhiệt độ của Đại Tây Dương từ năm 1923 với những giai đoạn giông bão, kết quả cho thấy « trung bình những năm nóng được đánh dấu bằng những cơn bão mạnh hơn những năm lạnh, cho dù đó là loại bão nào ».

Pháp cứng rắn trên hồ sơ hạt nhân Iran

Đàm phán nhóm 5+1 tại Geneve, Thụy Sĩ về hồ sơ hạt nhân Iran tiếp tục hâm nóng các trang báo Pháp. « Các Bộ trưởng tựu về Geneve tìm kiếm một thỏa thuận về hạt nhân Iran », « Đối mặt với Iran, Pháp nhắc lại các yêu cầu của quốc tế về hạt nhân » là tựa đề trên Le Monde và Le Figaron. Còn Liberation thì chơi chữ, mỉa mai: « Khúc mắc hạt nhân giữa Iran và các cường quốc » nhưng cũng có nghĩa là « Tình cảm nồng nàn giữa Iran và các cường quốc ».

Theo các báo, cuộc họp giữa nhóm 5+1 (bao gồm Ngoại trưởng năm quốc gia trong Hội đồng Bảo an cộng thêm với Đức) với phía Iran về vấn đề hạt nhân đã kết thúc vào hôm thứ Sáu 08/11/2013 nhưng không thu được một kết quả nào. Trên thực tế, việc nối lại đàm phán về hồ sơ này đã được bắt đầu từ hồi trung tuần tháng 10. Những ngày gần đây, nhịp độ đàm phán dường như được tăng tốc, làm lóe lên hy vọng đạt được một thỏa thuận.

Tuy nhiên, cả ba tờ báo cùng cho biết Paris vẫn tỏ thái độ cứng rắn đối với Teheran. Theo đó, phía Pháp muốn Iran phải làm sáng tỏ ba điểm chính : Thứ nhất, việc xây dựng nhà máy nước nặng tại Arak, bị nghi ngờ có thể sản xuất chất plutonium có thể sử dụng cho vũ khí nguyên tử. Thứ hai, số phận của 186 ký uranium đã được làm giàu ở mức độ 20%. Cuối cùng, xu hướng làm giàu các chất uranium của Iran trong dài hạn.

Đây cũng chính là mấu chốt để khởi động các vòng đàm phán từ 10 năm nay. Thế nhưng, phía Iran luôn nhấn mạnh đến « quyền » làm giàu chất uranium vì mục đích dân sự. Cuối cùng, Libération, Le Monde và Le Figaro cùng nhận định rằng tiến trình đi đến một thỏa thuận cuối cùng sẽ còn dài và khó đoán trước được. Nhưng một thỏa thuận tạm thời dường như đang nằm trong tầm tay. Ba tờ báo cho hay vòng đàm phán sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 20 và 21/11 này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.