Vào nội dung chính
HÀN QUỐC

Cảnh sát Hàn Quốc truy lùng chủ nhân tàu Sewol

Hôm nay, 11/06/2014, khoảng 6 000 cảnh sát Hàn Quốc đã được huy động tới khám xét  một cơ sở của Hội thánh Tin lành, để truy lùng chủ nhân tàu Sewol, sau vụ đắm tàu hồi tháng Tư, làm hơn 300 người thiệt mạng. Vô tuyến truyền hình chiếu hình ảnh cảnh sát xông vào một cơ sở rộng lớn, thuộc sở hữu của Hội thánh Tin lành, ở tỉnh Anseong, cách Seoul khoảng 80 km về phía nam.

Trước áp lực của các gia đình nạn nhân và dư luận, Hàn Quốc truy nã chủ nhân tàu Sewol, để buộc ông phải ra toà - REUTERS /Yonhap
Trước áp lực của các gia đình nạn nhân và dư luận, Hàn Quốc truy nã chủ nhân tàu Sewol, để buộc ông phải ra toà - REUTERS /Yonhap
Quảng cáo

Nhân vật bị truy lùng là nhà tỷ phú Yoo Byung Eun, 72 tuổi, nắm quyền kiểm soát công ty Chonghaejin Marine, chủ nhân tàu Sewol. Ông cũng là một trong những lãnh đạo của Hội thánh Tin lành Hàn Quốc.

Các giới chức của Hội thánh Tin lành này khẳng định không có liên hệ gì tới nhà tỷ phú, nhưng các cựu tín đồ lại cho biết chính ông ta mới là người lãnh đạo thực sự.

Con gái nhà tỷ phú sống tại Paris, đã bị giam giữ từ ngày 27/05 vừa qua. Tư pháp của Pháp đang xem xét khả năng dẫn độ người này về Hàn Quốc.

Hôm qua, tư pháp Hàn Quốc đã tiến hành xét xử 15 người thuộc thủy thủ đoàn tàu Sewol.

Họ bị cáo buộc rời bỏ tàu khi bị nạn, trước khi các hành khách được cứu hộ. Bốn người trong số này bị cáo buộc « bất cẩn gây chết người », một tội danh có thể bị kết án tử hình.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tường trình :

« Đông đảo người thân gia đình các nạn nhân đã đến dự phiên tòa. Một người đã hét lên : Đồ sát nhân, khi viên thuyền trưởng Lee Joon Seok, 68 tuổi, hai tay bị còng, được đưa ra trước tòa. Vô tuyến truyền hình trên thế giới đã từng chiếu cảnh viên thuyền trưởng này, mặc quần đùi, rời bỏ tàu đang bị nạn. Khi xẩy ra tai nạn, chính ông ta đã ra lệnh cho hành khách phải ở trong các ca-bin.

Một luật sư của bị cáo đã bày tỏ mối lo ngại là phiên tòa có thể chịu tác động của công luận đang rất công phẫn. Chính bà Tổng thống Hàn Quốc cũng đã tố cáo thủy thủ đoàn là những kẻ giết người và phiên tòa đã được tổ chức một cách vội vã, trong lúc các thợ lặn vẫn tiếp tục tìm kiếm và đưa thi thể các nạn nhân ra khỏi chiếc tàu.

Thế nhưng, không chỉ có thủy thủ đoàn phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn thảm thương này. Công ty khai thác đã thay đổi kết cấu, làm cho con tàu suy yếu, không chắc chắn. Bên cạnh đó, công ty này hầu như không đầu tư bảo đảm an toàn và sử dụng các lao động thời vụ.

Cuối cùng là vấn đề tham nhũng của các cơ quan quản lý. Họ đã đồng ý cho con tàu chở quá tải và được phép khởi hành ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.