Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ

Người Ấn Độ rầm rộ xuống đường phản đối tệ nạn tham nhũng tràn lan

Lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ nay, nỗi bất bình trước nạn tham nhũng tràn lan đã thúc đẩy hàng chục ngàn người dân Ấn Độ xuống đường hôm qua 17/08/2011 tại New Delhi. Hầu như tất cả những người biểu tình đều có chung một khẩu hiệu thể hiện thái độ giận dữ : “Thôi ! Đủ rồi !”.

Hàng chục ngàn người biểu tình chống tham nhũng tại New Delhi ngày 17/08/2011.
Hàng chục ngàn người biểu tình chống tham nhũng tại New Delhi ngày 17/08/2011. Reuters
Quảng cáo

Theo ban tổ chức, cuộc biểu tình hôm qua tại New Delhi đã thu hút từ 60.000 đến 70.000 người tham dự. Trong bầu không khí của một ngày hội lớn, họ đã tuần hành trên đường phố, tiến về phía trung tâm thủ đô, tay phất cờ Ấn Độ, miệng hô vang các khẩu hiệu chống tham nhũng và phản đối Thủ tướng Manmohan Singh.

Những người xuống đường đã đáp ứng lời kêu gọi của ông Anna Hazare, 74 tuổi, một nhân vật triệt để đấu tranh chống tham nhũng. Là một người tôn sùng nhân vật Gandhi, ông Hazare mới đây đã thu hút sự chú ý của công luận khi quyết định tuyệt thực để gây áp lực lên chính quyền.

Vào lúc Quốc hội Ấn Độ đang xem xét dự thảo luật nhằm miễn cho Thủ tướng Chính phủ và các thẩm phán cao cấp khỏi bị tư pháp phiền hà trong trường hợp bị tình nghi tham nhũng, ông Hazare đã yêu cầu là văn kiện phải nghiêm khắc hơn.

Phải nói là trong thời gian qua, nội các của Thủ tướng Manmohan Singh đã bị vướng vào một loạt những tai tiếng tham nhũng hàng triệu đô la, dính líu đến nhiều quan chức chính phủ. Các vụ bế bối đã khiến người dân Ấn Độ hết sức bất bình. Tuy nhiên họ còn phẫn nộ hơn trước tệ nạn tham nhũng tràn lan, mà họ gọi là “văn hóa tham nhũng", một bệnh dịch trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, nhiều người tham gia cuộc biểu tình vào hôm qua ở New Delhi đã thú nhận là họ cảm thấy vừa xấu hổ, vừa tức giận, vì bị buộc phải hợp tác với một hệ thống mà họ không tài chống lại được.

Bà Anita Trehan, một phụ nữ trong doàn biểu tình, đã thừa nhận là bà đã phải hối lộ 20.000 rupee (khoảng 300 euro) để có giấy phép mở một thẩm mỹ viện. Theo bà, xã hội Ấn Độ rất tham nhũng : “Chúng tôi không hề sợ đưa hối lộ, và người được đề nghị không ngần ngại một chút nào để nhận của đút lót. Chúng tôi có lẽ nên phải xấu hổ về bản thân mình !”.

Anjali Yadav, một nữ sinh viên y khoa cũng nhắc lại kinh nghiệm bản thân là đã từng đưa tiền cho một công chức để được cấp giấy khai tử cho mẹ cô. Cô cũng nói lên tâm trạng xấu hổ khi phải đi hối lộ, nhưng cho rằng kể từ nay, cô sẽ kiên quyết đấu tranh chống nạn tham nhũng.

Hầu như người biểu tình nào tại thủ đô Ấn Độ vào hôm qua cũng đã phải đụng chạm đến vấn đề tham nhũng. Avantika Rohatgi, một nữ sinh viên mới 18 tuổi cho biết là cô đã bị buộc phải hối lộ để có được bằng lái xe, vì nếu không, cô sẽ không được gì cả. Đối với nữ sinh viên này, cần phải triệt tiêu loại “văn hóa tham nhũng” này, “ngay tại đây và ngay bây giờ !”

Bà Sandhya Yadav, một người nội trợ 54 tuổi, tham gia biểu tình với hai người con gái, cũng cùng một suy nghĩ : “Chúng tôi không thể lặng thinh được nữa !”. Một trong hai cô con gái của bà, dù đạt điểm tốt trong kỳ thi tuyển sinh, nhưng đã không vào được đại học chỉ vì “đã từ chối đút lót”.

Theo ghi nhận của hãng AFP, tại Ấn Độ, dù giàu hay nghèo, một người khó có thể có một đường điện thoại, một giấy phép kinh doanh, hoặc một lá thư thu nhận vào một trường học nếu không trả tiền hối lộ.

Có thể nói là tình trạng tham nhũng đang khiến cho người dân Ấn Độ “tức nước vỡ bờ”. Ngoài cuộc biểu tình rầm rộ chưa tùng thấy trong hàng chục năm nay ở New Delhi, nhiều cuộc xuống đường khác cũng diễn ra tại một số thành phố khác như Mumbai, thủ phủ kinh tế, hay Chennai, thành phố lớn ở phía Nam.

Nhiều người hy vọng rằng làn sóng chống tham nhũng bất ngờ dâng lên hiện nay sẽ có tác động thức tỉnh cả nước trước tệ nạn thâm căn cố đế này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.