Vào nội dung chính
PHÁP - GIÁN ĐIỆP CÔNG NGHỆ

Doanh nghiệp Pháp chậm trễ trong việc đối phó với nạn gián điệp công nghiệp

Đề tài gián điệp công nghiệp hôm nay được nhiều nhật báo tại Pháp quan tâm. Dưới tựa đề « Khi các doanh nghiệp làm công việc truy tìm gián điệp », Le Figaro mô tả những khó khăn của các doanh nghiệp Pháp trong việc đối phó với nạn gián điệp công nghiệp tràn lan. Hiện tại, các văn phòng tư vấn pháp lý lớn của Paris nhận được hàng núi hồ sơ. Trong số đó, khoảng ¼ liên quan đến các vụ gián điệp kinh tế.

Hãng sản xuất vỏ xe hơi Michelin, nạn nhân gián điệp công nghiệp năm 2010
Hãng sản xuất vỏ xe hơi Michelin, nạn nhân gián điệp công nghiệp năm 2010 Reuters)
Quảng cáo

Le Figaro thuật lại vụ gián điệp bị phát giác tại Michelin, hãng sản xuất lốp xe hàng đầu của Pháp. Một người phụ trách của hãng đã phải ra tòa, vì tội tìm cách bán các thông tin về thành phần hóa học của lốp xe cho Bridgestone, là một đối thủ cạnh tranh của hãng, với giá 115.000 euro. Một điều hy hữu đã xảy ra : chính Bridgestone đã thông báo lại tin này cho Michelin. Các nhân viên an ninh của Michelin đã giương bẫy và bắt được người đưa ra đề nghị bán thông tin kể trên. Tuy nhiên, theo Le Figaro, “kết thúc có hậu” vừa nêu chỉ là một ngoại lệ.

Để "tóm cổ" được thủ phạm, thông thường lãnh đạo các doanh nghiệp phải tự xắn tay vào việc, chứ không thể trông đợi ở các cơ quan điều tra của nhà nước. Phát hiện được thủ phạm chỉ là một chuyện, điều quan trọng nhất là phải đưa được thủ phạm vào chân tường, có nghĩa là có được các bằng chứng thuyết phục, theo đúng các quy định của pháp luật. Mà điều này là hết sức khó làm. Chính vì vậy, thông thường, đằng sau hoạt động của các luật sư, các doanh nghiệp thường nhờ đến sự can thiệp của các nhóm “tư nhân”, hoặc trực tiếp với danh xưng “thám tử tư”, hoặc dưới danh nghĩa các tổ chức “trí tuệ công nghiệp”.

Tuy nhiên, đây là một công việc hết sức tế nhị. Bởi, theo người phụ trách văn phòng tư vấn pháp lý Gide, không ranh giới rõ ràng giữa sự nghi ngờ và bằng chứng xác đáng. Việc áp dụng các biện pháp như : xem trộm máy tính của người bị tình nghi hay thu trộm các cuộc điện thoại, không phải là các biện pháp có thể được áp dụng dễ dàng.

Theo Le Figaro, bên cạnh các phương tiện kỹ thuật tân tiến, nhiều doanh nghiệp đã viện đến “các phương pháp cổ điển, nhưng hiệu quả”. Đây thường là công việc của bộ phận an ninh nội bộ của các doanh nghiệp. Các kỹ thuật cổ điển thường được sử dụng, ví dụ như, tìm ra một sợi tóc nằm kẹt trên cánh cửa hay ngăn kéo nhằm xác định lộ trình của nghi phạm, hoặc các trò đóng giả người đi tìm các thông tin quý. Một điều khá nghịch lý là, các công nghệ ngày càng tân kỳ, thì lại càng cần phải có những tiếp xúc trực tiếp với nghi phạm để xây dựng được các quan hệ. Phần thưởng lớn đối với những người điều tra thường là một bức ảnh, dùng để đưa ra ánh sáng quan hệ mờ ám giữa nghi phạm với người mua thông tin.

Nhìn chung, trong việc xây dựng hồ sơ về nghi phạm, giới điều tra tư nhân gặp phải nhiều cản trở. Ví dụ, trước khi xem xét ổ cứng máy tính của nghi phạm, họ phải nhận được sự chuẩn thuận của “thẩm phán”. Theo một luật sư, trong tất cả các cuộc điều tra tư nhân do chủ doanh nghiệp đề nghị, về mặt nguyên tắc, các thông tin nào được đưa vào mục “đời sống riêng tư” (chẳng hạn như : mục các hoạt động "trong kỳ nghỉ gia đình" đều không được cho phép động vào). Và cho dù các hồ sơ về nghi phạm có được chuẩn bị tốt, theo một chuyên gia, 80% các vụ kiện đã không bao giờ được đưa ra trước công lý. Phần lớn các nhân viên khi bị lộ tẩy đã lựa chọn giải pháp từ nhiệm, hơn là bị truy tố ra tòa.

Chính vì vậy, theo Le Figaro, giới doanh nghiệp tại Pháp đang ủng hộ cho việc ra đời một bộ luật bảo vệ bí mật kinh doanh, theo kiểu Mỹ, đặc biệt là các thông tin chiến lược về doanh nghiệp, như bí mật sản xuất, tài liệu thương mại, danh sách giá, hay các hồ sơ lưu trữ.... Một dự luật như vậy đã được một nhóm dân biểu đệ nạp vào đầu tháng Giêng, mấy ngày sau khi vụ tình nghi gián điệp tại hãng xe hơi Renault được công bố trước công luận.

Vụ tình nghi gián điệp tại Renault, một “chiêu lừa” để phục vụ mục tiêu thanh toán nội bộ ?

Trong lúc giới doanh nghiệp Pháp ngày càng quan tâm hơn đến việc đối phó với nạn gián điệp công nghiệp, vụ gián điệp tại Renault đang xoay chuyển sang một hướng khác. Libération số ra hôm nay cung cấp các thông tin mới về Renault. Ban lãnh đạo của công ty xe hơi đã có buổi làm việc tại Phủ Thủ tướng ngày thứ Hai đầu tuần này. Thông tin được đưa ra ngoài cho biết, nguyên nhân của vụ việc này có thể là do các đấu đá nội bộ trong hãng. Hai trong ba người bị tình nghi đã được chứng minh là vô tội, vì ngân hàng Thụy Sĩ cho biết, họ không sở hữu các tài khoản theo như cáo buộc.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Cuộc khủng hoảng Libya tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. « Làn sóng nhập cư : niềm hy vọng của những người Ả Rập và nỗi sợ của Châu Âu » là tựa đề chính trên trang nhất Le Monde. Tờ báo dành một hồ sơ cho cuộc điều tra độc lập để có thể đánh giá được mức độ của làn sóng người nhập cư vào Châu Âu. Trong khi đó, theo Libération về chủ đề « Làm thế nào để gạt được ông Kadhafi ra khỏi Libya », Châu Âu và Hoa Kỳ bị chia rẽ về các phương thức của một khả năng can thiệp quân sự nhằm chấm dứt thảm kịch hiện nay tại Libya. Le Figaro và La Croix theo sát các diễn biến tại chỗ. « Kadhafi đẩy nhanh Libya vào cuộc nội chiến » là hàng tựa của Le Figaro, còn theo La Croix, « Cuộc chiến đang tiến gần đến thành phố Benghazi, đại bản doanh của phe nổi dậy ».

Về thời sự nước Pháp, Les Echos quan tâm đến chủ trương của chính phủ xóa bỏ thuế ISF, tức sắc thuế đánh vào tài sản, đối với các tài sản có trị giá dưới 1,3 triệu euro. Quyết định này liên quan đến 300.000 người. Trong khi đó, tờ l’Humanité thì chỉ trích « Mối liên hệ nguy hiểm giữa đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia và đảng cầm quyền UMP ».

Việc đóng băng các tài sản của Libya hiện tại chưa đủ để ngăn chặn nguồn tài chính dồi dào của chế độ độc tài

Về cuộc khủng hoảng tại Libya hiện nay, mặc dù Hoa Kỳ và Châu Âu đã ra lệnh phong tỏa các tài sản của “thủ lĩnh” Kadhafi nhằm siết chặt hoàn toàn cơ sở tài chính của chế độ độc tài, chính quyền Libya vẫn chưa thực sự mất hết các nguồn lực kinh tế. Hiện tại, quyết định cấm chỉ liên quan đến cá nhân ông Kadhafi và 5 thành viên trong gia đình, tại Hoa Kỳ, hay 20 thành viên, theo quy định của Châu Âu, với tổng số tiền khoảng hàng chục tỷ euro. Tuy nhiên, khó mà tách biệt giữa tài sản của gia tộc Kadhafi và tài sản của quốc gia Libya.

Một nhà ngoại giao Châu Âu cho biết, Châu Âu đang có nỗ lực mở rộng lệnh phong tỏa sang tài sản của chế độ Libya, cụ thể là Libyan Investment Authority (LIA), có số tiền lên đến 51 tỷ euro (đứng thứ 12 trong số các quỹ quốc gia trên thế giới). Trên thực tế, Hoa Kỳ đã đưa ra lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của nhà nước Libya kể từ ngày 25/02. Dù sao, các nỗ lực này chỉ liên quan đến Hoa Kỳ và Châu Âu.

Libyan Investment Authority, Quỹ đặc biệt của nhà nước Libya, được quản lý như thế nào, là chủ đề của một hồ sơ được Le Monde đăng tải trong chuyên mục Quốc tế. Một chi tiết quan trọng được tờ báo nêu ra là một đầu mối chủ yếu của Quỹ đầu tư này nằm tại Rwanda, và từ Rwanda, tổ chức này bắt rễ sang các nước Châu Phi khác như Tanzania hay Ouganda.

Vẫn theo Libération, cộng đồng quốc tế vẫn chưa đưa ra quyết định về vấn đề này, trong khi đó, Kadhafi có rất nhiều đầu tư tại Châu Phi, và khó ai biết được nhà độc tài có những nguồn tài sản nào tại các “thiên đường thương mại”.

Bên cạnh đó, Libération cũng cho biết, Tripoli đầu tư đến 4 tỷ euro vào Ý. Hiện tại, chưa có ai đưa ra quyết định về các cổ phiếu của nhà độc tài. Ông Kadhafi hoàn toàn có khả năng bán tháo các cổ phiếu tại Ý để quy thành tiền mặt.

Ô nhiễm không khí tác hại rất lớn đến sức khỏe và tuổi thọ

Về môi trường và sức khỏe con người, hôm nay Le Monde công bố một nghiên cứu chưa từng được xuất bản cho thấy tác động của các phần tử rất nhỏ trong không khí đến sức khỏe và trị giá kinh tế của các ảnh hưởng này. Chương trình điều tra mang tên Aphekom, tập hợp khoảng 60 nhà nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu này trong ba năm liền tại 25 thành phố, thuộc 12 quốc gia vừa công bố kết quả ngày hôm qua. Theo kết quả nghiên cứu này, bất chấp các biện pháp khắc phục, ô nhiễm không khí là một vấn đề đáng quan ngại hàng đầu của ngành y tế công cộng tại Châu Âu.

Đối tượng của nghiên cứu này là tác động của các hạt bụi siêu siêu nhỏ với kích thước 2,5 micron (PM 2,5), có thể đi sâu vào cơ thể tác động đến hệ hô hấp và tim. Các hạt bụi siêu siêu nhỏ này, được thải ra quá nhiều từ xe chạy bằng diezel và các máy sưởi cá nhân hay tập thể, khiến tuổi thọ cư dân tại Bucarest giảm xuống trung bình 2 năm, hay tại Paris, trung bình là 6 tháng. Chỉ có tại Stockholm, không khí được coi là đạt chuẩn, không ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Một nội dung chính thứ hai của nghiên cứu kể trên là tác động của ô nhiễm đến các bệnh mãn tĩnh. Với mật độ xe cộ đi lại là 10.000 chiếc ngày (mật độ trung bình tại các thành phố lớn), ô nhiễm không khí được coi là thủ phạm của 15% bệnh hen đối với trẻ em, 23% bệnh viêm phế quản và 25% bệnh tim mạch với người già.

Theo các nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y tế The Lancet ngày 26/02 vừa qua, ô nhiễm không khí có hại nhiều hơn cả ma túy, rượu hay các hoạt động tình dục, thể thao quá mức.

Đây cũng là lần đầu tiên, một nghiên cứu đánh giá về tác hại của ô nhiễm về mặt kinh tế. Con số thiệt hại được bản báo cáo đưa ra là hơn 30 tỷ euro/năm. Việc đánh giá thiệt hại này được tính toán thông qua chi phí điều trị và các ngày người bệnh phải nghỉ.

Kết quả của nghiên cứu kể trên có thể buộc các cơ quan Châu Âu phải thay đổi những tiêu chuẩn về môi trường. Mức độ bụi trong không khí là 25 Microgram/mét khối, được ấn định vào năm 2015, được coi là quá cao, có thể sẽ phải giảm xuống, sau đợt đánh giá mới vào năm 2013. Để tham khảo, chúng ta biết, ở Hoa Kỳ, tiêu chuẩn này là 15 Microgram/mét khối, còn ở Úc là 10 microgram.

Le Monde kết luận : nghiên cứu này không chỉ liên quan đến các cơ quan nhà nước. Mỗi người đều có thể chú ý hơn một chút để giới hạn các tác động của các hạt bụi siêu siêu nhỏ trong không khí, bằng nhiều cách, như tránh xa các động cơ đang nổ những lúc xe dừng, không mở cửa vào giờ cao điểm, đi lại ở các đường phố ít phương tiện giao thông và sử dụng các phương tiện vận tải một cách hợp lý.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.