Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hungary: Fidesz xem thường giá trị tự do của châu Âu

Đăng ngày:

Trong vòng 6 tháng kể từ ngày 1/01/2011, Hungary làm chủ tịch luân lưu của Liên Hiệp Châu Âu nơi mà báo chí được xem như là "đệ tứ quyền" ngang tầm với hành pháp, lập pháp và tư pháp. Thế nhưng, ngày 1/1 cũng trùng hợp với ngày đạo luật mới về truyền thông tại Hungary bắt đầu có hiệu lực. Thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nước chủ tịch luân lưu của Liên hiệp châu Âu (AFP)
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nước chủ tịch luân lưu của Liên hiệp châu Âu (AFP)
Quảng cáo

Đạo luật mới về truyền thông tại Hungary bắt đầu có hiệu lực và gây phản đối từ trong cho đến ngoài nước. Đạo luật này do đảng Fidesz đề xuất và được liên minh các đảng cánh hữu bảo thủ và cực hữu chiếm đa số áp đảo tại quốc thông qua ngày 21/12/2010.

Hôm nay, thủ tướng Viktor Orban, chủ tịch luân lưu của Liên Hiệp Châu Âu dứt khoát bác bỏ những lời chỉ trích của các thủ đô Tây Âu từ Bruxelles cho đến Berlin và Paris. Hai đầu tàu của Liên hiệp châu Âu, kêu gọi Budapest phải sữa đổi luật báo chí sao cho phù hợp với giá trị tự do của Liên Hiệp Châu Âu mà Hungary là thành viên, đang được trợ giúp để nâng cao đời sống từ khi thoát khỏi vòng kềm tỏa của thời cộng sản cũ.

Thủ tướng Hungary và cũng là lãnh đạo đảng cánh hữu Fidesz lý giải rằng « Pháp và Đức không có quyền phê phán luật quốc gia của Hungary ». Ông cho là luật về báo chí của Hungary « cũng tương tự » với luật của hầu hết các thành viên khác. Dĩ nhiên, đây không phải là ý kiến của Tây Âu và báo chí Hungary. Luật này quy định các biện pháp trừng phạt đến 730.000 euro cơ quan truyền thông nào « vi phạm lợi ích chung » hay « thông tin thiếu khách quan ». Luật này còn cho phép cơ quan kiểm soát truyền thông ép buộc ký giả phải tiết lộ nguồn tin mà không cần chứng minh thông tin đó vi phạm pháp luật.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Hungary, đã hy sinh rất nhiều để tự giải phóng ra khỏi chế độ độc tài cộng sản, chỉ mới 20 năm lại ban hành một đạo luật hạn chế tự do như vậy ? Tại sao đảng Fidesz xuất phát từ tinh thần yêu chuộng tự do của một nhóm nhỏ thanh niên có học thức, đã góp phần mang lại dân chủ cho quê hương mình, nay lại đi theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa bảo thủ ?

Theo giới phân tích tại Budapest thì đạo luật phản tự do báo chí của Hungary có quan hệ nhân quả với xu hướng cánh hữu bảo thủ nếu không muốn nói là cực hữu của thời trước thế chiến thứ hai. Để tìm hiểu thêm, mời quý thính giả theo dõi phần phân tích của nhà báo Hoàng Nguyễn từ Budapest.

Sự hình thành của FIDESZ, đảng cầm quyền ở Hungary

Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ ra đời ngày 30/3/1988 với sự tham dự của 37 trí thức trẻ, được coi là lực lượng cấp tiến đương thời, trong đó có thủ lĩnh Orbán Viktor, hiện là thủ tướng Hungary. Trong vòng 2 năm đầu, tức là từ khi thành lập tới lúc Hungary tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội tự do đầu tiên vào năm 1990, FIDESZ được biết đến như một lực lượng trẻ, theo xu hướng tự do, cấp tiến, đoạn tuyệt với những khuynh hướng chính trị khác thời cộng sản.

Chủ trương một nhà nước pháp quyền, một nền dân chủ nghị trường, một phong cách chính trị không thể mua chuộc và sự đa dạng trong văn hóa, ngay từ khi ra đời, FIDESZ đã có ảnh hưởng và được sự ưa chuộng của cư dân Hungary. Trong các cuộc đàm phán Bàn tròn Dân tộc để thương lượng với chính quyền về giải pháp thay đổi thể chế chính trị tại Hungary, FIDESZ đã có 3 đại diện, trong đó có thủ lĩnh Orbán Viktor. Ngay trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên, đảng này đã có 22 dân biểu trong Quốc hội và đến năm 1992, FIDESZ gia nhập Quốc tế Tự do, quy tụ các đảng theo xu hướng tự do.

Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó trở đi, hai lãnh tụ sáng lâp của FIDESZ là Orbán Viktor và Kövér László dã đề xướng một lối đi mới cho đảng: từ bỏ xu hướng tự do, thực hiện “tập trung dân chủ” trong nội bộ đảng, chuyển sang hướng bảo thủ và cánh hữu. Sau những cuộc tranh luận gay gắt trong đảng, một thủ lĩnh khác của FIDESZ là Fodor Gábor đã cùng một nhóm các đồng sự có uy tín - vẫn muốn giữ tính chất tự do của đảng – đã rời FIDESZ gia nhập đảng khác.

Kể từ đó, FIDESZ trở thành một đảng trung hữu, rồi cánh hữu theo xu hướng bảo thủ. Năm 2000, FIDESZ rời Quốc tế Tự do để gia nhập Đảng Nhân dân Châu Âu và Liên minh Dân chủ Châu Âu, nơi quy tụ các đảng cánh hữu, bảo thủ.

Trong những năm sau, FIDESZ ngày càng thiên về những giá trị bảo thủ, tập trung những lực lượng, những tổ chức chính trị theo hướng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu. Tên đảng cũng được đổi thành FIDESZ – Liên minh Công dân Hungary, ám chỉ một phong trào quần chúng bảo thủ do thủ lĩnh Orbán Viktor khởi xướng, chủ trương đưa các vấn đề chính trị ra đường phố để gây sức ép với chính quyền.

Trong nội bộ đảng, bản Điều lệ mới của FIDESZ càng tạo điều kiện để hoạt động của đảng được tập trung vào Ban lãnh đạo thượng đỉnh và trong đó, Chủ tịch đảng có quyền tối thượng trong các quyết định nhân sự. Về nội trị, FIDESZ thường đưa ra những hứa hẹn, khẳng định mang tính dân túy tác động trực tiếp vào các cử tri, đưa ra hình ảnh một chính đảng dân tộc biết bảo vệ quyền lợi của công dân Hungary trước ảnh hưởng của nước ngoài, đặc biệt là ảnh hưởng của các công ty, tập đoàn đa quốc gia đối với nền kinh tế Hungary.

Đối với nhiều triệu người Hungary sinh sống tại các quốc gia lân cận, FIDESZ đưa ra lời hứa trao họ quyền song tịch một cách đương nhiên, và đã thực hiện lời hứa đó sau khi thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa xuân năm 2010. Những năm gần đây, đường lối chính trị của FIDESZ thích hợp để các xu hướng cánh hữu, thậm chí cực hữu nảy nở - những đảng phái, tổ chức này, trong những khoảng thời gian nhất định, đã song hành và có những điểm tương đồng trong quan điểm đối với FIDESZ.

Phải kể đến ở đây sự hiện diện của đảng cực hữu JOBBIK, đã thăng tiến mạnh mẽ trong vài năm qua và hiện có mặt trong Quốc hội Hungary, gây lo ngại cho các chính khádch Châu Âu với những tư tưởng cực đoan của họ. Ở những bước đi đầu và ngay cả trong quá trình phát triển, JOBBIk ít nhiều đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của FIDESZ.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, liên minh với Đảng Dân chủ Nhân dân Thiên Chúa giáo KDNP, liên danh FIDESZ – KDNP đã giành tới hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội Hungary, khiến nội các mới – trong thực tế - có thể thông qua bất cứ đạo luật nào, kể cả việc thay đổi Hiến pháp. Luật Truyền thông mới của Hungary đã ra đời trong bối cảnh đó…

Liên minh phe hữu - cực hữu nắm quyền tại Hungary

Trở lại vấn đề cánh hữu thắng thế tại Hungary, một nhà nghiên cứu xuất sắc của nước này, ông Ungváry Rudol đã có những nhận định chuẩn xác và sâu sắc.

- Tại Hungary, sau khi thay đổi thể chế cách đây hơn 20 năm, nước này không có một phe hữu bảo thủ, dân chủ theo nghĩa của Tây Âu, mà kỳ thực cánh hữu Hungary đã mang trong mình di sản của phe hữu Hungary trước năm 1945

- Cánh hữu Hungary hiện tại, cũng như ý thức hệ của nó, được đặc trưng bởi tính dân túy và chủ trương lập lại trật tự trong xã hội. Chính vì thế, nó đã đem lại cho đa số các giai tầng trong xã hội những gì mà họ đã không nhận được từ cánh tả.

- Đồng thời, tại Hungary, chưa hình thành một đa số dân chủ theo nghĩa của Tây Âu, để có thể cân bằng và trong trường hợp cần thiết, hạn chế chính trị và ý thức hệ cánh hữu một cách hiệu quả.

Những đặc tính nói trên của tình hình chính trị Hungary cho phép chúng ta đưa ra lời lý giải việc cánh hữu lên nắm quyền tại nước này. Hai thập niên sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, phe trung tả - tự do, vốn nhiều lần có cơ hội nắm quyền và có cơ hội tạo dựng được vị trí trong xã hội và trong thiện cảm các cử tri, nhưng đã thấy bại trong việc kiến tạo một nước Hung vững mạnh về kinh tế, ổn định trong đời sống chính trị và khiến người dân có thể an cư, lạc nghiệp.

Ngược lại, họ lại sa vào tham nhũng, gây ra nhiều bê bối lớn, khiến cử tri chán ngán và khiến cánh hữu có điều kiện tạo dựng ra hình ảnh rất xấu cho họ, như những hậu duệ của phe cộng sản một thời, nay thay hình đổi dạng để trục lợi và không nghĩ đến lợi ích người dân, đất nước.

Trong tình cảnh kinh tế Hungary sa sút rồi đi tới khủng hoảng, xã hội có nhiều biến động, người dân mất niềm tin trầm trọng vào những lời hứa và những biện pháp của các nội các xã hội, cánh hữu đã hoạt động hiệu quả khi hướng người dân vào những lời hứa như sẽ lập tại trật tự, ổn định xã hội, sẽ cân bằng lợi ích của cư dân và tư bản nước ngoài, v.v…

FIDESZ đã nhiều lần bay tỏ quan điểm về một nước Hungary cứng cỏi, không mù quáng chạy theo Liên hiệp Châu Âu mà bỏ qua lợi ích của đất nước và dân tộc, không lùi bước trước những ý kiến của ngoại quốc. Về đối nội, họ hứa hẹn sẽ nghiêm khắc trừng phạt giới chính khách tham nhũng, trục lợi - những phần tử mà họ coi là thoát thai từ chế độ cộng sản cũ -, và trước mắt, sự tác động theo hướng đó vào tâm tư, tình cảm và cả lý trí của cử tri đã khiến họ đại thắng trước một phe tả - Đảng Xã hội – yếu ớt, gặp đầy sai lầm và đã hoàn toàn đánh mất lòng tin của người dân.

Bối cảnh ra đời của Luật Truyền thông mới

Luật Truyền thông mới chỉ là một phần của cái gọi là Hiến pháp Truyền thông, mà sự chuẩn bị, bàn thảo về nó đã diễn ra từ khoảng 1,5 năm nay, từ khi FIDESZ chưa lên nắm quyền. Xuất phát từ một nhu cầu có thể coi là chính đáng – đưa ra sự thống nhất trong công tác quản lý đối với tất cả các phương tiện truyền thông, các nhà cung cấp nội dung và dịch vụ truyền thông – kể từ khi còn trên cương vị một đảng đối lập lớn nhất, FIDESZ đã đê xuất và ráo riết thực hiện ý định của mình, là xóa bỏ những điều luật cũ, bị coi là đã lỗi thường, lạc hậu, để đưa ra một chuỗi các luật mới được coi là “theo tinh thần Châu Âu”.

Từng bước một, đề án quản lý truyền thông theo hướng “tuyên huấn” của chính phủ mới được đưa vào phê chuẩn và thông qua trong Quốc hội, với những mục đích bề ngoài rất hữu lý, như bảo vệ thanh, thiếu niên trước ảnh hưởng xấu của truyền thông, để truyền thông phục vụ những lợi ích quốc gia một cách không thiên kiến, cân bằng, để công tác quản lý về kinh tế, tài chính và nội dung được đồng bộ, thống nhất.

Kết quả là sau nhiều bước, kể từ mùa hè năm ngoái đến hạ tuần tháng 12 vừa qua, FIDESZ đã thành công trong việc áp đặt và tạo dựng một đạo luật Truyền thông theo hướng siết chặt tự do báo chí ở mức khủng khiếp tại Châu Âu, theo nhận định của các bình luận viên trong và ngoài nước.

Lý do ở đây, có thể là bởi FIDESZ ý thức được sức mạnh ghê gớm của truyền thông và công luận Hungary trong những biến cố dân chủ ở nước này, và trong cả những sự kiện diễn ra vài năm trở lại đây, mà chính FIDESZ đã tận dụng để “hạ” nội các xã hội, khi phe này phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong đường lối và cách hành xử với cư dân.

Và do đó, tận dụng ưu thế áp đảo trong Quốc hội, FIDESZ đã đưa ra những điều luật để vô hiệu hóa tự do ngôn luận, tự do báo chí trong thực tế, khiến việc phê phán hoặc đưa ra những nhận định bất lợi cho chính quyền trên bất cứ phương tiện truyền thông nào – như đài, báo, truyền hình, thậm chí cả blog - có thể dễ dàng bị quy chụp và trừng phạt bằng công cụ của pháp luật.

Về mặt tổ chức, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông bị đặt dưới sự quản lý, thậm chí theo dõi gắt gao của một Hội đồng Truyền thông, mà tất cả các thành viên đều là người do FIDESZ cắt cử. Hội đồng Truyền thông còn được trao một quyền lực gần như vô biên trong việc giám sát truyền hông, và quyết định sự sống còn của các cơ quan truyền thông.

Hình phạt được đưa ra trong luật để nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, là phạt tiền ở mức độ rất lớn – có thể khiến một tờ báo, một kêng truyền hình, và cả những cá nhân tham gia dịch vụ truyền thông phải phá sản - đối với những sự vi phạm mà bản chất của nó rất phụ thuộc vào những góc nhìn khác nhau, không thể lường được. Theo nhận xét của truyền thông nước này, như vậy, luôn có một thanh gươm lơ lửng trên đầu mọi ký giả khi họ tác nghiệp, đặc biệt là tác nghiệp trong những đề tài chính trị nhạy cảm.

Mặt khác, luật mới còn đưa ra những hạn chế, những hạn ngạch về nội dung truyền thông, khiến giới truyền thông cho rằng họ bị can thiệp quá sâu vào những gì họ làm, để tất cả thế giới truyền thông có thể mang màu sắc như một cơ quan tuyên huấn, nếu thực hiện mọi điều khoản của Luật Truyền thông. Những người phản đối và phê phán Luật Truyền thông còn nghĩ tới những khả năng cực đoan khác của luật, như Hội đồng Truyền thông có thể buộc các blogger phải đăng ký, hoặc có thể cử nhân viên xộc vào các tòa soạn báo để kiểm tra, hoặc có thể nhìn ngó vào ghi chép của giới ký giả.

Phản ứng của giới truyền thông Hungary

Ngay trước ngày Luật Truyền thông được thông qua, đã có gần 1.500 người tụ tập tại quảng trường Tự do ở thủ đô Budapest (nơi tọa lạc trụ sở của Đài Truyền hình Hungary) để biểu tình phản đối. Những người biểu tình đã yêu cầu các chính khách không tham gia cuộc xuống đường này để đảm báo tính trọng sạch của nó. Đa số những ý kiến phê phán đều cho rằng, các luật mới về truyền thông có nhiều điểm vi phạm Hiến pháp, hạn chế nặng nề quyền tự do ngôn luận và báo chí, đồng thời, cho thấy sự thiếu vắng hoàn toàn những hiểu biết về các mối quan hệ truyền thông thời hiện đại.

Như thế, luật truyền thông mới có thể khiến giới ký giả tự kiểm duyệt vì luôn lo sợ bị trừng phạt và trong thực tế, người cầm bút đã bị bịt miệng. Đây cũng là quan điểm của nhiều nhân vật trong giới truyền thông Hungary, đã lên tiếng phản đối một cách ngoạn mục trong những ngày sau khi Đạo luật Truyền thông được thông qua.

Trong số báo đầu tiên của năm mới, hai tờ nhật báo lớn nhất của Hungary là “Tự do Nhân dân” và “Tiếng Dân” đã để cả trang đầu để đưa nội dung phản đối Luật Truyền thông mới. Đặc biệt, “Tự do Nhân dân” dành toàn bộ trang đầu để đưa lời cảnh báo “Tự do báo chí đã chấm dứt tại Hungary” viết bằng 23 ngôn ngữ chính thức của Liên hiệp Châu Âu.

Cho dù chính phủ Hungary đã nhiều lần tuyên bố họ không hề có ý sửa đổi luật mới dưới sức ép của dư luận ngoại quốc, nhưng có thể trước sau họ cũng phải có những nhượng bộ nhất định nếu Tòa án Hiến pháp Hungary lên tiếng.

Bởi lẽ, nhiều chính đảng ở nước này – như đảng Chính trị có thể khác LMP, Đảng Xã hội MSZP, Đảng cực đoan JOBBIK, cùng nhiều cơ quan truyền thông và tổ chức dân sự đã có những biện pháp yêu cầu Tòa án Hiến pháp phải lý giải xem, một số điểm trong luật mới có hợp hiến hay không.

Những hành động gây sức ép của xã hội dân sự cũng được tiến hành. Ban tổ chức cuộc biểu tình vào tháng 12 qua cho biết, vào ngày 14/1 tới, họ sẽ tiếp tục biểu tình trước Nhà Quốc hội đòi thu hồi cái mà họ gọi là “đạo luật kiểm duyệt”. Hiện tại, đã có chừng 1.500 người đăng ký tham dự cuộc tuần hành.

Một nhóm sinh viên đại học đã khởi xướng phong trào “Một triệu người vì tự do báo chí” trên mạng xã hội Facebook, cho đến nay đã có hơn 50 ngàn người tham dự. trong những ngày qua, dân Hungary còn cổ vũ nhau lan truyền một thông điệp qua điện thoại với nội dung: “Vô cùng thương tiếc tự do báo chí và tự do ngôn luận, đã qua đời ở tuổi 21. Chúng tôi tin chắc rằng chúng sẽ phục sinh”.

Như xã luận của nhật báo “Tự do Nhân dân” chia sẻ: với việc đưa vào thực thi Luật Truyền thông mới từ đầu năm nay, tự do báo chí đã cáo chung tại Hungary và đây là một khẳng định vô cùng nghiêm trọng mà trong 20 năm qua, tờ báo chưa bao giờ đưa ra. Việc để cả trang đầu tiên để đăng tải lời cảnh báo bằng 23 thứ tiếng cũng là một hình thức phản đối mà tòa soạn báo chưa bao giờ lựa chọn.

Tuy nhiên, như tờ báo nhấn mạnh, cho dù tự do báo chí đã chấm dứt tại Hungary, nhưng chính quyền không bao giờ có thể hủy diệt được quyền tự do đó !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.