Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Quyền phủ quyết của Nga: « Tương lai nghiệt ngã » cho lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên

Đăng ngày:

Ngày 28/03/2024, Nga, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đã phủ quyết việc triển hạn công tác của ủy ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, có nhiệm vụ giám sát các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Trong cuộc bỏ phiếu này, Trung Quốc đã vắng mặt. Theo nhiều nhà phân tích, sự việc dự báo một tương lai « đen tối » cho việc thực thi các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin  tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Vostochny, miền Viễn Đông Nga, ngày 13/09/2023.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Vostochny, miền Viễn Đông Nga, ngày 13/09/2023. AP
Quảng cáo

Chuyện gì đã xảy ra ?

Từ năm 2006, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ban hành các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên do nước này vẫn tiền hành các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Những biện pháp đó đã được siết chặt hơn vào năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân lần thứ hai vào năm 2009, một nhóm chuyên gia đã được thành lập – với sự hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc – để giám sát và báo cáo mọi hành động vi phạm lệnh cấm vận của Bắc Triều Tiên.

Theo thông lệ, nhiệm vụ của hội đồng chuyên gia này hết hạn vào cuối tháng Tư hàng năm và năm nay, Nga đã dùng quyền phủ quyết, ngăn chặn việc triển hạn. Trung Quốc, đồng minh quân sự duy nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên, đã bỏ phiếu trắng. Bắc Kinh và Matxcơva một mặt phủ nhận vi phạm các lệnh trừng phạt, mặt khác ủng hộ việc dỡ bỏ một số lệnh cấm hiện có đối với Bình Nhưỡng, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây đã làm trầm trọng thêm các căng thẳng.

Theo AFP, Nga đã hành động như vậy vào lúc, đầu tháng 3/2024, trong một báo cáo dài 600 trang, ủy ban chuyên gia nhấn mạnh rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục « vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An », khi phát triển chương trình hạt nhân, thử nghiệm tên lửa đạn đạo, vi phạm các biện pháp trừng phạt hàng hải và các hạn chế nhập khẩu dầu lửa. Ngoài ra, ủy ban chuyên gia cho biết họ đang điều tra các cáo buộc về việc chuyển giao vũ khí giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng, vi phạm các lệnh cấm vận. Mỹ và Hàn Quốc khẳng định Bắc Triều Tiên đã vận chuyển một lượng lớn vũ khí đến Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraina.

Vì sao Nga phủ quyết ?

Hành động này của Nga đã bị các nước phương Tây đồng loạt lên án là có nguy cơ gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho việc « thực thi các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và đối phó với những hành động gây bất ổn » của Bình Nhưỡng, đồng thời « đe dọa đến cơ chế chống phổ biến hạt nhân » của quốc tế.

Đại sứ Hàn Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc Hwang Joon Kook đã có những chỉ trích mạnh mẽ, ví quyền phủ quyết của Nga với việc « phá hủy một camera giám sát để tránh bị bắt quả tang ». Sự việc cũng khiến Seoul thất vọng và cảm thấy « toát mồ hôi lạnh, vốn dĩ hy vọng vào khả năng hợp tác nhiều hơn một chút từ phía Matxcơva và Bắc Kinh », theo như quan sát từ nhà địa chính trị học Olivier Guillard với RFI Tiếng Pháp.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh những năm gần đây Matxcơva và Bình Nhưỡng tỏ dấu hiệu xích lại gần nhau hơn, nhất là từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt vì cuộc chiến xâm lược Ukraina. Một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là cách Nga phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga thông qua Bắc Triều Tiên.

Trước các chỉ trích từ Mỹ và các nước đồng minh, đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đã phản bác, cáo buộc « công việc của hội đồng này ngày càng bị biến thành một công cụ có lợi cho cách tiếp cận của phương Tây », bằng cách « đưa lại các thông tin sai lệch, phân tích các tiêu đề báo chí cũng như hình ảnh kém chất lượng ».

Thế nhưng, theo những người ủng hộ việc duy trì ủy ban chuyên gia, chính Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn hay tìm cách che giấu những phát hiện bất lợi. Một cựu thành viên cấp cao, xin ẩn danh với Reuters vì tính chất nhạy cảm ngoại giao, cho biết :

« Báo cáo mới nhất rất thú vị, bởi vì tuy chúng đi sâu vào một số chi tiết hữu ích về tài chính và lao động ở nước ngoài, Trung Quốc hầu như không được đề cập đến. Nếu quý vị đang nói về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt mà không nhắc đến Trung Quốc, thì điều đó thực sự không phải là sự phản ảnh đủ mức chính xác về những gì đang thực sự diễn ra. »

Hồi kết cho cơ chế giám sát trừng phạt ?

Cũng theo cựu thành viên này, các báo cáo của ủy ban tuy giống như một bản tóm tắt toàn diện, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong một câu đố lớn hơn, thường bị bỏ sót một số phần quan trọng nhất.

Trả lời AFP, Yu Hwan Koh, cựu chủ tịch Viện Thống Nhất Quốc Gia Hàn Quốc, nhận xét : « Có thể nói Nga đã tỏ ra sẵn sàng dành cho Bắc Triều Tiên một số phạm vi hoạt động nhất định khi thực thi quyền phủ quyết về các lệnh trừng phạt ở cấp độ Liên Hiệp Quốc. Nga và Bắc Triều Tiên hợp tác bởi sự cần thiết, bằng cách trao đổi một sự hợp tác quân sự và hỗ trợ kinh tế mà Bắc Triều Tiên đang cần. »

Phải chăng lá phiếu phủ quyết của Nga đã đặt dấu chấm hết cho cơ chế trừng phạt Bắc Triều Tiên ? Nhà địa chính trị học, Olivier Guillard, trả lời RFI Pháp ngữ, tin rằng quyết định này của Nga chưa hẳn là hồi kết cho cơ chế giám sát thực thi lệnh trừng phạt: « Trong một chừng mực nào đó, cơ chế này vẫn sẽ tồn tại, mọi thứ sẽ không bị dỡ bỏ. Ngược lại, điều hiển nhiên là người ta phải chấp nhận một thực tế : Bắc Triều Tiên đã thuyết phục được Nga ít chú ý hơn đến cơ chế này và nhất là đến Bình Nhưỡng ».

Đương nhiên, việc cơ chế giám sát bị giải thể có thể dẫn đến một sự hợp tác ba bên chặt chẽ hơn giữa Mỹ – Nhật – Hàn. Các bằng chứng về vi phạm lệnh trừng phạt vẫn có thể được công bố ra công chúng. Hugh Griffiths, cựu giám đốc ủy ban chuyên gia và hiện là cố vấn về các lệnh trừng phạt, nhận định với Reuters rằng « các ngân hàng và công ty bảo hiểm trên thế giới vẫn dựa vào các báo cáo độc lập để phong tỏa các tài khoản có liên quan đến mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt của Triều Tiên ở nước ngoài, nên các báo cáo của cơ chế này vẫn tiếp tục được công bố. »

Tương lai « đen tối » cho việc thực thi lệnh trừng phạt ?

Vẫn theo Hugh Griffiths, quyền phủ quyết của Nga cho thấy Matxcơva không muốn việc mua trái phép tên lửa đạn đạo và đạn pháo của Bắc Triều Tiên bị một cơ quan của Hội Đồng Bảo An báo cáo. Điều này cũng có nghĩa là « Vladimir Putin sẽ tăng cường hợp tác về tên lửa đạn đạo và phá bỏ lệnh cấm vận đối với chế độ Bình Nhưỡng ».

Hành động này của Nga đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cơ chế trừng phạt Bắc Triều Tiên. Kể từ giờ sẽ không có lệnh trừng phạt mới nào ở cấp độ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong môi trường địa chính trị hiện tại. Gánh nặng cũng sẽ gia tăng cho những nước nào phải thực thi lệnh trừng phạt, cụ thể là Mỹ và các nước đồng minh.

Về điểm này, ông Yu Hwan Koh giải thích thêm với AFP: « Các nước khác nhau có nghĩa vụ phải tuân thủ nghị quyết liên quan đến lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên, vì vậy có thể nói rằng bản thân các lệnh trừng phạt vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, sẽ khó có thể xác nhận những lệnh trừng phạt đó được thực hiện một cách trung thực. »

Quyền phủ quyết của Nga rõ ràng đã mang đến cho Bình Nhưỡng những lợi ích ngoại giao hiếm có, một tín hiệu mạnh mẽ cho lãnh đạo Kim Jong Un, theo như phân tích của chuyên gia Olivier Guillard với RFI Tiếng Pháp :

« Tại Bình Nhưỡng, họ chắc chắn cảm thấy có thể tuyên bố "chúng ta sẽ có thể tiếp tục làm ăn với chế độ Nga", cụ thể là trao đổi hay gởi hàng ngàn, hàng chục ngàn container vũ khí, đạn dược cho quân đội Nga. Đổi lại, họ sẽ có được kỹ nghệ đạn đạo hay những kỹ thuật tiên tiến để mà Bình Nhưỡng có thể tiếp tục theo đuổi cuộc chạy đua điên cuồng về tên lửa đạn đạo và hạt nhân ».

Tập Cận Bình và nỗi lo về quan hệ Nga – Triều

Bài phân tích trên trang Nikkei Asia (04/04/2024) còn chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa Vladimir Putin và Kim Jong Un không chỉ mang tính chất giao dịch, mà còn là một mệnh lệnh chiến lược rõ ràng để hợp tác cùng nhau. Ở cấp độ vĩ mô, hai quốc gia này cùng với Trung Quốc và Iran tìm cách tạo ra một khối chính trị, kinh tế và an ninh, thay thế cho trật tự tự do, dựa trên những luật lệ, do phương Tây lãnh đạo. Việc Bắc Triều Tiên và Nga nằm trong số những quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất, đã tạo thêm một lô-gic cho sự hợp tác của đôi bên.

Ngoài ra, còn có một số lợi ích địa chiến lược không thể phủ nhận đối với Bắc Triều Tiên trong việc giữ chân Hoa Kỳ sa lầy ở Ukraina, trong khi Bình Nhưỡng thu hút sự chú ý bằng cách chế tạo tên lửa và các chương trình hạt nhân. Tương tự, Matxcơva có lợi trong việc khiến Washington phải lo lắng về tình hình bán đảo Triều Tiên nhằm giảm bớt sự tập trung chặt chẽ của Mỹ tại Ukraina. Có thể nói, quỹ đạo hiện tại của mối quan hệ Nga – Triều là hoàn toàn bất lợi cho Mỹ và các đồng minh.

Dù vậy, Nikkei Asia vẫn có chút lạc quan tin rằng, trong ván cờ này, Washington chưa hẳn là mất tất cả. Trong mối quan hệ phiêu lưu này với Bình Nhưỡng, dường như tổng thống Nga cũng phải cẩn trọng  trong việc hỗ trợ chế tạo vũ khí cho chế độ Kim Jong Un, đặc biệt là trong lĩnh vực hạt nhân, e ngại rằng ông có thể vô tình chọc tức Tập Cận Bình, vốn dĩ chỉ muốn hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.

Điều này giải thích vì sao cho đến nay, Tập Cận Bình vẫn do dự trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự đáng kể cho Nga tại Ukraina và tránh ủng hộ các chương trình hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Thế nên, theo báo Pháp Le Figaro ngày 02/04/2024, Tập Cận Bình trong chiến lược cường quốc hòa bình của ông đang theo dõi sát mối quan hệ ngoại giao và những lời đồn thổi về cuộc gặp thượng đỉnh Vladimir Putin – Kim Jong Un. Tờ báo đặt câu hỏi : « Liệu Vladimir Putin có sẽ đến Bắc Kinh trước khi đến Bình Nhưỡng hay không ? »

Về phần mình, Kim Jong Un phải phân bổ số đạn dược gởi đến Nga để bảo đảm năng lực quân sự sẵn sàng chiến đấu với Hàn Quốc và Mỹ nếu có xảy ra xung đột.

Do đó, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Bắc Triều Tiên khó có thể mang tính quyết định đối với cả hai bên. Tuy nhiên, vào thời điểm này, cùng với quyền phủ quyết của Nga, bất kỳ tiến bộ công nghệ nào trong chương trình quân sự của Bắc Triều Tiên đều gây lo ngại, Nikkei Asia kết luận.

(Nguồn AFP, Reuters, Nikkei Asia và RFI)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.