Vào nội dung chính
AI CẬP

Quân đội đóng vai trò thiết yếu trong thời hậu Mubarak

Báo giới Pháp hôm nay tiếp tục bám sát tình hình Ai Cập, dành trang nhất cũng như nhiều trang trong và bài xã luận cho những chuyển biến mới nhất. Hầu hết đều đăng như cùng một ảnh trên trang nhất : cảnh đông nghẹt người biểu tình ở quảng trường Tahrir, trung tâm Cairo hôm qua. Phần nhận định tuy nhiên nêu bật những khiá cạnh khác nhau.

Một người dân Cairo nhìn từ ban công cuộc biểu tình tại quãng trường Tahrir (©Reuters)
Một người dân Cairo nhìn từ ban công cuộc biểu tình tại quãng trường Tahrir (©Reuters)
Quảng cáo

Libération tỏ vẻ nể phục trước một ‘Ai Cập bất khuất’ và nhắc lại rằng gần 2 triệu người đã biểu tình trong trật tự, bình tĩnh, để đòi Mubarak ra đi. Ở trang trong tờ báo chạy tựa lớn : ‘Ai cập đã lấy lại niềm tự hào’, và đăng một số ảnh chụp đàn ông, phụ nữ, thanh niên, bên cạnh nhau. Tong lời chú thích, Liberation dịch khẩu hiệu của họ : ‘Mubarak, có điên không, Ả rập Xê út đang chờ đấy’. 

Nhưng tổng thống Ai Cập chưa vội ra đi. Tối qua, ông chỉ thông báo là sẽ không ra tái ứng cử và chuẩn bị thời kỳ chuyển tiếp, cho nên Le Figaro tỏ vẻ không hài lòng cho là ông ‘Moubarak vẫn bám trụ’. La Croix cũng như Les Echos ngược lại thì nhìn thấy thời hậu Moubarak đã ló dạng : ‘Ai Cập chuẩn bị thời hậu Mubarak’ tít lớn của La Croix, còn đối với Les Echos : ‘Thời kỳ chuyển tiếp đã điểm’. Les Echos nhắc lời cam kết của ông Mubarak, ‘đảm bảo giai đoạn chuyển tiếp hoà bình cho đến cuộc bầu cử tổng thống mà tất cả các lực lượng chính trị Ai Cập có thể tham gia.’ 

Ở các trang trong, các báo trước tiên nhấn mạnh đến cảm nhận tự do của người Ai Cập : l’Humanité nhìn thấy không khí tự do phảng phất trên thủ đô Cairo, La Croix trích thành tựa câu nói của một cô sinh viên : « Bây giờ tôi có thể nói những gì mình nghĩ ». 

Libération trong bài xã luận không che dấu lòng thán phục trước cuộc biểu tình tập hợp cả triệu người, nhưng không bạo động, không một sự cố đáng tiếc nào, không đàn áp của cảnh sát. Đây là một hành vi dân chủ trong một đất nước chưa dân chủ. 

Nhưng bên cạnh đó điểm làm báo giới thắc mắc và tìm hiểu là thái độ cũng như tính toán của quân đội Ai Cập mà như Le Monde nêu bật trong hàng tựa trang nhất : « Quân đội, trọng tài cuộc nổi dậy ở Ai Cập ». Tờ báo nhắc lại là quân đội từng đánh giá đòi hỏi của dân chúng là ‘chính đáng’. 

Libération cũng nhấn mạnh trên thái độ đồng cảm của binh lính với dân chúng xuống đường. Tờ La Croix trong bài xã luận nhận thấy là sở dĩ dân chúng đã xuống đường như vừa qua, trong không khí vừa hân hoan, vừa tức giận, để đòi Mubarak từ chức, đó là vì họ cảm thấy như là được quân đội che chở, bảo vệ. Theo La Croix khi tuyên bố là họ không sử dụng sức mạnh, và nguyện vọng ngưòi biểu tình là ‘chính đáng’, quân đội như đã khuyến khích dân chúng xuống đường, và tham gia việc kêu gọi thay đổi.

Tuy nhiên tờ báo nhận thấy quân đội vẫn không nêu quan điểm rõ ràng. Họ cho thấy sự thông cảm với nỗi tức giận của người dân, nhưng đồng thời không thể hậu thuẫn cho sự thay đổi chế độ hoàn toàn ở Ai Cập, vì họ là nền tảng của chế độ hiện hữu. La Croix nhắc lại là từ khi chế độ quân chủ bị quân đội lật đổ năm 1952, thì 4 tướng lãnh đã kế tiếp nhau đứng đầu nhà nước : Mohammed Naguib, Gamal Abdel Naser, Anouar El Sadate, và Hosni Mubarak. 

Tờ Le Figaro, phỏng vấn một chuyên gia về Ai Cập, bà Sophie Pommier, đưa ra một giải thích đơn giản : « Quân đội chỉ bỏ rơi ông Mubarak để cứu vãn chế độ mà thôi ». 

Tờ báo còn nhìn thấy : Quân đội là thành trì cuối cùng của chế độ hiện hữu ở Ai Cập nhưng cũng là cứu tinh của người dân. Trong tình hinh nóng bỏng mấy ngày qua, họ đã biết củng cố lập trường của dân chúng. Hiện nay, theo Le Figaro, tổng tư lệnh quân đội, tướng Sami Annam, đươc xem như một gương mặt khả dĩ có thể thay thế ông Moubarak, viễn ảnh này được tổ chức Huynh Đệ Hòi giáo tán đồng. 

Ai Cập từng được xem là chàng khổng lồ Cận Đông, cho nên nhũng gì xẩy ra tại đây đều có tác động trong khu vực : các báo hôm nay nêu bật hệ quả đối với từ Jordan, cho đến Syria. Quốc vưong Jordanie nhượng bộ đường phố và vừa cách chức thủ tướng không được lòng dân hầu hầu ngăn chặn phong trào phản đối bùng lên to hơn. Dân chúng Syria cũng sẽ xuống đường thứ sáu tới đây, tố cáo chế độ độc tài, tham nhũng. 

Không chỉ các nước trong khu vực, Libération và La Croix còn nhìn thấy là tận bên Châu Á, một nước khác cũng đang lo ngại hiện tương ‘ví rút nổi dậy lan sang mình’, tít của Libération. Đó là Trung Quốc, mà theo tờ báo cũng mắc phải những chứng bệnh như Ai Cập : tham nhũng, bất công, thiếu tự do. Cho nên Bắc Kinh đã kiểm duyệt những thông tin về cuộc nổi dậy của người Ả Rập. 

Nói đến các sự cố, giới truyền thông Trung Quốc chỉ đưa lại những thông cáo của chính quyền Ai Cập, hoặc chỉ đưa lời khuyên công dân Trung Quốc tại chỗ là nên rời khỏi Ai Cập, vì tình hình ‘bất thường’. Trên Internet, dĩ nhiên là từ Ai Cập bị kiểm duyệt. 

Thế nhưng Libération nhận thấy là chính quyền Bắc Kinh không bưng bít được hoàn toàn thông tin. Nhờ sự chểnh mảng của hàng chục ngàn viên chức đặt trách việc kiểm duyệt, những người truy cập đã cố len qua các kẻ hở của bức tường lửa, hình ảnh ở Ai Cập trong mấy tiếng đồng hồ được sao chép, bình luận và gởi đi đến hàng ngàn lần.  

Nhật Bản bị khủng hoảng chính trị đe doạ  

Tờ Le Monde hôm nay còn chú ý đến một đất nước khác mà ‘chính quyền cũng bị khủng hoảng chính trị đe doạ’ : đó là Nhật Bản. Nguyên nhân đươc Le Monde nêu bật là việc cựu chủ tịch đảng Dân Chủ, ông Ozawa bị truy tố hôm thứ hai 31/01. Sự kiện này có nguy cơ gây chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền, trong lúc mà chính phủ đang tìm kiếm hậu thuẫn rộng rãi để nhiều đề án được thông qua. 

Ông Ozawa bị dính vào một vụ tình nghi tài trợ bất chính, một khoản tiền tương đương với 3,6 triệu euro, liên quan đến vụ mua đất ở Tokyo vào năm 2004. Ông Ozawa vẫn khẳng định ông hoàn toàn vô can. 

Theo Le Monde, ông Ozawa không còn được lòng dân và uy tín xuống thấp của chính phủ Naoto Kan hiện nay, từ 71% vào tháng 9/2010, đã giảm xuống 31% vào tháng giêng 2011, một phần cũng là do những tai tiếng của ông Ozawa. 

Thủ tướng Naoto Kan và lãnh đạo đảng Dân Chủ rất muốn đẩy ông Ozawa ra ngoài nhưng không phải dễ. Ông vẫn là một người rất đáng ngại.Trong đảng Dân Chủ, phe cánh của ông gồm 150 dân biểu, mà ông Naoto Kan rất cần để thực hiện chính sách ông đề ra, những đề án quan trọng, như chủ trương cải cách thuế má hay thông qua ngân sách năm 2011. 

Ông Naoto Kan cũng đang tìm cách thuyết phục phe đối lập ủng hộ, nắm đa số ở Thượng Viện từ sau cuộc bầu cử tháng 7 năm ngoái. Theo Le Monde, phe đối lập trước mắt đã từ chối hợp tác, viện lẽ những vụ tai tiếng của ông Ozawa. Nhưng nếu những văn kiện cần thiết không được thông qua, thì nội các Naoto Kan có thể bị đổ, lại bầu cử trước thời hạn, và Nhật bản lại đứng trước tương lai chính trị bấp bênh. 

Bán đảo Triều Tiên chuyển sang chương mới ? 

Về Châu Á, Le Figaro hôm nay chú ý đến bán đảo Triều Tiên, có vẻ như đang sang một chương mới : Seoul mở cửa đối thoại với người anh em phưong Bắc, hai bên dự kiến nối lại đối thoại quân sự. Le Figaro nói đến thoả thuận hai bên gặp nhau ở Bàn Môn Điếm vào ngày thứ 3 tới đây. Bình Nhưỡng và Seoul sẽ cố gắng thúc đẩy lại quan hệ hai bên dưới con mắt theo dõi lo ngại của Washington và Bắc Kinh. 

Tờ báo cho đây là chương mới có thể mở đường cho cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng quốc phòng hai bên, và biết đâu, dẫn tới một cuộc họp thượng đỉnh với Kim Jong Il, như lời lẽ lạc quan của tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak.

Tuy nhiên theo Le Figaro, nếu Seoul cố gắng bước trên con đường hoà giải nhưng có vẻ không mấy tin tưởng vào sự thành thật của người láng giềng của mình. Và tổng thống Lee Myung Bak không muốn đi theo con đường cùa hai người tiền nhiệm, Roh Moo Hyun và Kim Dae Jung, là bỏ tiền ‘mua’ sự bình yên trên bán đảo. Một ngưòi cố vấn của tổng thống Lee Myung Bak đã cảnh báo là Seoul sẽ không mở hầu bao nếu Bình Nhưỡng không có những nhượng bộ xác thực, rõ ràng. 

Trung Quốc nuôi tham vọng mua ngành sản xuất vang Pháp

 

Về mặt kinh tế, có một sự kiện mà cả tờ Le Figaro và Les Echos đều quan tâm đó là Trung Quốc đi mua vườn nho ở Pháp, những vườn nho nổi tiếng vùng Bordeaux. Le Figaro chạy một tựa hóm hỉnh : Trung Quốc cũng đi chợ ở vùng rượu Bordeaux.

 

Là khách hàng ngọai quốc hàng đầu về rượu Bordeaux, người Trung Quốc bây giờ cảm thấy mình ở nơi quen thuộc khi dọc ngang các khu vườn nho. Cũng như người Nhật đã làm, Trung Quốc bây giờ mua đứt những khu vườn nổi tiếng : Trong số vườn nho mà Bắc Kinh đang làm chủ ở vùng Bordeaux có 20 ha Lalande Pomerol. Số tiền mua không được thông báo, nhưng giới chuyên gia ước tính Trung Quốc có lẽ đã chi ra gần 10 triệu euro.

 

Đây là lần đầu tiên nhà nước Trung Quốc mua đất ở Pháp và lại chọn vườn nho. Theo Le Figaro, trước việc luôn phải truy lùng rượu giả, Trung Quốc trong lãnh vực này cũng muốn bảo đảm nguồn cung cấp khả tín.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.