Vào nội dung chính
HOA KỲ - NATO - LIBYA

Mỹ nhường vai trò hàng đầu tại Libya cho NATO

Hai tuần sau khi đi đầu trong chiến dịch không kích vào Libya, Hoa Kỳ đã giảm hẳn vai trò quân sự của mình, nhường chỗ lại cho các đồng minh châu Âu trong khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương,NATO. Trong bối cảnh lực lượng nổi dậy Libya đang phải đối phó khó khăn với các đợt phản công của quân đội chính phủ, quyết định của Mỹ đang khiến giới quan sát lo ngại về khả năng liên quân quốc tế có thể đạt mục tiêu lật đổ chế độ Kadhafi.

Phi cơ Pháp chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, oanh kính Libya, 28/03/2011 (Reuters)
Phi cơ Pháp chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, oanh kính Libya, 28/03/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Theo hãng tin Mỹ AP, kể từ hôm nay, 03/03/2011, chiến đấu cơ Hoa Kỳ sẽ đình chỉ các phi vụ không kích tại Libya. Tư lệnh NATO trên chiến trường vẫn có thể yêu cầu không quân Mỹ can thiệp, nhưng các đề nghị này phải được duyệt xét trước tại Washington. Theo Lầu Năm Góc, vào hôm qua, máy bay Mỹ đã thực hiện 24 phi vụ tấn công ở Libya.

Ngoài không quân, Hoa Kỳ cũng bắt đầu cho rút các đơn vị hải quân được đưa lên tuyến đầu trong mặt trận Libya. Đó là các khu trục hạm và tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Tomahawk phóng đi từ các vị trí ngoài Địa Trung Hải. Cũng theo bộ Quốc phòng Mỹ, không một chiếc Tomahawk nào đã được bắn đi vào hôm qua.

Hải quân Mỹ bắt đầu tham chiến từ ngày 19/03 với 12 chiến hạm tại vùng Địa Trung Hải. Đến thứ sáu, 01/04, một hôm sau khi vai trò tư lệnh chiến trường được bàn giao cho NATO, ba chiếc đã rút đi, chỉ còn lại soái hạm USS Mount Whitney, hai tàu ngầm USS Florida và USS Scranton, khu trục hạm USS Stout và USS Barry; tàu đổ bộ USS Kearsarge và USS Ponce, và hai tàu tiếp liệu USNS Robert E. Peary và USNS Kanawha.

Trong thời gian qua, soái hạm Mount Whitney đã đóng vai trò bộ chỉ huy nổi cho vị đô đốc Mỹ trực tiếp chỉ huy chiến dịch không kích Libya, trước khi nhiệm vụ này được chuyển lại cho thiếu tướng Canada Charles Bouchard từ hôm 31/03. Bộ Tư lệnh chiến trường mới của NATO đặt trụ sở tại thành phố Napoli ở Ý. Trong những ngày tới đây, hải quân Mỹ có thể sẽ rút thêm các chiếc tàu ra khỏi chiến trường, trong đó có các phương tiện trang bị tên lửa Tomahawk.

Như vậy, kể từ hôm nay, nhiệm vụ không kích sẽ do phi cơ Anh, Pháp và các nước thành viên NATO khác hoàn toàn đảm đương. Không quân và hải quân Hoa Kỳ tuy nhiên vẫn được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến, trong trường hợp NATO cần tiếp ứng.

Quyết định của chính quyền Mỹ giảm bớt vai trò quân sự của mình tại Libya là điều được mọi người chờ đợi, sau khi Washington đồng ý để cho NATO nắm quyền điều hành các chiến dịch tại Libya, qua đó, trút bớt gánh nặng chống chính quyền Kadhafi cho Pháp, Anh và các đồng minh NATO khác.

Cho dù vậy, quyết định của chính quyền Obama đã làm dấy lên các mối lo ngại về tương lai chiến dịch tại Libya. Một số người ủng hộ chủ trương Hoa Kỳ dấn thân mạnh mẽ vào Libya trong Quốc hội Mỹ như Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, trong Tiểu ban Quân sự Thượng viện chẳng hạn, đã lên án việc rút chiến đấu cơ Hoa Kỳ ra khỏi các chiến dịch không kích.

Ngay cả bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng công khai tự hỏi là liệu các vụ không kích do NATO tiến hành có thể thành công hay không nếu không được Hoa Kỳ lãnh đạo. Theo ông, NATO đã cam đoan là có thể tự mình làm được, nhưng cần phải chờ thực tế chiến trường xác nhận.

Đối với ông Anthony Cordesman, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington, Anh và Pháp, hai nước dự kiến ​​sẽ đi đầu trong các chiến dịch không kích Libya, "rất có năng lực và đã chứng tỏ được điều đó". Vấn đề theo ông, không phải là tài năng của không quân Anh Pháp, mà là liệu họ có nhận được hỗ trợ về mặt tình báo điện tử của Hoa Kỳ cần thiết để thành công hay không.

Theo các chuyên gia, nhiệm vụ của NATO sẽ ngày càng khó khăn do việc lực lượng của Kadhafi, càng lúc khó phân biệt với quân nổi dậy, nhất là khi quân chính phủ bám trụ trong các khu vực đô thị. Theo hãng Reuters, ông Shashank Joshi thuộc cơ quan tham vấn Anh Quốc Royal United Services Institute, cho rằng : "Hiện thời, những mục tiêu còn lại là các loại vũ khí nặng khó phát hiện hơn, và khó diệt hơn vì nằm bên cạnh các đô thị".

Theo chuyên gia Cordesman, khó khăn này lại càng lớn đối với NATO và quân đội châu Âu, vốn không được trang bị các phương tiện giám sát từ trên không tiên tiến như Hoa Kỳ. Khi không phân biệt rõ mục tiêu, liên quân quốc tế có thể giết lầm thường dân vô tội, thậm chí bắn lầm vào quân bạn.

Vụ hơn một chục chiến binh phe nổi dậy Libya bị tử thương trong một chiến dịch không kích của NATO tối thứ sáu vừa qua gần thành phố Brega là lời cảnh báo đầu tiên cho liên quân quốc tế về nguy cơ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.