Vào nội dung chính
AI CẬP

Cairo chờ đợi vụ xử Mubarak

Về thời sự quốc tế, nhật báo cánh hữu Le Figaro hôm nay quan tâm đến phiên toà xét xử cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak. Tờ báo cho biết phiên xử cựu tổng thống mở ra ngày hôm nay 3/8/2011 tại học viện cảnh sát, mà trước đây còn mang tên là « học viện Moubarak ».

Ông Mubarak trả lời thẩm vấn trong phiên xử (REUTERS)
Ông Mubarak trả lời thẩm vấn trong phiên xử (REUTERS)
Quảng cáo

Le Figaro cho biết cảm nhận của nhiều người dân Ai Cập, cho rằng « luật sư của ông Moubarak chắc chắn sẽ nói ông này bị bệnh ». Theo tờ báo, đây là phiên xử được trông chờ nhiều nhất từ năm tháng nay, một « phiên xử thế kỷ ». « Mọi người đã trông chờ phiên xử này từ năm tháng nay, nếu như ông ta không đến, mọi người lại sẽ bùng lên », đó là lời của một nhân chứng.

Ngoài ông Moubarak phải hầu tòa, còn có hai con trai của ông là Alaa và Gamal, cùng với cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adli và 6 cộng sự của ông này. Tuy nhiên Le Fiagro nhận định rằng phiên xử này sẽ gặp nhiều trở ngại. Một mặt, là tình hình sức khỏe của ông Moubarak. Theo tiết lộ của luật sư ông này, thì Moubarak bị bệnh ung thư và từng rơi vào tình trạng hôn mê. Nếu như Bộ trưởng Y tế vẫn khẳng định rằng ông Moubarak có đủ sức khỏe để trình diện trước tòa, thì các bác sĩ của cựu Tổng thống cho thấy rằng khả năng tinh thần của ông đang xuống. Như vậy về mặt pháp lý, bên bào chữa đang cố gắng sử dụng chiêu bài sức khỏe.

Mặt khác, chính quyền Cairo còn chịu áp lực từ phía Ả Rập Xê Út, hòng ngăn chặn phiên xử này. Phía Xê Út nhìn nhận rằng phiên xử này chính là một thắng lợi biểu trưng của cách mạng sẽ gây kích động các dân tộc Ả Rập khác nổi dậy.

Cuối cùng là cản trở đến từ chính các tướng lĩnh trong Hội Đồng quân đội tối cao. Một phán quyết nhanh chóng có thể là lời thú nhận sự yếu kém của mình. Vì vậy, khi dẹp bỏ mạnh bạo những người ngồi biểu tình trên quảng trường Tahrir ngày hôm qua, quân đội đã cho thấy họ sẽ cứng rắn hơn với những người cách mạng.

Giáo hội Cuba ca tụng hòa giải dân tộc qua đối thoại

Trên trang quốc tế của nhật báo Le Monde hôm nay, có bài nhận định về những biến đổi tình hình chính trị xã hội tại Cuba qua bài viết « Giáo hội Công giáo Cuba kêu gọi hòa giải qua đối thoại ». 

Trường dòng Thiên chúa mới San Carlos và San Ambrosio tại Cuba, nằm cách La Havana 13,5 km vừa hoàn thành. Chính Giáo hoàng Jean Paul II đã đặt viên đá đầu tiên, nhân chuyến thăm Cuba đáng nhớ vào năm 1998 và công trình này kéo dài cho đến năm 2010 mới hoàn thành. Dự kiến buổi lễ khánh thành sẽ diễn ra ngày 16 tháng 9 năm nay, nhưng ngay từ đầu tháng 7 một buổi giảng về « Tham gia chính trị tại Cuba » đã được tổ chức. Buổi thuyết giảng dã diễn ra thành công với sự tham gia của nhiều quan chức chính phủ, các nhà ngoại giao và vài nhà ly khai.

Còn trường dòng cũ tại trung tâm thành phố lịch sử, một công trình dưới thời thực dân thuộc thế kỷ 18, sẽ được chuyển đổi thành trung tâm văn hóa, mang tên cha xứ Félix Varela, người chống lại chủ nghĩa nô lệ và là nhà đấu tranh độc lập.

Theo Le Monde, tuy cộng đồng Thiên chúa giáo tại nước này chỉ chiếm thiểu số, nhưng vai trò của họ trong đời sống chính trị cũng đóng góp một phần quan trọng. Nhất là vai trò của Đức hồng y Jaime Ortega trong việc trả tự do cho hơn 100 nhà đối lập đã đặt Nhà thờ Công giáo vào trung tâm của hoạt động chính trị.

Le Monde cho biết, tại đất nước Cuba này, thể chế tôn giáo là nơi duy nhất còn được hưởng một sự độc lập thật sự đối với quyền lực. Vốn là tông đồ của một ngành thần học về tái hòa giải quốc gia, Nhà thờ kêu gọi sự khoan dung và đối thoại giữa những người Cuba với nhau.

Trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tư nhân hóa, và do còn thiếu một trường Đại học riêng của Thiên chúa giáo, Trung tâm văn hóa Felix Varela sẽ mở các lớp giảng dạy trình độ cao cho những người Cuba ngoại đạo, quan tâm đến ngành cao học quản trị doanh nghiệp, và ngành cao học tâm lý trong tương lai. Trung tâm văn hóa này sẽ là nơi tổ chức các buổi thuyết giảng và tranh luận. Các nhà quản lý trung tâm nhận thấy rằng nhiều người hy vọng rằng Nhà thờ Thiên chúa giáo sẽ tạo cho họ một không gian riêng để trình bày những ý tưởng của chính họ, trong sự tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiên, ý tưởng này cũng không được nhiều nhà ly khai tán đồng, như trường hợp ông Oswaldo Paya, nhà ly khai dân chủ thiên chúa giáo, người đoạt giải thưởng Sakharov của Thượng viện Châu Âu năm 2002. Ông than phiền rằng giới chức Nhà Thờ đã không mấy mặn nồng với ông. Mặc dù, ông công nhận rằng « Nhà thờ đã từng ủng hộ những người gặp khó khăn trong khi chính bản thân nhà thờ cũng bị quấy rối, nhưng cũng nên có thái độ sàng lọc những người ly khai và những người ngoại đạo mong muốn cất lên tiếng nói của những người Cuba ».

Cuối cùng Le Monde trích dẫn lời nhận định của ông phó Chủ tịch Hiệp hội Thiên chúa giáo Thế giới « Sẽ không có một sự thay đổi không có chính phủ, người luôn sẵn sàng hỗ trợ ». 

Trung Quốc : người máy sẽ thay thế các công nhân 

Nhìn sang Châu Á, Le Monde có bài quan tâm đến kinh tế tại Trung Quốc. Bài viết « Tập đoàn khổng lồ Foxconn sẽ thay thế công nhân bằng robot trong các phân xưởng của mình », cho thấy tập đoàn đang có những phản ứng trước các đòi hỏi tăng lương của công nhân tại đây. 

Ông Terry Gou, chủ tập đoàn Foxconn tại Trung Quốc, đứng trước 20.000 công nhân của mình nhân « ngày lễ người làm việc », tuyên bố rằng sẽ cho tự động hóa các dây chuyền sản xuất. Nghĩa là, kể từ năm 2012 cho đến 2015, ông sẽ cho thiết lập từ 300.000 đến 1 triệu máy trên các dây chuyền để thay thế cho 500.000 công nhân.

Le Monde cho biết, tập đoàn Foxconn chuyên gia công lắp ráp cho các nhãn hiệu lớn như Apple, iPad, Nokia hay Dell, là tập đoàn tư nhân đầu tiên phải chịu áp lực tăng lương cho công nhân vào năm 2010. Trước đó, tại tập đoàn này đã xảy ra một loạt các vụ tự tử ngay trong các khu ký túc xá của tập đoàn. Từ đó, nhiều vụ biểu tình liên tiếp diễn ra. Lương công nhân được tăng từ 900 tệ/tháng (tương đương với 97 euros) lên 2000 tệ/ tháng (217 euros).

Tuy nhiên, nhiều hiệp hội bảo vệ người lao động cho rằng biện pháp này vẫn không giải quyết được khó khăn của công nhân do phải sống xa gia đình, phải làm những công việc đơn điệu trên các dây chuyền mà không được phép nói chuyện. Trước các đòi hỏi trên, Foxconn đã phản ứng lại bằng cách cho dịch chuyển một phần xí nghiệp về miền Trung Trung Quốc, nơi có nhân công rẻ hơn.

Như vậy, với tuyên bố hiện đại hóa dây chuyền sản xuất của ông Terry Gou, một số chuyên gia về tổ chức công nghiệp cho rằng, đây sẽ là một cơ hội cho phép cải thiện năng suất và Trung Quốc sẽ không còn là một đất nước kém tay nghề. Với thời gian Trung Quốc sẽ tăng được tính cạnh tranh. Tuy nhiên, ý kiến này cũng không được chia xẻ đối với nhiều chuyên gia khác. Họ nghi ngờ rằng máy móc khó có thể thay thế nhanh chóng các công nhân nhập cư.

Ông Geoffrey Crothall của tờ China Labour Bulletin nhắc rằng, đồng bằng sông Châu Giang, lá phổi công nghiệp vẫn là nơi có nhân công rẻ nhất. Ông tự hỏi rằng « Terry Gou nói đến chuyện hiện đại hóa dây chuyền, ông không hề cho biết cụ thể xem ông có dự định xếp công nhân làm ở chỗ nào khác, hay đào tạo họ hay là đơn giản ông sẽ sa thải, trong trường hợp này sẽ có bao nhiêu người bị cho nghỉ việc ». 

Nhân vật Xì trum được chuyển thể lên màn ảnh lớn 

Trên trang văn hoá, nhật báo Le Monde gửi một tin vui cho quý độc giả yêu thích các nhân vật xì-trum tí hon màu làn da xanh lơ qua bài viết « Những xì-trum công nghệ số đi xì-trum tại New York ». 

Smurfs, theo cách gọi của người Anh - Mỹ, có nguồn gốc từ tiếng Hà Lan, là các nhân vật xì-trum do tác giả người Bỉ Peyot sáng tác năm 1958. Các nhân vật này nổi tiếng tại Mỹ cách đây 30 năm qua một loạt phim hoạt hình do xưởng phim Hanna-Barbera thực hiện. Bộ phim thành công đến mức mà một điệu nhảy, smurf, ngày nay trở thành di sản của điệu hip-hop.

Lần này, các nhân vật tái xuất hiện trong bối cảnh của một phim hài gia đình. Bộ phim là sự kết hợp hài hòa giữa xì-trum công nghệ số và các diễn viên bằng xương bằng thịt. Diễn viên, Hank Azaria, với chiếc mũi giả, người lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình « Simpson », đóng vai nhân vật phù thủy Gargamel. Câu chuyện xoay quanh việc Tý Vụng Về đẩy đội quân nhỏ vào một đường hầm vượt thời gian-không gian mà nó dẫn đến một nơi không như khán giả mong đợi, một gian phòng nước tại Central Park, ở New York. Rồi tình cờ, các Tý này rơi vào căn hộ của nhà quảng cáo luôn lo lắng thái quá (do Neil Patrick Harris thủ vai) và người bạn đồng hành của anh ta (do Jayma Mays đảm nhiệm). Và khán giả sẽ thấy là trẻ con ngày nay không biết các xì-trum, nhưng thích xem tivi.

Khán giả sẽ lần lượt khám phá các tình tiết hài trong phim. Hành trình quay trở về làng như là nghi thức du lịch hơn là nghệ thuật kịch bản. Người xem sẽ nhận thấy nhiều điểm dừng của các xì-trum khá quen thuộc trong nhiều phim, như cảnh cửa hàng đồ chơi FAO Schwartz (nơi đón tiếp đoàn phim « Big và Mẹ, con bị lỡ chuyến bay »). Người xem dễ dàng nhận ra ngay một số tình tiết hài trong phim được diễn đạt theo phong cách Mỹ. Và dĩ nhiên là khán giả cũng rất nóng lòng xem các xì-trum quay trở về ngôi làng của mình và cuối cùng được nghe tiếng xì-trum ở tít đằng đầu cánh đồng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.