Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - HY LẠP

Châu Âu : Hy Lạp phải giải thích về quyết định tổ chức trưng cầu dân ý

Quyết định của thủ tướng Hy Lạp Papandréou cho tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch chống khủng hoảng được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 26-27/10 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của châu Âu. Tối qua, chính phủ Hy Lạp đã họp phiên bất thường kéo dài tới 7 tiếng. 

Bộ trưởng Tài chính và thủ tướng Hy Lạp Papandreou (Reuters)
Bộ trưởng Tài chính và thủ tướng Hy Lạp Papandreou (Reuters)
Quảng cáo

Sau cuộc họp này, nội các Hy Lạp bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của thủ tướng Papandréou. Tương lai khu vực đồng euro bị đe dọa nghiêm trọng. Do vậy, châu Âu yêu cầu thủ tướng Hy Lạp đến Cannes, miền nam nước Pháp vào chiều tối nay, để giải thích quyết định cho tổ chức trưng cầu dân ý.

Tham dự cuộc họp kín này có tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy, chủ tịch Ủy ban châu Âu José Baroso, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, lãnh đạo nhóm eurogroup Jean-Claude Juncker.

Báo chí châu Âu mỉa mai ví von là thủ tướng Hy Lạp Papandréou bị triệu tập ra trước « tòa án khu vực đồng euro ». Do không thể phản bác tính chính đáng trong việc tổ chức trưng cầu dân ý của chính phủ Hy Lạp, các lãnh đạo chính trị châu Âu sẽ hối thúc Athens làm việc này càng sớm càng tốt, trong khoảng 6 tuần tới, kể từ hôm nay.

Mặt khác, châu Âu cũng muốn chính quyền Hy Lạp hỏi ý kiến của người dân một cách rõ ràng và thẳng thừng : Quý vị có muốn Hy Lạp ở trong khu vực đồng euro hay không ? Giới quan sát nêu ra kịch bản xấu nhất là Hy Lạp tạm thời ra khỏi khu vực đồng euro. Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson tường trình.

« Do các chính phủ trong khu vực đồng euro sẽ không thuyết phục được các thị trường tài chính tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi có cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp, giới chuyên gia tại Bruxelles, trong tâm trạng rất thất vọng, bắt đầu phải tính tới giả thuyết Hy Lạp tạm thời từng bước rút ra khỏi khu vực đồng euro. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Hy Lạp quay lại sử dụng drachme, đồng tiền quốc gia trước đây, do chi phí quá tốn kém để sản xuất lại loại tiền này.

Theo giả thuyết trên đây, người dân Hy Lạp vẫn sẽ tiếp tục sử dụng euro trong sinh hoạt hàng ngày, ví dụ như trường hợp ở Kosovo và Monténégro. Hy Lạp vẫn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng tuyên bố là không có khả năng thanh toán và hủy bỏ toàn bộ các khoản nợ công chồng chất.

Ngay lập tức, các nước trong khu vực đồng euro sẽ ngừng hỗ trợ tài chính cho Athens. Các công ty thẩm định tài chính quốc tế sẽ hạ điểm tín nhiệm tài chính của Hy Lạp xuống mức thấp nhất. Chính phủ Hy Lạp sẽ phải thăm dò, vận động Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay và sẽ phải chấp nhận những điều kiện giám sát chắt chẽ về chi tiêu của Nhà nước.

Trong viễn cảnh này, du lịch tại Hy L ạp sẽ rẻ hơn và việc giảm đồng loạt các mức lương, giống như ở Ailen, có thể sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế. Thế nhưng, việc Hy Lạp chính thức quay trở lại khu vực đồng euro, sớm nhất, cũng không thể xẩy ra trước năm 2020 ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.