Vào nội dung chính
Ý - TAI NẠN

Nguy cơ thủy triều đen từ tai nạn tàu Ý Costa Concordia

Sau vụ tàu du lịch khổng lồ Costa Concordia của Ý bị đắm tối thứ Sáu 13/1 làm cho 11 người chết và 24 người mất tích, nay người ta đang lo ngại nguy cơ tràn dầu từ chiếc tàu này. Paris đã đề nghị hỗ trợ cho Roma về chuyên môn và kỹ thuật, để tránh một thảm họa về mặt sinh thái.

Tại nơi tàu bị nạn.
Tại nơi tàu bị nạn. REUTERS/Max Rossi
Quảng cáo

Lượng nhiên liệu mà tàu Costa Concordia mang theo là 2.380 tấn dầu loại đặc và nặng. Chiều qua, người ta đã ghi nhận một vết dầu loang chạy dài cạnh thân tàu đắm. Tuy bộ trưởng Môi trường Ý cho đây không phải là dầu thoát ra từ chiếc tàu, nhưng chính phủ Ý đang chuẩn bị tuyên bố đây là thảm họa thiên nhiên, nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính cũng như nhân lực, để tránh làm ô nhiễm khu bảo tồn thiên nhiên quanh đảo Giglio. Còn người phụ trách hòn đảo này lo ngại vụ đắm tàu trên đây là một “quả bom sinh thái”.

Khoảng hai chục chuyên viên của công ty Hà Lan Smit&Salvage đã đến đảo Giglio với nhiệm vụ bơm lượng dầu còn trong tàu ra một cách an toàn. Công việc này mất ít nhất ba tuần lễ, và cũng có thể có nguy cơ tàu bị chìm xuống đáy sâu, hoặc là bể chứa dầu bị nứt vỡ.

Chính phủ Pháp hôm nay đã đề nghị hỗ trợ cho Ý về mặt chuyên môn kỹ thuật cũng như phương tiện. Trung tâm tư liệu, nghiên cứu và thực nghiệm về ô nhiễm do tai nạn sông biển (CEDRE) của Pháp có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Pháp cũng sẵn sàng gởi sang các trang thiết bị và vật liệu cần thiết bằng đường hàng không, trước tình hình khẩn cấp ở Ý.

Trách nhiệm của thuyền trưởng “Titanic hiện đại”

Đúng một trăm sau tai nạn tàu Titanic lịch sử, thuyền trưởng Francesco Schettino đang phải chịu trách nhiệm nặng nề trong vụ đắm tàu Costa Concordia, chiếc tàu sang trọng, hiện đại và lớn nhất của tập đoàn Costa Croisières. Ông này đã bị bắt giữ hôm thứ Bảy, bị công tố viện truy tố Grosseto với các tội danh sát hại nhiều người và rời bỏ tàu.

Băng ghi âm đã thu lại được đoạn đối thoại giữa thuyền trưởng Francesco Schettino và Cảng vụ cho thấy ông Schettino mới đầu vờ cho biết đang ở trên tàu tuy thật ra đã bỏ trốn, và sau đó từ chối quay lại chiếc tàu để tổ chức sơ tán hành khách.Ông cũng bị lên án là đã tự ý đổi hướng, cho tàu chạy sát đảo Giglio để chào một người bạn làm việc trên đảo này.

Chiếc tàu khổng lồ này đi từ Civitavecchia ở gần Roma tối thứ Sáu, đã đụng phải đá ngầm chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi xuất phát. Trên tàu có 4.229 người, gồm trên 3.200 du khách thuộc 60 quốc tịch, và thủy thủ đoàn trên 1.000 người thuộc 40 quốc tịch.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (OMI) của Liên Hiệp Quốc cho rằng, cần rút ra bài học từ tai nạn trên đây, và nếu cần thiết thì phải rà soát lại các quy định về an toàn trên các con tàu lớn chở khách. Vụ chìm tàu Costa Concordia khiến OMI hôm qua đã phải quyết định hủy bỏ lễ kỷ niệm 100 năm tàu Titanic, bị đắm tháng 4/1912. Một điều mỉa mai là, bản thân thuyền trưởng Francesco Schettino khi trả lời một tờ báo vào năm 2010 đã tuyên bố:”Tôi không bao giờ muốn đóng vai thuyền trưởng chiếc Titanic”.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.