Vào nội dung chính
QUỐC TẾ-NHÂN QUYỀN

HRW kêu gọi hỗ trợ các tiến bộ của cuộc cách mạng «Mùa Xuân Ả Rập »

Hôm nay, 22/01/2012, tổ chức theo dõi tình hình nhân quyền trên thế giới của Mỹ, Human Rights Watch, đã công bố bản báo cáo thường niên, đề cập đến tình trạng nhân quyền tại 90 quốc gia, trong đó có Việt Nam. HRW, có trụ sở tại New York, đã chọn Cairo, thủ đô Ai Cập, để công bố bản báo cáo thường niên năm nay, dày 676 trang.

Biểu tình tại quảng trường Tahrir, thủ đô Ai Cập, ngày 11/02/2011
Biểu tình tại quảng trường Tahrir, thủ đô Ai Cập, ngày 11/02/2011 Reuters
Quảng cáo

Ông Kenneth Roth, giám đốc tổ HRW đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ những tiến bộ trong lĩnh vực dân chủ của cuộc cách mạng « Mùa Xuân Ả Rập », chống lại những chế độ toàn trị vốn thường được các nước phương Tây ủng hộ.

Theo đại diện tổ chức này, cộng đồng quốc tế cần ủng hộ giúp người dân các nước tiến hành cuộc cách mạng « Mùa Xuân Ả Rập » thực hiện các quyền của họ và xây dựng các nền dân chủ thực sự. HRW yêu cầu các nước phương Tây từ bỏ cái gọi là « Ngoại lệ Ả Rập », viện cớ ủng hộ những chế độ toàn trị, nhân danh bảo đảm sự ổn định ở Trung Cận Đông, đấu tranh chống khủng bố và bảo đảm nguồn cung ứng nhiên liệu.

Báo cáo của HRW nhấn mạnh, cuộc cách mạng « Mùa Xuân Ả Rập » đã có tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới. Từ nay trở đi, « giới lãnh đạo tại Trung Quốc, Zimbabwe, Bắc Triều Tiên, Ethiopia, Việt Nam hoặc tại Uzbekistan dường như đang sống trong sự lo ngại thấy người dân xua đổi những chính chính phủ toàn trị ». HRW cũng điểm lại tình trạng vi phạm pháp luật, nhân quyền tại nhiều nước, như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Afghanistan, Libya…

Tình trạng tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam được đề cập đến từ trang 401 đến 409 của bản báo cáo. Theo HRW, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai từ tháng Bẩy năm ngoái, đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ của bộ Công an và những nhân vật thuộc phe cứng rắn trong chính quyền.

Trong năm 2011, làn sóng bắt giữ, xét xử giới ly khai, các nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền chủ yếu là do sự lo ngại của chính quyền Việt Nam về ảnh hưởng của cuộc cách mạng « Mùa Xuân Ả Rập » lan sang khu vực châu Á. 

Trung Quốc : 34 nhà báo bị tống giam trong năm 2011

 Về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc báo cáo của Human Rights Watch cho biết trong năm 2011 Bắc Kinh đã bắt giữ ít nhất 34 nhà báo Trung Quốc với lý do « kích động làm khuynh đảo chế đọ » hay « tiết lộ bí mật quốc gia ». Theo tổ chức theo dõi về tình trạng nhân quyền này, « các hành động kiểm duyệt tại Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa đối với các nhà báo khi bài viết của họ vượt ra ngoài khuôn khổ chính thức ».

Human Rights Watch cụ thể nêu lên trường hợp của nhà báo Tề Sùng Hoài : năm 2008 ông bị kết án 4 năm tù sau khi đã phanh phu vụ chính quyền tỉnh Sơn Đông tham nhũng. Năm ngoái bản án của ông đã bị nâng lên thành 8 năm.

Theo Human Rights Watch trong năm 2011 chính quyền Bắc Kinh đã gia tăng các biện pháp kiểm duyệt báo chí đề phòng nguy cơ phong trào mùa Xuân Ả Rập lan rộng tới Trung Quốc. Một số tờ báo cũng đã bị đóng cửa như là trường hợp của Thời báo Kinh tế Trung Quốc. Ban biên tập của hai tờ báo nổi tiếng khác tại Bắc Kinh là Tin tức bắc Kinh (Beijing News) và Thời báo Bắc Kinh ( Beijing Times) đã bị cách chức để thay thế bằng một đội ngũ điều hành mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.