Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG

Quân đội Syria tiếp tục tấn công Homs vào lúc ngoại trưởng Nga đến Damas

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đến thủ đô Syria vào sáng nay 07/02/2012 vào lúc Homs, thành phố được xem là “thủ đô cách mạng” bị pháo kích liên tục đến ngày thứ tư làm hơn 300 người chết. Hoa Kỳ đóng cửa sứ quán tại Damas, Anh, Bỉ, Ý và Pháp triệu hồi đại sứ để bày tỏ tín hiệu cảnh cáo chế độ Al Assad.

Đám đông ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tập hợp tại Damas để chào mừng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngày 07/02/2012.
Đám đông ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tập hợp tại Damas để chào mừng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngày 07/02/2012. REUTERS/SANA
Quảng cáo

Thành phố Homs, “thủ đô cánh mạng” Syria, bị pháo kích liên tục đến ngày thứ tư kể từ khi Nga và Trung Quốc bác bỏ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Hình ảnh do đối lập ghi lại và phổ biến trên mạng thông tin điện tử cho thấy nhiều khu phố bốc cháy trong tiếng đại bác, đại liên và AK vang dậy vào sáng hôm nay. Tổng số nạn nhân bị chết vì đạn pháo của quân đội chính phủ lên hơn 300 người tính đến chiều hôm qua.

Tại ngoại ô bắc thủ đô Damas, trong hai ngày cuối tuần, hàng trăm chiến xa tham dự một cuộc càn quét nhắm vào quân nhân đào ngũ trong lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự Do.

Vào lúc cộng đồng quốc tế bị trói tay vì lập trường của Nga và Trung Quốc, phong trào đối lập Syria - thông qua Hội đồng Quốc gia Tối cao - kêu gọi doanh nhân Syria nói riêng và doanh nhân Ả Rập trợ giúp tài chính cho lực lượng võ trang Quân đội Syria Tự do.

Sau khi Hoa Kỳ đóng cửa sứ quán tại Damas, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến thủ đô Syria vào sáng nay. Hôm qua, Nhà Trắng hy vọng là ngoại trưởng Nga sẽ giúp cho Al Assad hiểu rõ là chế độ Damas đã bị cô lập.

Người ta có thể trông chờ gì từ nỗ lực được xem là “giải thể theo kế hoạch" chế độ Al Assad, một đồng minh và bạn hàng vũ khí chủ chốt của Matxcơva tại Trung Đông. Từ Matxcơva, thông tín viên Anastasia Becchio phân tích:

 

“ Bị báo chí đặt câu hỏi trong cuộc họp báo ngày hôm qua 06/02/2012, ngoại trưởng Nga từ chối tiết lộ nội dung thông điệp của tổng thống Medvedev mà ông có nhiệm vụ đem qua Damas. Nhiều nghi vấn cũng được nêu lên về ý nghĩa của sự kiện trong phái đoàn Nga có giám đốc tình báo đối ngoại Mikhail Fradkov.

Nước Nga có nhiều quyền lợi chiến lược tại Syria, nhất là có một căn cứ hải quân, căn cứ duy nhất vùng biển Địa Trung Hải.

Cho đến nay, lập trường của Nga trước sau như một : Matxcơva thúc giục lãnh đạo Syria nhanh chóng cải cách, đối thoại với đối lập, tổ chức bầu cử quốc hội nhưng yêu sách cốt lõi của Nga là hai bên phải chấm dứt bạo lực.

Đây là thông điệp mà ngoại trưởng Nga sẽ nhắc lại với Tổng thống Syria Al Assad.

Theo nhật báo Rossiyaskaya Gazeta thuộc khuynh hướng thân chính quyền Nga thì vấn đề buộc lãnh đạo Syra từ chức khó có khả năng nằm trong chương trình thảo luận. Nhưng, tuần trước, ngoại trưởng Nga tuyên bố trên một đài truyền hình Úc nguyên văn như sau : “Nga không phải là bạn và đồng minh của tổng thống Assad. Chúng tôi không bao giờ nói rằng khủng hoảng hiện nay chỉ có thể giải quyết được với ông Assad cầm quyền. Tôi không tin rằng chính sách của Nga chỉ là khuyến khích một nhân vật nào đó từ chức. Thay đổi chế độ không phải là công việc của Nga mà là quyết định của người dân Syria”.

 

Do vậy, nhiệm vụ của ngoại trưởng Nga không phải là dễ dàng.Ông phải chứng minh bằng hành động là sau khi sử dụng quyền phủ quyết tại Hôi đồng Bảo an, nước Nga sẵn sàng đưa ra những đề nghị cụ thể, đem lại một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

 

Pháp, Anh, Bỉ và Ý triệu hồi đại sứ ở Damas về nước

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết là ông sẽ điện thoại cho Tổng thống Nga. Trong khi đó, ngoại trưởng Pháp Alain Jupé đã tiếp kiến chủ tịch Hội đồng Quốc gia Tối cao Syria, ông Burhan Ghalioun và hai nhân vật cao cấp Ả Rập.

Sau vụ phủ quyết của Nga và Trung Quốc, ngoại trưởng Pháp cho biết là Pháp không điềm nhiên tọa thị mà sẽ có sáng kiến chủ động thành lập “nhóm thân hữu với nhân dân Syria”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.