Vào nội dung chính
PHONG TRÀO XÃ HỘI

Quebec : cuộc cách mạng của xoong nồi

Xoong nồi và thìa bằng cây trên tay, đêm nào cũng vậy, đám đông dày đặc, vui vẻ và nhiệt tình tràn đầy quảng trường Emilie-Gamelin, trung tâm thành phố Montréal, Canada từ hôm 20 tháng năm. Sau hơn 100 ngày xung đột, chính quyền của ông Jean Charest đã trở nên lúng túng trước một làn sóng không chỉ còn trong tầm mức của sinh viên nữa, mà nó đang quy tụ mọi sự bất bình của người dân. Đề tài này được tuần san Le Nouvel Observateur đề cập đến qua bài viết đề tựa « Tại Québec : cuộc cách mạng của xoong nồi ».

Biểu tình tại Montreal, ngày 22/05/2012.
Biểu tình tại Montreal, ngày 22/05/2012. REUTERS/Christinne Muschi
Quảng cáo

Phong trào phản đối quy tụ sinh viên, các hộ gia đình, những người tuổi trạc tứ tuần và ngay cả những người đã lên chức « bà ». Theo nhận xét của anh sinh viên Michel Sancho, thì làn sóng phản đối đang vượt qua cả vấn đề học phí của sinh viên. Vấn đề bây giờ chính là xã hội và chính trị. Người dân mong mỏi một sự thay đổi thật sự.

Tuy nhiên, do tầm mức quan trọng của làn sóng đã đi quá xa và dưới áp lực của ngành công nghiệp du lịch, bởi các kỳ lễ hội mùa hè đang đến gần, chính phủ của ông Jean Charest, cho đến giờ vẫn tỏ ra cứng rắn, buộc phải tìm kiếm một giải pháp. Và các cuộc đàm phán đã bắt đầu vào hôm 28/5/2012 vừa qua, sau 100 ngày xung đột.

Đối với các sinh viên, bất kể kết cục như thế nào, « mùa xuân lá phong » sẽ ở lại trong lịch sử. Đấy là niềm tự hào của giới trẻ. Họ nói : « Ai có thể tin được rằng chúng tôi, người dân Québec, « những người ba phải châu Mỹ, những người nhút nhát không bao giờ dám làm điều gì cả, lại có thể thực hiện một phong trào như thế ? Đây là sự thức tỉnh của phe tả và tư tưởng xã hội tại Québec ».

Bài viết tự hỏi : « Làm thế nào mà một thành phố nói tiếng Pháp của Canada, vốn rất điềm tĩnh, nổi tiếng về tinh thần thỏa hiệp xã hội và sự yên tĩnh, lại chìm đắm trong bầu không khí cách mạng như vậy ? ».

Nếu như nền kinh tế vẫn trụ khá tốt do không bị ảnh hưởng của khủng hoảng nợ vay như nước Mỹ láng giềng, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thì ngược lại, sự tín nhiệm của người dân vào giới chính khách ngày càng tụt giảm.

Sau gần 10 năm cầm quyền, chính phủ xã hội – bảo thủ của ông Jean Charest không đạt được tới 30% ý kiến ủng hộ của công chúng, do bị nghi ngờ là tham nhũng, tài trợ bất hợp pháp và thiên vị. Sở dĩ, phe xã hội – bảo thủ có thể duy trì quyền lực qua ba lần bầu cử liên tục là vì vào giai đoạn đó, không có được một phe đối lập nào đáng tin cậy. Đáng chú ý là tỷ lệ tham gia bầu cử rớt xuống dưới 60%. Theo các thăm dò điều tra gần đây, tính đáng tin cậy của các chính trị gia nằm ở mức bằng với những người bán xe ô-tô hạ giá.

Ông Etienne-Alexis Boucher, đại biểu quốc hội thuộc đảng Québec cho rằng khủng hoảng ngày nay được bắt rễ cách đây 10 năm, trong một chính sách mà chính phủ hiện tại gọi là « cách mạng văn hóa ». Một tên gọi dễ thương cho chính sách « thắt lưng buộc bụng » nhằm giảm bớt nợ và vực dậy nền tài chính công.

Theo tác giả bài viết, xung đột của sinh viên xảy ra do việc chính phủ thông qua kế hoạch ngân sách ghi rõ sẽ tăng học phí lên gần 80% trải đều trong 7 năm. Và đợt đấu tranh đã làm bùng lên ngọn lửa.

Điều nghịch lý là mức học phí này vẫn còn thấp hơn so với các vùng khác tại Canada. Thậm chí, so với mức học phí tại Mỹ, mức đóng này còn thua xa từ 5 đến 10 lần.

Theo thổ lộ của một đại diện của một trung tâm sinh viên, thì sinh viên vùng Québec rất ưa thích mô hình giáo dục của Na Uy. Họ cho rằng mô hình kiểu Mỹ buộc sinh viên phải gánh một khoản nợ quá lớn « đến mức có thể sẽ là một quả bóng nợ thứ hai ».

Người dân Québec vốn rất tự hào về mô hình xã hội hiện tại. Theo đó, được đến trường và quyền được chăm sóc sức khỏe là một phần trong khế ước xã hội.

Tuy vậy, tác giả bài viết nhận định rằng biểu tình có lẽ sẽ không bùng nổ dữ dội nếu như chính phủ Canada không phạm bốn sai lầm nghiêm trọng. Thứ nhất, làm mọi cách để hạ uy tín của giới sinh viên khi cho rằng « họ không đại diện cho ai và không kiểm soát được gì cả ». Thứ hai, khi phong trào phản đối đã lan rộng, nhưng chính quyền vẫn bịt tai làm ngơ và khẳng định rằng « không có chút ấn tượng nào ». Thứ ba, trong khi bản thỏa thuận tạm thời vẫn còn chưa ráo mực thì chính phủ đã vội vàng đánh trống thổi kèn cho rằng họ đã đạt thắng lợi trên trận tuyến. Cuối cùng, chính việc thông qua một đạo luật khẩn cấp qui định cấm tụ tập nơi công cộng, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Chính quyền đã sai lầm khi hăm dọa người biểu tình. Bởi lẽ, điều ngược lại đã xảy ra. Hơn 250 ngàn người trong một thành phố chỉ có 1,9 triệu dân đã xuống đường hôm 22/5 vừa rồi. Một sự kiện chưa từng có tại Montréal. Và làn sóng phản đối đang ngày càng lan rộng.

Ai Cập : phong trào cách mạng bị chôn vùi ?

Cũng liên quan đến chính trị - xã hội, Le Nouvel Observateur dẫn độc giả đến với bầu cử tổng thống tự do đầu tiên tại Ai Cập. Kết quả bầu cử vòng một đã cho thấy rõ người nắm quyền đất nước sắp tới hoặc sẽ là một người Hồi giáo, hoặc sẽ là một thành viên của chế độ cũ.

Theo kết quả vòng một, ông Mohamed Morsi, ứng viên phe Huynh đệ Hồi giáo dẫn đầu cuộc đua với 24,8% phiếu bầu. Còn ông Ahmed Chafik, Thủ tướng cuối cùng của ông Moubarak đạt được 23,7% phiếu bầu. Kết quả này đã đặt cử tri Ai Cập trước một tình thế nan giải : từ bỏ một vài quyền tự do cá nhân đang có hay chôn vùi cách mạng.

Quang cảnh chính trị đất nước có lẽ sẽ ít đen tối hơn, nếu như ứng viên của phe Huynh Đệ Hồi giáo đạt được số phiếu ủng hộ cao giống như trong kỳ bầu cử quốc hội (70%). Lần này, ứng viên tổng thống của họ chỉ đạt được có 24,8% số phiếu. Phe Huynh đệ Hồi giáo đã mất hơn 1/3 số cử tri chỉ trong vòng có 6 tháng. Bởi lẽ, cử tri Ai Cập có cảm giác rằng các nghị sĩ phe Huynh đệ Hồi giáo chỉ quan tâm đến tranh cãi vặt vãnh chính trị, hơn là công khai hành động và bảo vệ phong trào cách mạng.

Tuy nhiên, bài báo cho biết rằng, điều đáng tiếc nhất chính là thất bại của hai ứng viên ông Hamdine Sabahi thuộc phe xã hội và Abdel Moneim Aboul Foutouh, nhà ly khai phe Huynh đệ Hồi giáo. Số phiếu bầu cho hai ông dao động trong khoảng 20%. Tỷ lệ cao này đã khiến cho bao người dân Ai Cập phải cảm thấy nuối tiếc, nhất là những ai đã đặt nhiều niềm tin vào cách mạng và sự thay đổi.

Cay đắng hơn nữa là vì họ đã tin vào những kết quả thăm dò điều tra đưa ra. Theo đó, hai ứng viên của phe Huynh đệ Hồi giáo và phe tả (là ông Hamdine Sabahi) sẽ không lọt được vào trong vòng hai. Thế nhưng, đâu có ai ngờ rằng phe Huynh đệ Hồi giáo đã thu được số phiếu kỷ lục và cũng chẳng ai ngờ rằng ứng viên cánh tả suýt chút nữa cũng vào đến vòng hai.

Giờ đây, đi đâu trong thủ đô Cai-rô, lúc nào cũng nghe văng vẳng điệp khúc « nếu tôi mà biết … ». Nhất là ở những người tham gia phong trào cách mạng, bởi vì lá phiếu của họ bị tản mác đây đó giữa ông Hamdine Sabahi, Aboul Foutouh và nhiều ứng viên nhỏ khác. Và nếu họ cũng đừng vắng mặt với lý do là bầu cử có thể sẽ không thể nào dân chủ khi mà quân đội vẫn không rút lui khỏi quyền lực.

Bài viết kết luận rằng « những người đấy phải tự nhủ thầm rằng họ đã không biết nắm bắt lấy cơ hội mà nó có thể sẽ không trở lại vào bất cứ lúc nào ». Câu này phần nào cũng đã giải đáp phần nào cho câu hỏi cũng là tựa đề bài viết « Tại Ai Cập, phải chăng cách mạng đã bị chôn vùi ? ». Bởi vì, sau khi đã quá tin tưởng vào lý tưởng của phong trào cách mạng nên chính họ cũng đã sớm chôn vùi nó đi.

Nhật Bản : nạn chảy máu chất xám trong ngành ô tô

« Kỹ sư, kho báu phải bảo tồn » là báo động do tờ Nhật Bản Kinh tế Tân văn (Nihon Keizai Shimbun) đưa ra trước nạn chảy máu chất xám trong ngành công nghiệp sản xuất xe ô-tô. Theo tờ báo, nhiều nhà sản xuất xe nước ngoài đang tổ chức săn lùng ngay tại Nhật Bản các chuyên gia cao cấp trong lãnh vực này. Để không lặp lại sai lầm trong quá khứ, các thương hiệu lớn của Nhật buộc phải có những chính sách mới trong quản lý nhân sự. Bài viết này được báo Courrier International số ra tuần này cho đăng dịch lại.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ là hai quốc gia đi đầu trong chính sách săn lùng các kỹ sư cao cấp của Nhật Bản. Theo nhận định của Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư, trực thuộc Bộ Kinh Tế Hàn Quốc, « Trên phương diện nguồn nhân lực, Nhật Bản là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào nhất trên thế giới. Họ có khả năng phát triển các loại pin, lõi xe ô tô « sạch », và các loại vật liệu cho phép giảm nhẹ trọng lượng xe nhằm giảm thiểu lượng xăng tiêu thụ ».

Cùng lúc này, tập đoàn General Motor của Mỹ vừa thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển cho chi nhánh của mình tại Nhật Bản. Mục tiêu của trung tâm là du nhập công nghệ đang được phát triển tại quốc gia Nhật, rồi chuyển giao chúng về Hoa Kỳ và đương nhiên là cũng nhằm tuyển dụng các kỹ sư xứ Mặt Trời mọc.

Tờ Nhật Bản Kinh tế Tân Văn đặt câu hỏi : « Tại sao các nhà sản xuất nước ngoài chỉ đặc biệt ngắm nghía đến các kỹ sư Nhật Bản ? ». Tờ báo cho rằng, dù rằng ngành công nghiệp xe ô tô của Hàn Quốc và Mỹ cũng đạt được doanh thu khả quan, nhưng cả hai quốc gia này lại không có được một mạng lưới nhà cung cấp thiết bị rộng lớn như là tại Nhật Bản. Thêm vào đó, chính bản thân ngành công nghiệp xe ô-tô đang bước vào giai đoạn chuyển đổi lớn. Chúng đang được chuẩn bị cho thời kỳ xe « sinh học », một lãnh vực mà Nhật Bản đang đứng vị trí hàng đầu.

Nhật Bản Kinh Tế Tân văn nhắc lại rằng, trong quá khứ, nhiều kỹ sư Nhật Bản đã từng bị xúi bỏ việc để chú trọng vào việc phát triển màn hình tinh thể lỏng. Các nhà sản xuất thiết bị gia dụng đã chia tay với các kỹ sư và kỹ thuật viên mà không thể nào giữ lại được do bùng nổ bong bóng Internet (2001). Đây chính là cơ hội cho phép các nhà sản xuất nước ngoài tuyển dụng một số đông kỹ sư Nhật Bản. Hiện tượng rò rỉ chất xám này đã cho phép nhiều kỹ thuật công nghệ tiên tiến vượt biển đi qua các nước, góp phần đi lên thành cường quốc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo bài viết, ngày càng có nhiều nhà sản xuất trong nước nhận thức được rằng nếu họ cứ khoanh tay đứng nhìn thì sai lầm cũ sẽ tái diễn lại. Nissan thành lập bộ phận Senior Innovation Research (SIR). Một đơn vị nghiên cứu cơ bản cho trung và dài hạn. Đơn vị này chỉ chú tâm nghiên cứu phát triển các loại vật liệu đã qua sử dụng, nhất là cho các loại pin nhiên liệu, công nghệ thông tin và robot. Những người nào tình nguyện tham gia sẽ được trả lương hậu hĩnh với điều kiện phải có được kết quả nào đó sau ba năm.

Về phần mình, Toyota hình thành hệ thống đánh giá mới nhắm vào các những người đứng đầu các ban ngành – chính là những cột trụ của các xưởng. Đối với các nhân viên lớp thứ ba (bậc trung gian), vốn được xem là những thành phần xuất chúng, kể từ giờ tiền thưởng sẽ cao hơn mức bình thường. Toyota thiết lập một hệ thống cho phép duy trì kết quả hoạt động của mình qua việc giảm 40% hoạt động đầu tư sản xuất, bằng việc phát triển dây chuyền sản xuất mà độ dài của chúng biến đổi tùy theo khối lượng đơn đặt hàng.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.