Vào nội dung chính
AI CẬP

Ai Cập bắt đầu tiến trình Hồi giáo hóa hay chuyển sang giai đoạn hai cách mạng ?

Hai ngày sau khi Tổng thống Mohamed Morsi cách chức Thống soái Hussein Tantaoui và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tướng Sami Enan, quân đội Ai Cập vẫn chưa có phản ứng gì. Trong khi đó, người dân Ai Cập có những dè dặt khác nhau : Phe Huynh đệ Hồi giáo tỏ ra vui mừng, còn một bộ phận dân chúng chống lại chế độ mới thì lên án quyết định của Tổng thống Morsi. 

Những người ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi tập trung trước Dinh Tổng thống ở Cairo ngày 12/08/2012 để bày tỏ sự vui mừng trước quyết định của ông Morsi.
Những người ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi tập trung trước Dinh Tổng thống ở Cairo ngày 12/08/2012 để bày tỏ sự vui mừng trước quyết định của ông Morsi. REUTERS/Asmaa Waguih
Quảng cáo

Hơn 51% cử tri bỏ phiếu bầu ứng viên Mohamed Morsi thuộc phe Huynh đệ Hồi giáo làm Tổng thống, đã ủng hộ quyết định cách chức hai lãnh đạo cao cấp của quân đội. Đối với họ, ông Morsi đã thể hiện tinh thần dũng cảm, thậm chí tài giỏi, khi chấm dứt được sự thống trị của quân đội trên chính trường Ai Cập, kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ nhà vua Farouk vào tháng 7 năm 1952. Tổng thống Morsi từ nay trở đi có thể bắt đầu việc loại trừ những phần tử, tàn tích của chế độ Mubarak và tập trung vào dự án hồi sinh Ai Cập, chống tham ô, biển thủ tài sản quốc gia.

Ngược lại, hơn 48% số cử tri đã bỏ phiếu chống ông Morsi lại nghĩ rằng đây là kết quả của dự án của Huynh đệ Hồi giáo, một tổ chức được thành lập cách nay hơn 80 năm, nhằm Hồi giáo hóa toàn xã hội. Tổng thống Morsi chỉ là người thực hiện ý đồ của lãnh đạo tối cao Huynh đệ Hồi giáo Mohammed Badie và đặc biệt là của cố vấn Hassan Al Chatel, tỷ phú, người nuôi dưỡng tham vọng về tiền và quyền thông qua quá trình Hồi giáo hóa Ai Cập. Nhóm cử tri này thừa nhận là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lên cầm quyền thông qua bầu cử dân chủ, nhưng hiện nay, lại đang làm mọi cách để ngăn chặn các đối thủ chính trị khác có thể cạnh tranh, lên nắm quyền thay họ trong tương lai. Do vậy, chỉ có Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang là định chế đối trọng đủ khả năng kìm hãm cơn khát quyền lực của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Một bộ phận khác, chiếm hơn 50% tổng dân số Ai Cập, những người không tham gia bầu cử tổng thống, thì tỏ thái độ lo ngại. Luôn luôn trong trạng thái chấp nhận chịu đựng hoặc không hành động, những người Ai Cập này tự hỏi là đất nước của họ sẽ đi về đâu. Cho đến nay, họ chẳng thấy gì ngoài việc là từ nhiều thập niên qua, quân đội vẫn thao túng, nắm thực quyền. Do vậy, họ lo ngại là quyết định của Tổng thống Morsi có nguy cơ đẩy đất nước rơi vào vòng xoáy hỗn loạn.

Từ hai năm qua, kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Mubarak, Ai Cập ở trong tình trạng mất an ninh chưa từng thấy và khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tỷ lệ phạm tội ác tăng gấp ba, một phần tư dân chúng trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp (chính quyền chỉ thừa nhận có 12%), cuộc sống khó khăn, giá cả tăng nhanh, nạn khan hiếm hàng hóa và nhiên liệu, thiếu điện trở nên phổ biến. Trong con mắt tầng lớp dân cư này, quân đội là một định chế bảo đảm ổn định xã hội.

Cuối cùng là một bộ phận dân cư thầm lặng, chỉ lên tiếng qua mạng xã hội Facebook. Đối với giới tướng lãnh thuộc Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập, cư dân mạng cho rằng « đã đến lúc để cho chiến binh nghỉ ngơi và chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới ».

Theo giới phân tích, trước mắt, ít có khả năng quân đội thực hiện một cuộc đảo chính. Hơn nữa, một tướng lãnh Ai Cập cũng khẳng định là Tổng thống Morsi đã tham khảo các lực lượng vũ trang trước khi đưa ra các quyết định cách chức. Vấn đề được đặt ra là liệu Tổng thống Morsi có tìm cách tranh thủ thời cơ này để « cảm hóa » quân đội Ai Cập hay không, bởi vì cho đến nay, quân đội Ai Cập vẫn là lực lượng thế tục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.