Vào nội dung chính
NAM PHI

Nam Phi bàng hoàng trước vụ thảm sát ở mỏ Marikana

Cả nước Nam Phi hôm nay 17/08/2012 vẫn đang bị sốc trước vụ thảm sát chưa từng xảy ra kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt từ năm 1994. Có ít nhất 34 thợ mỏ đình công đã bị thiệt mạng khi cảnh sát tấn công vào mỏ bạch kim Lonmin ở Marikana hôm qua.

Cảnh sát trước đám đông phụ nữ mang biểu ngữ phản đối vụ thảm sát thợ mỏ Marikana. Ảnh chụp ngày 17/08/2012.
Cảnh sát trước đám đông phụ nữ mang biểu ngữ phản đối vụ thảm sát thợ mỏ Marikana. Ảnh chụp ngày 17/08/2012. REUTERS/Siphiwe Sibeko C
Quảng cáo

Chiều qua cảnh sát đã bắn vào một nhóm thợ mỏ đình công vũ trang liềm hái, gậy gộc, thanh sắt và súng. Những người thợ này ngưng làm việc từ ngày 10/8, đòi tăng lương gấp ba. Họ đã từ chối giải tán, sau khi bác bỏ tối hậu thư của ban giám đốc mỏ, buộc phải quay lại làm việc nếu không sẽ bị sa thải.

Giám đốc cảnh sát quốc gia Nam Phi, Riay Phiyega cho biết trong cuộc họp báo hôm nay: « Tổng số người chết là 34, với hơn 78 người bị thương, 259 người bị bắt do nhiều lý do khác nhau : bạo động, sát nhân, mưu toan giết người, tập họp trái phép, mang vũ khí trái phép… ». Ông Phiyega biện minh : « Các nhóm thợ đình công đã hướng về phía cảnh sát nổ súng và đe dọa bằng các loại vũ khí nguy hiểm. Cảnh sát buộc lòng phải tự vệ ».

Sáng nay địa điểm xảy ra thảm kịch vẫn được các xe bọc sắt của cảnh sát phong tỏa, trực thăng bay vần vũ, và cách đó 500 m khoảng hai ngàn người tụ tập lại trong bầu không khí yên tĩnh nhưng đầy căng thẳng. Đằng xa, vài trăm phụ nữ hát những bài hát của thời kỳ đấu tranh chống lại chế độ apartheid, với các biểu ngữ : « Cảnh sát hãy ngưng giết hại chồng con chúng tôi ».Trong khi danh sách các nạn nhân vẫn chưa được công bố, một số phụ nữ khóc lóc đi tìm chồng hoặc anh em trai bị mất tích từ hôm trước.

Tình hình trầm trọng cho đến nỗi Tổng thống Jacob Zuma đã phải rời hội nghị thượng đỉnh các nước khu vực ở Mozambique để bay về hôm nay. Tất cả các báo đài Nam Phi đều đưa sự kiện « thảm sát ở Marikana » lên trang nhất hoặc đầu bản tin truyền thanh, truyền hình.

Trong một đất nước mà ký ức về những cuộc chiến đấu chống lại chế độ phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện diện khắp nơi, hình ảnh cảnh sát bắn vào những người đình công có vũ trang, đã làm sống dậy những vết thương chưa lành. Nhật báo The Times có số phát hành lớn ghi nhận những hình ảnh của thảm kịch đã được truyền đi khắp thế giới, dường như thuộc về một Nam Phi của quá khứ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.