Vào nội dung chính
NGA - NHÂN QUYỀN

Quốc tế chỉ trích Nga kết án Pussy Riot 2 năm tù

Chiều hôm qua 17/08/2012, tòa án Nga tuyên án 2 năm tù đối với ba nữ ca sĩ ban nhạc Pussy Riot, bị buộc tội có « hành động côn đồ », « kích động hận thù tôn giáo ». Ngay sau đó, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia lên án chính quyền Nga tấn công vào quyền tự do ngôn luận, và yêu cầu hủy bỏ bản án.

Các hiệp hội Nga biểu tình đòi trả tự do cho nhóm Pussy Riot 17/08/2012 (D. Snegirev)
Các hiệp hội Nga biểu tình đòi trả tự do cho nhóm Pussy Riot 17/08/2012 (D. Snegirev)
Quảng cáo

Bà Catherine Ashton, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, khẳng định, phán quyết của tòa án Matxcơva « không cân xứng » với hành động của các bị cáo và cần phải được hủy bỏ. Theo người phụ trách ngoại giao châu Âu, vụ án này nằm trong một loạt các hành động đe dọa và truy tố nhắm vào các hoạt động đối lập tại Liên bang Nga, được chính quyền hậu thuẫn, trong thời gian qua, và đây là điều ngày càng gây lo ngại tại châu Âu.

Về phía Pháp, bà Najat Vallaud-Belkacem, bộ trưởng phụ trách Quyền phụ nữ, kiêm phát ngôn viên của chính phủ, tuyên bố, phán quyết hôm qua của tòa án Matxcơva cho thấy quyền tự do sáng tạo và tự do ngôn luận tại nước này đang bị xâm phạm. Bộ trưởng Quyền phụ nữ Pháp cũng hy vọng bản án sẽ được xem xét lại.

Biểu tình ủng hộ ba nữ ca sĩ Pussy Riot đã diễn ra hôm qua tại nhiều thủ đô châu Âu : Paris, Bruxelles, Luân Đôn, Vienna, Varsava, Praha, Kiev, Sofia… Tại Paris, khoảng 200 người, tập hợp gần quảng trường bảo tàng Beaubourg (Paris), đúng vào lúc tòa tuyên án, để phản đối phán quyết của tòa án Nga. Một số phụ nữ bày tỏ sự đồng cảm với họ, với việc mang các mũ trùm giống như ba ca sĩ trong bài hát lên án Putin. 

Xã hội Nga chia rẽ sau bản án 2 năm tù cho các ca sĩ Pussy Riot

Theo AFP, tại phiên tòa, tinh thần các bị cáo rất vững vàng, họ mỉm cười khi tòa tuyên án. Các luật sư tố cáo phiên tòa không công bằng, phán quyết có thể đã được đưa ra « theo chỉ đạo của Kremlin », và cho biết sẽ khiếu nại phúc thẩm.

Vụ án ba nữ nghệ sĩ phản đối Putin nhận được các phản ứng hết sức trái chiều trong xã hội Nga. Bản thân nội bộ Giáo hội Chính thống Nga cũng bị phân hóa trong vấn đề này, và Giáo hội chỉ ra được một tuyên bố chung, sau khi kết thúc phiên tòa xử « các tù nhân chính trị đầu tiên » từ khi ông Putin trở lại chức tổng thống, như nhận xét của một số bình luận gia.

Thông tín viên Hoàng Dung tường trình từ Matxcơva:

« Vụ án các ca sĩ ban nhạc Pussy Riot trong thời gian nửa năm qua đã gây ra một sự phân hóa hoàn toàn trong xã hội Nga. Một bên là những người chỉ trích các hành động của những cô gái này, và cho rằng họ xứng đáng phải nhận một bản án thật nghiêm khắc, thậm chí tới 7 năm tù. Còn bên kia là một nửa xã hội khác, đã hết sức lên tiếng bênh vực cho các cô, và họ cho rằng, với một hoạt động mang tính nghệ thuật, để nói lên một quan niệm chính trị của mình, mà bị xử phạt như vậy thì không công bằng trong một xã hội được xem là có đôi chút dân chủ, như nước Nga hiện nay.

06:00

Thông tín viên Hoàng Dung (Matxcơva)

Việc mỗi ca sĩ bị hai năm tù giam, như bản án vừa được tuyên, lại một lần nữa gây nên các phản ứng đối lập. Phe bênh vực thì cho rằng, bản án này là quá nặng, còn phe chống đối, thì cho rằng quá nhẹ, bởi vì hình phạt cao nhất đối với tội danh ''khơi dậy hận thù tôn giáo'' thì có thể phải bị phạt đến 7 năm tù.

 Thái độ không rõ ràng của Giáo hội Chính thống Nga

Người phụ trách xử vụ án nhận định rằng, tòa đã không tìm thấy trong hành động của các phụ nữ này tính chất chính trị, mà chỉ tìm thấy các bằng chứng cho thấy nó khơi dậy sự hận thù tôn giáo mà thôi. Do đó, việc các phụ nữ này bị truy tố chủ yếu là để trừng phạt việc họ không tôn trọng niềm tin tôn giáo, phỉ báng đạo Chính thống.

Như vậy, Giáo hội Chính thống giáo Nga, mặc dù không trực tiếp là người buộc tội, nhưng lại là người gián tiếp đưa đến bản án này. Trong suốt quá trình xử án, Giáo hội không có tiếng nói chung nào về cuộc xử án, mà phải chờ đến một tiếng đồng hồ sau khi tòa đã tuyên án, thì Giáo hội mới có một lời tuyên bố chung gửi đến chính quyền Nga, để đề nghị chính quyền hãy có một thái độ « từ bi hơn » đối với các bị cáo, trong khuôn khổ cho phép của luật pháp.

Vừa qua, trong chuyến công du Anh, tổng thống Putin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đã nói rằng, ông cũng mong muốn phiên tòa dành cho các cô gái một bản án không quá khắt khe.

Cho dù chính quyền và Giáo hội bày tỏ mong muốn không có một bản án quá gay gắt cho ba nữ ca sĩ, nhưng trên thực tế, bản án này hoàn toàn không có gì là nhẹ nhàng đối với họ.

Pussy Riot : ''Tù nhân chính trị đầu tiên'' của tổng thống Putin nhiệm kỳ mới

Vụ án ba nữ ca sĩ Pussy Riot, dù không phải là một vụ nghiêm trọng như khủng bố, hay gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, nhưng về mặt xã hội, đây là một điểm nút đang thắt lại những vấn đề mâu thuẫn trong xã hội Nga. Trong các vấn đề chính trị, tôn giáo, người dân không có một tiếng nói chung, có nhiều mâu thuẫn. Phe bảo vệ các ca sĩ cho biết sẽ kháng án và các tranh cãi sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Dù tòa án khẳng định vụ án này không mang tính chính trị, mà chỉ là vấn đề xã hội, tức là niềm tin tôn giáo của một nhóm ca sĩ và các giáo dân Chính thống giáo, nhưng thực tế đây là một bản án chính trị. Trong những lời cuối cùng, các cô gái nói rằng, nếu họ gây nên một điều gì đó khiến các giáo dân không hài lòng, thoải mái, khi xem các biểu diễn của họ, thì họ sẵn sàng xin lỗi một cách công khai, nhưng những hành động của họ, các tác ý của họ trong hành động này là hoàn toàn mang tính chính trị, chứ không nhằm khơi dậy sự hận thù về tôn giáo. Mặc dù có lời xin lỗi công khai, chính thức như vậy, nhưng tòa án không công nhận điều này, và vẫn buộc các bị cáo vào một tội danh khác để xét xử. Như vậy, có thể thấy, đây không phải là một bản án về một tội phạm thông thường trong xã hội, mà đằng sau nó là vấn đề hoàn toàn mang tính chính trị. Giữa tòa án và chính quyền đã có các ảnh hưởng lẫn nhau.

Theo nhận xét của một số nhà bình luận, đây là bản án cho thấy xã hội Nga không có được tự do, và ba ca sĩ Pussy Riot là ‘‘các tù nhân chính trị đầu tiên’’ kể từ khi ông Putin quay lại nắm quyền tổng thống ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.