Vào nội dung chính
HOA KỲ

Obama ký ban hành ngân sách quốc phòng 633 tỷ đô la

Tổng thống Barack Obama hôm 02/01/2013 đã ký ban hành đạo luật về ngân sách đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua hồi cuối năm. Với tổng số chi tiêu lên đến 633 tỷ đô la, ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh hai mục tiêu quan trọng : tài trợ cho cuộc chiến tại Afghanistan, đồng thời tăng cường an ninh cho các cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới.

REUTERS /Jonathan Ernst
REUTERS /Jonathan Ernst
Quảng cáo

Trong một bản thông cáo công bố vào sáng sớm hôm nay, Tổng thống Mỹ cho biết là mặc dù vẫn có một số ý kiến dè dặt liên quan đến văn kiện này, nhưng ông đã quyết định ký ban hành vì ngân sách thường niên này « cho phép đổi mới các chương trình an ninh quốc gia thiết yếu, góp phần đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có một quân đội hùng mạnh nhất thế giới ». 

Nhìn chung, ngân sách quốc phòng mới của Hoa Kỳ bao gồm hơn 527 tỷ đô la dành cho các hoạt động căn bản của Lầu Năm Góc, hơn 88 tỷ riêng cho các chiến dịch quân sự ở hải ngoại, trong đó có cuộc chiến tại Afghanistan, và gần 18 tỷ cho các chương trình liên quan đến an ninh quốc gia của Hội đồng An toàn hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng và Bộ Quốc phòng. 

Đặc biệt dự luật còn dự trù gần 10 tỷ đô la chi phí cho các hệ thống phòng thủ chống tên lửa, bao gồm cả kinh phí nghiên cứu khả thi về ba địa điểm phòng thủ tên lửa dọc theo bờ biển phía đông Hoa Kỳ. 

Cùng lúc với luật về chi tiêu quốc phòng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã ký ban hành văn kiện thỏa hiệp mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ vừa đạt được trên vấn đề ngân sách. Dù mang tên « Luật giảm thuế cho người Mỹ năm 2012 », đạo luật này đã nâng mức thuế đối với những hộ gia đình thu nhập trên 450.000 đô la/năm từ 35% lên thành 39,6%, đồng thời trì hoãn các quyết định chi tiêu trong hai tháng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.