Vào nội dung chính
VIỆC LÀM

Tổ chức Lao động Quốc tế báo động về nạn thất nghiệp

Vào năm 2013 này, thế giới sẽ có 202 triệu người thất nghiệp. Đây là con số mà Tổ chức Lao Động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc OIT vừa nêu bật trong bản báo báo cáo thuờng niên vừa công bố, vào được nhật báo Pháp Le Figaro ngày 22/01/2013 phân tích .

Tại một trung tâm tìm việc làm ở Varsava, 16/01/2013.
Tại một trung tâm tìm việc làm ở Varsava, 16/01/2013. REUTERS/Peter Andrews
Quảng cáo

Tác giả bài báo đi vào chi tiết : Trong năm 2012, thế giới có thêm 4,2 triệu người không công việc làm, đưa tổng số lên 197 triệu. Tình hình 2013 đen tối thêm, với 202 triệu người thất nghiệp. Con số sẽ không ngừng tăng, dự kiến lên đến 210 triệu trong 5 năm tới.

Le Figaro trích lời kinh tế gia Ekkehard Ernst của OIT, đánh giá bi quan rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên đều đặn, và « không thể hy vọng cải thiện tình hình trước 2016. Tăng trưởng chậm lại đến mức phải mất nhiều thời gian để tạo công việc làm mới. »

Theo bài báo, các quốc gia phát triển đang ở tuyến đầu, do hệ quả khủng hoảng kéo dài. 1/4 số người thất nghiệp mới trên thế giới là tại những nước này, tức là thêm gần 1 triệu người, đưa tỷ lệ thất nghiệp lên mức 8,6%. Tệ hại nhất là ở vùng đồng euro, ở Hoa Kỳ đỡ hơn, có phần giảm bớt, từ 8,1% năm 2012 xuống 7,8% trong năm 2013 này.

Các quốc gia đang vươn lên cũng không thoát nạn, với thị trường lao động cũng xấu đi nghiêm trọng ở vùng Đông Á và Nam Á : Thêm 1 triệu người không việc làm ở mỗi vùng. Bên cạnh đó là tình hình ở Châu Phi khu vực phía Nam Sahara, vùng bấy lâu nay thất nghiệp vốn nghiêm trọng.

Bài báo trở lại mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Tổ chức Lao động Quốc tế. Đó là nạn thất nghiệp trong thanh niên : 74 triệu trong lứa tuổi 15-24 – tức là 12,6 %. Tình hình ở Châu Âu rất đáng ngại : Tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, tỷ lệ này lên đến 50%.

Vấn đề đáng ngại không chỉ ở số liệu mà còn trên khiá cạnh khác. Đó là việc số thanh niên ngày càng nhiều bị lâm vào tình trạng thất nghiệp dài hạn, đã chán nản, không buồn tìm việc làm nữa. Theo bài báo 35% trong lứa tuổi nói trên lâm vào tình trạng này. Và như thế bước vào một cái vòng lẩn quẩn : năng lực bị mai một, khó tìm lại việc làm.

Le Figaro trích lại đánh giá của kinh tế gia Ekkard Ernst, thất nghiệp dài hạn nhìn chung phản ánh tính chất không thích hợp trên thị trường lao động giữa cung và cầu. Giới chính trị phải khẩn cấp tìm giải đáp thích ứng và có phối hợp. Nhà kinh tế này không tán đồng sự kiện là trong bối cảnh này - như ở Châu Âu - các quốc gia lại cùng một lúc đặt ra vấn đề về sức cạnh tranh của mình.

Về giải pháp giảm thất nghiệp, Tổ chức Lao động Quốc tế OIT, đã đề xuất thực hiện các chương trình huấn nghiệp và chuyển ngành, chuyển nghề, ưu tiên hướng về các lãnh vực sản xuất, để giải quyết vấn đề cung cầu không thích hợp như nói trên trên thị trường lao động.

Trung Quốc bỏ trại cải tạo lao động trong năm nay

La Croix dẫn lại bản tin của báo China Daily hôm qua, trích dẫn một viên chức trong ngành luật pháp xác nhận quyết định này, chỉ còn chờ Quốc hội ‘biểu quyết’. Tuy nhiên tác giả bài báo cũng trích tờ Hoàn cầu Thời báo tuần qua, nhận thấy là hầu như các chính quyền địa phương không hề nhận được chỉ thị nào về việc sắp hủy bỏ chế độ lao cải. Một luật gia còn nhận thấy chính quyền sẽ rất vất vả trong việc bảo vệ trật tự an ninh một khi hủy bỏ chế độ này .

Bài báo nhắc lại là hiện tại bất kỳ người Trung Quốc nào cũng có thể bị đưa đến trại lao cải do quyết định của một vài công an địa phương, và ở đấy có khi đến 4 năm. Hiện có gần 300 trại cải tạo lao động, giam hơn 200.000 người.

Nhật Bản đau đầu về con tin

Le Monde chú ý đến việc Nhật Bản cho đến hôm qua, 21/01, từ chối không xác nhận số người của mình bị chết trong vụ bắt con tin ở In Amenas (Algeri).

Le Monde giải thích nguyên nhân : Nhật đã không chính mình kiểm chứng được số phận 10 người còn mất tích trên tổng số 17 kiều dân Nhật làm việc tại đây. 7 người đã được cứu thoát. Tuy nhiên Le Monde cũng nhắc lại sáng hôm qua, một viên chức Nhật đã nói với hãng tin Reuters là họ được tin có 9 người chết. Dù sao theo Le Monde, thiệt hại đối với Nhật là rất nặng nề.

Tờ báo phân tích quan điểm của Nhật cho đến nay luôn cố gắng giữ thái độ trung lập trong các cuộc tranh chấp, cho dù trước đây đã lên tiếng ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Irak, hay như ở Trung Đông, trong hồ sơ hạt nhân Iran, cho dù Nhật phải buộc lòng giảm nhập dầu hoả Iran, hay trong hồ sơ Cận Đông, Israel Palestine, và trước mắt là hồ sơ Mali.

Thái độ của Nhật theo bài báo, không ngoài mục tiêu bảo vệ nguồn cung ứng năng lượng của mình và hoạt động của các công ty Nhật.

Đối với Le Monde vụ bắt con tin ở In Amenas với hệ quả nói trên, cũng sẽ không làm Nhật thay đổi thái độ cố hữu này, cho dù sự cố đã cho thấy là Nhật phải dựa rất nhiều vào các quốc gia khác để có được thông tin đáng tin cậy.

Có thay đổi chăng, là việc các công ty Nhật sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn mối quan hệ với chính quyền địa phương nơi họ hoạt động, cũng như xem xét lại phương pháp đánh giá rủi ro của họ.

Ấn Độ : Dòng họ Gandhi lại có triển vọng lãnh đạo

Báo Les Echos hôm nay nhìn về Châu Á, chú ý đến sự kiện là tại Ấn Độ, thế hệ thứ tư dòng họ Gandhi có triển vọng cầm cương nước Ấn. Tờ báo nhắc lại việc cháu nội của bà Indira Gandhi, Rahul Gandhi, ngày 20/01, được đề cử làm nhân vật số 2 của đảng Quốc Đại, đang nắm quyền ở Ấn. Nhân vật lãnh đạo đảng này không ai khác là bà Sonia Gandhi, mẹ của Rahul. Có rất nhiều triển vọng chiếc ghế thủ tướng sẽ trở về tay dòng họ Gandhi, với nhân vật 42 tuổi này.

Dĩ nhiên theo Les Echos, điều kiện là đảng Quốc Đại thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2014 tới đây.

Les Echos giải thích do việc đề cử người ‘thừa kế’ được chờ đợi từ rất lâu cho đến bây giờ, khi Rahul, 42 tuổi mới được thực hiện, đó là do chính bản thân Rahul, không hề muốn, và tìm cách trì hoãn.

Les Echos vẽ lại chân dung một người nhút nhát, không thích xông xáo trong chính trị, ít khi nêu lên suy nghĩ của mình. Trong một thời gian dài, ông chỉ bó mình trong những vai trò khiêm tốn : lãnh đạo thanh niên trong đảng Quốc Đại, đứng ra hướng dẫn vận động một số cuộc tranh cử cấp vùng, nhưng thất bại nhiều hơn là thành công. Ông đã nhiều lần từ chối lời mời tham chính của thủ tướng Manmohan Singh.

Nhìn tính cách của Rahul, Les Echos cho là cũng dễ hiểu là ông đã do dự trước trách nhiệm đang chờ đợi ông : Phải lãnh đạo đảng Quốc Đại trong một trận đấu chính trị khốc liệt - chính ông sẽ lãnh đạo đảng lớn này trong cuộc bầu cử năm tới - phải đảm trách công cuộc phát triển của đất nước 1,2 tỷ dân mà kinh tế còn xa với kết quả mong muốn. Rahul cũng không thể quên là cha của ông Rajiv cũng như bà nội ông, Indira đều đã bị ám sát trong khi lãnh đạo đất nước.

Nhưng Les Echos kết luận là có những trách nhiệm không thể vứt bỏ đi. Và cho dù Rahul có mơ ước sống một cuộc sống con nhà giàu ở phương Tây thì ông cũng phải gánh vác di sản của gia đình để lại. Nếu ngày nào đó ông trở thành thủ tướng Ấn Độ, thì ông chỉ thừa kế công việc của người Ông Jawa-harlal Nehru, công việc của bà nội Indira Gandhi và cha Jajiv Gandhi.

Paris Berlin : 50 năm tình bạn sóng gió

Kỷ niệm 50 năm Hiệp ước thân hữu Pháp Đức, cuộc chiến ở Mali, vụ bắt con tin ở Algeri là thời sự được dành nhiều trang báo nhất vào hôm nay. Ít ra là 4 tờ báo lớn dành tít đầu bản tin ở trang nhất cho Hiệp ước Elysée mà báo kinh tế Les Echos hầu như tóm lược nhận định chung trong hàng tựa : Paris Berlin mừng 50 năm tình bạn sóng gió.

Báo giới Pháp nhìn lại con đường dài 50 năm qua của '‘cặp Pháp Đức'', mà như đánh giá của tờ Le Monde thì « 50 sau, Pháp-Đức dẫu sao vẫn gắn bó, bất kể thăng trầm. Hàng tựa bên trên bức ảnh vẽ ông De Gaulle và Adenauer, châu mày, nhắm mắt, nhưng hướng về nhau và ở giữa hai ông là cặp Hollande- Merkel tuy là nắm tay nhưng quay lưng lại với nhau và cất bước theo hai hướng ngược lại nhau.

Libération bên cạnh bức ảnh tổng thống Hollande và bà Merkel, ngồi bên cạnh nhau, nhìn về phía trước vẻ cứng nhắc, ghi nhận : Paris-Berlin, một cặp không mặn nồng. Ở trang trong, tờ báo ghi nhận là 50 năm sau hiệp ước, cặp Pháp - Đức tìm một hơi sức mới.

Báo L’Humanité, chỉ đăng ảnh bà Merkel, chạy dòng tựa bên trên : một mô hình đang hụt hơi, nhắc đến tăng trưởng kinh tế mức âm của Đức vào quý Tư 2012. Và theo L’Humanité, đó là do hệ quả nhũng cải tổ phản xã hội của các chính Shroeder và Merkel.

Trở lại quan hệ Pháp Đức, điều làm cho báo L’Humanité bất bình nhất là quan hệ ưu đãi giữa Paris Berlin được xây dựng ở thượng tầng, trong lúc mà công dân hai nước, tốt lắm là chỉ ở thế khán giả mà thôi.

Báo Le Figaro, ở trang trong, cũng nêu một số điểm cho thấy Đức- Pháp không phải là một cặp khắn khít với nhau : ví dụ như tiếng Đức không mấy quyến rũ đối với học sinh Pháp, chỉ có 15,4 % học sinh cấp trung học là chọn tiếng Đức làm ngoại ngữ. Phiá học sinh Đức thì cũng không say mê, nhiệt tình với tiếng Pháp.

Theo Le Figaro, học sinh Pháp phần đông chọn tiếng Anh trước tiên, nhưng khi chọn ngoại ngữ hai thì đa số chọn tiếng Tây Ban Nha.

Phiá học sinh Đức cũng vậy, rất thờ ơ với tiếng Pháp. Thanh niên Đức không còn mơ thích sang Pháp học như trong những năm 1960 hay 1980.

Theo Le Figaro, đi xa các vùng sát ranh giới thì thấy ngay là tiếng Pháp không mấy được chú ý đến. Ngay tại Berlin, người ta không thể học tiếng Pháp như ngoại ngữ một nữa, mà ngay cả trong vị thế ngoại ngữ hai, học sinh Đức lại chọn tiếng Tay Ban Nha hay là tiếng Hoa. Các em cho là tiếng Hoa khó thật, phải vất vả nhưng vẫn học, với hy vọng sang Trung Quốc làm việc một ngày nào đó.

Tuy nhiên Le Figaro cũng nhìn thấy tiếng Đức có triển vọng thu hút thanh niên Châu Âu do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Người Tây Ban Nha, theo tờ báo, gọi đó là '‘hệ quả Merkel’' : Thủ tướng Đức cuối năm 2011 đã nói là nước của bà cần người lao động nước ngoài, và học tiếng Đức trở thành mốt hiện nay ở Tây Ban Nha.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.