Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Ai Cập : Quân đội đứng về phía nhân dân

Nắm vai trò trọng tài trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, quân đội Ai Cập cuối cùng đã quyết định đứng về phía nhân dân với việc gia tăng áp lực lên Tổng thống thuộc phe Hồi giáo Mohamed Morsi. Quyết định này dĩ nhiên đã làm hài lòng phe đối lập, nhưng hiện chưa biết tình hình Ai Cập sẽ diễn tiến như thế nào.

Quân đội Ai Cập đang gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Morsi
Quân đội Ai Cập đang gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Morsi REUTERS/Sherif Abd Monam/Egyptian Presidency
Quảng cáo

Các lãnh đạo quân đội Ai Cập ngày 01/07/2013 đã gia hạn 48 tiếng đồng hồ cho tất cả các bên để làm sao thỏa mãn các đòi hỏi của nhân dân, nếu không, quân đội sẽ buộc phải đề ra một « lộ trình » để đưa nước này ra khỏi khủng hoảng chính trị và sẽ giám sát việc thực hiện lộ trình đó. Tuy lời kêu gọi nói trên được đưa ra cho toàn bộ chính giới Ai Cập, nhưng rõ ràng đây là một bản tối hậu thư gởi đến Tổng thống Morsi, thuộc đảng Huynh đệ Hồi giáo.

Trong các cuộc biểu tình rầm rộ những ngày qua, người dân Ai Cập chỉ có một đòi hỏi duy nhất, đó là tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, tức là ông Morsi phải ra đi.

Phong trào Tamarrod ( tiếng Ả Rập có nghĩa là « nổi dậy » ), phong trào đã khởi xướng các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Morsi từ chức, cũng như những người biểu tình đang có mặt ở quảng trường Tahrir, Cairo tối ngày 01/07/2013 đã hoan nghênh tuyên bố của quân đội Ai Cập, cho rằng các quân nhân đã « đứng về phía nhân dân ».

Từ Chủ nhật vừa qua, ngày càng có nhiều người trong phe đối lập kêu gọi quân đội gây áp lực lên Tổng thống Morsi. Bộ trưởng Quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội, tướng Abdel Fattah al-Sissi vào tuần trước đã tuyên bố rằng quân đội sẽ không để cho đất nước rơi vào hỗn loạn. Trước đó, ông cũng đã cam kết « quân đội có nghĩa vụ can thiệp khi có nguy cơ các định chế Nhà nước sụp đổ, để tránh cho đất nước đi đến xung đột và rối loạn ». Nhưng cho tới nay, lãnh đạo quân đội Ai Cập chưa nói rõ là họ đứng về phe nào, cũng như là sẽ có hành động ra sao.

Trước mắt, Tổng thống Morsi đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội, nhưng chính quyền của phe Hồi giáo đang ngày càng suy yếu, với việc 5 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Kamel Amr, tuyên bố từ chức. Trước tình hình này, Tổng thống Obama hôm qua đã gọi điện thoại cho Tổng thống Morsi bày tỏ sự quan ngại của ông, đồng thời kêu gọi các bên ở Ai Cập tự kềm chế. Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các bên đối thoại với nhau, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng mới này sẽ có « tác động quan trọng » đến tình hình những nước khác trong khu vực.

Sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ vào đầu năm 2011 cho đến khi ông Morsi được bầu làm tổng thống tháng 6/2012, quân đội Ai Cập đã tạm nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nay quân đội Ai Cập lại đứng trên tuyến đầu. Vấn đề là theo các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, quân đội Ai Cập muốn đất nước ra khỏi khủng hoảng, tránh một cuộc nội chiến, nhưng lại không muốn trực tiếp đảm nhận quyền hành. Hơn nữa, trong thời gian tạm nắm quyền, quân đội Ai Cập bị các nhà đối lập chỉ trích là đã duy trì một chế độ độc đoán và đã gây ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Nói chung, sự can thiệp của quân đội không phải là một giải pháp dài hạn, có điều phe đối lập ở Ai Cập hiện nay còn quá yếu để có thể lãnh đạo đất nước một cách ổn định.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.