Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Covid-19 : Miễn dịch cộng đồng tại Pháp, mục tiêu còn xa vời

Đăng ngày:

Từ ngày 11/05/2020, nước Pháp dỡ bỏ dần dần lệnh phong tỏa đã được ban hành từ 17/03. Nhưng sau gần hai tháng giới hạn tối đa mọi tiếp xúc và nhờ vậy mà đã góp phần kềm chế được đà lây lan của Covid-19, người dân Pháp sẽ phải đối diện với một dấu hỏi lớn: làm sao để tránh một làn sóng thứ hai của dịch virus corona, một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ?

Xét nghiệm huyết thanh cho nhân viên một viện dưỡng lão ở Kaysersberg, Pháp. Ảnh chụp ngày 16/04/2020.
Xét nghiệm huyết thanh cho nhân viên một viện dưỡng lão ở Kaysersberg, Pháp. Ảnh chụp ngày 16/04/2020. REUTERS - CHRISTIAN HARTMANN
Quảng cáo

Trước một kẻ thù còn rất bí hiểm này và trong khi còn lâu mới có được một loại vác-xin ngừa Covid-19, cơ quan y tế đang trông chờ rất nhiều vào sự miễn dịch cộng đồng của dân Pháp, nhưng đây vẫn là một mục tiêu xa vời. Theo các nhà dịch tễ học, để sự miễn dịch đủ mạnh, tránh được một đợt dịch thứ hai, phải có ít nhất 70% dân số đã bị lây nhiễm. Thế mà tỷ lệ này ở Pháp còn rất thấp.

Ngày 23/04 vừa qua, Viện Pasteur Paris đã công bố một công trình nghiên cứu do viện này thực hiện tại một trong những ổ dịch đầu tiên tại Pháp, đó là một trường trung học ở thị trấn Crépy-en-Valois, tỉnh Oise, phía bắc Paris. Đây là nơi có người Pháp đầu tiên, một giáo viên trung học, thiệt mạng vì Covid-19 vào cuối tháng 2. Trong khoảng thời gian từ 30/03 đến 03/04, các nhà khoa học của Viện Pasteur đã xét nghiệm hơn 600 người để xem những người này có đã từng bị nhiễm virus corona chủng mới ( tên khoa học là SARS-CoV-2 ) hay không. Chỉ đạo cuộc điều tra nghiên cứu này là nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet của Viện Pasteur.

Theo lời ông Fontanet, dịch Covid-19 ở Crépy-en-Valois dường như đã bùng phát từ tuần lễ thứ ba của tháng 1, đã tiếp diễn cho đến kỳ nghỉ mùa đông, bắt đầu từ 15/02, rồi sau đó đã tiếp tục giảm sau khi các biện pháp phong tỏa được ban hành ở tỉnh Oise ngày 01/03.

Kết quả nghiên cứu cho thấy là chỉ có 26% học sinh, giáo viên và thân nhân của họ có mang trong người kháng thể chống virus corona. Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 23/04, nhà nghiên cứu Fontanet giải thích :

« Có hai nhóm được xét nghiệm. Nhóm đầu tiên, gồm 320 người, là những người có đến trường trong khoảng thời gian đó: học sinh, giáo viên, các nhân viên phục vụ ở trường. Tỷ lệ lây nhiễm của nhóm này là 41%. Nhóm thứ hai, gồm 341 người, là gia đình của các học sinh, có tỷ lệ lây nhiễm là 11%. Như vậy ta thấy là virus lây lan rất nhiều trong trường và lây nhiễm ít hơn giữa các thành viên trong gia đình học sinh.

Qua nghiên cứu này ta thấy trường học là một môi trường rất đặc biệt, nơi mà virus hoạt động rất mạnh, còn gia đình của các học sinh mới phản ánh đúng hơn tình hình chung của dân số Pháp, nhất là tình hình người dân ở Crépy-en-Valois. Tỷ lệ lây nhiễm 11% này còn rất thấp so với mức 70% dân số mà chúng ta cần để có sự miễn dịch cộng đồng giúp bảo vệ chúng ta ».

Từ kết quả nghiên cứu ở trường trung học tại Crépy-en-Valois, ông Fontanet thẩm định, tỷ lệ nhiễm virus của dân Pháp hiện chỉ là khoảng từ 3 đến 10%.

Trước nghiên cứu nói trên, ngày 21/03, Viện Pasteur cũng đã công bố kết quả một nghiên cứu khác, với thẩm định là hiện chưa có tới 6% dân Pháp bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Nghiên cứu do viện này thực hiện cùng với cơ quan Y tế Công cộng Pháp và Viện Quốc gia Y tế và Nghiên cứu Y Khoa ( INSERM ). Họ đã sử dụng các công cụ toán học và thống kê để phân tích, so sánh các dữ liệu về các ca tử vong và khả năng tử vong của bệnh nhân Covid-19, để đi đến thẩm định là tỷ lệ dân Pháp bị nhiễm hiện chỉ mới là 5,7%.

Ở đây tình hình như đang trong một cái vòng luẩn quẩn : tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp như vậy chính là do lệnh phong tỏa được tuân thủ, khiến cho số người trung bình bị lây từ một ca nhiễm nay đã xuống còn 0,5, so với 3,3 trước khi có lệnh phong tỏa. Mục đích của việc phong tỏa chính là tránh cho các bệnh viện bị quá tải, do số bệnh nhân đổ đến quá đông, bằng cách kềm hãm đà lây lan của virus. Nhưng mục đích này hóa ra lại đi ngược hướng với mục tiêu miễn dịch cộng đồng!

Cho tới nay, chính phủ Pháp về mặt chính thức vẫn theo đuổi mục tiêu hạn chế sự lây lan của virus. Trong cuộc họp báo thường ngày hôm 23/04, giáo sư Jérôme Salomon, tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp, nói :

« Mục tiêu của nước Pháp không phải là đạt đến miễn dịch cộng đồng chẳng hạn như bằng cách tạo điều kiện cho việc bùng phát đợt dịch thứ hai, rồi đợt dịch thứ ba, rồi mỗi đợt dịch lại có được thêm 5% dân số bị nhiễm. Điều này là rất nguy hiểm. Vì sao ? Bởi vì chúng ta không thể tự cho phép mỗi đợt dịch lại có thêm hàng ngàn người chết, hàng ngàn bệnh nhân phải vào phòng hồi sức. Đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là tránh sự lan truyền của virus và giới hạn tối đa áp lực đối với hệ thống bệnh viện và các viện dưỡng lão, để kềm chế tốc độ lây lan của virus ở mức thấp nhất, tranh thủ thời gian trong khi chờ các thuốc điều trị hiệu quả và các vác-xin. »

Trả lời hãng tin AFP, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu về dịch tễ học Simon Cauchemez nhấn mạnh : « Để cho miễn dịch cộng đồng đủ mạnh nhằm tránh đợt dịch bệnh thứ hai, phải có ít nhất 70% dân số đã bị lây nhiễm. Chúng ta hãy còn ở mức thấp hơn rất nhiều. Cho nên, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, để tránh một đợt dịch lớn thứ hai, các biện pháp ngăn ngừa phải được duy trì ».

Nhà nghiên cứu Fontanet cũng có cùng nhận định :

« Ngay cả tại một vùng mà dịch hoành hành dữ dội nhất, có thiệt hại nhân mạng nặng nhất, mức độ miễn dịch trong dân chúng vẫn không đủ để chúng ta lơ là các biện pháp phòng ngừa khi lệnh phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ.

Chúng ta gần giống như là vẫn đang ở điểm khởi đầu như trước khi ban hành lệnh phong tỏa và như vậy là việc dỡ bỏ phong tỏa phải được thực hiện theo rất nhiều bước và một cách rất thận trọng. Nói cách khác, chúng ta không thể trở lại ngay cuộc sống bình thường, mà phải thay thế các quy định phong tỏa bằng những quy định phù hợp với đời sống kinh tế và xã hội trong hoàn cảnh mới. Những quy định đó sẽ vẫn phải mang tính hạn chế chặt chẽ để ngăn chận sự lây lan của virus. »

Vấn đề miễn dịch cộng đồng lại càng rắc rối hơn nữa vì cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn là khi một người đã bị nhiễm virus corona rồi, thì kháng thể tự nhiên được tạo ra có đủ để giúp người này tránh bị lây nhiễm lần thứ hai hay không và nếu có, thì khả năng miễn dịch này kéo dài bao lâu ?

Với tỷ lệ miễn dịch cộng đồng còn quá thấp và trước nguy cơ sẽ có một làn sóng dịch bệnh thứ hai, chính phủ Pháp buộc phải tiến hành dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo rất nhiều giai đoạn. Thủ tướng Edouard Philippe đã từng báo trước là phải rất lâu dân Pháp mới trở lại cuộc sống bình thường như trước khi có dịch. Có nghĩa là trong nhiều tháng nữa, nếu không muốn nói là trong vài năm nữa, chúng ta phải sống chung với con virus corona, tức là lúc nào cũng phải tuân thủ những quy định về ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn bộ cuộc sống sẽ tiếp tục bị đảo lộn trong một thời gian dài, cho đến khi các nhà khoa học tìm ra thuốc điều trị hoặc vác-xin ngừa Covid-19.

Trong tình hình như vậy, có nên cho mở lại các trường kể từ ngày 11/05, như quyết định của chính phủ Pháp hay không ? Đây là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, nhất là qua nghiên cứu của Viện Pasteur, người ta thấy là các học sinh trường trung học ở Crépy-en-Valois đã mang virus về nhà. Về vấn đề này, trả lời RFI, nhà nghiên cứu Arnaud Fontanet, Viện Pasteur, nói :

« Tôi nghĩ là phải tương đối hóa tình hình. Trước hết, các học sinh trung học gần như là những người lớn, tức là khi bị nhiễm virus, các em này sẽ có cùng những triệu chứng của bệnh Covid-19 như người lớn, trong khi những em nhỏ hơn thì hầu như không có triệu chứng. Về mức độ lây nhiễm sang người khác, học sinh trung học rất có thể cũng gần giống như người lớn. Những gì xảy ra tại một trường trung học rất có thể sẽ không xảy ra trong một trường cấp tiểu học.

Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, đến ngày 11/05, khi các trường dần dần được mở lại, virus sẽ lan truyền chậm hơn so với giai đoạn mà chúng tôi tiến hành nghiên cứu tại trường trung học ở Crépy-en-Valois. Ngoài ra, lúc đó mọi người đã quen với những động tác ngăn ngừa dịch bệnh, quen với việc giãn cách xã hội. Cho nên chúng ta có thể hy vọng là với việc mở lại các trường, dĩ nhiên là một cách rất thận trọng, dịch bệnh sẽ không tái bùng phát. Nhưng chúng ta cần có một cơ chế giám sát rất chặt chẽ để bảo đảm là không có ổ dịch mới xuất hiện trong các trường.

Mặt khác, hơn bao giờ hết, phải cấp tốc tìm hiểu là các trẻ em đã bị lây nhiễm với mức độ như thế nào trong đợt dịch đầu tiên vừa qua tại Pháp. Nay chúng tôi đã có những công cụ tốt hơn, như công cụ vừa được sử dụng trong nghiên cứu ở Crépy-en-Valois để nắm được những gì vừa diễn ra trong hai hoặc ba tháng vừa qua. Chúng tôi chỉ mới có những công cụ này từ hai, ba tuần qua mà thôi. Nghiên cứu này đã được thực hiện khá gấp gáp. Còn hai nghiên cứu khác đang được dự trù. »

Ngoài Pháp, các nước châu Âu khác cũng đang trên đường tìm kiếm một sự miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Vào tuần trước, các cuộc xét nghiệm huyết thanh quy mô lớn đã được tiến hành tại Ý, nhằm tìm các kháng thể trong dân chúng, qua đó xác định được mức độ miễn dịch cộng đồng của người dân nước này. Đợt xét nghiệm quy mô này bắt đầu tại Lombardia, bởi vì vùng có 10 triệu dân này từng là tâm chấn của dịch Covid-19 tại Ý, là nơi đã có đến hơn 69.000 ca lây nhiễm và 13.000 ca tử vong, tức là phân nửa tổng số ca tử vong ở nước này.

Lãnh đạo Hội đồng Y tế cao cấp của Ý, ông Franco Locatelli, giải thích : qua việc « lập bản đồ » lây nhiễm, các xét nghiệm huyết thanh sẽ cung cấp « những thông tin rất chính xác về miễn dịch cộng đồng ». Ông cho biết thêm là những người được xét nghiệm huyết thanh nếu cho kết quả dương tính sẽ được xét nghiệm thêm mẫu dịch trong cuống họng hoặc trong mũi, vì người ta không loại trừ khả năng virus vẫn nằm trong cơ thể sau khi xuất hiện kháng thể. Chính quyền vùng Lombardia dự trù tiến hành 20 ngàn xét nghiệm mỗi ngày và đề ra mục tiêu là đến ngày 29/04 sẽ phổ quát hoá việc xét nghiệm.

Cho dù vẫn còn nghi vấn về tính chính xác, hai nước Đức và Thụy Sĩ cũng đã bắt đầu tiến hành các cuộc xét nghiệm huyết thanh trên cấp độ toàn quốc, còn Phần Lan và Anh Quốc cũng có ý định làm như vậy.

Trong khi nhiều nước đang lo lắng về khả năng miễn dịch cộng đồng, thì chính quyền Thụy Điển khẳng định là họ sắp đạt đến mục tiêu này. Khác với nhiều nước trên thế giới, Thụy Điển chỉ khuyến khích người dân « cách ly xã hội » chứ không phong tỏa toàn quốc. Nhưng chính quyền Stockholm khẳng định như vậy có quá sớm hay không ? Thời gian sẽ trả lời.

Trước mắt, mỗi ngày, giới khoa học lại biết thêm một chút về virus corona chủng mới. Nghiên cứu của Viện Pasteur được công bố ngày 21/04 cũng cho thấy tỷ lệ tử vong nơi những người bị nhiễm Covid-19 là 0,5%, nhưng theo lời ông Cauchemez, tác giả chính của nghiên cứu, khả năng tử vong còn khác biệt tùy theo tuổi tác và giới tính : « Khi bị lây nhiễm, đàn ông có nhiều nguy cơ tử vong hơn phụ nữ ( nguy cơ tử vong cao hơn 50% so với phụ nữ ) và sự cách biệt tăng theo cùng với tuổi tác. Tỷ lệ tử vong nơi các bệnh nhân nam trên 80 tuổi là 13%. Nghiên cứu của Viện Pasteur còn cho thấy là nguy cơ phải nhập viện của những người bị nhiễm Covid-19 là 2,6%, nhưng tỷ lệ này nơi đàn ông trên 80 tuổi là 13%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.