Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Mô hình kinh tế Trung Quốc có tương thích với tham vọng hùng cường và hiện đại ?

Phát biểu khai mạc Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một nước lớn hiện đại, cường quốc hàng đầu thế giới.   

Lễ khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, Bắc Kinh, ngày 16/10/2022.
Lễ khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, Bắc Kinh, ngày 16/10/2022. AP - Li Xueren
Quảng cáo

Nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua thách thức đó ? Chính sách kinh tế hiện tại của Bắc Kinh có bền vững không ? Chế độ có thể chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn không? Trên thực tế, Trung Quốc có những điểm yếu đáng kể về cơ cấu : kinh tế chững lại, những hạn chế về dân số, nạn bất bình đẳng và các vấn đề môi trường. Những vấn đề này thực ra đã có từ trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, thế nhưng chính những phương pháp độc đoán, chuyên quyền của ông đã khiến các hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn.   

Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhà chức trách Trung Quốc trong những năm qua đã chọn giải pháp tiếp tục hỗ trợ đầu tư, nhưng thường là trong các lĩnh vực hiệu suất thấp, chẳng hạn bất động sản. Thế nhưng, họ không thể cứ mãi bù đắp cho nhu cầu vốn dĩ đã giảm sút, vì cả lý do dân số và xã hội. Chính vì lẽ đó, mô hình kinh tế Trung Quốc dường như đang phải đối mặt với yêu cầu cải cách mà Bắc Kinh cứ mãi lần lữa suốt gần 2 thập kỷ.  

Trên đây là những nhận định của giáo sư kinh tế Mary-Françoise Renard, đại học Clermont Auvergne của Pháp, trong bài viết « Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 : Mô hình kinh tế Trung Quốc có tương thích với tham vọng hùng cường và hiện đại ? ». RFI giới thiệu bài viết dưới dạng hỏi đáp.  

Đầu tư là một động lực thiết yếu của nền kinh tế Trung Quốc ?   

Khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, Trung Quốc vẫn là một nước rất nghèo, thiếu đầu tư. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo theo đường lối cải cách, lên nắm quyền và từ năm 1978 đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm xây dựng một « nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ».  

Chiến lược mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài, với sự hỗ trợ của nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ, đã cho phép Trung Quốc duy trì tỉ lệ tăng trưởng cao. Như vậy là Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư và ngoại thương, nhưng rất ít dựa vào tiêu dùng của các hộ gia đình, vốn vẫn ở mức khá thấp. Quả thực, tỉ lệ tiết kiệm là rất cao : Do bảo hiểm an sinh xã hội không tốt nên dân chúng cần tiết kiệm để đề phòng bất trắc.   

Tuy nhiên, các khoản đầu tư ngày càng ít sinh lời. Vào đầu những năm 2000, việc định hướng lại dường như đã trở nên cấp thiết. Ngay từ năm 2004, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố cần tái cân bằng tăng trưởng để tăng hiệu quả đầu tư và cải thiện tiêu dùng. Nếu muốn tránh rơi vào « bẫy của các nước có mức thu nhập trung bình » (tức là tăng trưởng bị ngưng lại ở một mức độ nhất định trong thời gian dài),Trung Quốc sẽ phải tăng thu nhập hộ gia đình, đồng thời tạo ra tăng trưởng chất lượng thông qua công nghệ sản xuất trình độ cao hơn. Tuy nhiên, chỉ có một số ít biện pháp được đề ra nhưng rồi cũng bị hoãn lại một chút do khủng hoảng tài chính 2007.  

Trên thực tế, Bắc Kinh tiếp tục đặt tăng trưởng là mục tiêu hàng đầu. Một trong những điểm đặc biệt của kinh tế Trung Quốc là tỉ lệ tăng sản xuất hàng năm không được đo lường vào cuối năm, không so sánh với một dự báo, mà là một mục tiêu phải đạt được và do chính quyền đề ra. Để đạt được các mục tiêu tự đề ra, nhà chức trách Trung Quốc lại tiếp tục hỗ trợ đầu tư ồ ạt, bất chấp sự tiến triển của mô hình kinh tế.  

Tại Trung Quốc, bất động sản được đề cao hơn là năng suất ?   

Lĩnh vực bất động sản dần dần chiếm giữ vai trò trung tâm. Đô thị hóa và nhu cầu xã hội về sở hữu bất động sản để tiến tới hôn nhân đã kích thích nhu cầu : chính quyền các địa phương đã tận dụng điều này để bán đất, làm giàu.  

Hoạt động trong lĩnh vực này không chỉ cho phép đạt được tốc độ tăng trưởng do chính phủ đề ra mà còn cho phép giảm nhẹ hệ quả của các chu kỳ phát sinh do bối cảnh kinh tế. Khi thị trường địa ốc quá nóng, chính quyền quyết định hạn chế hoạt động trong lĩnh vực này, hoặc tăng lãi suất cho vay hoặc tăng số tiền ứng trước tối thiểu. Ngược lại, khi tốc độ tăng trưởng thấp, chính quyền lại làm mọi điều để vực dậy lĩnh vực này.   

Tuy nhiên, nhu cầu cao cũng đẩy giá tăng cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn, thúc đẩy đầu cơ. Khả năng thu lời nhanh chóng đã tạo hiệu ứng dây chuyền, thúc đẩy mọi người hướng đến đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, cho dù đầu tư vào các lĩnh vực khác sẽ hiệu quả hơn.  

Lĩnh vực bất động sản, theo nghĩa hẹp, hiện chiếm 14% GDP, nhưng nếu tính cả các lĩnh vực có liên quan, như xi măng, sắt thép, trang trí, đồ nội thất, tỉ lệ này là 30%. Trên thực tế, các lĩnh vực này lệ thuộc mạnh mẽ vào nhau, khiến tất cả đều suy yếu nếu xảy ra khó khăn. Và đó chính là điều đang xảy ra hiện nay tại Trung Quốc.   

Các mối đe dọa đang bao trùm lĩnh vực tài chính là gì ?  

Quả thực, cái giá phải trả cho cuộc chạy đua tăng trưởng và đầu tư này là nợ nần chồng chất, đến nỗi vào năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã quyết định thắt chặt các quy định. « Ba lằn ranh đỏ » đã được vạch ra để giới hạn mức nợ của doanh nghiệp.  

Dù chỉ nhằm trong sạch hóa một thị trường phát triển quá nóng, quyết định này vẫn khiến các công ty, vốn đã bị tác động từ khủng hoảng Covid-19, gặp thêm nhiều vấn đề. Điều này khiến chính phủ phải nới lỏng các quy định và trì hoãn các cải cách cơ bản thêm một lần nữa.  

Nguy cơ khủng hoảng lan sang các lĩnh vực khác càng lớn hơn, nhất là khi một phần các khoản vay được thực hiện thông qua « Shadow Banking » - các ngân hàng trong bóng tối, mặc dù đã được kiểm soát nhiều hơn trước đây, nhưng vẫn luôn hiện hữu. Không giống như các ngân hàng lớn, có khả năng vượt qua khủng hoảng thanh khoản, nhiều ngân hàng nhỏ tỏ ra yếu kém và không thể chống đỡ tình trạng các doanh nghiệp vay vốn bị vỡ nợ.  

Ngoài nguy cơ chủ đầu tư vỡ nợ, còn có nguy cơ bị người mua tẩy chay. Khách hành không còn muốn trả tiền cho những căn hộ thường bị ngừng thi công. Trên thực tế, hầu hết là nhà dự án, tiến độ thi công phụ thuộc vào tình hình tài chính của chủ đầu tư.   

Hiện nay, chính quyền địa phương bảo đảm sự vững chắc cho lĩnh vực này và tiến hành hỗ trợ thông qua việc mua nhà với số lượng lớn. Chẳng hạn, chính quyền Tô Châu, thành phố hơn 4 triệu dân ở tỉnh miền nam Giang Tô, đã mua 5.000 căn hộ hồi tháng 09/2022, tương đương một nửa số căn hộ bán được trong tháng. Chính sách như vậy có thể giúp các chủ đầu tư hoàn thiện căn hộ, thanh toán cho các nhà cung ứng vật tư, hoàn tất cam kết, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.  

Tình hình dân số hiện giờ tác động tiêu cực đến lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc ?   

Cuộc khủng hoảng bất động sản thêm nghiêm trọng do dân số Trung Quốc lão hóa. Từ đầu những năm 1970, các quy định hạn chế sinh con đã được triển khai, và đến năm 1979 thì chính sách một con được đưa ra.   

Gần đây, chính quyền nới lỏng các hạn chế, quyền sinh con thứ hai được áp dụng từ năm 2015 và từ năm 2021 các gia đình được khuyến khích sinh con thứ ba. Nhưng các nỗ lực của chính phủ nhằm tăng tỷ lệ sinh nở đều thất bại vì các lý do tài chính và xã hội : sự thiếu vắng chính sách tái phân phối thực sự và tăng lương, việc sinh thêm con sẽ gây tốn kém quá nhiều chi phí về giáo dục, y tế và nhà ở. Ngoài ra, xã hội cũng đang thay đổi và các cặp vợ chồng trẻ đã quen với suy nghĩ chỉ sinh một con, cho con hưởng điều kiện ăn học tốt nhất có thể.  

Tỉ lệ sinh hiện ở Trung Quốc là 1,7 con/phụ nữ, trong khi tỷ lệ cần thiết để tái tạo dân số là 2,1 con/phụ nữ. Như vậy, trong tương lai Trung Quốc không chỉ mất đi lợi thế dân số trẻ - tính năng động, năng lực sáng chế … mà còn thêm gánh nặng dân số già. Trên thực tế, Trung Quốc đang gặp những vấn đề già hóa dân số của các nước giàu cho dù vào năm 2020, Trung Quốc chỉ đứng thứ 72 trên thế giới về GDP bình quân đầu người, theo số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng (18% ở độ tuổi 18-24 tuổi) càng làm tình hình khó được cải thiện. Tất cả những yếu tố đó đều ảnh hưởng đến nhu cầu về chỗ ở mới.   

Vậy đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ về những điều gì ?   

Có lẽ có 3 yếu tố cần thiết để giúp Trung Quốc tăng trưởng có chất lượng hơn : tránh các khoản đầu tư không sinh lời, vốn chỉ hỗ trợ giả tạo tốc độ tăng trưởng ; nâng cao thu nhập hộ gia đình, đưa tiêu dùng nội địa trở thành động lực tăng trưởng ; và tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ sản xuất.  

Tuy nhiên, điểm cuối cùng nói trên lại vấp phải sự lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ và tác động của lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng từ Mỹ sang Trung Quốc. Nhìn chung, môi trường kinh doanh đang xuống cấp do tính chất đột ngột và khó đoán trong các quyết định của Tập Cận Bình. Ví dụ, việc tăng cường kiểm soát lĩnh vực kỹ thuật số đã tạo ra sự ngờ vực mà sau này có thể ảnh hưởng không chỉ đến đầu tư nước ngoài mà còn tác động đến khả năng chấp nhận rủi ro của các doanh nhân Trung Quốc.   

Trong bối cảnh việc áp dụng chính sách Zero Covid rất nghiêm ngặt đang vấp phải nhiều chỉ trích từ dân chúng, mục tiêu của chính phủ vẫn là đảm bảo duy trì quyền lực của đảng Cộng Sản, không để nước nào cản trở sự phát triển của đất nước. Đó là ý nghĩa của dự án « Một vành đai, một con đường » cũng như của sự tích cực hoạt động của Trung Quốc trên trường quốc tế. Về điểm này, sau nhiều năm giới lãnh đạo duy trì thái độ thận trọng, kín đáo, các phương pháp hung hăng của Tập Cận Bình đang làm suy giảm uy tín của Trung Quốc.   

Nói tóm lại, các vấn đề kinh tế sẽ chỉ được khắc phục nếu chính phủ, và đương nhiên là đảng Cộng Sản Trung Quốc, chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn và chính sách tái phân phối. Điều này, cho dù phù hợp với lý tưởng cộng sản, thì vẫn không chắc chắn có thể diễn ra. Các tuyên bố của Tập Cận Bình về sự thịnh vượng chung vẫn rất chung chung.  

Nhà lãnh đạo Trung Quốc, giống như những người tiền nhiệm, vẫn khắc ghi sự tan rã của Liên Xô, vốn bị xem là do sự suy yếu của đảng Cộng Sản Liên Xô. Do đó, mọi điều hiện giờ được thực hiện là để đảng Cộng Sản Trung Quốc củng cố ảnh hưởng và tầm kiểm soát. Câu hỏi đặt ra là trong tương lai liệu điều đó có tương thích với sự phát triển kinh tế nữa hay không ?   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.