Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - FUKUSHIMA

Nhật Bản : Những lo ngại về dự án xả nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch xả 1,33 triệu tấn nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào cuối tháng 8. Mặc dù được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bật đèn xanh vào đầu tháng 07/2023, nhưng biện pháp này vẫn gây ra những lo ngại nghiêm trọng.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 17/03/2022.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 17/03/2022. AP - Shohei Miyano
Quảng cáo

12 năm sau ba thảm họa - động đất, sóng thần, sự cố hạt nhân - Nhật Bản tiến hành xả một phần nước thải đã qua xử lý của nhà máy điện Fukushima Daiichi ra biển từ cuối tháng 8, nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản tiết lộ như trên hôm 07/08. Cuối cùng, chính quyền xứ hoa anh đào đã quyết định tiến hành xả nước thải từ ngày 24/08/2023.

Được triển khai từ năm 2018, nhưng thường bị ngưng và hoãn lại, dự án do công ty điện lực Tokyo, Tepco, thực hiện, cuối cùng đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chấp thuận vào đầu tháng 7. Sau hơn 2 năm điều tra, 5 lần thị sát thực địa và 6 báo cáo kỹ thuật, IAEA đã kết luận rằng những hoạt động xả thải ra biển này tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của IAEA và chúng sẽ chỉ có tác động « không đáng kể đối với con người và môi trường », do vậy, dự án chính thức có thể được thực hiện. Tuy nhiên, việc IAEA bật đèn xanh đã vấp phải sự hoài nghi của một số nhân vật trong cộng đồng khoa học và sự phản đối của nhiều ngư dân địa phương, những người lo sợ sản phẩm của họ sẽ bị người tiêu dùng xa lánh.

Dung lượng lưu giữ sắp quá tải

Vào ngày 11/03/2011, ba lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima Daiichi đã gặp sự cố, khiến vùng đông bắc Nhật Bản bị tàn phá. Kể từ đó, một lượng nước khổng lồ đã được sử dụng hàng ngày để làm mát các lò phản ứng bị hư hại, trong khi hàng trăm nghìn lít nước mưa hoặc nước ngầm đã tích tụ xung quanh nhà máy. Đó là nước nhiễm phóng xạ mà chính quyền Nhật Bản ban đầu quyết định lưu trữ trong các bể chứa khổng lồ.

Vấn đề đầu tiên : chính quyền Nhật Bản cảnh báo rằng với 1.000 bể chứa đã đầy, tức là 1,33 triệu tấn nước, khả năng lưu giữ hiện nay đã đạt đến giới hạn và sẽ bị quá tải vào năm 2024. Vấn đề thứ hai : ở khu vực có rủi ro địa chấn cao này, một trận động đất có thể khiến các bể chứa bị rò rỉ.

Nước được lọc

Để tránh xảy ra bất kỳ sự cố gì, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả từ từ hàng triệu tấn nước này ra biển trong vòng ba thập kỷ. Quá trình này rất đơn giản : dùng đường ống dẫn nước ra ngoài khơi tỉnh Fukushima 1 km, và xả ra biển.

Việc xả nước từ các nhà máy điện hạt nhân ra thiên nhiên là một quá trình phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên khắp hành tinh. Thông thường, nước này luân chuyển xung quanh lò phản ứng hạt nhân, và bị nóng lên. Đây là biện pháp kích hoạt tua-bin và sản xuất điện. Trong quá trình lưu chuyển này, nước bị nhiễm chất phóng xạ. Nhưng sau đó, nước được xử lý trước khi thải ra biển hoặc sông.

« Nhưng tình hình ở Fukushima rất khác, vì đây là một nhà máy bị hư hại », Jean-Christophe Gariel, phó tổng giám đốc phụ trách môi trường và sức khỏe tại Viện Bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân (IRSN) giải thích. « Trong trường hợp này, một phần nước dự trữ đã được đổ trực tiếp vào các lò phản ứng để chúng được làm mát. Không giống như nước từ các nhà máy điện thông thường, nước của nhà máy Fukushima chứa nhiều hợp chất phóng xạ, hạt nhân phóng xạ. »

Do đó, trước khi xả nước ra biển, thách thức lớn là loại bỏ các chất phóng xạ này. Để làm được điều này, nhà điều hành Tepco đã thiết lập một hệ thống lọc cực mạnh mang tên ALPS (Advanced Liquid Processing System). « Điều này giúp loại bỏ một phần lớn các hợp chất phóng xạ này, và giờ chỉ còn dấu vết của chúng. »

Jean-Christophe Gariel nói tiếp : « Mặt khác, cũng như trong các nhà máy điện thông thường, có một thành phần không thể loại bỏ được, đó là tritium. » Chất này thường được sản xuất bởi các lò phản ứng hạt nhân và thải ra từ các nhà máy điện trên khắp thế giới. Mặc dù được coi là tương đối vô hại, chất này thường được cho là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư. « Để hạn chế rủi ro hơn nữa, nước có tritium này sau đó được pha loãng với một lượng lớn nước biển để hạ lượng tritium này xuống mức thấp nhất có thể », ông Gariel phân tích.

Trong lần xét nghiệm nước gần đây nhất của một trong các hồ chứa vào tháng 3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản đã phát hiện 40 loại nguyên tử phóng xạ. Sau khi được xử lý, 39 loại nguyên tử này có nồng độ trong nước thấp hơn tiêu chuẩn hiện hành – trừ tritium. Tỷ lệ của tritium lúc đó ở mức 140.000 becquerel trên lít (Bq/l) – trong khi ngưỡng quy định xả thải ra biển được quy định ở Nhật Bản là 60.000 Bq/l. Sau bước pha loãng cuối cùng, mức tritium đã giảm xuống còn 1.500 Bq/l.

Jean-Christophe Gariel kết luận : « Tóm lại, mặc dù nước từ các hồ chứa ở Fukushima bị ô nhiễm nặng hơn nước của các nhà máy điện thông thường, sau khi xử lý và pha loãng, nó cũng sẽ giống như nước ở những nơi khác. »

« Pha loãng rượu whisky trong Coca-Cola »

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và số liệu này có nhiều sắc thái và phải được phân tích một cách thận trọng, vì các ngưỡng được đặt ra rất khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ, đối với tritium, Pháp đặt giới hạn ở mức 100 Bq/l, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10.000 Bq/l.

Ngoài việc phân tích về những thông số trên, trước tình trạng pha loãng tritium, một số nhà bảo vệ môi trường lập luận rằng điều này giống như « pha loãng rượu whisky trong Coca-Cola » - không phải vì có Coca-Cola mà lượng cồn giảm. Lượng tritium vẫn nguyên vẹn, nó chỉ đơn giản là được hòa trộn vào một lượng nước lớn.

Trong cộng đồng khoa học, cơ sở khoa học của dự án vẫn được tranh luận rộng rãi. Trong nhiều năm, Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI), có trụ sở tại Hoa Kỳ, thường xuyên lo lắng về tác động thực sự đối với môi trường. Vào tháng 12/2022, cơ quan này một lần nữa phản đối việc thực hiện dự án, nhấn mạnh đến tỷ lệ tích tụ các chất phóng xạ đo được không giống nhau trong các bể chứa nước thải của nhà máy.

Ngược lại, Jim Smith, giáo sư khoa học môi trường tại đại học Portsmouth, Anh Quốc, người đã nghiên cứu hậu quả của các chất ô nhiễm phóng xạ trong nhiều năm, khẳng định trong một bài viết đăng hồi tháng Giêng trên trang The Conversation rằng việc xả nước thải ra biển là « sự lựa chọn tối ưu ». Ông cho biết : « Xét về quy mô của các vấn đề môi trường mà con người phải đối mặt, việc xả nước thải của nhà máy Fukushima là vấn đề tương đối nhỏ, » đồng thời ông nhấn mạnh đến mức độ phóng xạ thấp sau khi nước đã qua xử lý.

Một chủ đề mang nặng tính chính trị

« Về cơ bản, chủ đề này rõ ràng mang tính chính trị, thể hiện quyết tâm của chính phủ Nhật Bản muốn biến khu vực Fukushima trở thành một ví dụ về khả năng đề kháng phục hồi sau tai nạn hạt nhân », Cécile Asanuma-Brice, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) và đồng giám đốc phòng thí nghiệm Mitate phân tích. « Đó là chính sách tái thiết của chính phủ Nhật Bản, bao gồm việc tháo dỡ nhà máy điện và mở lại khu vực này để người dân có thể sinh sống. Tuy nhiên, việc tháo dỡ này chỉ có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ những vùng nước bị ô nhiễm, theo tuyên bố mới nhất của bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp, Yasutoshi Nishimura. »

Nhưng để thực hiện dự án này, chính quyền Nhật Bản thường xuyên phải đối mặt với sự hoài nghi của người dân, cụ thể là của các nghiệp đoàn ngư dân. Bà Asanuma-Brice nói tiếp : « Đối với ngư dân, những người đại diện cho một phần quan trọng của nền kinh tế đất nước, câu hỏi đặt ra không phải là liệu những lo ngại đó có chính đáng hay không. Sau sự cố này, họ đã phải sống nhiều năm với một hình ảnh tiêu cực, cả trong khu vực lẫn quốc tế. Họ mới bắt đầu phục hồi và trở lại hoạt động kinh tế năng động. Với dự án xả nước này, họ sợ phải chứng kiến hình ảnh và sản phẩm của mình một lần nữa bị hoen ố, khiến người tiêu dùng xa lánh. »

Trong những năm qua, một số giải pháp thay thế đã được các nhà chức trách nghiên cứu ở nhiều mức độ khác nhau. Cécile Asanuma-Brice cho biết : « Có một giải pháp mà dường như cư dân địa phương ủng hộ : xây dựng các hồ chứa mới hoặc thậm chí lắp đặt chúng dưới lòng đất và tiếp tục lưu trữ nước bị ô nhiễm cho đến khi nó mất hết phóng xạ trong những năm tới. » Tuy nhiên, ý tưởng đã bị chính phủ gạt bỏ vì chi phí quá đắt đỏ.

Ngoài sự hoài nghi của người dân, chính phủ Nhật Bản cũng phải đối phó với sự ngờ vực của các quốc gia Thái Bình Dương khác, đặc biệt là Trung Quốc. Sau khi dự án được IAEA bật đèn xanh vào đầu tháng 7, Bắc Kinh đã tuyên bố cấm nhập khẩu thực phẩm, trong thời gian tới, từ một số tỉnh của Nhật Bản, bao gồm cả Fukushima, vì « lý do an toàn thực phẩm ».

Nguồn : France 24

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.