Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC - FUKUSHIMA

Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima ra biển, Trung Quốc bất bình

Kể từ ngày mai 24/08/2023, nước thải của nhà máy điện nguyên tử Fukushima – được lưu giữ sau thảm họa hạt nhân hồi tháng 03/2011, mà theo giới chuyên gia Nhật Bản là đã được xử lý - sẽ được đổ ra Thái Bình Dương.

Một tấm biển phản đối Nhật Bản xả nước thải của nhà máy Fukushima đặt bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/08/2023.
Một tấm biển phản đối Nhật Bản xả nước thải của nhà máy Fukushima đặt bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/08/2023. AP - Lee Jin-man
Quảng cáo

Dự án này của chính phủ Nhật Bản, dù được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua hồi tháng trước, đã gây lo ngại cho ngư dân ở vùng bờ biển phía đông bắc Nhật Bản. Nhìn ra nước ngoài, quyết định của Tokyo bị cả Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối. Tại Trung Quốc, nhiều người không dám ăn cá biển nữa.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde và Louise May gửi về bài phóng sự :

« Ở quầy bán cá, một con cá chép sông to đang được xẻ thịt, nhưng bên cạnh, những con cá biển vẫn nằm nguyên đó, không có ai mua. Một khách thường xuyên mua cá biển ở khu chợ thủy sản ở đường vành đai 3 của Bắc Kinh cho biết là kể từ khi có thông báo của Nhật Bản, nhiều người không còn muốn mua cá biển nữa. Khách hàng này nói : « Tất nhiên là tôi lo lắng. Tất cả thủy sản đều sẽ bị ảnh hưởng. Họ không thể xả nhiều chất gây ô nhiễm như vậy ra đại dương. Tôi thậm chí còn không dám mua cá biển nữa ».

Đối với chủ quầy cá, người bán cá ở khu phố này suốt 20 năm nay, việc xả nước thải từ Fukushima không cải thiện hình ảnh của Nhật Bản trong mắt người dân Trung Quốc. Bà nói : « Mọi người cứ nghĩ đến điều đó và sẽ không ăn cá nữa. Chúng tôi rất sợ. Khi mua thêm hàng, chúng tôi sẽ phải lưu ý để chỉ đặt mua cá của phía bờ biển của Trung Quốc. Nhưng dù vậy thì chúng tôi cũng đã cảm thấy lượng cá bán được đã bị sụt giảm. Nhật Bản đúng là quỷ dữ. Có rất nhiều người nổi giận với Nhật Bản ».

Ở quầy thu tiền của hàng cá khác, có một tờ giấy với hàng chữ viết tay : « Cá của chúng tôi đến từ vùng Sơn Đông và Chiết Giang của Trung Quốc ». Nhiều khách hàng hiện giờ yêu cầu phải ghi rõ nguồn gốc cá trên nhãn hàng. Người khách hàng này khoảng 60 tuổi, bà nói : « Bây giờ tôi tự nhủ liệu tôi còn có thể tiếp tục ăn cá nữa hay không. Chúng tôi không thể không quan tâm tới điều đó. Nhật Bản đã đô hộ chúng tôi trong suốt nhiều năm ».

Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc thậm chí hôm qua (thứ Ba), đã triệu đại sứ Nhật ở Trung Quốc lên để phản đối quyết định của Tokyo ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.