Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Thêm tín hiệu xấu về kinh tế Trung Quốc ?

Trung Quốc đang lún sâu thêm vào vòng luẩn quẩn của giảm phát. Theo báo cáo Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc công bố hôm 09/12/2023, chỉ số giá cả tiêu thụ trên thị trường nội địa trong tháng 11/2023 giảm « mạnh nhất kể từ ba năm nay ».

Ảnh minh họa: Hàng hóa xuất nhập khẩu trên cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, ngày 06/08/2023.
Ảnh minh họa: Hàng hóa xuất nhập khẩu trên cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, ngày 06/08/2023. AP
Quảng cáo

Chỉ số IPC giảm 0,5 % so với hồi tháng 10/2023. Đây là mức độ trượt dốc mạnh hơn so với những dự báo do hãng thông tấn Anh Reuters thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, giá cả trên thị trường Trung Quốc mới « có bước thụt lùi mạnh đến như vậy ». Một ngày trước đó, báo chí chính thức tại Bắc Kinh cho biết lãnh đạo Trung Quốc kết thúc cuộc họp thường niên về tình hình kinh tế quốc gia và các bên quyết định « duy trì các biện pháp để khởi động lại nền kinh tế thứ hai toàn cầu ». Nói cách khác, Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách nhà nước để tài trợ các chương trình đầu tư.

Không đi sâu vào chi tiết, nhưng Tân Hoa Xã nhấn mạnh là chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp và ông chủ trương « kích thích tăng trưởng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra rủi ro và bảo đảm ổn định » cho các hoạt động kinh tế.

Tính từ tháng 4/2023, lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc mới tăng lên trở lại vào tháng 11/2023. Bắc Kinh giải thích các hoạt động trong ngành sa sút do nhu cầu tiêu thụ của thế giới bị giảm vì « những cuộc xung đột » ở nhiều nơi.

Chính quyền vẫn tin tưởng là sẽ giữ được mục tiêu tăng trưởng 5 % cho năm nay. Trái lại, một số nhà phân tích lo ngại rằng đà phục hồi của ngành xuất khẩu sẽ « không được lâu dài ». Đầu tuần, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s vừa hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc do lo ngại nợ của nền kinh tế thứ hai thế giới càng lúc càng tăng nhanh.

Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc

Tại Washington, hôm 08/12/2023, chính quyền Biden thông báo đưa thêm ba tập đoàn Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Tập đoàn sản xuất đường COFCO Sugar Holding, tập đoàn công nghệ Sichuan Jingweida và hãng cung cấp vật liệu mới Anhui Xinya New Materials là ba hãng mới trong tầm ngắm của Hoa Kỳ. Cả ba bị cáo buộc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nghĩ ở Tân Cương. Hiện tại, 30 doanh nghiệp của Trung Quốc bị cấm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lập tức mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho rằng, Hoa Kỳ đã « căn cứ vào những thông tin dối trá » để trừng phạt các công ty của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.