Vào nội dung chính
CHÂU Á - HỢP TÁC

New Delhi thúc đẩy trục Ấn - Nhật – Hàn để đối phó với Trung Quốc

Trong tuần qua, ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã công du Hàn Quốc và Nhật Bản. New Delhi tìm cách thúc đẩy trở lại ý tưởng về một liên minh bộ ba Ấn – Nhật – Hàn, ba nền kinh tế hàng đầu của châu Á, lần đầu tiên được đưa ra hơn mười năm trước, nhằm tăng cường thế đối trọng với Trung Quốc. Các nỗ lực cụ thể của Ấn Độ ra sao ?

Indian Prime Minister Narendra Modi welcomes Republic of Korea President Yoon Suk Yeol upon his arrival at Bharat Mandapam convention center for the G20 Summit, in New Delhi, India, Saturday, Sept. 9,
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (T) tại thượng đỉnh G20, New Delhi, Ấn Độ, ngày 09/09/2023. AP - Evan Vucci
Quảng cáo

Trang mạng chuyên về chính trị châu Á The Diplomat có bài ‘‘Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc. Chuyến công du Đông Á của ngoại trưởng Jaishankar đề cập đến các chủ đề tương tự ở cả Seoul và Tokyo’’. Ngoại trưởng Jaishankar công du Hàn Quốc trong hai ngày 05 và 06/03/2024, và Nhật Bản từ ngày 06 đến 08/03.

Tại Tokyo, ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko, họp báo chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ, tái khẳng định hai bên sẽ mở rộng hợp tác an ninh song phương, bao gồm cả lĩnh vực thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ, đồng thời sẽ tìm kiếm khả năng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới về không gian và an ninh mạng. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc tập trận chung.

Về kinh tế, New Delhi và Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác để tăng cường ‘‘an ninh kinh tế và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng’’, đồng thời thảo luận về hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, như chất bán dẫn, công nghệ xanh và chuyển đổi kỹ thuật số. Nhật Bản đang hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ và sẽ tiếp tục hỗ trợ New Delhi trong các dự án đường sắt cao tốc.

Nhật Bản và Ấn Độ, vốn là các thành viên của nhóm Bộ Tứ Quad, bao gồm Mỹ và Úc, trong những năm gần đây đã tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh hai bên đều có chung lo ngại về các hoạt động kinh tế và quân sự ngày càng lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực. Điểm mới đáng chú ý trong các hoạt động ngoại giao của New Delhi những tháng gần đây là nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Seoul. Trước khi đến Nhật Bản, ông Jaishankar đã dành hai ngày ở Hàn Quốc, nơi ngoại trưởng Ấn và đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Ấn-Hàn lần thứ 10.

Nhiều thuận lợi để tái thúc đẩy hợp tác ba bên

Nhà nghiên cứu Abhishek Sharma, một chuyên gia về Hàn Quốc và chính sách ngoại giao Ấn Độ, Đại học New Delhi, trong một bài viết trên báo chí nước này, cho biết ý tưởng về hợp tác ba bên được thủ tướng Ấn Manmohan Singh đưa ra trong cuộc hội kiến với tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ba nước đã tổ chức cuộc đối thoại lần đầu tiên năm 2012 tại Ấn Độ, và lần thứ hai năm 2013 tại Nhật Bản. Tuy nhiên, cơ chế hợp tác ba bên này rút cuộc đã không được tiếp nối do thiếu quyết tâm từ ba phía.

Nhà nghiên cứu Abhishek Sharma khẳng định: Việc rút ra các bài học từ thất bại của nỗ lực hợp tác bộ ba đầu tiên có thể giúp ích cho nỗ lực nối lại cơ chế hợp tác này. Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản hiện đã tham gia vào nhiều đối tác ba bên, trong đó có hai nước tham gia, như Đối tác Ấn – Nhật – Mỹ, Ấn – Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật – Hàn…

Quan hệ Ấn Độ và Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thủ tướng Narendra Modi và tổng thống Yoon Suk-yeol đã gặp nhau hai lần. Ông Modi đã đến Hàn Quốc lần đầu tiên vào năm 2015 và sau đó là vào năm 2019. Tổng thống Yoon đến Ấn Độ vào tháng 9/2023 để dự thượng đỉnh G20. Hàn Quốc và Ấn Độ đang đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch sửa đổi, dự kiến kết thúc trong năm nay. Tổng thống Hàn Quốc dự kiến công du Ấn Độ lần thứ hai đầu năm nay. Cùng với nhiều cơ chế hợp tác khu vực mới đang dần hình thành những năm gần đây, việc New Delhi và Seoul siết chặt hợp tác tạo đà thúc đẩy cơ chế ba bên.

New Delhi có thể giúp Nhật, Hàn vượt nhiều bất đồng

Trang mạng thời sự chính trị Hồng Kông South China Mornign Post, có bài ‘‘Ấn Độ có thể xây dựng quan hệ đối tác 3 bên với Nhật Bản, Hàn Quốc để ‘‘đối trọng lại Trung Quốc’’ hay không ?’’. Bài viết dẫn lời chuyên gia về quan hệ quốc tế Harsh V. Pant, King’s College, Luân Đôn, cho biết sự hình của bộ ba Ấn – Nhật – Hàn là sẽ mang lại các tác động quan trọng giúp cho hai quốc gia Đông Bắc Á, vốn có ‘‘các quan điểm về chiến lược tương đồng’’, vượt qua được nhiều bất đồng sâu sắc về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến lịch sử, để siết chặt hợp tác.

Giáo sư Harsh V. Pan nhấn mạnh : ‘‘sự hiện diện của Ấn Độ trong các đàm phán về các vấn đề chiến lược ở khu vực Đông Á có ý nghĩa rất quan trọng’’ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, các khủng hoảng khu vực tiềm ẩn như eo biển Đài Loan có nguy cơ bùng phát thành xung đột. Việc New Delhi thúc đẩy hợp tác bộ ba có thể góp phần vào việc xây dựng ‘‘một kiến trúc an ninh khu vực ổn định’’ tại Đông Bắc Á, vốn đòi hỏi các hợp tác mật thiết và bền vững.

An ninh hàng hải, công nghệ mới nổi và các chuỗi cung ứng

Chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng với hợp tác của nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn và Úc), với chủ trương xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở và tự do, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Năm nay, Ấn Độ dự kiến lần đầu tiên chủ trì cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo Bộ Tứ. Việc Hàn Quốc xác lập chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày 28/12/2022 thúc đẩy việc Seoul tham gia vào các hợp tác với Bộ Tứ. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới của Hàn Quốc coi quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ là một trọng tâm.

Theo chuyên gia Lakhvinder Singh, giám đốc Khoa Nghiên cứu Hòa bình và An ninh tại Viện Châu Á ở Seoul, được South China Morning Post dẫn lại, ‘‘việc bảo vệ an ninh hàng hải, hợp tác về các cơ sở hạ tầng và các công nghệ quan trọng và mới nổi (CET) ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương là các trụ cột tiềm năng cho việc quan hệ đối tác ba bên này’’. Đây cũng chính là các mục tiêu của cơ chế hợp tác Bộ Tứ, nhấn mạnh đến các thách thức về an ninh quân sự và Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF/ Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity), do Mỹ khởi xướng với trọng tâm là ‘‘an ninh kinh tế’’, bảo đảm các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, với sự tham gia của 14 quốc gia, trong đó có cả ba nước Nhật, Ấn, Hàn.

Chuyên gia Singh lưu ý, “mặc dù Trung Quốc có thể không được đề cập rõ trong chương trình nghị sự của chuyến đi của ông Jaishankar, nhưng các mục tiêu và thảo luận cơ bản của chuyến đi có thể xoay quanh những nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực, để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh thông qua các hoạt động ngoại giao và hợp tác với các nước có cùng quan điểm”.

Trong khi đó chuyên gia Abhishek Sharma nhấn mạnh đến ba lĩnh vực cơ bản: an  ninh hàng hải, hợp tác phát triển và các công nghệ mới nổi cùng chuỗi cung ứng – khoáng sản, chất bán dẫn, xe ô tô điện. Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hợp tác phát triển các dự án ODA ở tiểu vùng Đông Bắc của Ấn Độ theo chủ trương mở thêm các địa bàn thay thế một phần cho các cơ sở ở Trung Quốc, để bảo đảm ‘‘giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng từ Trung Quốc vì an ninh kinh tế’’ và tăng cường kết nối khu vực này với Đông Nam Á.

Trục Ấn – Nhật – Hàn có thể thúc đẩy Bộ Tứ

Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Harsh V. Pan, siết chặt hợp tác Ấn – Nhật – Hàn có thể mang lại một lực đẩy mới cho các hợp tác Bộ Tứ, chứ không hề có tính cạnh tranh. Theo South China Morning Post, hợp tác bộ ba Ấn – Nhật – Hàn lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh cuộc thượng đỉnh Bộ Tứ dự kiến đầu năm nay bị dời lại, gây lo ngại về việc Hoa Kỳ có thể giảm đầu tư cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương do các khó khăn nội bộ.

Nỗ lực của Ấn Độ tìm cách thuyết phục Hàn Quốc tham gia vào các hợp tác toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chắc chắn không dễ. Nhà báo Praksah Nanda, một chuyên gia về chính trị khu vực, trên trang mạng EurAsian Times, có bài viết đáng chú ý, mang tựa đề ‘‘Vượt qua chân trời Trung Quốc, siết chặt quan hệ với Ấn Độ: New Delhi tạo ‘‘cú hích mạnh’’ để kéo ‘‘đầu máy’’ Hàn Quốc về phía mình’’ (ngày 06/03/2024).

''Tầm nhìn'' của Ấn Độ về giao thông xuyên châu lục có thuyết phục được Hàn Quốc ?

Nhà báo Praksah Nanda lưu ý đến việc Trung Quốc là đối tác kinh tế số một của Hàn Quốc, Seoul rất thận trọng để sao cho các hợp tác quốc tế đối phó với Trung Quốc không bị coi là chống lại Bắc Kinh. Theo nhà báo Ấn Độ, ngoại trưởng Ấn muốn Hàn Quốc nhìn Ấn Độ qua một lăng kính lớn hơn, với tầm nhìn toàn khu vực, thậm chí toàn cầu của New Delhi, không chỉ giới hạn trong các quan hệ kinh tế song phương, và cơ hội làm ăn tại thị trường nội địa khổng lồ của Ấn Độ.

New Delhi muốn Seoul ‘‘mở rộng tầm nhìn về địa chiến lược’’. Nhà báo Praksah Nanda nhấn mạnh đến quan điểm toàn cầu của Ấn Độ về việc ‘‘cần thiết  phải có một tuyến đường kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương qua Ấn Độ, có thể thành hình với sáng kiến IMEC (Hành lang kinh tế Trung Đông - Châu Âu của Ấn Độ / India Middle East Europe Economic Corridor) (với một thỏa thuận đưa ra hồi tháng 9/2023 tại thượng đỉnh G20 ở New Delhi), và dự án đường cao tốc nối Ấn Độ với bờ biển Việt Nam. Một hướng khác là tuyến đường từ Bắc cực đến châu Á đi qua ngả châu Âu. Tuyến đường biển từ cảng Chennai (Ấn Độ) nối với Vladivostok (Nga) cũng là một dự án khác''.

‘‘Cách nhìn của Ấn Độ có thuyết phục được Seoul hay không ? Chỉ có thời gian mới trả lời được’’, nhà báo Praksah Nanda kết luận. 

Dù Hàn Quốc có hưởng ứng tầm nhìn về hệ thống giao thông xuyên châu lục nói trên của Ấn Độ hay không, vai trò của Ấn Độ trong trục ba quốc gia Ấn – Nhật – Hàn đang manh nha trở lại, đáng được chú ý bởi vai trò của Ấn Độ, với tư cách là một cường quốc phương Nam, đồng thời là một nền dân chủ, một nền kinh tế thị trường, có chủ trương nỗ lực vì một tiến trình ‘‘tái toàn cầu hóa’’ (re-globalization, chữ của ngoại trưởng Ấn Độ), với ‘‘việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy cũng như các giao dịch kỹ thuật số minh bạch và đáng tin cậy’’ trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang thay đổi, ''ngày càng trở nên khó dự đoán và thậm chí bất ổn hơn''.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.