Vào nội dung chính
BANGLADESH

Tổ chức Lao động Quốc tế yêu cầu Bangladesh cải thiện điều kiện làm việc

Sau một tai nạn thảm khốc tại Bangladesh, cướp đi mạng sống của hơn 1000 công nhân hồi tháng Tư 2013, Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO trong một báo cáo công bố ngày hôm qua, thứ Hai 18/11/2013, tại Geneve yêu cầu các thương hiệu lớn châu Âu phải nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân trong ngành dệt may.

Công nhân ngành dệt may Bangladesh biểu tình đòi tăng lương 13/11/2013 - REUTERS /Stringer
Công nhân ngành dệt may Bangladesh biểu tình đòi tăng lương 13/11/2013 - REUTERS /Stringer
Quảng cáo

Trong bản báo cáo dài 170 trang, ILO lấy làm tiếc rằng điều kiện làm việc vẫn là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp tại Bangladesh, nhất là trong lãnh vực dệt may, dù rằng chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể trong sáu tháng gần đây để đối phó với các vấn đề về sức khỏe và an toàn.

Cũng theo tổ chức này, những biện pháp cải thiện phải được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu, chứ không riêng tại Bangladesh.

Theo các tác giả của báo cáo, Bangladesh có mức tăng trưởng tương đối cao trong suốt hai thập niên gần đây, chủ yếu nhờ vào xuất khẩu may mặc. Có đến 80% khối lượng sản phẩm sản xuất ra được xuất sang châu Âu và Bắc Mỹ. Công nghiệp dệt may của Bangladesh đem lại nguồn thu 22 tỷ đô-la, đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Lãnh vực này đem lại khoảng bốn triệu việc làm, đa phần là phụ nữ.

Tuy nhiên, báo cáo của ILO tố cáo là Bangladesh là quốc gia có mức lương thấp nhất trên thế giới. Tại đây, lương của một công nhân may mặc trung bình là 38 đô-la/ tháng, thấp gần như gấp hai so với nhiều nước khác trong khu vực như Cam Bốt (80 đô-la/ tháng), Ấn Độ (71 ), Pakistan (79), Sri Lanka (73) và Việt Nam (78).

AFP nhắc lại vào tháng Tư năm nay, một nhà xưởng gần Dacca đã bị sập làm thiệt mạng hơn 1.100 công nhân. Trước đó, vào cuối năm 2012, một vụ hỏa hoạn khác cũng đã cướp đi hơn 110 sinh mạng.

Cùng lúc với việc công bố bản báo cáo của ILO, hôm qua, tại Bangladesh hàng ngàn công nhân ngành dệt may đã xuống đường biểu tình chống lại biểu giá lương mới do chính phủ đưa ra, khiến 140 công xưởng phải đóng cửa. Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra, làm thiệt mạng hai người.

Theo bản tin của AFP ngày hôm qua, vào cuối năm 2012, sau vụ sập nhà xưởng, chính quyền Bangladesh đã công bố một loạt các biện pháp an toàn lao động và nâng mức lương tối thiểu lên 68 đô-la (tức tăng đến 76%).

Thế nhưng, theo các nghiệp đoàn lao động, các công nhân có kinh nghiệm không được hưởng lợi từ biện pháp này. Một số chủ doanh nghiệp đã có phản ứng lại bằng cách hạ tiền phụ cấp giao thông và tiền ăn. Hầu như đa số những người biểu tình là những công nhân tay nghề cao, phẫn nộ xuống đường chống lại việc không xem xét lại bảng lương cho họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.