Vào nội dung chính
BANGLADESH

Bangladesh : Vải may nhuộm máu

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ngành may mặc nước này sử dụng trên 4 triệu lao động. Thế nhưng, bên cạnh sự “đồ sộ” đó, thì lương công nhân của ngành này cũng thuộc vào hàng thấp nhất thế giới.

Công nhân ngành may mặc chọi gạch vào lực lượng an ninh - REUTERS /Andrew Biraj
Công nhân ngành may mặc chọi gạch vào lực lượng an ninh - REUTERS /Andrew Biraj
Quảng cáo

Công nhân may mặc tại đây đã nhiều lần xuống đường và đụng độ với cảnh sát. Làn sóng này có vẻ ngày càng dữ dội. Báo chí Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến chủ đề này. Nhật báo Công Giáo La Croix đăng bài: “Tại Bangladesh, công nhân ngành may mặc nổi dậy”. Nhật báo Le Monde cảnh báo: “Tại Bangladesh, biểu tình bị đàn áp trong máu lửa”.

Cả hai tờ báo cho biết, từ hai ngày nay, công nhân ngành may mặc lại rầm rộ xuống đường ở khu vực thủ đô Dhaka của Bangladesh. Có đến 140 xưởng may phải tạm đóng cửa. Cảnh sát đã nổ súng làm thiệt mạng 2 công nhân và làm bị thương 150 người. Hôm qua, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, cảnh sát lại dùng vũ lực giải tán đám đông, khiến 50 người bị thương.

Người biểu tình đòi chính phủ nâng mức lương tối thiểu cho công nhân ngành may mặc. Trước kia, mức tối thiểu này là 30 euro/tháng (40 đô la) cho 6 ngày làm việc trong tuần. Sau nhiều lần biểu tình đòi tăng lương của công nhân, nhà cầm quyền đã cho tăng lên mức 50 euro/tháng (68 đô la) và mức mới này sẽ được áp dụng từ đầu tháng 12 tới. Thế nhưng, các nghiệp đoàn cho rằng, mức lương tối thiểu phải là 76 euro/tháng (102 đô la).

Hai tờ báo đều nêu ra những chi tiết cho thấy, giới chủ doanh nghiệp và chính quyền đứng chung một phe để thẳng tay đàn áp công nhân. Có những chủ doanh nghiệp còn không ngần ngại cấm công nhân không được tham gia biểu tình.

Cách đây sáu tháng, Bangladesh từng bị chấn động bởi vụ sập tòa nhà 8 tầng ở thủ đô Dhaka mà ở đó có nhiều hãng xưởng may mặc. Hậu quả là: gần 1 200 người chết và 1 600 người bị thương. Sự việc đã cho thấy phần nào điều kiện làm việc đầy nguy hiểm của công nhân Bangladesh.

Hai tờ báo đều cho rằng: sáu tháng đã trôi qua, nhưng tình hình vẫn không có gì cải thiện, các cuộc điều tra không nhắm vào những điểm cần thiết, việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân cũng gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức phi chính phủ muốn thành lập một quỹ dành cho tai nạn lao động như trên với sự đóng góp của các chủ doanh nghiệp. Thế nhưng, có rất nhiều doanh nghiệp không chịu tham gia.

Nhật báo Le Monde cho biết thêm, tại Châu Á, lương công nhân ngành may mặc của Bangladesh thuộc hàng thấp nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế-ILO thuộc Liên Hiệp Quốc, thì thu nhập bình quân của công nhân may mặc ở Ấn Độ là 71 đô la/tháng, Sri Lanka là 73 đô la/tháng, Việt Nam là 78 đô la/tháng, Pakistan là 79 đô la/tháng, Cam Bốt là 80 đô la/tháng. Chỉ có Miến Điện là còn ở mức 53 đô la/tháng.

Còn theo báo La Croix, sau vụ sập tòa nhà 8 tầng nói trên, hơn 100 doanh nghiệp tại Bangladesh đã ký một thỏa thuận về an toàn làm việc ở các nhà máy. Theo thỏa thuận này, một ban thanh tra sẽ được thành lập và sẽ tiến hành kiểm tra một cách độc lập ở các hãng xưởng. Thế nhưng, công tác thành lập ban này hiện vẫn chưa đến đâu do nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau.

Trung Quốc : Báo chí nước ngoài tự kiểm duyệt

Nhìn sang Trung Quốc, nhật báo Le Monde quan tâm đến hình trạng kiểm duyệt của nước này với bài chạy tựa: “Theo New York Times, Bloomberg tự kiểm duyệt để tồn tại ở Trung Quốc”.

Số là vừa qua, hãng tin Bloomberg đã đình chỉ công tác một nhà báo do nghi ngờ anh này tham gia một bài báo đăng trên tờ New York Times. Bài báo này tố cáo việc Bloomberg cho hủy đăng một bài báo vì sợ các thông tín viên làm việc trên lãnh thổ Trung Quốc bị Bắc Kinh trục xuất.

Le Monde cho biết, nhà báo nói trên là một chuyên gia về Trung Quốc. Nhà báo này đã thực hiện nhiều phóng sự điều tra nhạy cảm liên quan đến việc người thân của ông Tập Cận Bình có nhiều tài sản ở Hồng Kông, và gần đây nhất là về mối quan hệ giữa chính quyền với đại gia bất động sản Vương Kiến Lâm tại Trung Quốc.

Le Monde nói thêm, việc tự kiểm duyệt của báo chí nước ngoài để có thể trụ chân tại Trung Quốc là chuyện hoàn toàn có cơ sở. Tờ báo nhắc lại nhiều vụ việc các nhà báo nước ngoài bị chính quyền Trung Quốc gây khó dễ.

Một nhà báo của tờ New York Times từng đoạt giải Pulitzer 2012 về phóng sự điều tra liên quan đến tài sản của thủ tướng khi ấy là ông Ôn Gia Bảo. Thế nhưng, để tránh rủi ro, trong những ngày lân cận khi bài phóng sự được đăng tải, nhà báo này đã phải tạm rời Trung Quốc đến Nhật Bản rồi về Mỹ.

Các nước tân hưng mất đà tăng trưởng

Trong hồ sơ kinh tế, nhật báo Le Figaro đăng bài đáng chú ý với dòng tựa: “Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế-0ECD cảnh báo về các nước tân hưng”.

Theo nhận định mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, thì các nước phát triển đang trên đà phục hồi tốt. Tăng trưởng của Mỹ sẽ phục hồi nhanh, còn của Liên Hiệp Châu Âu sẽ từ từ. Cụ thể là, dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm tới là 2,9%, và năm 2015 là 3,5%.

Trong khi đó hai con số này đối với Liên Hiệp Châu Âu lần lượt chỉ có 1% và 1,6%. Các nước trong tâm bão khủng hoảng của Châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, cũng được dự báo sẽ dần phục hồi.

Trong khi đó, đối với các nước Tân Hưng thì dự báo có phần ngược lại. Tăng trưởng ở nhiều nước này đang chậm lại, đặc biệt là ở Nam Phi, Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn Le Figaro dành chú ý đặc biệt đến kinh tế Nhật Bản với nhận định: “Chính sách phục hồi kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe-Abenomics bắt đầu hụt hơi”. Tờ báo cho biết, theo dự phóng của OECD, thì tăng trưởng năm 2013 của Nhật Bản là 1,8%, giảm xuống còn 1,5% vào năm 2014, và còn 1% vào năm 2015. Chưa hết, nợ công của Nhật Bản hiện đã đến mức 245% GDP, và có thể còn tiếp tục tăng.

Châu Âu có nên tiếp tục thắt lưng buộc bụng?

Nhật báo L’Humanité hôm nay dành ưu tiên trang nhất cho chủ đề kinh tế Châu Âu với hàng tựa lớn: “Thú nhận của Ủy Ban Châu Âu”.

Tờ báo đăng tải quan điểm của một chuyên gia kinh tế có uy tín làm việc tại Ủy ban Châu Âu, ông Jan In’t Veld. Trong một công trình nghiên cứu về hậu quả của chính sách thắt lưng buộc bụng đối với tăng trưởng các nước Châu Âu, chuyên gia này cảnh báo rằng chính sách thắt lưng buộc bụng mà các nước Châu Âu áp dụng mấy năm qua rất có hại cho tăng trưởng.

Chẳng hạn như đối với Pháp, trong giai đoạn 2011-2013, chính sách này đã làm Pháp mất đi gần 4,8% tăng trưởng GDP. Con số này trong cùng giai đoạn đối với Tây Ban Nha là 5,4%, Bồ Đào Nha là 6,9%, Hy Lạp là 8,05%, Ý là 4,9%, Ai-Len là 4,5%, và Đức là 3,5%. Bên cạnh đó, thất nghiệp cũng đã trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn này.

Chuyên gia Jan In’t Veld cho rằng, chính sách thắt lưng buộc bụng không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng của riêng từng nước mà còn ảnh hưởng đến những nước khác trong khối. Tức là, trong khối khi mà nước nào cũng thắt lưng buộc bụng, thì tăng trưởng chung sẽ bị thụt lùi.

Liban : thùng thư chiến tranh?

Liên quan đến vụ tấn công tự sát kép diễn ra vào hôm qua trước tòa đại sứ Iran ở Beyrouth-Liban, nhật báo Le Figaro đăng bài nhận định: “Al Qaida đánh Iran tại Liban”.

Vụ tấn công tự sát đã làm thiệt mạng hơn 20 người và gần 150 người bị thương. Tùy viên văn hóa của đại sứ Iran tại Liban cũng nằm trong số các nạn nhân thiệt mạng. Vụ tấn công đã được một nhóm Hồi Giáo sunnite võ trang có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaida, nhận trách nhiệm. Phát ngôn viên của tổ chức này còn tuyên bố trên trang mạng cá nhân là: “Các vụ tấn công sẽ còn tiếp diễn đến khi nào Iran chấm dứt việc hỗ trợ Assad”.

Trước khi nhóm Hồi Giáo nói trên nhận trách nhiệm, các kênh truyền thông tại Liban cũng đã liên tiếp nhận định rằng: “Không cần phải là thần thánh gì cũng có thể hiểu ngay là vụ tấn công có liên quan đến cuộc chiến tại Syria và đến cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về hồ sơ hạt nhân Iran”.

Như vậy, vụ việc một lần nữa là biểu hiện của cuộc đối đầu giữa các nhóm Hồi giáo Sunnite với các thế lực thuộc nhánh Hồi Giáo Chiite như Nhóm Hezbollah tại Liban, chính quyền Assad tại Syria và chính quyền Iran. Hơn nữa, Hezbollah và Iran đã hỗ trợ Assad hết mình từ nhân tài đến vật lực. Và một lần nữa, Liban lại “bị” chọn làm nơi gửi thông điệp của các bên. Le Figaro nhận định : Liban thường được xem như là “hộp thư” để các lực lượng chống đối nhau trong khu vực gửi thông điệp cho nhau.

Bên cạnh bài viết, Le Figaro còn đăng bài phỏng vấn chuyên gia với dòng tựa: “Giai đoạn mới của cuộc chiến tranh bí mật giữa Ả Rập Xê Út và Iran”. Theo phân tích của chuyên gia này, thì việc Iran và Hezbollah hỗ trợ chính phủ Assad không làm cho Ả rập Xê Út hài lòng vì nước này thuộc nhánh Sunnite trong khi chính quyền Assad, Hezbollah và chính quyền Iran lại thuộc nhánh Chiite.

Hơn nữa, trong khu vực, Ả Rập Xê Úc và Iran lâu nay vẫn căng thẳng do tranh giành ảnh hưởng. Sự việc càng làm cho phía Ả Rập Xê Úc thấy khó chịu hơn khi mà nhờ sự giúp đỡ của Iran và nhóm Hezbollah, thời gian gần đây, quân đội Assad đã chiếm được nhiều ưu thế trên chiến trường. Và cuộc tấn công vào đại sứ quán Iran ở Liban hôm qua rõ ràng là “một dấu hiệu leo thang mới trong cuộc chiến tranh bí mật giữa Iran và Ả Rập Xê Úc, một cuộc chiến đang có phong nền là cuộc chiến tại Syria”.

Biến đối khí hậu : Kỷ lục khí thải CO2

Trong lĩnh vực môi trường, nhật báo Le Monde đăng bài cho biết: “Lượng khí thải CO2 đạt kỷ lục mới”. Theo bài viết, ước tính trong năm 2013, lượng khí CO2 được thải ra từ hoạt động của con người đạt 40 tỷ tấn. Con số này tăng lên 2,1% so với năm 2012.

Trung Quốc là nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới. Hồi năm 2005, Trung Quốc vọt lên ngang hàng với Mỹ về việc thải khí CO2 ra môi trường. Rồi bảy năm sau, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã cao gấp đôi so với Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc chiếm đến 27% lượng khí CO2 được thải ra môi trường trên phạm vi thế giới. Con số này đối với Mỹ là 14%, Liên Hiệp Châu Âu là 10% và Ấn Độ là 6%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.