Vào nội dung chính
PHÁP - VÃN HÓA

Covid-19 : Hội chợ Sách Paris mất cơ hội mừng sinh nhật 40 tuổi

Hàng năm tại Pháp, giới ghiền đọc sách thường hẹn gặp nhau vào tuần lễ cuối cùng của tháng Ba tại Hội chợ Sách Paris, nay được gọi ngắn gọn là "Livre Paris". Tuy nhiên, ban tổ chức sự kiện đã thông báo cuối tuần qua là hủy bỏ hẳn phiên bản 2021, trong khi năm nay đánh dấu đúng 40 năm ngày thành lập "Salon du Livre Paris".

(Ảnh minh họa) - Hội chợ sách tại Paris năm 2018. Năm 2020 và 2021, do dịch bệnh Covid-19, Hội chợ sách Paris bị hủy.
(Ảnh minh họa) - Hội chợ sách tại Paris năm 2018. Năm 2020 và 2021, do dịch bệnh Covid-19, Hội chợ sách Paris bị hủy. Patrick Kovarik/AFP
Quảng cáo

Được thành lập vào năm 1981, Hội chợ Sách Paris đã ra đời tại Cung triển lãm của Viện bảo tàng Grand Palais trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt "Ngày Hội của Sách" (La Fête du Livre). Theo đề xướng của Bộ Văn hóa Pháp thời bấy giờ, " Ngày Hội của Sách" được tổ chức lần đầu tiên theo mô hình của "Ngày Hội Âm nhạc" (1981) và sau đó đã cho ra đời nhiều sự kiện khác là Ngày hội điện ảnh (1985), Tuần lễ Ẩm thực (1990) hay là Mùa Xuân của các Nhà thơ (1999) ...

1981-2021 : 40 năm Hội chợ Sách Paris

Nhân sinh nhật lần thứ 40, đáng lẽ ra Hội chợ Sách Paris năm nay dự trù được tổ chức một cách trọng thể, nhất là trong bối cảnh vào năm trước, dịch Covid-19 đã khiến sự kiện này bị hủy bỏ một lần, khi rơi đúng vào đợt phong tỏa thứ nhất trên toàn quốc vào tháng 03/2020. Vào lúc bấy giờ, ông giám đốc Vincent Montagne cùng với ban tổ chức hội chợ đã hẹn gặp lại tất cả mọi người vào cuối tháng 03/2021 với một loạt sự kiện đề cao các tác giả và các tựa sách mới. Khách tham quan nào đã từng đăng ký hay mua vé vào cửa trên mạng có thể giữ vé để dùng cho toàn bộ các sinh hoạt nhân kỳ hội chợ sách năm sau. 

Thế nhưng, không ai ngờ rằng tình hình dịch bệnh lại kéo dài lâu như vậy, với nhiều đột biến phức tạp khó lường. Điều đó đã buộc ban tổ chức hồi đầu năm nay thông báo việc dời lại Hội chợ Sách Paris đến hai tháng sau, tức là cho tới cuối tháng 05/2021 tại khu vực triển lãm ở Porte de Versailles. Nhưng khi chính phủ Pháp lại ban hành đợt phong tỏa thứ ba trong vòng 4 tuần lễ đối với 16 tỉnh thành, trong đó có vùng Île-de-France (Paris và các vùng phụ cận) thì ban điều hành sự kiện "Livre Paris" đã quyết định hủy bỏ luôn phiên bản 2021 của Hội chợ Sách Paris. 

Theo giải thích của Nghiệp đoàn quốc gia ngành xuất bản (SNE), trong bối cảnh hiện thời, rất khó thể nào huy động hàng ngàn người khi mà các quy định vẫn còn cấm các cuộc tập hợp đông đảo. Diễn ra trong vòng 4 ngày, Hội chợ Sách Paris thu hút hàng năm khoảng 160.000 lượt khách tham dự và bên cạnh đó, còn có khoảng 3.500 người tham gia tổ chức các quầy sách, các hội thảo bàn tròn theo chuyên đề, các buổi ký tặng sách  cũng như các cuộc gặp gỡ giao lưu giữa tác giả và bạn đọc ...

Sự kiện hàng đầu của ngành xuất bản Pháp

Theo tuần báo chuyên ngành Livre Hebdo, Hội chợ Sách Paris tựa như một thế giới thu nhỏ bao gồm các nhà văn, các đại diện của ngành xuất bản, các chuyên gia phê bình hay dịch thuật, giới chuyên viên của các bộ và hội đồng thành phố, nhưng quan trọng hơn nữa là các vị khách mời quan trọng kể cả các giải Nobel (có ra mắt sách), các hiện tượng trong năm của ngành xuất bản, các bậc thầy của làng văn học quốc tế mở "lớp thuyết giảng" ... Tính tổng cộng, hàng ngàn người thuộc 50 quốc tịch khác nhau tề tựu về cùng một nơi.

Bên cạnh mùa trao tặng các giải thưởng văn học Pháp hàng năm sau ngày tựu trường, Hội chợ Sách Paris được xem là sự kiện lớn nhất của ngành xuất bản tại Pháp. Dịch Covid-19 đã buộc ngành này phải đơn thuần hủy bỏ hội chợ sách trong 2 năm liền, mà vẫn chưa có giải pháp thay thế. Đây là một cú sốc mạnh mẽ đánh vào các nhà xuất bản, vốn đã hứng chịu khá nhiều thiệt thòi về mặt kinh tế. Theo số liệu gần đây nhất của liên đoàn SNE, doanh thu ngành xuất bản trong năm 2019 (không bao gồm sách giáo khoa) đạt 2,25 tỷ euro, tức đã giảm gần 5%.

Trong chương trình năm 2020, Ấn Độ là khách mời của Hội chợ Sách Paris, ban tổ chức đã dành ưu tiên cho việc giới thiệu các tác giả cũng như tác phẩm của vùng đất đầy huyền thoại nổi tiếng ở phương Tây nhờ nhiều bộ môn nghệ thuật trong đó có âm nhạc, điện ảnh cũng như văn học, thi ca ... Sau khi bị hủy lần đầu, Hội chợ Sách Paris phiên bản 2021 đáng lẽ diễn ra lần này dễ dàng hơn khi đặt trọng tâm vào nước Ý, vốn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu, đặc biệt trên lãnh vực các tác phẩm văn học dịch sang tiếng Pháp sau các nước Anh, Mỹ.

Nhìn chung, thị trường sách đang trải qua một thời kỳ phát triển không mấy thuận lợi. Bối cảnh dịch bệnh chỉ làm rõ thêm những xu hướng tiêu dùng quan trọng, thị trường sách (phiên bản giấy in nhiều hơn là phiên bản điện tử) đang trên đà tụt giảm liên tục "chậm mà đều" trong những năm gần đây, ngoại trừ hai thể loại có sức chịu đựng bền bỉ là sách bỏ túi và truyện thiếu nhi. 

Khó khăn chung của ngành xuất bản sách

Tình trạng khủng hoảng này đã từng khiến cho nhiều nhà xuất bản lớn như Grasset, Stock, Fayard cũng như nhóm Madrigall (gồm Gallimard, Flammarion, Table ronde hay Denoël) đã giảm đáng kể sự hiện diện của họ tại Hội chợ sách Paris, từ 1.000 mét vuông quầy triển lãm ban đầu chỉ xuống còn 120 mét vuông để giới thiệu tác phẩm mới. Trong khi đó các loại sách bỏ túi và tủ sách giải trí dành cho độc giả trẻ tuổi lại phát triển mạnh, phù hợp với thị hiếu của số đông nhưng phần nào làm mất đi thế cân bằng thậm chí nét hài hòa trong một "tủ kính trưng bày".  

Đó là trường hợp của các nhà xuất bản lớn, trong khi hoàn cảnh của các nhà sách nhỏ, với ngân sách hạn hẹp, thì tình hình lại càng khó khăn hơn nhiều. Cho dù ban  tổ chức Hội chợ Sách Paris cam kết hoàn trả lại toàn bộ các chi phí, thế nhưng vẫn không có nguồn tài chính phụ trội nào có thể giúp cho các nhà xuất bản nhỏ vượt qua sóng gió. Có thể nói họ là những người phải trả giá cao cho đợt phong tỏa thứ ba, vì họ đánh mất luôn cơ hội tiếp cận với công chúng và qua đó thu hút được thêm nhiều thành phần bạn đọc.

Dĩ nhiên là đối ngành xuất bản nói chung, việc hủy bỏ Hội chợ Sách Paris trong hai năm liền còn là một cú sốc mạnh mẽ về mặt tâm lý. Cho dù có hẹn gặp lại để đánh dấu 40 năm ngày thành lập hội chợ sách, thì theo ông Mickaël Palvain, giám gốc tiếp thị của nhà xuất bản Albin Michel, chẳng còn ai nghĩ tới chuyện ăn mừng do bị xuống tinh thần. Bản thân ông cũng từng hy vọng vào Hội chợ Sách Paris để khởi động chương trình kỷ niệm 120 năm ngày nhà xuất bản Albin Michel ra đời.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.