Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỨC

Kỷ niệm 60 năm hòa giải, lãnh đạo Pháp-Đức phô trương tình đoàn kết song phương

Nhân hội nghị thượng đỉnh Pháp-Đức tại Paris vào hôm qua, 22/01/2023, vào lúc hai nước kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp ước hòa giải giữa hai cựu thù, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cố nêu bật tình đoàn kết hợp tác Pháp-Đức, từng được công nhận là “đầu tầu” thúc đẩy công cuộc xây dựng châu Âu trong 6 thập niên gần đây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo chung tại điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 22/01/2023.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo chung tại điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 22/01/2023. REUTERS - BENOIT TESSIER
Quảng cáo

Trong các phát biểu của mình, hai nhà lãnh đạo đã lập đi lập lại các từ ngữ như “tình bạn”, “tình huynh đệ” Pháp-Đức, được nêu bật thành chìa khóa của công cuộc “xây dựng châu Âu”.

Trong bài phát biểu tại Đại Học Sorbonne, Paris, tổng thống Pháp không ngần ngại khẳng định: “Nhờ đã biết dọn đường cho sự hòa giải, Đức và Pháp phải trở thành những người tiên phong cho việc đặt lại nền móng cho châu Âu”.

Tổng thống Pháp đã ca ngợi sự kiện cách nay 60 năm khi tổng thống Pháp thời đó là Charles de Gaulle đã ký với thủ tướng Đức Konrad Adenauer Hiệp Ước Elysée, “một văn kiện đặt nền tảng” cho “sự hòa giải” giữa hai quốc gia “từng là kẻ thù ác liệt nhất” của nhau, nhưng đã “quyết tâm trở thành đồng minh thân cận nhất của nhau”.

Về phần mình, thủ tướng Đức cũng nói: “Tương lai, giống như quá khứ, sẽ dựa trên sự hợp tác giữa hai nước chúng ta…, trong tư cách là đầu tàu của một châu Âu thống nhất”.

Sau cuộc họp của Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp-Đức tại điện Elysée, hai nhà lãnh đạo đã nỗ lực cho thấy tất cả các điểm hội tụ giữa hai nước, và loan báo những tiến bộ đặt được trong hồ sơ xây dựng cơ sở hạ tầng khí hydro châu Âu, với việc kéo dài qua Đức đường ống H2Med đi từ Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha đến Pháp.

Theo tổng thống Pháp, hai bên cũng đã xác định một “đường lối chung”, ủng bộ việc châu Âu đề ra một phản ứng “đầy tham vọng và nhanh chóng” nhằm đối phó với các khoản trợ cấp mà Washington dành cho ngành công nghiệp Mỹ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Cả hai ông Macron và Scholz cũng không loại trừ việc giao chiến xa hạng nặng cho Ukraina, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó phải được đánh giá “một cách tập thể” giữa các đồng minh.

Tuy nhiên hai nhà lãnh đạo đã không che giấu các bất đồng giữa hai nước, đặc biệt trên dự án lá chắn chống tên lửa của châu Âu mà Berlin muốn thực hiện với các công nghệ đã có sẵn của Israel và Mỹ, trong khi Paris chủ trương một giải pháp của châu Âu, trên cơ sở một hệ thống Pháp-Ý. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.