Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Lục đục trong quan hệ Pháp - Đức làm suy yếu châu Âu

Nga, Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là cả Hoa Kỳ có hài lòng khi thấy bất đồng giữa Đức và Pháp, hai cột trụ của Liên Hiệp Châu Âu, được phơi bày ra ánh sáng ?

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tại Berlin, Đức, ngày 25/01/2022.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tại Berlin, Đức, ngày 25/01/2022. © Reuters
Quảng cáo

Berlin, tối qua (19/10/2022) thông báo hủy cuộc họp Hội đồng Chính phủ hỗn hợp với Paris được dự trù diễn ra tại Fontainbleau vào tuần tới. Rạn nứt trong quan hệ giữa Paris và Berlin có nguy cơ làm suy yếu toàn khối và có thể là một món quà ngoài mong đợi đối với Putin khi ông đưa quân xâm chiếm Ukraina.

« Cơm không lành, canh không ngọt », « rạn nứt », « lục đục » trong quan hệ của « cặp đôi Pháp-Đức » : giới quan sát đồng loạt đánh giá như trên về những căng thẳng « âm ỉ » trong bang giao giữa hai quốc gia quan trọng nhất của Liên Hiệp Châu Âu.   

Đức thông báo hủy cuộc họp Hội đồng Chính phủ với Pháp, dự trù vào ngày 26/10, vì lý do « lịch làm việc không cho phép » và sự kiện này được hoãn tới tận đầu sang năm. Đó là dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương đã « xấu đi đến nỗi đôi bên không còn có thể tiếp tục che đậy ». Cho đến gần đây, Pháp cố gắng cho rằng « căng thẳng » song phương xuất phát từ việc thủ tướng Olaf Scholz phải dung hòa giữa các phe phái trong thành phần chính phủ liên minh.   

Nhưng chiến tranh Ukraina kéo dài, với những hệ quả kèm theo cả về an ninh lẫn chính trị đến kinh tế, đang đè nặng lên Liên Âu và có nguy cơ đe dọa đến tăng trưởng của nước Đức, và Berlin hết kiên nhẫn. Cuộc chiến ngay sát cạnh cửa ngõ của Liên Âu này thách thức chính sách năng lượng và cả đường lối đối ngoại của Berlin.   

Vậy những hồ sơ nào gây sóng gió trong quan hệ giữa Đức và Pháp ? Trước hết là vế an ninh và quân sự. Berlin không che giấu sự thờ ơ đối với chiến lược phòng thủ chung châu Âu mà Pháp là một trong những quốc gia trên tuyến đầu. Đức đã chọn mua chiến đầu cơ F-35 của Mỹ, và trong ngân sách khổng lồ hơn 100 tỷ đô la hiện đại hóa quân đội, Berlin rất ít đả động đến những chương trình phát triển trang thiết bị vũ khí chung với Pháp, với các đối tác châu Âu. Phó thác an ninh của chính mình và qua đó là Liên Âu vào tay Hoa Kỳ là điều Pháp khó chấp nhận. Gần đây thủ tướng Scholz cùng với 14 đối tác châu Âu, dự trù mua trang thiết bị của Israel để xây dựng « một vòm trời an toàn chống tên lửa ». Berlin không màng đến khả năng 27 thành viên Liên Âu hợp lực trong lĩnh vực này. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Paris về một chính sách phòng thủ chung.   

Song không chỉ có vế công nghiệp quốc phòng gây bất đồng. Về năng lượng, từ nhiều tháng qua Pháp và Đức cố gắng kềm chế, tránh trực tiếp đối đầu nhưng đó chỉ là « vỏ bọc bề ngoài » : Pháp chủ trương phát triển năng lượng hạn nhân để bảo đảm nguồn tiêu thụ cho toàn khối. Đức thì không, dưới sức ép của đảng Xanh - một trong ba thành phần liên minh chính phủ.

Berlin và Paris lại còn bất đồng sâu rộng về dự án xây dựng đường ống dẫn khi đốt giữa vùng Midi ở miền nam nước Pháp với Catalunya của Tây Ban Nha để đưa khí đốt từ Algerie sang châu Âu mà khách hàng lớn nhất sẽ là Đức. Thủ tướng Scholz coi đây là một ngõ « thoát hiểm » để giải tỏa áp lực về năng lượng. Trái lại tổng thống Macron dứt khoát bác bỏ dự án này với lý do đường ống không thể hoàn tất trước 2026, dự án này như vậy « gây nhiều tổn hại cho môi trường mà không mấy hiệu quả ». Cũng về năng lượng, Paris vận động để Liên Âu có một chính sách chung áp giá trần về khí đốt. Berlin thì không. Giọt nước làm tràn ly : chương trình trị giá 200 tỷ euro của thủ tướng Olaf Scholz để hỗ trợ tư nhân và doanh nghiệp Đức đối mặt với khủng hoảng năng lượng khiến Paris « nổi đóa » : điện Elysée chỉ trích Berlin « trợ cấp trá hình » để vực dậy kinh tế Đức.   

Sau cùng, vào lúc Pháp và Đức chính thức khởi động dự án cùng nhau phát triển nhiên liệu hydrogène, thì thủ tướng Olaf Scholz đã ngầm thỏa thuận với Ả Rập Xê Út về một chương trình tương tự và đã chính thức ký kết với Canada hồi tháng 8/2022 một hợp đồng mang tên « Nhiên liệu xanh ». Một nhà ngoại giao châu Âu được báo Le Figaro trích dẫn bình luận « chỉ cần tinh ý một chút sẽ thấy có nhiều điểm ‘nhức nhối’ giữa hai đối tác châu Âu này ».  

Vấn đề đặt ra là những bất đồng này lại lộ rõ vào lúc Liên Âu cần đoàn kết trên nhiều mặt và đặc biệt là về các biện pháp trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina, các chương trình hỗ trợ quân sự cho Kiev, an ninh chung của toàn khối. Ngoài việc đối phó với Nga, Liên Âu cũng cần có một tiếng nói chung với một đối tác khác là Trung Quốc. Ai cũng biết rằng, ngoại giao Bắc Kinh luôn chủ trương « chia để trị » và không khi nào bỏ lỡ cơ hội để khai thác những bất đồng giữa hai thành viên nặng ký nhất trong Liên Âu.   

Sau cùng, ngay bản thân nước Mỹ, đồng minh thân thiết trong khối NATO, không chắc Washington phật ý trước những rạn nứt có thể làm suy yếu Bruxelles, đẩy Liên Hiệp Châu Âu càng lệ thuộc vào Hoa Kỳ.   

Thách thức đối với Liên Hiệp Châu Âu là nếu như niềm tin giữa Đức và Pháp, bị sói mòn, thì khối này có thể trông cậy vào đâu ? Chắc chắn đó không thể là nước Ý khi mà nội các Giorgia Meloni chưa hình thành, một số đối tác của bà đã không che giấu thiện cảm với Vladimir Putin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.