Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Quan hệ Pháp-Đức: Bất đồng vẫn tồn tại bất chấp bề ngoài hòa thuận

Vào hôm qua 22/03/2023, hai lãnh đạo Pháp-Đức là tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Olaf Scholz cố sức phô trương tình đoàn kết giữa hai nước bằng những lời lẽ hoa mỹ và một loạt tín hiệu cho thấy sự đồng thuận. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bất chấp các dấu hiệu hòa thuận đó, bất đồng giữa hai nước vẫn nghiêm trọng, đe dọa vai trò đầu tàu của Paris và Berlin trong công cuộc xây dựng châu Âu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 22/01/2023.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 22/01/2023. AP - Lewis Joly
Quảng cáo

Phải nói là cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức vào hôm qua cùng lúc với cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng của cả hai nước rất được mong đợi, sau hai lần bị hoãn kể từ tháng 7 năm ngoái 2022. Đối với hai quốc gia đầu tầu của Châu Âu, đây là dịp lý tưởng để hai bên thống nhất ý kiến, khôi phục khả năng thúc đẩy châu Âu tiến lên vào lúc nhiều nước Châu Âu đồng minh của Ukraina đang bất bình trước thái độ kiềm chế quân sự tương đối của cả Paris lẫn Berlin trước nước Nga.

Thế nhưng, trên hồ sơ Ukraina, cả Emmanuel Maccron lẫn Olaf Scholz vẫn không thống nhất ý kiến được trên một đối sách chống Nga mạnh mẽ, cụ thể vẫn dè dặt trên yêu cầu chi viện xe tăng hạng nặng cho Kiev vốn được nhiều nước Liên Âu thúc đẩy.

Ngoài ra, cuộc họp đầy mong đợi của Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp-Đức cũng không đề ra được bước nhảy vọt thực sự nào trong công cuộc xây dựng châu Âu, mặc dù ý tưởng củng cố “chủ quyền” của lục địa đều được hai bên bảo vệ trong một thời gian dài trước đây.

Theo ghi nhận của tờ Le Monde ngày 23/01, xem xét kỹ các ý kiến mà hai ông Macron và Scholz nêu lên trước báo giới vào hôm qua, người ta có thể khẳng định rằng trong hai lĩnh vực hợp tác thiết yếu - quốc phòng và năng lượng - Paris và Berlin vẫn đang gặp khó khăn trong việc dung hòa quan điểm.

Về quốc phòng, trong khi ông Macron từ lâu đã hy vọng củng cố “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu để đảm bảo an ninh cho châu lục, thì cuộc chiến ở Ukraina lại khiến phe thân NATO được củng cố mạnh thêm. Ba ngày sau khi nổ ra cuộc chiến Ukraina, ông Scholz loan báo quyết định mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ để thay thế phi đội Tornado cũ của mình. Sau đó ông công bố một dự án lá chắn phòng không châu Âu liên quan đến 14 quốc gia NATO, nhưng không có Pháp hay Ba Lan.

Về dự án này, ông Scholz đã nhắc lại hôm qua rằng cánh cửa vẫn chưa đóng nhưng ý định của ông là “dựa trên những gì đã tồn tại, mà không phải đợi quá lâu để có được một số vũ khí nhất định”. Ngược lại, ông Macron lại đề nghị phát triển một “chiến lược chung” với Đức và Ba Lan để “tiến tới chủ quyền tối đa về công nghệ và công nghiệp”.

Tại Paris, những quyết định ở Berlin đã gây nghi ngờ về ý chí của chính phủ mới của Đức trong việc tiếp tục phát triển các dự án phòng thủ chung khác như Hệ Thống Không Chiến Trong Tương Lai (SCAF) mà Tây Ban Nha cũng tham gia, hoặc là Hệ Thống Chiến Đấu Trên Bộ Chính (SCTP).

Lĩnh vực căng thẳng thứ hai là năng lượng. Giữa Pháp, quốc gia vẫn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, và Đức, nước từ lâu dựa vào khí đốt của Nga, đã có sự hiểu lầm từ lâu, nhưng cuộc chiến ở Ukraina đã làm trầm trọng thêm hiểu lầm đó.

Sau một thời gian dài miễn cưỡng, chính phủ của Olaf Scholz cuối cùng đã đồng ý, vào tháng 12 năm 2022, cùng mua khí đốt ở cấp độ châu Âu và đồng ý có giá trần. Pháp và Đức đã đồng ý cung cấp khí đốt và điện cho nhau để tránh các vấn đề trong mùa đông này. Nhưng thủ tướng Scholz vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Pháp về việc cải cách thị trường điện, đặc biệt là khi giá năng lượng lại đang có xu hướng giảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.