Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Mỹ trở lại UNESCO, Trung Quốc hết tự do thao túng

Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden hôm nay 25/07/2023 có mặt tại Paris để dự lễ treo cờ Mỹ tại trụ sở chính của cơ quan UNESCO, đánh dấu sự kiện Hoa Kỳ trở lại làm thành viên sau 5 năm rời bỏ định chế quốc tế này. Theo các nhà quan sát, sự trở lại của Hoa Kỳ mang ý nghĩa quan trọng đối với cả Washington lẫn UNESCO, trong đó có việc hạn chế khả năng thao túng của Trung Quốc.

Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden phát biểu tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp, ngày 25/07/2023.
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden phát biểu tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp, ngày 25/07/2023. AP - Aurelien Morissard
Quảng cáo

Dù là một trong những thành viên sáng lập UNESCO sau Đệ Nhị Thế Chiến, cùng với 19 quốc gia khác như Nam Phi, Brazil, Canada, Ai Cập, Anh, Pháp, Na Uy..., vào năm 2017, dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã quyết định rút ra khỏi định chế này. Quyết định chính thức có hiệu lực vào năm 2018.

Tuy nhiên, sau khi ông Joe Biden lên làm tổng thống, Hoa Kỳ đã làm thủ tục tái gia nhập tổ chức, và đến ngày 30/06/2023 đã được một hội nghị bất thường của các thành viên UNESCO chính thức thu nhận trở lại với 132 phiếu thuận, 15 phiếu trắng và 10 phiếu chống, trong đó có phiếu của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran… và nhất là Nga.

Sau khi nhận được đầy đủ các công văn gia nhập, ngày 11/07 vừa qua, UNESCO chính thức loan báo việc Hoa Kỳ được kết nạp trở lại là thành viên thứ 194 của tổ chức này.

Unesco có lại nhà tài trợ hào phóng nhất

Với việc Mỹ trở lại, UNESCO đã tìm lại được một trong những nhà bảo trợ lớn nhất của mình, với một khoản đóng góp hào phóng. Theo hãng tin Pháp AFP, tài trợ của Mỹ lên đến 22% ngân sách của tổ chức. Khi xin tái gia nhập, Washington đã đồng ý chi trả cho UNESCO các khoản đóng góp mà họ đã “thiếu” trong 5 năm đứng ngoài định chế này, một món “nợ” khoảng 619 triệu đô la, còn cao hơn cả ngân sách hàng năm của UNESCO, chỉ khoảng 534 triệu đô la.

Tháng 6 vừa qua, một nhà ngoại giao làm việc cho UNESCO nhấn mạnh rằng: “Số tiền mới của Mỹ sẽ giúp ích rất nhiều cho UNESCO . Theo nhà ngoại giao này, việc các khoản đóng góp từ Washington bị cúp trong thời gian qua “đã gây ra những khó khăn lớn” và UNESCO “đã phải thắt lưng buộc bụng ở rất nhiều lãnh vực”.

Còn về phía Hoa Kỳ, việc trở lại UNESCO cho phép Washington khôi phục vai trò lãnh đạo của mình, đã bị tổn hại khi Mỹ đơn phương rút ra khỏi nhiều định chế quốc tế từ năm 2017 trong đó có UNESCO.

Riêng trong trường hợp UNESCO, trên đài truyền hình Mỹ CNN, một quan chức chính quyền Biden tuyên bố rằng việc có mặt trong định chế này sẽ giúp Mỹ có ảnh hưởng đến “những tiêu chuẩn quốc gia và và thông tin toàn cầu trong những vấn đề như bảo vệ di sản thế giới, đạo đức kỹ thuật mới, tự do báo chí, và giáo dục.”

Chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc

Quyết định tái gia nhập UNESCO của Mỹ cũng nhuốm màu sắc địa chính trị với cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng thêm gay gắt, trong bối cảnh Trung Quốc mong muốn chuyển đổi trật tự đa phương.

Theo AFP, ngay tháng Ba vừa qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã xác định rằng sự vắng mặt của Hoa Kỳ ở UNESCO cho phép Trung Quốc tác động nhiều hơn trên các quy tắc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được định chế này soạn thảo.

Phát biểu trước Quốc Hội Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh: “Tôi thực sự tin rằng chúng ta nên trở lại […], không phải để làm quà cho Unesco mà là vì những điều [xảy ra ở đó] mang tính chất quan trọng […] Trung Quốc hiện là nước đóng góp lớn nhất cho UNESCO. Điều đó có rất nhiều trọng lượng. Chúng ta thậm chí còn không được ở cùng bàn.”

Theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 30/06 vừa qua, chính quyền Joe Biden đã sớm hiểu rằng chính sách để ghế trống không phù hợp với mối quan tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ, và sự vắng mặt của họ tại diễn đàn UNESCO chỉ phục vụ lợi ích của đại kình địch Trung Quốc, nhất là khi định chế này đóng một vai trò không nhỏ trong việc suy nghĩ về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, hoặc các đối phó với tệ nạn thông tin sai lệch.

Theo Le Monde, việc Mỹ trở lại UNESCO rất hữu ích. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cuộc tranh cãi xung quanh hoạt động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bị coi là quá dễ dãi với hành vi của Bắc Kinh trong khi mà Mỹ thiếu quan tâm, đã cho thấy tác hại của việc Washington thoái thác trách nhiệm của mình.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc và các đồng minh bỏ phiếu chống lại việc Hoa Kỳ tái gia nhập UNESCO hôm 30/06 vừa qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.