Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Pháp, Đức bất đồng vào lúc gay cấn cho Ukraina

Khi nêu « khả năng phương Tây đưa quân vào Ukraina », tổng thống Pháp khẳng định đã « cân nhắc » từng từ. Trong chuyến công du Praha, CH Séc, ngày 05/03/2024, ông Emmanuel Macron kêu gọi các đồng minh của Ukraina « đừng hèn nhát » trước một nước Nga « không còn chặn lại được nữa ». Những phát biểu « nhìn vào thực tế » của tổng thống Pháp không được Hoa Kỳ đánh giá cao, đồng thời cho thấy những bất đồng sâu sắc về quan điểm đối với cuộc chiến ở Ukraina.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron(Trái) và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Hamburg, Đức, ngày 10/10/2023.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron(Trái) và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Hamburg, Đức, ngày 10/10/2023. AP - Markus Schreiber
Quảng cáo

Ngay sau khi Nga tung đoạn ghi âm lén cuộc hợp giữa các sĩ quan cấp cao của Đức về khả năng cung cấp tên lửa bán tàng hình Taurus cho Ukraina, thủ tướng Olaf Scholz đã bác bỏ ngay khả năng Berlin đưa nhân viên sang Ukraina, cho dù chỉ là cố vấn để lập trình. Trong một buổi phỏng vấn, ông Scholz trong cũng ám chỉ rằng Anh và Pháp đã cử cố vấn đến Ukraina để hỗ trợ điều chỉnh hai loại tên lửa Storm Shadow và Scalp cung cấp cho Kiev, trong khi theo nhật báo Le Monde ngày 06/03, đây là « chuyện không nên nói trước công chúng ».

Đức kiểm soát chặt việc đưa quân ra nước ngoài

Cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev sẽ là « một bước đột phá chiến lược », do đó Đức rất thận trọng vì sợ tên lửa sẽ được dùng để tấn công cầu Crimée và như vậy sẽ kéo Đức, cũng như NATO, đối đầu trực diện với Nga. Đây là chủ trương được ông Scholz nhấn mạnh ngay những ngày đầu Nga xâm lược Ukraina : Không để chủ nghĩa xét lại Nga giành chiến thắng, nhưng cũng không để cuộc xung đột biến thành một cuộc chiến trực diện giữa Nga và NATO.

Ngoài ra, Đức quy định chặt chẽ việc đưa quân ra nước ngoài. Trả lời trang Deutsche Welle ngày 28/02, ông Eric-André Martin, tổng thư ký Hội Đồng Nghiên Cứu Quan hệ Pháp-Đức (Cerfa) tại Paris, đưa ra hai giải thích. Trước tiên, « chính phủ Đức hiện nay là một liên minh và không hẳn có chung quan điểm. Một số người dè dặt về chiến tranh và những hệ quả có thể xảy ra cho người dân ».

Ngoài ra, nhiệm vụ của quân đội Đức là bảo vệ lãnh thổ và « thường dè dặt khi được kêu gọi tham gia các chiến dịch ở nước ngoài vì họ vẫn còn giữ ký ức thời Thế Chiến II. Quân đội chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quốc Hội. Mỗi một nhiệm vụ ở nước ngoài đều phải được đưa ra bỏ phiếu, trong khi phong trào chủ hòa hoặc tân chủ hòa phát triển mạnh trong tầng lớp chính trị. Nhìn chung, khuôn khổ sử dụng quân đội Đức bị hạn chế hơn so với quân đội Anh hoặc Pháp. Do đó, Đức luôn chú ý hạn chế tối đa sử dụng quân đội ».

Nga hưởng lợi từ bất đồng Pháp - Đức

Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức dường như « đang ở mức thấp nhất »« phản ánh hiện trạng hợp tác ở châu Âu, hai năm sau cuộc tấn công của Nga », theo nhận định của tạp chí Đức Wirtschaftswoche, được AFP trích dẫn. Trong lời phát biểu khi gây quỹ cho Ukraina, tổng thống Macron ngầm chỉ trích thủ tướng Đức chỉ cung cấp mũ bảo hiểm, túi ngủ cho Ukraina khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, nhưng giờ lại kêu gọi « phải làm nhanh hơn, mạnh mẽ hơn ».

Lời kêu gọi trên của thủ tướng Olaf Scholz ngầm nhắm đến Pháp và Ý, trong khi Đức là nước châu Âu hỗ trợ nhiều nhất về tài chính và quân sự cho Ukraina. Một người phát ngôn của thủ tướng Scholz giảm nhẹ bất đồng khi cho rằng quan điểm của ông Macron « nhận được ít sự ủng hộ của quốc tế, trong khi Đức nằm trong nhóm lớn có cách nhìn khác », trong đó có Mỹ, Anh, Tây Ban Nha hoặc Ý.

Những bất đồng giữa hai đầu tầu Pháp-Đức lại được thể hiện vào thời điểm gay cấn cho Kiev, do Nga chiếm ưu thế trên chiến trường. Không có viện trợ của đồng minh phương Tây, Ukraina khó trụ vững. Trên đài truyền hình Welt, cựu đại sứ Đức Wolfgang Ischinger cho rằng bất đồng này chỉ có lợi cho tổng thống Nga, bởi vì « vũ khí mạnh nhất của Putin là cãi vã giữa các nước châu Âu ». Còn theo báo Le Monde, Nga đã biết khai thác điểm yếu của châu Âu, đó là « Đức, được coi là hồng tâm » bởi vì « những trăn trở, băn khoăn của Đức không còn gì là bí mật đối với Putin, từng sống 5 năm ở Đức khi còn là sĩ quan KGB và nói thành thạo tiếng Đức ».

Đây chỉ là một trong những bất đồng giữa Pháp và Đức, vì theo nhà nghiên cứu Rym Momtaz, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, còn nhiều bất đồng khác « đang làm suy yếu năng lực của châu Âu trong việc vượt qua thách thức về an ninh của khối ». Đối với Paris, chính sách phòng thủ của thủ tướng Scholz « là xét lại thỏa thuận Pháp-Đức » được đúc kết năm 2017 với thủ tướng Angela Merkel nhằm thúc đẩy chủ quyền của Liên Hiệp Châu Âu. Còn theo Jacob Ross, tổ chức tư vấn DGAP, « nhìn từ Pháp, Olaf Scholz phản bội ý tưởng chủ quyền của Liên Hiệp châu Âu và làm hỏng di sản chính trị mà Macron muốn để lại vào năm 2027 ».

Nói tóm lại, dân biểu Đức Thorsten Frei, thuộc phe bảo thủ đối lập, cho rằng « đầu tầu Pháp-Đức bất đồng » vào thời điểm hiện tại không chỉ bất lợi cho Ukraina, mà còn tác động « vô cùng nguy hiểm cho châu Âu »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.