Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Philippines muốn “kéo” Mỹ vào khai thác dầu khí ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền

Philippines đang « tính toán kỹ » một kế hoạch khai thác dầu khí ở Biển Đông và muốn Mỹ cùng các đồng minh tham gia. Đây là một trong những chiến lược mới của chính quyền tổng thống Marcos Jr. để bảo vệ chủ quyền trước ý đồ của Trung Quốc độc chiếm vùng biển trung chuyển đến 60% thương mại toàn cầu.

This photo taken on December 11, 2023 shows the Malampaya gas field some 65 kilometres off the Philippines' Palawan island.
Hình chụp ngày 11/12/2023: Giàn khoan khí đốt Malampaya của Philippines, cách đảo Palawan 65 km. AFP - TED ALJIBE
Quảng cáo

Song song với chiến lược « hợp tác trên biển » với Việt Nam và « ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông », Manila tìm cách mở rộng hợp tác đa phương. Trong chuyến công du Berlin ngày 12/03, tổng thống Marcos Jr. nhận được sự ủng hộ của thủ tướng Đức Olaf Scholz « trong việc bảo vệ lợi ích của Philippines »« tuân thủ luật pháp hiện hành ». Ông Marcos Jr. dự kiến tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/03. Philippines cũng sẽ thảo luận về việc thắt chặt hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 4.

Hợp tác quân sự gắn liền với lợi ích kinh tế

Philippines cũng ngầm đặt ra lằn ranh đỏ khi khẳng định không bác bỏ bất cứ đề xuất nào của Bắc Kinh để giải quyết bất đồng, nhưng không chấp nhận yêu sách « đường 10 đoạn » của Trung Quốc. Để xác quyết chủ quyền, Manila dự định khai thác mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Washington để phục vụ lợi ích kinh tế, qua việc mời Mỹ và các đồng minh tham gia các dự án khai thác dầu khí ở vùng biển có tranh chấp. Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez khẳng định trong buổi họp báo ngày 05/03 ở Manila rằng chính quyền Marcos Jr. « không chỉ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, mà còn với cả Nhật Bản và Úc », các bên « biết phải làm thế nào để bảo vệ việc vận chuyển dầu khí được khai thác ».

Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ngày 11/03, Manila đang nghiên cứu nhiều phương án để khai thác nguồn tài nguyên dồi dào ở Biển Đông. Trong khi Philippines phải nhập khẩu hầu như toàn bộ nhu cầu về chất đốt, không một kế hoạch khai thác dầu khí nào ở Biển Đông có chút tiến triển từ nhiều năm qua. Các cuộc đàm phán đồng khai thác với Bắc Kinh cũng bị bế tắc do căng thẳng với Trung Quốc ngày càng tăng. Vào tháng 02/2024, ngoại trưởng Philippines cho biết sẵn sàng đàm phán khai thác năng lượng với Bắc Kinh, nhưng đồng thời khẳng định Manila sẽ không để cho bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào nắm quyền kiểm soát hoạt động.

Không nêu chi tiết, nhưng đại sứ Jose Manuel Romualdez cho rằng kế hoạch với các đồng minh sẽ được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống Marcos Jr., kết thúc năm 2028, và nằm trong khuôn khổ « Chương trình năng lượng » của Philippines nhằm giảm giá điện. Manila muốn cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng, để thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước Đông Nam Á ngày càng tăng.

Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài 

Mối quan hệ chặt chẽ với Washington là một lợi thế cho Philippines để thu hút doanh nghiệp Mỹ. Ngày 11/03, trước khi công du Đức, ông Marcos Jr. đã tiếp một phái đoàn do bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo dẫn đầu, cùng với lãnh đạo 20 tập đoàn lớn (Microsoft, United Airlines, Alphabet và nhiều công ty năng lượng). Khoảng 1 tỉ đô la sẽ được doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Philippines, đặc biệt trong các lĩnh vực điện mặt trời, ô tô điện.

Tổng thống Marcos Jr. đang muốn tận dụng uy tín và ảnh hưởng ngày càng lớn của ông trên trường quốc tế để mang hợp đồng về cho Philippines. Tuy nhiên, theo trang SCMP, chính phủ của ông phải tạo được một môi trường kinh doanh thuận lợi. Ngoài cải cách hành chính, giảm giá điện là một trong số những ưu tiên để tăng sức hấp dẫn đầu tư. Nhu cầu khai thác các nguồn dầu khí mới ngày càng trở nên cấp bách, vì theo tổng thống Marcos Jr., một mỏ khí đốt lớn của Philippines sắp hết trữ lượng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.