Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chiến tranh Ukraina đã làm Pháp thay đổi cách nhìn với NATO

Là một thành viên sáng lập của tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương nhằm đối phó với mối đe dọa của Liên Xô, nước Pháp sau một thời gian dài sao nhãng vì mất lòng tin với Liên minh giờ đây đang trở lại với hình ảnh của một thành viên năng nổ của NATO. Chiến tranh Ukraina và mối đe dọa của Nga, bị mất dần ảnh hưởng phải triệt thoái quân sự ở châu Phi có thể là những lý do để Paris thay đổi quan điểm về liên minh quân sự của phương Tây.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tại thượng đỉnh NATO Madrid. Ảnh ngày 30/06/2022.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tại thượng đỉnh NATO Madrid. Ảnh ngày 30/06/2022. AP - Christophe Ena
Quảng cáo

Đại sứ của Pháp tại NATO, bà Muriel Domenach xác nhận với AFP rằng « Pháp đang ngày càng tích cực chủ động và đưa ra nhiều giải pháp và cũng được lắng nghe nhiều hơn về mối quan hệ tương hỗ giữa NATO và quốc phòng Châu Âu ».

Vào thời điểm tình hình địa chính trị ở châu Âu, cũng như tình hình chính trị ở những nước thành viên chủ chốt của Liên minh, đặc biệt Hoa Kỳ đang có xu hướng biến động khó lường, giới quan sát nhận thấy nước Pháp đang tìm kiếm xây dựng một nhóm nước nòng cốt trong Liên Âu để có thể đóng vai trò đầu tàu trong khối NATO.

Trong lịch sử 75 năm  hình thành và phát triển, vai trò và những đóng góp của Pháp trong Liên Minh cũng đã có nhiều thay đổi.

Là thành viên sáng lập của Liên minh Đại Tây Dương ra đời năm 1949 để đối mặt với mối đe dọa từ Liên Xô. Giữa chiến tranh lạnh Đông- Tây, năm 1966, theo sự chỉ đạo của tướng de Gaulle, do bất đồng với Hoa Kỳ, Pháp đã rời bỏ bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp, cơ quan xác định chiến lược của NATO. Đến năm 2009, Paris đã trở lại cơ quan này nhưng với vai trò mờ nhạt.

Cách đây không lâu, cuối năm 2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra những đánh giá bi quan rằng « NATO đang trong tình trạng chết não », là một tổ chức không còn khả năng phối hợp hành động. Những phát ngôn tổng thống Pháp không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn làm dấy lên những ngờ vực đối với đồng minh Pháp, đặc biệt là từ các thành viên Đông Âu, những nước mà an ninh phụ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ và NATO.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Haroche, giảng viên về an ninh quốc tế tại Đại học Queen Mary ở Luân Đôn, nước Pháp giờ đây « gần như liên kết chặt chẽ với Ba Lan và các nước vùng Baltic ».

Cuối tháng Hai năm nay, một lần nữa tổng thống Emmanuel Macron lại làm dậy sóng dư luận khi tuyên bố « không loại trừ khả năng » đưa quân của NATO vào tham chiến hỗ trợ Ukaina để không cho phép Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh hiện nay. Ý tưởng của tổng thống Pháp chủ yếu mang tính giả định và chứa đựng nhiều hàm ý khác, trong đó có thể thấy sự ghi nhận tầm quan trọng nhất định của Liên minh và mong muốn chứng tỏ vai trò trách nhiệm của Pháp trong hồ sơ Ukraina.

Do đâu mà Pháp đã có sự thay đổi rõ rệt về quan điểm lập trường với liên minh quân sự. Giới quan sát đều có thể dễ dàng nhận ra đó là cuộc xâm lược Ukraina của Nga hôm 24/02/2022 đã làm thay đổi toàn bộ bàn cờ Châu Âu. 

Tướng Jérôme Goisque, trưởng  đại diện quân sự thường trực của Pháp tại Liên Hiệp Châu và NATO, nhận định, ngày nay, Pháp được coi là một đồng minh « dấn thân mạnh mẽ về quân sự. Mọi người đều nhận thấy  các quân nhân Pháp đã trở lại ».

Thực tế, chỉ bốn ngày sau cuộc xâm lược của Nga, Pháp đã triển khai 500 lính ở Rumani, gần biên giới với Ukraina. Hiện có hơn 1.000 binh sĩ Pháp ở đó và một cuộc tập trận liên quân đồng minh dự kiến vào năm 2025 là để chuẩn bị triển khai một lữ đoàn (hơn 6.000 người), dưới sự lãnh đạo của Pháp.

Pháp là nước đóng góp tài chính lớn thứ 4 cho Liên minh sau Hoa Kỳ, Đức và Vương quốc Anh, với mức 203 triệu euro vào năm 2022 và có thể chi khoảng 830 triệu euro vào năm 2030, theo một báo cáo của Thẩm Kế Viện Pháp.

Pháp luôn tham gia các cuộc diễn tập và các nhiệm vụ của NATO. Nhưng  vì hơn bốn chục năm qua buông lơi, không coi trọng tổ chức, Pháp vắng mặt trong nhiều cấp quyết định của NATO và có rất ít các chuyên gia quân sự cao cấp trong Liên minh. NATO chưa từng có một tham mưu trưởng các lực lượng quân đội là người Pháp.

Tình hình sẽ thay đổi cùng mối quan tâm với NATO và sự can dự của Pháp ngày càng sâu vào các hồ sơ quốc tế và đặc biệt trong bối cảnh mối đe dọa từ Nga ngày càng lớn.     

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.