Vào nội dung chính
Ý - COVID-19 - VĂN HÓA

Covid-19 : Các bảo tàng Venise bị đóng cửa thêm ba tháng

Tại Ý, hầu hết các cơ sở văn hóa đều đã bị đóng cửa trong đợt phong tỏa thứ nhì theo quyết định của chính phủ hồi cuối tháng 10/2020. Vào lúc giới chuyên ngành hy vọng các cơ sở này sẽ hoạt động trở lại vào ngày 15/01/2021 như theo dự kiến, thị trưởng Venise Luigi Brugnaro đã cho biết dời lại việc mở cửa các viện bảo tàng của thành phố cho đến ngày 01/04/2021. 

Du khách thưa thớt tai quảng trường Saint Marc, Venise, Ý. Ảnh chụp ngày 03/10/2020.
Du khách thưa thớt tai quảng trường Saint Marc, Venise, Ý. Ảnh chụp ngày 03/10/2020. AP - Claudio Furlan
Quảng cáo

Quyết định của ông Luigi Brugnaro, thị trưởng Venise (thuộc cánh hữu bảo thủ), được xem như một gáo nước lạnh đối với tất cả những ai còn nhen nhúm trong tìm một chút niềm hy vọng, được nhìn thấy một năm mới lạc quan, tươi sáng hơn. Người dân thành phố Venise nói riêng, du khách các nước châu Âu láng giềng nói chung sẽ phải đợi thêm khoảng ba tháng nữa, mới có thể nhìn lại thành phố thơ mộng êm đềm trên nước. Ngoại trừ khi có gia đình thân nhân sống trong vùng, thì việc viếng thăm Venise trong mùa vắng khách vẫn là điều không nên làm trong lúc này. 

Các biện pháp phong tỏa có nguy cơ kéo dài 

Đợt phong tỏa thứ nhì tại Ý đã kéo dài trong hơn hai tháng tính từ đầu tháng 11/2020. Tất cả các rạp chiếu phim, nhà hát, hồ bơi, phòng tập thể dục, quán cà phê, khách sạn, tiệm ăn, tiệm hớt tóc, viện thẩm mỹ ... hay là các cửa hàng không được xem như là thiết yếu (ngoại trừ cửa hàng thực phẩm, tiệm sách hay hiệu thuốc tây) đều phải đóng cửa cho đến giữa tháng Giêng năm 2021, kèm theo với lệnh cấm đi lại giữa các vùng lãnh thổ kể từ ngày 21/12/2021 hầu hạn chế đà lây lan của dịch bệnh. Nếu so sánh, thì các biện pháp phong tỏa ở Ý còn gắt gao hơn cả các nước láng giềng là Đức, Thụy Sĩ và Pháp. 

Trên lãnh thổ nước Ý, các viện bảo tàng lớn nhất ban đầu đã cố gắng duy trì hoạt động dù là ở mức tối thiểu, nhưng rốt cuộc cũng đành phải đóng cửa, chủ yếu cũng vì việc duy trì hoạt động trong lúc hoàn toàn vắng khách, đâm ra lại tốn kém hơn nhiều. Các bảo tàng lớn cũng lệ thuộc rất nhiều vào thành phần khách du lịch, vốn đem lại nguồn  thu nhập quan trọng nhất trong năm.

Trong bối cảnh đó, rất nhiều người Ý hy vọng là các biện pháp phong tỏa trong đợt thứ nhì sẽ được nới lỏng hoặc được dỡ bỏ từng bước kể từ tháng Giêng, nhưng trước mắt chưa có gì là chắc chắn cả. Nhiều vùng miền tại Ý chưa gì đã quyết định chỉ mở lại các trường trung học vào đầu tháng 02/2021, mặc dù mùa lễ cuối năm đã kết thúc và học sinh trên nguyên tắc phải trở lại trường lớp hôm 04/01/2021. Tình hình chung tại châu Âu cũng vẫn còn đầy rủi ro bấp bênh, nước Anh đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba. Pháp tăng cường lệnh giới nghiêm tại nhiều vùng miền (chủ yếu ở phía Đông), còn Đức vừa triển hạn lệnh phong tỏa đến 31/01/2021.

Một chính sách du lịch phù hợp hơn cho Venise ? 

Quyết định ban hành hồi đầu tuần nhằm duy trì việc đóng cửa các bảo tàng chủ yếu liên quan đến các cơ sở văn hóa nổi tiếng nhất của thành phố Venise. Tiêu biểu nhất vẫn là "Dinh Tổng Trấn" Palais des Doges (Doge's Palace) và Bảo tàng mỹ thuật Teodorro Correr, tọa lạc trên quảng trường Saint Marc lừng danh thế giới. Tính tổng cộng, gần 400 nhân viên của các viện bảo tàng thành phố sẽ bị thất nghiệp cho tới tháng 04/2021. Tuy gây nhiều tranh cãi, nhưng quyết định của hội đồng thành phố Venise thật ra tuân theo xu hướng chung của nhiều thành phố lớn châu Âu, muốn bằng mọi cách tránh bị phong tỏa một lần nữa trên quy mô lớn.

Quyết định của ông Luigi Brugnaro (thị trưởng Venise từ năm 2015) đã gặp phải nhiều tiếng nói phản đối ứng từ phía các chủ cửa hàng, giới văn nghệ sĩ, các tên tuổi hoạt động trong ngành văn hóa. Một bản kiến nghị với hàng ngàn chữ ký trong đó có cả người dân thành phố và những nhân vật tên tuổi như bà Maria Gloria Giubilei, giám đốc điều hành Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Genova, nhà sử học trứ danh người Ý Salvatore Settis hay là nhà văn kiêm phê bình nghệ thuật Vittorio Sgarbi. 

Bản kiến nghị đã được gửi đến ông thị trưởng, với nội dung không chỉ liên quan đến việc đóng cửa các viện bảo tàng đến mùa xuân năm 2021, mà còn kêu gọi hội đồng thành phố Venise nên có một tầm nhìn xa hơn, qua việc cải tổ triệt để ngành du lịch, đề ra một chính sách phù hợp hơn, đầu tư vào chất lượng để tránh tình trạng du lịch quá tải. Sau dịch Covid-19, Venise khó thể nào mà tiếp tục hoạt động y như trước mà không tránh khỏi các thiệt hại do lượng du khách quá đông. Nói tóm lại, bản kiến nghị không đơn thuần là một cuộc tranh luận về việc đóng hay mở cửa các viện bảo tàng, mà là một lời kêu gọi hội đồng thành phố tham khảo ý kiến của người dân về tương lai văn hóa của Venise, do 65% cư dân thành phố sống nhờ vào du lịch. 

Venise phụ thuộc quá nhiều vào du khách 

Cho đến nay, Ý là một trong những quốc gia châu Âu bị dịch Covid-19 tác động nặng nề nhất, với gần 77.000 ca tử vong tính đến hôm 07/01/2021. Trước mùa Giáng Sinh, thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã siết chặt các biện pháp phòng dịch trong kỳ nghỉ lễ, trong khi nước Pháp thì tạm thời nới lỏng. Cho đến ngày 15/01, mỗi hộ gia đình chỉ được phép rời khỏi nhà mỗi ngày một lần, các cơ sở kinh doanh bán lẻ đều phải đóng cửa và lệnh giới nghiêm được tăng cường. 

Trong bối cảnh này, quyết định của thị trưởng Venise bị xem như là một đòn rất mạnh đánh vào nền kinh tế của thành phố, vốn phụ thuộc nhiều vào du khách so với Roma hay là Milano. Ngành du lịch tương đương với khoảng 13% GDP của toàn nước Ý, nhưng riêng trong trường hợp của Venise, ngành du lịch lại cung cấp đến hơn 60% việc làm cho cư dân trong vùng. Có thể nói, nền kinh tế tại Venise và các thành phố phụ cận đã sụp đổ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trung tâm thành phố Venise, còn gọi là khu phố cổ xung quanh quảng trường Saint Marc và chiếc cầu Rialto bắc ngang qua kênh lớn, thường chỉ có 52.000 cư dân. Dân số Venise là khoảng 260.000 người, nhưng chỉ có một phần năm là cư trú và làm việc ở trung tâm, đại đa số còn lại dọn vào đất liền để sinh sống chủ yếu cũng vì giá sinh hoạt thấp hơn và cuộc sống hàng ngày cũng bớt bị phiền nhiễu bởi luồng du khách quá đông. Trong những mùa thấp điểm, đặc biệt là vào mùa lạnh, Venise giống như đang mơ màng trong giấc ngủ đông. Thế nhưng với dịch Covid-19, toàn phố cổ Venise như thể bị bỏ trống, lặng lẽ hoang vắng như một thành phố ma.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.