Vào nội dung chính
BỈ - BẢO TÀNG - COVID-19

Covid-19 : Các bảo tàng Bỉ sa thải nhân viên

Từ các rạp chiếu phim ở Mỹ cho đến các viện bảo tàng tư nhân ở thủ đô nước Bỉ, có khá nhiều địa điểm văn hóa trên thế giới đều có cùng một hoàn cảnh. Sau một năm đóng cửa do dịch Covid-19, các cơ sở này đều gặp khó khăn tài chính, nếu không nói là đứng bên bờ vực phá sản. Trường hợp gần đây nhất Bảo tàng truyện tranh ở thủ đô Bruxelles, đành phải cắt giảm một phần ba số nhân viên.

Viện bảo tàng Hergé ở Louvain-la-Neuve, Bỉ. Ảnh chụp ngày 03/06/2009.
Viện bảo tàng Hergé ở Louvain-la-Neuve, Bỉ. Ảnh chụp ngày 03/06/2009. AP - Yves Logghe
Quảng cáo

Tọa lạc ở trung tâm thành phố, Bảo tàng Bỉ về truyện tranh (Centre Belge de la Bande Dessinée Bruxelles gọi tắt là CBBD), là một trong những địa điểm văn hóa nổi tiếng nhất thủ đô vương quốc Bỉ, thu hút rất đông đảo du khách nước ngoài không kém gì Bảo tàng Magritte hay là Bảo tàng Nghệ thuật Cổ điển "Oldmasters" gồm các bậc thầy thời hoàng kim hội họa. Ban đầu được dành để trưng bày các tác phẩm của Hergé, nhưng theo đề nghị của chính tác giả này, viện bảo tàng CBBD sau đó đã được mở rộng cho toàn ngành truyện tranh của nước Bỉ với khá nhiều họa sĩ nổi tiếng. Tòa nhà này là một công trình kiến trúc có từ đầu thế kỷ XX, có lối xây dựng mang nhiều ảnh hưởng của trường phái Nghệ thuật Mới (Art Nouveau).

Bảo tàng truyện tranh sa thải 1/3 nhân viên

Khi được khánh thành vào năm 1989, Bảo tàng truyện tranh thành phố Bruxelles đã trưng bày rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ như Franquin, Peyo, Vandersteen, Walthéry, Bob de Moor, Will Eisner, Posy Simmonds... Trong vòng 30 năm hoạt động, Bảo tàng truyện tranh CBBD chưa một lần phải đóng cửa và thu hút hàng năm khoảng 250.000 lượt khách tham quan. Trong số này, cứ trên 10 người mua vé vào cửa là có đến 7 người là khách nước ngoài.

Về phần mình, danh họa Hergé (bút danh của Georges Prosper Rémi) người đã từng khai sinh nhân vật phóng viên Tintin và tác giả của bộ truyện tranh cùng tên nổi tiếng trên toàn thế giới, có hẳn một viện bảo tàng mang tên ông. Viện bảo tàng Hergé nằm ở vùng Louvain la Neuve, cách thủ đô Bruxelles khoảng 35 cây số về phía nam.

Thế nhưng, dịch Covid-19 là cơn ác mộng đối với ban giám đốc các viện bảo tàng, đặc biệt là các cơ sở văn hóa chuyên tiếp đón khách thăm viếng đến từ nước ngoài. Riêng trong trường hợp của Bảo tàng truyện tranh thành phố Bruxelles, trong năm vừa qua, số lượng khách tham quan đã giảm mạnh đến 68%, từ 260.000 lượt người thăm viếng xuống dưới mức 84.000 người trong một năm.

Theo bà Isabelle Debekker, giám đốc Bảo tàng truyện tranh Bruxelles, tính trung bình hàng năm khoảng một nửa khách tham quan trung tâm CBBD đến từ Pháp, 25% còn lại là du khách đến từ Ý, Đức, Tây Ban Nha, Nga hay Trung Quốc. Dịch Covid-19 chẳng những đã làm cạn nguồn du khách đến từ phương xa, mà còn làm chùn bước luôn khách đến từ các nước châu Âu láng giềng. Kết quả là trong năm 2020, gần 70% khách tham quan bảo tàng đã biến mất.

Nửa đầu năm 2021 dường như cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Trái với nhiều quốc gia khác trong Liên hiệp châu Âu, Bỉ cũng như Tây Ban Nha đã cho phép mở cửa trở lại từ tháng 12/2020 một số cơ sở văn hóa. Dù vậy, các bảo tàng ở thủ đô nước Bỉ vẫn vắng khách. Một mặt, việc hạn chế số khách vào cửa ở mức 30% tạo ra rào cản tâm lý. Mặt khác, bảo tàng Bỉ sẵn sàng tiếp đón khách châu Âu, nhưng dân Pháp, Ý hay là Đức lại không được quyền "xuất ngoại" vào lúc đang có làn sóng dịch thứ ba, buộc các nước châu Âu phải ban hành lệnh phong tỏa.

Bảo tàng Bruxelles mở lại nhưng vẫn vắng khách

Trước khi lấy quyết định cắt giảm nhân viên, Bảo tàng truyện tranh CBBD đã tìm cách giảm tối đa các khâu chi phí và tăng thêm phần doanh thu trong vòng vài tháng. Ban đầu là cắt giảm một số hợp đồng dịch vụ, kế đến là các hợp đồng làm việc ngắn hạn. Việc mở cửa đón khách cũng giảm bớt từ 7 ngày xuống còn 5 ngày trong tuần (ngoại trừ các kỳ nghỉ học), trong khi giá vé vào cửa cho người lớn đã tăng một chút từ 10 euro lên thành 12 euro. Tuy không phải là một cơ quan văn hoá nhà nước (Bảo tàng truyện tranh hoạt động theo mô hình tư nhân) nhưng ban quản lý trong năm 2020 cũng đã nhận được khoản tài trợ 180.000 euro từ Hội đồng cấp vùng Wallonie-Bruxelles. Thế nhưng theo bà Isabelle Debekker, tất cả các biện pháp này cũng không đủ để bù đắp cho hiện tượng mất khách. Sa thải nhân viên vẫn là một quyết định khó khăn và cuối cùng ban giám đốc CBBD đành phải áp dụng ngay cả đối với một số nhân viên có hợp đồng làm việc dài hạn.

Bảo tàng truyện tranh Bruxelles không phải là cơ sở duy nhất phải hứng chịu cú sốc kinh tế từ dịch Covid-19. Nằm ở vùng ngoại ô phía nam Bruxelles, Bảo tàng Hergé ở thị trấn Louvain la Neuve cũng bị mất khách một cách khá nghiêm trọng. Số khách tham quan đã giảm hơn một nửa, từ 70.000 khách trong năm 2019 xuống còn đến 34.000 trong năm 2020. Để tiết kiệm chi phí, ban điều hành công ty Moulinsart chuyên khai thác bản quyền của bộ truyện Tintin giờ đây chỉ mở cửa đón khách vào những ngày cuối tuần từ thứ Sáu đến Chủ nhật.

Theo lời trưởng ban quản lý Nick Rodwell, cũng may là nhân vật Tintin tiếp tục thu hút đông đảo khách tham quan trong nước cũng như giới ghiền đọc truyện Tintin tại Bỉ. Bên cạnh đó, bảo tàng Hergé có thể tiếp tục khai thác nhân vật này qua hình thức hợp  tác thương hiệu, trong khi bảo tàng truyện tranh CBBD chỉ được quyền trưng bày chứ không thể kinh doanh dưới một hình thức khác (do không sở hữu bản quyền) để tạo thêm nguồn thu nhập ngoài việc bán vé cho khách tham quan.

Nhiều bảo tàng thủ đô trước nguy cơ cạn vốn

Nhìn chung có khá nhiều bảo tàng ở Bruxelles đang đứng trước nguy cơ cạn vốn hoạt động do tình hình dịch Covid-19 dây dưa kéo dài. Trong đó có các cơ sở quan trọng như Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử tại công viên Cinquantenaire, Bảo tàng Hoàng gia Mỹ thuật, Bảo tàng Thiết kế Bruxelles hay là Bảo tàng về chocolat " Choco-Story". Do vắng khách, các bảo tàng này đều phải cắt giảm nhân viên, hạn chế số ngày mở cửa thường là vào cuối tuần thay vì mở cửa đón khách trong tuần.

Các Viện bảo tàng Hoàng gia Bỉ cũng có cùng một số phận, nhưng so với các cơ sở tư nhân, tương lai vẫn bớt bấp bênh hơn do nhận được tài trợ của nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống các Bảo tàng Hoàng gia Bỉ không thể nào duy trì việc mở cửa toàn bộ các cơ sở mà chỉ duy trì một số hoạt động. Điều đó giải thích vì sao Bảo tàng hoàng gia Nghệ thuật Cổ điển "Oldmasters" phải đóng cửa trong vòng 6 tháng, dự trù cho tới 15/10/2021.

Bảo tàng này bao gồm nhiều tác phẩm của các bậc thầy thời hoàng kim hội họa, trong đó có các bức kiệt tác của Rubens, Bruegel, Jordaens, Rembrandt hay là bức tranh cực kỳ nổi tiếng "Cái chết của Marat" của Jacques Louis David. Sự kiện Bảo tàng "Oldmasters" phải đóng cửa do tình trạng thiếu nhân viên thường trực đã gây tranh luận tại Bỉ, nhưng ban giám đốc cho biết phải huy động số vốn còn lại để duy trì hoạt động của Bảo tàng Fin de Siècle dành cho bộ sưu tập thường trực và hai cuộc triển lãm lớn dành cho thế kỷ XIX và XX trong thời gian tới.

Theo giới chuyên ngành, dịch Covid-19 trong năm qua đã làm cho các bảo tàng thủ đô mất hơn 25 triệu euro doanh thu, còn trên toàn nước Bỉ mức thiệt hại được nhân lên gấp ba lần. Nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng vắng khách nước ngoài kéo dài, khiến các viện bảo tàng ở Bỉ mất gần 60% khách thăm viếng. Một bi kịch thầm lặng đang diễn ra, do có khá nhiều bảo tàng cỡ trung bình sẽ không vực dậy nổi sau làn sóng thứ ba.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.