Vào nội dung chính
EU-NGA - CẤM VẬN

Cấm vận dầu mỏ Nga: Liên Âu vất vả tìm đồng thuận sau phản đối của Hungary

Đúng theo dự đoán, thủ tướng Hungary vào hôm qua 06/05/2022 đã lên tiếng “phủ quyết” dự án cấm vận dầu mỏ Nga của Liên Hiệp Châu Âu. Lập trường cứng rắn của Budapest đã buộc khối Liên Âu phải vất vả đàm phán trở lại về gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga mà Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất từ hôm 03/05. 

Ảnh minh họa: Một kỹ sư của Tập Đoàn Dầu Khí Hungary (MOL) kiểm tra khu vực tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba (Hữu Nghị) trong nhà máy lọc dầu Szazhalombata, phía nam Budapest (Hungary) ngày 09/01/2007. Hungary là thành viên EU bị phụ thuộc nặng nề vào dầu hỏa nhập từ Nga qua đường ống Hữu Nghị.
Ảnh minh họa: Một kỹ sư của Tập Đoàn Dầu Khí Hungary (MOL) kiểm tra khu vực tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba (Hữu Nghị) trong nhà máy lọc dầu Szazhalombata, phía nam Budapest (Hungary) ngày 09/01/2007. Hungary là thành viên EU bị phụ thuộc nặng nề vào dầu hỏa nhập từ Nga qua đường ống Hữu Nghị. ASSOCIATED PRESS - BELA SZANDELSZKY
Quảng cáo

Phát biểu trên đài phát thanh Magyar, thủ tướng Hungary Viktor Orbán, dù không dùng từ “phủ quyết”, nhưng đã mặc nhiên bác bỏ trong thực tế đề xuất của Ủy Ban Châu Âu về việc cấm mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay khi tuyên bố rằng: “Tôi đã đồng ý với năm gói trừng phạt đầu tiên, nhưng tôi luôn luôn nói rằng có một lằn ranh đỏ không thể vượt qua: Cấm vận năng lượng. Lằn ranh đỏ này đã bị vượt qua”. 

Đối với thủ tướng Hungary, lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga sẽ “phá hoại sự thống nhất của châu Âu” và tương đương với việc thả một quả bom nguyên tử xuống nền kinh tế Hungary. 

Phản ứng quyết liệt của Hungary đã buộc 27 thành viên Liên Âu phải cố gắng đàm phán trở lại gói trừng phạt thứ sáu được dự trù. Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, đây là một công việc rất khó khăn, nhất là khi bản thân Ủy Ban Châu Âu cũng đã rất vất vả trong việc thống nhất ý kiến về các biện pháp trừng phạt mới. 

“Kể từ tối Thứ Ba, các đại sứ thường trực của 27 thành viên Liên Âu tại Bruxelles đã đàm phán không mệt mỏi và tuyên bố của ông Viktor Orbán không hề gây ngạc nhiên. Vào hôm qua, Thứ Sáu, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất một văn bản sửa đổi, theo đó Hungary và Slovakia có thể được đặc cách dời ngày áp dụng lệnh cấm mua dầu mỏ của Nga, từ cuối năm 2023 qua cuối năm 2024. Cộng Hòa Séc cũng có thể được gia hạn cho đến giữa năm 2024. 

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, lệnh cấm vận dầu mỏ này cũng là một quyết định lâu dài nhằm chấm dứt tình trạng phụ thuộc về năng lượng vào một nước Nga ngày càng thù địch. Và đây chính là mấu chốt của vấn đề vì suy cho cùng, Hungary và Slovakia chỉ chiếm 2% lượng tiêu thụ dầu trong toàn khối.  

Vì vậy, Liên Hiệp Châu Âu phải tìm được sự nhất trí để quyết định của mình có được ý nghĩa chính trị mạnh mẽ. Và trong trường hợp không đạt được thỏa thuận ở cấp đại sứ, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell đe dọa sẽ triệu tập 27 ngoại trưởng ngay từ Thứ Ba tuần tới”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.