Vào nội dung chính
ANH QUỐC - NỮ HOÀNG

Người dân Anh bắt đầu được vào viếng Nữ hoàng

Chiều tối hôm qua, linh cữu Nữ hoàng Anh đã được đưa từ Scotland trở về điện Buckingham ở Luân Đôn. Trước khi được an nghỉ vĩnh viễn bên chồng, hoàng tử Philippe trong nhà nguyện của lâu đài Windsor, bắt đầu từ hôm nay 14/09/2022, thi hài của Nữ hoàng được quàn tại hội trường lớn điện Westminster để người dân Anh vào tiễn biệt lần cuối.

Công chúng chờ đợi trên đường Whitehall ở Luân Đôn (Anh Quốc) ngày 14/09/2022 để được nhìn thấy đoàn xe tang của nữ hoàng Elizabeth II đi qua.
Công chúng chờ đợi trên đường Whitehall ở Luân Đôn (Anh Quốc) ngày 14/09/2022 để được nhìn thấy đoàn xe tang của nữ hoàng Elizabeth II đi qua. REUTERS - JOHN SIBLEY
Quảng cáo

Các nghi thức bắt bầu từ chiều hôm nay rất cầu kỳ và chính xác đến từng phút. Lễ rước linh cữu Nữ hoàng ra khỏi điện Buckingham sẽ kéo dài đúng 38 phút. Linh cữu được đặt trên một giá kéo đại bác, tháp Big Ben gióng chuông, từ khu vườn Hyden Park, hàng loạt đại bác được bắn. Các thành viên hoàng gia, dẫn đầu là nhà vua Charles III và hoàng hậu Camilla, đi bộ theo sau cỗ xe tang đến điện Westminster.

Một nghi lễ tôn giáo sẽ được tiến hành tại điện Westminster. Hai giờ sau đó, hội trường lớn của điện sẽ mở cửa đón người dân vào viếng Nữ hoàng. Người dân Anh từ chiều nay đến hết ngày 18/09 có thể xếp hàng vào vĩnh biệt Nữ hoàng, trước khi tang lễ cử hành ngày 19/09.

Các nghi thức tang lễ kéo dài, cầu kỳ và chi phí tốn kém là điều mà người dân Anh có suy nghĩ khác nhau.

Đặc phái viên Daniel Vallot tại Luân Đôn ghi nhận : 

Người dân ngoại ô Luân Đôn này sẽ không theo theo dõi đám tang Nữ hoàng, kể cả trên truyền hình. Tự cho mình là một người Cộng Hòa, ông Robert nhận thấy các nghi lễ có quy mô thái quá trong khi mà đất nước, theo ông, đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Ông Robert nói : « Thật khó nghĩ khi thấy các nghi lễ vào thời điểm mà nhiều người phải vất vả chi trả cho cuộc sống của họ. Làm một cái gì đó giản dị hơn có lẽ là đủ, như ở các nền quân chủ ở bán đảo Scandinavi hay Hà Lan ».

Tang lễ này dự báo tốn kém nhất lịch sử. Thế nhưng điều này không có gì là bê bối theo cách nhìn của người dân Luân Đôn này :

«  Đúng là tốn kém tiền, hoàng gia chi phí tốn kém nhưng khi ta nghĩ đến tất cả những gì chế độ quân chủ này mang lại thì tôi rằng cũng không phải là quá đắt ».

Lập luận thường thấy của những người ủng hộ chế độ quân chủ là : Các chi tiêu của Hoàng gia được bù lại bằng du lịch phát triển, do danh tiếng của hoàng gia mang lại.

«  Đó là hình ảnh danh giá được cả thế giới biết đến và được các doanh nghiệp Anh dùng để quảng bá bán hàng. Chế độ quân chủ, không chỉ là du lịch mà còn tốt cho kinh doanh.. »

Phê phán hay không phê phán chế độ quân chủ, người Anh đều nhất trí với nhau trên một điểm : Tân vương sẽ phải cắt giảm chi tiêu cuộc sống của hoàng gia. Nhưng đó là việc làm sau tang lễ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.