Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - THAM NHŨNG - QATAR

Nghi án Qatar hối lộ: Một phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu bị bắt giam

Phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Eva Kaili bị bắt giam, sau khi cảnh sát Bỉ tung mẻ lưới bắt nhiều nghi phạm có liên quan đến nghi án Qatar hối lộ quan chức Nghị Viện Châu Âu, đúng vào lúc giải Vô địch Bóng đá Thế giới đang diễn ra tại vương quốc vùng Vịnh. Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế lên án tình trạng bao che cho tham nhũng ‘‘kéo dài nhiều thập niên’’ tại định chế châu Âu này.  

Bà Eva Kaili, phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, bị khởi tố và bắt giam trong nghi án Qatar hối lộ. Ảnh chụp bà Eva Kaili tại Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles, ngày 07/12/2022.
Bà Eva Kaili, phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, bị khởi tố và bắt giam trong nghi án Qatar hối lộ. Ảnh chụp bà Eva Kaili tại Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles, ngày 07/12/2022. AFP - ERIC VIDAL
Quảng cáo

Theo AFP, hôm nay, 11/12/2022, tư pháp Bỉ chính thức khởi tố phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, và ra lệnh bắt giam, cùng ba nghi phạm khác. Phó chủ tịch Eva Kaili đã bị cảnh sát Bỉ câu lưu để thẩm vấn từ ngày thứ Sáu 09/12. Tối hôm qua, 10/12, người phát ngôn của chủ tịch Nghị Viện Robetta Metsola thông báo đình chỉ  ''mọi quyền hạn, nghĩa vụ và nhiệm vụ đã được giao phó trước đó cho bà Eva Kaili, gắn với chức vụ phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu’’. 

Bà Kaili bị nghi ngờ đã nhận tiền của Qatar để ‘‘gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị’’ của Nghị Viện Châu Âu. Cho đến trước khi World Cup khai mạc, phó chủ tịch Eva Kaili - vốn được phân công đại diện cho Nghị Viện Châu Âu trong quan hệ với khu vực Trung Đông - đã hoan nghênh các thành tích của Qatar về phương diện bảo vệ quyền của người lao động.   

Qatar bị cáo buộc ngược đãi công nhân nước ngoài làm việc trên các công trường xây dựng sân vận động chuẩn bị cho giải Vô địch Bóng đá Thế giới 2022. Khoảng 6.500 công nhân nước ngoài thiệt mạng kể từ năm 2010, theo The Guardian. Một số thành phố tại Pháp như Paris, Marseille, Bordeaux hay Lille đã tẩy chay giải để phản đối.  

Minh Bạch Quốc Tế lên án ''văn hóa dung túng''

Về nghi án Qatar hối lộ quan chức Nghị Viện Châu Âu, tổ chức Transparency International (Minh Bạch Quốc Tế) hôm qua khẳng định ‘‘đây không phải là một trường hợp đơn lẻ’’. Transparency International tố cáo Nghị Viện Châu Âu đã để ''phát triển một thứ văn hóa dung túng (cho tội phạm) (…) và việc kiểm tra tư cách đạo đức độc lập là điều hoàn toàn vắng mặt tại định chế này’’.  

Trả lời RFI, ông Raphael Kergueno, thành viên Transparency International, kêu gọi Liên Âu có các biện pháp mạnh, để ‘‘cải tổ sâu sắc các quy tắc về đạo đức, không chỉ trong nội bộ Nghị Viện Châu Âu mà cả tại Ủy Ban Châu Âu’’. Cụ thể là với việc lập ra ‘‘một cơ quan độc lập về đạo đức, có đủ nguồn lực để tiến hành các điều tra, và đồng thời có thẩm quyền trừng phạt các hành vi vi phạm bộ quy tắc về nghĩa vụ nghề nghiệp’’.  

Nghị sĩ Philippe Lamberts, đồng chủ tịch nhóm dân biểu Môi trường (Greens–European Free Alliance), cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm soát ‘‘các xung đột về lợi ích’’, cụ thể là xem xét việc coi quan hệ giữa nghị sĩ châu Âu với đại diện các quốc gia như là quan hệ với đại diện các lobby (tức các nhóm gây ảnh hưởng). Hiện tại, các nghị sĩ châu Âu chỉ mới buộc phải báo cáo về các gặp gỡ với giới vận động hành lang thuộc khu vực tư nhân. Nhóm Greens–European Free Alliance là nhóm dân biểu đứng thứ 5 về số lượng ghế nghị sĩ tại Nghị Viện Châu Âu.  

Thêm hai nghi phạm bị bắt tại Ý 

Ngoài 4 nghi phạm bị cảnh sát Bỉ khởi tố và bắt giam, bao gồm phó chủ tịch Nghị Viện Kaili, có thêm 2 nghi phạm bị bắt tại Ý hôm qua, theo AFP. Hai người bị bắt là vợ và con gái của cựu dân biểu châu Âu Antonio Panzeri, 67 tuổi, công dân Ý, nằm trong số 4 người bị bắt giam. Ông Panzeri, đảm nhiệm chức vụ dân biểu Nghị Viện Châu Âu từ năm 2004 đến 2019, bị tình nghi là ‘‘người tổ chức’’ mạng lưới tham nhũng trong Nghị Viện, theo ghi nhận của thông tín viên Anne Treca từ Roma.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.