Vào nội dung chính
ĐA DẠNG SINH HỌC - COP15

COP15: Cộng đồng quốc tế đã đạt thỏa thuận "lịch sử" như thế nào ?

Hôm qua, 19/12/2022, lúc ba giờ sáng giờ địa phương, tại hội nghị COP15 của Liên Hiệp Quốc ở Montreal, toàn thể cộng đồng quốc tế, với đại diện của 195 quốc gia, đã thông qua Thỏa thuận bảo vệ Đa dạng Sinh học từ đây đến 2030, với mục tiêu chặn đứng đà hủy diệt sinh giới. Ngay từ khi COP15 khai mạc cho đến những giờ cuối cùng, nguy cơ thất bại treo lơ lửng. Vậy làm thế nào thỏa thuận, được nhiều bên đánh giá là có ý nghĩa ‘‘lịch sử’’, đã được thông qua ?  

Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Môi trường của Cộng hòa Dân chủ Congo Eve Bazaiba Masudi (T) bắt tay bộ trưởng Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu, chủ tịch COP15 ở Montreal, Canada, ngày 19/12/2022.
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Môi trường của Cộng hòa Dân chủ Congo Eve Bazaiba Masudi (T) bắt tay bộ trưởng Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu, chủ tịch COP15 ở Montreal, Canada, ngày 19/12/2022. AP - Paul Chiasson
Quảng cáo

Thỏa thuận chính thức mang tên Thỏa thuận về Khuôn khổ Đa dạng Sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal, được thông qua tại COP15, hội nghị về Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc do Trung Quốc chủ trì, với địa điểm đăng cai là thành phố Côn Minh, theo lẽ đã diễn ra từ năm 2020. Do dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đề nghị hoãn, và Canada đề xuất hỗ trợ về địa điểm, và tham gia đồng chủ trì. Sau khi Thỏa thuận được đúc kết, truyền thông quốc tế nói nhiều đến vai trò quan trọng đặc biệt của nước chủ trì Trung Quốc.  

Sự chuẩn bị âm thầm của Trung Quốc 

AFP trong bài nhận định : ‘‘Làm thế nào Trung Quốc giúp đạt được một thỏa thuận lịch sử chỉ trong bốn ngày ?’’, lược lại những nỗ lực trong hậu trường đã dẫn đến kết quả được coi là bất ngờ này. Suốt trong tuần lễ đầu tiên, ám ảnh thất bại bao trùm. Nhiều chỉ trích nhắm vào Trung Quốc, lên án thái độ thiếu trách nhiệm của quốc gia chủ trì. Trên thực tế, theo hãng tin Pháp, Trung Quốc đã nhường hẳn cho Canada phụ trách điều phối các đàm phán trong tuần lễ đầu tiên, trước ngày 15/12. Chỉ sau khi bộ trưởng môi trường các nước có mặt, Trung Quốc mới công bố lộ trình đàm phán, chia thành ba nhóm, mỗi nhóm đều bao gồm một bên là các bộ trưởng các nước phía bắc và bên kia là bộ trưởng các nước phía nam, để trực tiếp thảo luận về những bất đồng gay gắt nhất.   

Bất đồng chủ yếu vẫn là tiền  

Theo nhận định của một bộ trưởng châu Âu, được AFP dẫn lại, Trung Quốc đã tham khảo kỹ lập trường của các bên từ nhiều tháng nay, và liên tục có các đàm phán song phương kín đáo. Diễn biến đàm phán ngày cuối cùng đầy kịch tính. Mấu chốt của các bất đồng và thỏa hiệp một phần lớn xoay xung quanh số tiền mà các nước giàu có thể bỏ ra cho Đa dạng Sinh học, phương tiện vật chất cho phép biến mục tiêu thành hiện thực.  

Một nhà đàm phán châu Âu cho biết cụ thể, vào sáng ngày 18, tức ngày áp chót, bộ trưởng Môi Trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu (Huang Runqiu) công bố một bản dự thảo thỏa thuận bao gồm mục tiêu bảo vệ 30% diện tích Trái đất, và đầu tư 30 tỷ đô la/năm cho các nước nghèo (gấp ba lần hiện nay), tức thấp hơn rất nhiều so với đòi hỏi của các nước phía nam. Cho đến tối ngày 18/12, vẫn còn nhiều nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia và Congo phản đối. Nhiều nước nghèo và các nước đang phát triển khăng khăng đến phút cuối, đòi khối nước giàu phải dồn đủ 100 tỉ đô la/năm, tương tự như với Thỏa thuận quốc tế về khí hậu, mới chấp nhận ký vào thỏa thuận.  

Bất bình, phẫn nộ đến phút cuối 

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không nhân nhượng. Phiên họp cuối cùng cũng không được hoãn lại. Các đại biểu được yêu cầu chờ đợi tại chỗ từ 21h30. Đến 3 giờ sáng, phiên họp cuối cùng mở ra. Đại diện Congo một lần nữa cố gắng phản đối thỏa thuận, với nguồn tài chính bị lên án là ‘‘không thể chấp nhận được’’. Đại diện Ouganda lên án ‘‘một cú đảo chính’’ chống lại COP15. Camerun tố cáo ‘‘sự lừa đảo’’. Tuy nhiên, ngay cả các nước bất đồng cũng không chính thức phản đối bằng văn bản. Rút cục Thỏa thuận đã được tất cả các nước thông qua nhanh chóng. Phóng viên RFI Lucile Gimberg, có mặt tại chỗ, cho biết Cộng Hòa Dân chủ Congo là quốc gia thất vọng nhất. Quốc gia châu Phi quản lý một trong những diện tích rừng nguyên thủy lớn, lá phổi của thế giới, bất bình vì thái độ hà tiện của các nước giàu, từ chối chi nhiều tiền hơn để bảo vệ rừng, nguồn lợi chung của nhân loại. 

Khép lại COP15, bộ trưởng Môi trường Canada ca ngợi việc văn bản dự thảo thỏa thuận đã được thông qua với một thời gian kỷ lục trong khoảng chưa đầy 24 giờ. Vai trò của Trung Quốc rõ ràng là không nhỏ. Dù sao, một dự án bảo vệ Đa dạng Sinh học cho ít nhất 30% diện tích Trái đất đã được một liên minh hơn 100 quốc gia ủng hộ, đứng đầu là Pháp và Costa Rica. Trong bối cảnh, cộng đồng nhân loại đang đứng trước nguy cơ đại hủy diệt môi sinh, nỗ lực nhanh chóng hướng đến một thỏa thuận đủ tầm vóc đã được đông đảo các bên hướng đến. Đó có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến thỏa thuận "lịch sử" cho dù còn rất nhiều khiếm khuyết lớn này.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.