Vào nội dung chính
ĐỨC - QUÂN SỰ

Quốc Hội Đức : Thiếu thốn đủ thứ, quân đội Đức không thể bảo vệ đất nước nếu bị tấn công

Thiếu thốn đủ thứ, quân đội Đức, Bundeswehr, với tên gọi chính thức là « Lực lượng phòng vệ liên bang », không có khả năng bảo vệ đất nước chống lại một cuộc tấn công xâm lược, theo một báo cáo thường niên của Quốc Hội Đức về thực trạng các lực lượng vũ trang của Đức. Báo cáo được công bố hôm 14/03/2023, trong bối cảnh Berlin đang rất tích cực viện trợ quân sự cho Ukraina chống quân Nga xâm lược. 

Ảnh minh họa chụp tháng 02/2022: Xe tăng của quân đội Đức tại căn cứ Hindenburg, thành phố Munster, Đức.
Ảnh minh họa chụp tháng 02/2022: Xe tăng của quân đội Đức tại căn cứ Hindenburg, thành phố Munster, Đức. AFP - GREGOR FISCHER
Quảng cáo

Chỉ 3 ngày sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân xâm lược Ukraina hôm 24/02/2022, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố mở ra một kỷ nguyên mới và lập quỹ đặc biệt 100 tỉ euro trong vòng 5 năm để hiện đại hóa quân đội, biến « Lực lượng phòng vệ liên bang » Đức thành đội quân lớn mạnh nhất. 

Tuy nhiên, hơn một năm sau phát biểu của thủ tướng Đức, theo báo cáo thường niên của Ủy viên quốc phòng của Quốc Hội Đức, Eva Högl, chưa một xu nào từ ngân sách 100 tỉ euro nói trên được chuyển cho quân đội. Quân đội Đức vẫn thiếu đủ thứ, không có đủ xe tăng để huấn luyện, thao dợt, và thiếu cả tàu thuyền, máy bay. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn so với trước khi quân Nga tấn công Ukraina ngày 24/02/2022. Là một thành viên nòng cốt của Liên Hiệp Châu Âu và NATO, Đức cũng tham gia hợp tác quân sự với nhiều nước khác. Quân đội Đức cũng có căn cứ ở nước ngoài, nhất là tại Afghanistan, Kosovo và Bosnia-Herzegovina. 

Kinh tế phát triển, nhưng quân đội nghèo nàn 

Nhìn lại lịch sử, quân đội Liên bang Đức, Bundeswehr, có tên gọi chính thức là « Lực lượng phòng vệ liên bang », được thành lập năm 1955, sau Đệ Nhị Thế Chiến, thay thế Wehrmacht, quân đội thời Đức Quốc Xã và được thiết kế để chống lại quân đội Liên Xô khi đó đang sẵn sàng tràn từ Đông Đức sang Tây Đức. Theo L’Express ngày 06/09/2022, trước khi Bức tường Berlin sụp đổ hồi năm 1989, Bundeswehr là một trong những lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất ở châu Âu, với 7.000 xe tăng, 1.000 chiến đấu cơ và 500.000 binh sĩ, chưa kể sự bổ sung của đội quân Mỹ khi đó đang đóng tại Tây Đức (300.000 vào những năm 1980). 

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Berlin thấy nước Đức không còn mối đe dọa nào ở biên giới. Thay đổi theo thời cuộc, quân đội Đức giảm quân số, có phương thức can thiệp mới, chẳng hạn điều lính nghĩa vụ quân sự ra nước ngoài (Nam Tư cũ, châu Phi), tùy theo nhiệm vụ mà Quốc Hội Đức thông qua. Do yếu tố lịch sử Đức quốc xã, việc sử dụng quân đội Đức bị hạn chế. Hiến pháp Đức cấm quân đội tiến hành các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ Đức, trừ khi có sự cho phép rõ ràng của Quốc Hội Đức. Như vậy, chính Quốc Hội là định chế có quyền kiểm soát thực sự quân đội Đức và áp đặt các điều kiện ràng buộc. L’Express trích dẫn sử gia quân sự Wilfried von Bredow cho biết chẳng hạn ở Afghanistan, trong khi các binh sĩ Mỹ, Anh hay Pháp có thể truy quét kẻ tấn công, thì quân đội Đức chỉ có quyền tự vệ … Chính vì thế, trong suốt nhiều năm, đầu tư cho quân đội Đức đã không được chú trọng. 

Theo tuần báo L’Express số ra ngày 23/03, quân đội Đức bị xem là chỉ có đủ đạn dược cho 2 ngày chiến đấu nếu Đức bị tấn công. Bà Högl lưu ý quân đội không có đủ xe tăng, các phương tiện cần thiết trong một cuộc giao tranh, thiếu cả tàu thuyền và máy bay. Nhiều thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, chẳng hạn những binh sĩ lái xe tăng vẫn phải sử dụng bộ đàm sản xuất từ những năm 1980, mỗi lần muốn liên lạc với nhau thì phải ra khỏi khoang lái. Một số tướng lĩnh thậm chí còn gọi đó là một quân đội « nghèo nàn ». Thực trạng thiếu thốn của quân đội Đức liên quan đến cả các lĩnh vực huấn luyện quân, thao dợt và các trang thiết bị đang được sử dụng, khiến quân đội Đức không thể triển khai đầy đủ các hoạt động. L’Express trích dẫn chuyên gia Christian Molling, xem thông báo thay đổi kỷ nguyên của thủ tướng Đức chỉ là « một cỗ xe đua thể thức 1 không có động cơ ». 

Vì thế, Ủy viên quốc phòng Eva Högl yêu cầu chính phủ khẩn trương giải ngân quỹ nói trên ngay trong năm nay và quân đội phải nhận được các trang thiết bị cụ thể. Đặc biệt, Berlin phải nhanh chóng đặt hàng để bù lại các thiết bị, nhất là liên quan đến việc quân đội Đức thời gian qua đã viện trợ xe tăng, xe bọc thép và đạn dược cho Ukraina chống quân Nga xâm lược. Nói cho chính xác thì khoảng 30 tỉ đô la đã được đầu tư, nhất là để mua 35 chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, nhưng phải đợi đến năm 2026 thì quân đội Đức mới nhận được hàng. Cũng giống như phe đối lập bảo thủ (CDU-CSU), ủy viên quốc phòng của Quốc Hội Đức cho rằng lẽ ra quỹ 100 tỉ euro mà thủ tướng Olaf Scholz lập ra hồi hè 2022 phải được huy động nhanh hơn thế rất nhiều. 

Nhưng dẫu sao thì số tiền 100 tỉ đô la cho 5 năm vẫn là không đủ. Theo ủy viên Eva Högl, các chuyên gia quân sự ước tính Berlin phải đầu tư thêm 300 tỉ đô la thì quân đội Đức mới có thể được hiện đại hóa và có khả năng hoạt động 100%. Còn bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Boris Pistorius, tuyên bố ngoài quỹ nói trên, mỗi năm quân đội cần có thêm 10 tỉ euro ngân sách. 

Nhưng vấn đề không chỉ ở nguồn tài chính 

Tuy nhiên, tiền không phải là vấn đề duy nhất. Ủy viên quân sự, người hỗ trợ Quốc Hội trong việc thi hành quyền kiểm tra giám sát hoạt động của quân đội Đức, cũng lấy làm tiếc là có những sự chậm chễ, thiếu thốn một cách khó hiểu, và không thể lý giải là do thiếu thốn tài chính. Le Monde ngày 15/03 nêu lên trường hợp bể bơi để huấn luyện lính đặc công dưới nước ở căn cứ Eckernforde, gần biên giới với Đan Mạch, đã bắt đầu được tu sửa từ năm 2010 và theo kế hoạch của bộ Quốc Phòng Đức, đến năm 2024 việc sửa chữa bể bơi này mới hoàn tất. 14 năm để cải tạo một trang thiết bị dành cho lực lượng tinh nhuệ của quân đội quả là không thể tin nổi. 

Tại Đức, cơ quan chuyên trách cung ứng, có trụ sở tại Coblence, đảm nhận mọi giao dịch mua sắm, từ tất (vớ) cho binh lính cho đến tàu khu trục. Chuyên gia André Uzulis, tổng biên tập Loyal, tạp chí quốc phòng Đức, lấy làm tiếc, gọi đó là « quái vật » về thói quan liêu, xa rời thực địa, có đến 10.000 công chức nhưng xử lý công việc lại rất chậm. Chẳng hạn, theo Les Echos ngày 14/03, thủ tục, quy trình mua sắm một loại trang thiết bị cho lính dù Đức phải mất đến 9 năm. Như vậy, bên cạnh nguồn tài chính, việc cải tổ sâu sắc hệ thống cung ứng cho quân đội là điều cần thiết. Còn nếu cứ theo đà hiện nay, phải sau 50 năm nữa thì cơ sở hạ tầng của quân đội Đức mới được nâng cấp hoàn toàn.    

Báo cáo dài 170 trang được lập sau 70 chuyến đi thị sát của Ủy viên quốc phòng Eva Högl đến các đơn vị, cũng tiết lộ là quân đội Đức không chỉ thiếu đạn dược, thiết bị vũ trang mà tình trạng cơ sở vật chất ở các trại lính cũng đang trong tình trạng tồi tàn. Các khu nhà ở, nhà vệ sinh sạch sẽ, vòi tắm sen, tủ có khóa, phòng tập thể thao trong nhà, nhà bếp quân đội, cơ sở huấn luyện, kho đạn dược và kho vũ khí, kể cả mạng wifi đều thiếu, thậm chí nhiều binh sĩ còn không kết nối được mạng wifi khi ở trong khu trại. Ủy viên quốc phòng Eva Högl ước tính riêng số tiền đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất ở các trại lính cũng phải lên đến 50 tỉ đô la. 

Bên cạnh những vấn đề khẩn cấp về trang thiết bị, phát biểu trước báo giới, ủy viên quốc phòng cũng bày tỏ lo ngại về quân số. Đến cuối năm 2022, quân đội Đức có 180.000 quân. Mục tiêu của Berlin là đến năm 2031 nâng quân số lên thành 203.000 người. Con đường có lẽ còn rất dài để tuyển dụng bổ sung thêm quân vào 20.000 vị trí còn đang bỏ trống (16%). Trong một số lĩnh vực, như tin học hay an ninh mạng, 1/5 vị trí đang bị bỏ trống. Theo Le Monde, số ứng viên đăng ký theo binh nghiệp trong năm 2022 đã giảm 11% so với năm trước đó. Thêm vào đó, số tân binh từ giã quân ngũ trong vòng 6 tháng đầu nhập ngũ là rất cao, trung bình là 27% trong toàn quân từ tháng 01 đến tháng 05/2022. Tỉ lệ này ở lục quân lên tới 30%. 

Hồi cuối tháng 09/2022, thủ tướng Đức Olaf Scholz từng bày tỏ mong muốn đưa quân đội Đức thành lực lượng được trang bị tốt nhất châu Âu, nhưng nhiều thập niên thiếu đầu tư vào quốc phòng đã khiến mục tiêu nói trên của Berlin không dễ hoàn thành. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.