Vào nội dung chính
BRICS

Tham vọng mở rộng BRICS bộc lộ những mâu thuẫn trong nội bộ khối

Dưới sự thúc đẩy của Trung Quốc, nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mong muốn mở rộng, thu nạp thêm các nước từ nam bán cầu để có thêm sức mạnh, chống lại phương Tây. Câu trả lời sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22 đến 24/08.

Ảnh minh họa khối BRICS.
Ảnh minh họa khối BRICS. © Radio Algérienne
Quảng cáo

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng này lại bộc lộ những mâu thuẫn trong nội bộ BRICS. RFI xin giới thiệu bài phân tích trên The Economist đăng ngày 18/08/2023. 

1/ BRICS được thành lập như thế nào ?    

Vào năm 2001, ngân hàng Goldman Sachs đã đề cập đến từ viết tắt BRIC trong một bài đăng, ám chỉ đến tiềm năng kinh tế của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Bốn quốc gia đã thực hiện ý tưởng này với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức vào năm 2009. Một năm sau đó, Nam Phi đã được mời tham gia. Lúc đó, một số nhà phân tích lo ngại rằng BRICS có thể sớm cạnh tranh với khối G7. Tuy nhiên, trên thực tế, khối này đã nhanh chóng mất đà, BRICS đưa ra những thông cáo chống lại phương Tây, nhưng bị phương Tây phớt lờ.     

Hội nghị lần thứ 15 của BRICS khai mạc ngày 22/08/2023 tại Johannesburg, Nam Phi. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiếp đón thủ tướng Ấn Độ, tổng thống Brazil và chủ tịch Trung Quốc, riêng tổng thống Nga Vladimir Putin không đến tham dự, (vì Nam Phi là thành viên của Toà án Hình sự Quốc tế, có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt giữ của toà án đối với ông Putin).    

2/ Vai trò của BRICS là gì ?    

Khối BRICS tồn tại nhằm phục vụ một số chức năng, đầu tiên là nơi để các thành viên chỉ trích các tổ chức như Ngân Hàng Thế Giới IMF, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và thường là có lý do. Tại hội nghị các ngoại trưởng hồi tháng Sáu ở Cape Town, ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã đề cập đến “sự tập trung quyền lực kinh tế khiến nhiều nước phải chịu sự chi phối của một vài quốc gia.”     

BRICS cũng có thể là “nguồn uy tín”, đặc biệt là đối với các thành viên gặp khó khăn, bị cô lập. Cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã quay sang BRICS khi đồng minh của ông là Donald Trump phải rời Nhà Trắng. Hiện Nga đang cần BRICS hơn bao giờ hết. Tại các cuộc họp ngoại trưởng, phóng viên đã cố hỏi đại sứ Nga tại Nam Phi về mục đích của khối đối với Nga, ông càu nhàu trả lời “để kết bạn nhiều hơn”.    

3/ Tại sao Trung Quốc lại muốn kết nạp thêm thành viên mới ?   

Tại hội nghị Johannesburg, một trong những chủ đề thảo luận chính mà Bắc Kinh khởi xướng, là xem xét có nên mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa các nước trong khối hay không. Bắc Kinh muốn kết nạp thêm nhiều quốc gia từ nam bán cầu, vì việc Mỹ tập hợp các đồng minh đã thúc đẩy Trung Quốc phản ứng tương tự, thông qua BRICS. Nếu nhìn từ phía Trung Quốc thì không có khối nào có thể đối trọng với G7. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải “quá là Á-Âu”. G20 thì bị các nước thành viên phương Tây chi phối. Một quan chức Trung Quốc đã so sánh mong muốn của Bắc Kinh về một “đại gia đình BRICS” với “một nhóm nhỏ ” các nước phương Tây.   

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có ý định này, trước đó Trung Quốc đã thành công kết nạp Nam Phi. Kể từ đó, Trung Quốc đã nhiều lần nêu ý tưởng bổ sung thành viên, đặc biệt là sau khi Nga xâm lược Ukraina. Mặc dù các nước trong khối cho rằng các quyết định dựa trên sự đồng thuận, nhưng vai trò của Trung Quốc khó có thể bỏ qua. Vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 69% tổng xuất nhập khẩu của các nước thành viên.     

4/ Những nước nào có thể gia nhập BRICS ?   

BRICS cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm hoặc đăng ký muốn tham gia vào khối nhưng vẫn chưa công bố danh sách ứng viên chính thức. Tuy nhiên, The Economist đã dự đoán 18 quốc gia có thể là ứng viên. Đó là những nước ngày càng có lập trường chính trị quyết đoán hơn, như Ả Rập Xê Út và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Tham gia vào BRICS giúp các nước này điều chỉnh lại quan hệ với Mỹ vốn là đồng minh lâu năm, và xích lại gần Trung Quốc hơn. Bangladesh và Indonesia, giống như Ấn Độ, những nền dân chủ đông dân, đã tuyên bố là “không liên kết” với nước nào, như vậy hai nước này có thể muốn được bảo vệ trước các chỉ trích từ phương Tây trong hồ sơ nhân quyền. Achentina, Ethiopia, Mehicô và Nigeria đều nằm trong số những quốc gia lớn nhất trên lục địa của họ.  

Nếu cả 18 quốc gia đều được kếp nạp vào BRICS thì sẽ rất khó tìm ra một từ viết tắt mới đại diện cho khối. Điều này sẽ làm tăng dân số của BRICS từ 3,2 tỷ (41 % dân số thế giới), lên thành 4,6 tỷ (58%), so với 10 % dân số thế giới của G7. Tỷ lệ GDP của các nước trong khối “đại BRICS” sẽ chiếm tới 34% tổng GDP toàn cầu, vẫn đứng sau G7, nhưng gấp đôi Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ là “sinh mệnh, linh hồn và ví tiền” của khối, chiếm 55% tổng GDP của 23 quốc gia (trong khi Mỹ chiếm 58% của G7).    

5/ Muốn kết nạp thêm thành viên mới, nhưng BRICS lại bốc lộ những điểm yếu, bất đồng trong nội bộ khối ?     

Trong nội bộ khối đang có nhiều điểm khác biệt, thậm chí là căng thẳng, chia rẽ. Các nước thành viên không đồng nhất như G7, mà có nhiều khác biệt về chính trị, kinh tế và quân sự. BRICS không có điều lệ hay tiêu chí chính thức nào để kết nạp thành viên.    

Trước tiên là sự khác biệt về kinh tế. GDP bình quân đầu người của nước thành viên nghèo nhất, Ấn Độ, chỉ bằng một phần năm của Trung Quốc và Nga. Brazil là một trong những nhà xuất khẩu dầu lửa ròng (net), Nga là thành viên quan trọng của OPEC+, ba nước còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Trung Quốc tích cực quản lý tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ, bốn nước còn lại ít can thiệp hơn. Tổng thống Nga từng tuyên bố nghiên cứu về đồng tiền dự trữ chung của khối cách nay một năm nhưng đồng tiền này sẽ sụp đổ ngay nếu được lưu hành vì không thành viên nào chịu từ bỏ quyền lực mà Ngân Hàng Trung Ương của nước họ nắm giữ.    

Ngân hàng Phát triển mới (NDB), được ví như Ngân Hàng Thế Giới thu nhỏ, thì lại có khởi đầu khá chậm chạp, tổng số tiền cho vay từ năm 2015, chỉ bằng 1/3 số tiền mà Ngân Hàng Thế Giới cam kết cho vay chỉ riêng trong năm 2021. NDB chủ yếu cho vay bằng đô la Mỹ hoặc euro, trên thực tế đã làm suy yếu các tuyên bố của các thành viên : muốn làm giảm sức mạnh của đồng đô la.     

6/ Sự khác biệt về chính trị của các nước thành viên phải chăng cũng là những bất cập khiến BRICS khó có thể vững mạnh ?    

Theo The Economist, các nước thành viên cũng có khác biệt về mặt chính trị. Nga và Trung Quốc là những chế độ chuyên quyền coi thường các quyền tự do. Ngược lại, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi là những nền dân chủ “ồn ào”, và có thể còn thiếu sót. Các nước dân chủ muốn tiếp tục là các nước “dao động”, quan tâm đến chính sách đối ngoại “không liên kết”, hơn là các nước chuyên quyền như Nga và Trung Quốc.     

Ví dụ như Nam Phi, nước này đã tập trận chung cùng Nga và Trung Quốc nhân kỷ niệm 1 năm chiến tranh Ukraina khiến phương Tây phẫn nộ, nhưng Nam Phi vẫn thận trọng với phương Tây, thường tổ chức thao dượt với các nước NATO. Brazil duy trì nhiệt tình với BRICS nhưng vẫn muốn quan hệ tốt đẹp với phương Tây qua nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào. Ấn Độ vẫn mua vũ khí từ Nga nhưng đa dạng hoá quan hệ quân sự, mua vũ khí cả từ Mỹ và Pháp.     

Chiến tranh Ukraina cũng đã tạo ra những rạn nứt về ngoại giao, khi Nga xâm lược Ukraina. Trong khi đó, BRICS lại thường nhấn mạnh đến việc tôn trọng chủ quyền, để đối lập với một phương Tây thường can thiệp vào chủ quyền của nước khác. Ba nước dân chủ cũng phải quan tâm đến dư luận, vì theo theo thăm dò, đa phần người dân không có thiện cảm với Trung Quốc.  

Ngoài ra còn có những bất đồng quan điểm về việc mở rộng BRICS. Trung Quốc cảm thấy mạnh lên nếu BRICS được mở rộng, nhưng các nước khác thì lại thấy bị suy yếu đi. Nếu ngoại trưởng Brazil nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ “thương hiệu” BRICS, thì Nam Phi muốn là quốc gia thành viên duy nhất từ châu Phi.   

Ấn Độ thì coi các nước ứng viên gia nhập vào khối như Cuba và Belarus là nước Nga thu nhỏ, lặp lại quan điểm của Trung Quốc. Bởi vì New Delhi coi mình là đối thủ của Bắc Kinh cho vị trí lãnh đạo nam bán cầu. Ấn Độ không muốn đứng sau Trung Quốc để lôi kéo các nước đang phát triển, nhưng đồng thời cũng không muốn là kẻ phá hoại. Ấn Độ cũng muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc về các liên kết kinh tế cũng như đường biên giới chung dài giữa hai nước. Do vậy, New Delhi sẽ thận trọng, thảo luận về tiêu chí kết nạp thành viên mới thay vì đơn giản là phát đồ uống chào mừng gia nhập.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.