Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 : Một kỳ họp khiến phương Tây lo lắng

Hiếm có khi nào một kỳ họp thượng đỉnh của BRICS được chăm chú theo dõi đến như thế. Nếu như Nga và Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong kỳ họp, thì Mỹ và châu Âu lo lắng nhìn thấy một liên minh được hình thành, thách thức trật tự thế giới.  

(Ảnh minh họa) - Tổng thống Nga Vladimir Putin (T), thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉh BRICS ở Goa, Ấn Độ, ngày 16/10/2022.
(Ảnh minh họa) - Tổng thống Nga Vladimir Putin (T), thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉh BRICS ở Goa, Ấn Độ, ngày 16/10/2022. AP - Anupam Nath
Quảng cáo

Trong ba ngày 22-24/08/2023, các lãnh đạo khối kinh tế BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – họp thượng đỉnh tại Johannesburg, thành phố giầu có nhất của Nam Phi. Thượng đỉnh năm nay có một tầm vóc đặc biệt quan trọng : Hơn 40 quốc gia được mời dự họp, phần đông là các nước châu Phi và hơn 20 nước đã đệ đơn xin gia nhập nhóm. 

Trong bối cảnh này, phải chăng một thế tương quan sức mạnh kinh tế - chính trị mới đang được hình thành nhằm phản đối một trật tự thế giới được xây dựng bởi phương Tây và cho phương Tây ? Đây chí ít là những gì giới lãnh đạo phương Tây cảm nhận vì một trong số những chủ đề nghị sự chính trong cuộc họp lần này theo như khẳng định từ tổng thống Nam Phi : Mở rộng cửa BRICS cho nhiều thành viên khác.  

BRICS với 5 nước thành viên hiện chiếm ¼ GDP toàn cầu. Với sự hội nhập của nhiều nước thành viên mới, tổng sản phẩm nội địa của các nước gộp lại có thể chiếm đến 40% GDP thế giới. Như vậy, một khối kinh tế mới lớn hơn và quyền lực hơn sẽ ra đời, đe dọa thế thống trị của phương Tây, theo như nhận xét từ giáo sư Alexis Habiyaremye, trường College of Business and Economics, đại học Johannesburg, với hãng tin Mỹ AP. Đây cũng sẽ là một thắng lợi chính trị cho Nga và Trung Quốc nếu như kỳ họp kết thúc với việc đạt được một thỏa thuận mở rộng khối dù chỉ trên phương diện nguyên tắc.   

Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ lo lắng theo dõi các động thái Ả Rập Xê Út, đồng minh của Mỹ tại Trung Đông nhưng lại nằm trong số các nước xin gia nhập BRICS. Cựu đại sứ Ấn Độ tại Ả Rập Xê Út lưu ý là việc quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng thứ hai trên thế giới tham gia vào một khối kinh tế cùng với Nga và Trung Quốc sẽ mang lại cho khối này tầm quan trọng đặc biệt.

Cuối cùng, một điểm khác buộc Washington phải theo dõi sát : Liệu rằng sau thượng đỉnh một hệ thống tài chính khác có được hình thành ? Những biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhắm vào Nga khiến nhiều nước mới trỗi dậy nghĩ rằng đã đến lúc phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la.   

Nếu như Nam Phi phản đối việc hình thành một đồng tiền chung của khối để cạnh tranh với đô la và khẳng định chủ đề này không nằm trong chương trình nghị sự, thì bên trong hậu trường Nga và Trung Quốc vận động để có một dạng đồng tiền giao dịch mới dựa trên giá trị vàng hay giá các loại nguyên liệu thô để có thể dùng trong trao đổi mậu dịch giữa nhiều nước khác nhau.  

Những cuộc thảo luận tại thượng đỉnh BRICS về chủ đề này sẽ được Washington theo dõi sát sao vì Hoa Kỳ hiểu rõ rằng đây sẽ là những mầm mống đe dọa chấm dứt thế độc quyền của đồng đô la như là đồng tiền duy nhất cho dự trữ ngoại tệ. Tấn công vào vị thế này cũng chính là thách thức trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây đặt ra. Điều này cũng có nghĩa là đưa Hoa Kỳ trở lại cấp độ ngang bằng với tất cả các nước khác.  

Phải chăng câu nói mà Mỹ thường phát biểu mỗi khi bị phàn nàn : « Đó là đồng tiền của chúng tôi, đây là vấn đề của bạn » đã lỗi thời ? Trang mạng Mediaprt kết luận, nếu tờ bạc xanh mất vị thế bá chủ, thì đồng đô la sẽ trở thành vấn đề của người Mỹ. Và đây có thể là điều diễn ra ở thượng đỉnh BRICS.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.