Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Lobby khí hậu : Những kẻ núp bóng các “ông lớn” dầu khí để gieo rắc hoài nghi

Đăng ngày:

Hội nghị khí hâụ COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland, đã khép lại ngày 13/11/2021, chậm hơn một ngày, do các quốc gia không tìm được đồng thuận về vấn đề khí thải carbon, nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu. Thay vì “cắt bỏ”, lãnh đạo 196 quốc gia chỉ “giảm” lượng khí thải CO2. Mục tiêu xa vời so với đề xuất ban đầu là “loại bỏ dần than đá và các đầu tư dành cho nhiên liệu hoá thạch”.

Ảnh minh họa vận động hành lang
Ảnh minh họa vận động hành lang © Canva
Quảng cáo

Nhưng các thất bại của sự kiện này lại chính là thành công đối với những ông lớn “vàng đen”, mà đại diện vận động hành lang của họ chưa từng vắng mặt tại bất cứ hội nghị khí hậu nào. Các nhà vận động hành lang, sử dụng chiến lược “làm sai lệch thông tin”“gieo rắc hoài nghi về các vấn đề khí hậu”, họ được tài trợ bởi ngành công nghiệp dầu mỏ, đã nhấn chìm cuộc huy động nhằm chống lại cuộc chiến với khủng hoảng khí hậu từ nhiều thập kỷ qua.

Tổ chức phi chính phủ Global Witness đã công bố ngày 08/11/2021, danh sách 503 nhà vận động hành lang, đại diện cho 100 công ty dầu mỏ và hơn 30 hiệp hội trong ngành này đã có mặt tại hội nghị COP26. Con số này đè bẹp các phái đoàn của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hậu quả của nóng lên toàn cầu, chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Congo (373), Bangladesh (296). Phái đoàn “vận động hành lang” hay còn gọi là lobby cũng dẫn trước về số lượng, phái đoàn lớn nhất tại hội nghị như Brazil (497) hay Thổ Nhĩ Kỳ (376).

Trước đó, vào tháng 10, tổ điều tra báo chí của tổ chức phi chính phủ Greenpeace tại Vương Quốc Anh đã công bố một vụ rò rỉ thông tin về vận động hành lang tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Các tài liệu cho thấy các quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất như Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và Ấn độ, đã cố gắng thay đổi báo cáo khoa học của hội đồng khoa học LHQ về cách ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo khoa học này là tài liệu cơ sở cho các lãnh đạo của các quốc gia thảo luận tại COP26, để đưa ra các cam kết quan trọng nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Khoảng 32.000 hồ sơ đã được trình lên LHQ, kêu gọi loại bỏ những từ khoá trong báo cáo về “nhiên liệu hoá thạch" hoặc hạ thấp nhu cầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt, từ Glasgow, bà Carine Thibault, người đại diện tại văn phòng của tổ chức phi chính phủ Greenpeace tại Bruxelles, cho biết, các chiến dịch vận động hành lang của ngành công nghiệp nhiên liệu hoá thạch tại COP26 tưởng chừng lớn, nhưng quy mô lại nhỏ hơn so với những năm gần đây. Trước kia, các tập đoàn này còn là nhà tài trợ chính cho tổ chức hội nghị, ví dụ như trường hợp ở COP24 diễn ra tại Ba Lan vào năm 2018. Bà giải thích thêm:

Từ những năm 70, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch, và nhất là dầu khí, đã thải ra khí CO2, làm bầu khí quyển nóng lên, và là mối đe doạ cho tất cả mọi người trên Trái đất. Cũng kể từ thời điểm đó, nhiều chiến dịch truyền thông nhằm ngăn cản các hành động về khí hậu đã xuất hiện. Các doanh nghiệp lớn về nhiên liệu hoá thạch có mặt tại các hội nghị khí hậu nhằm tác động lên các chính sách ảnh đến lợi ích thương mại của họ. Dù năm nay, họ không có mặt đông đảo như mọi năm, họ không còn có các pavillon, hay xe ô-tô tuyên truyền quảng cáo ở mọi nơi, nhưng các nhà vận động hành lang vẫn được tổ chức rất bài bản, và đổi mới chiến lược. Không có nghi ngờ gì về việc họ đã tác động đáng kể lên các đàm phán tại COP."

Vận động hành lang, hay còn gọi là lobby là một hành động nhằm thuyết phục, gây tác động một cách hợp pháp đến các chính sách hay quyết định của các cơ quan quyền lực, quan chức chính phủ, hoặc nhà lập pháp. Lobby có thể là tiếp xúc trực tiếp, hoặc các hình thức gián tiếp được thực hiện không chỉ bởi các tổ chức tư nhân mà còn từ cả các hiệp hội tổ chức phi chính phủ, nhóm lợi ích, hay tất cả các chủ thể mà hoạt động của họ có thể bị ảnh hưởng bởi công luận đều phải vận động hành lang.

Trong lĩnh vực năng lượng, chiến lược mà các nhà lobby sử dụng đó là “gieo giắc sự nghi ngờ” trong công luận bằng cách chất vấn tính xác thực của dữ liệu khoa học về khí hậu, đe dọa trực tiếp đến lợi nhuận của ngành công nghiệp này, đặc biệt là đến các tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới như ExxonMobil, Shell, BP, Total. Nói về lobby, không thể không nhắc đến vùng đất màu mỡ Bruxelles, ước tính có tới gần 30.000 nhà vận động hành lang hoạt động đặt trụ sở tại đầu não của Liên Hiệp Châu Âu.

Ngược dòng lịch sử lobby khí hậu - những kẻ buôn bán sự hoài nghi

Cụ thể là, năm 1988, lần đầu tiên tại Thượng Viện Mỹ, nhà nghiên cứu về môi trường, giáo sư James Hansen, đã nêu ra vấn đề Trái đất nóng lên xuất phát từ lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Khi đó, nghiên cứu của ông được ủng hộ mạnh mẽ bởi lãnh đạo các cường quốc như Anh và Mỹ. Cũng trong năm 1988, LHQ đã thành lập Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (GIEC), với nhiệm vụ đánh giá rủi ro về biến đổi khí hậu do hoạt động con người gây ra. Các quốc gia lo sợ về các thảm kịch khí hậu có thể xảy đến nếu không hành động gì. Nhưng sau ba thập kỷ, cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu không có nhiều tiến triển. Lý do là vì đâu ?

Ngay sau bài phát biểu của James Hansen, hàng loạt các phát biểu phản biện xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, với nội dung như : “Nóng lên toàn cầu là lừa đảo, chỉ là cái cớ để tăng thuế”, “tiền dùng để giải vấn đề về khí hậu, có thể cứu đói hàng triệu người”, hay thậm chí “tăng hiệu ứng nhà kính có thể đem lại lợi ích cho kinh tế, bằng cách kéo dài thời gian mùa vụ nông nghiệp”.

Một trong những phát biểu trên xuất phát từ Jerry Tailor, được gắn mác chuyên gia khí hậu bởi truyền thông Hoa Kỳ, ông là một trong những nhà lobby, được tuyển vào viện nghiên cứu Cato Institut từ cuối những năm 1990. Trong phim tài liệu điều tra về vận động hành lang khí hậu, phát sóng vào cuối tháng 10/2021 trên kênh truyền hình Arte, ông Tailor giải thích về nghề nghiệp của mình như sau :

Công việc của tôi  là phát biểu trên truyền thông để phản biện lại các chính sách về khí hậu. Viện tư vấn Cato đã tuyển tôi để đánh lạc hướng dư luận, và đó là điều mà tôi đã làm. Sự đa nghi về các vấn đề khí hậu dựa trên sự truyền bá hoài nghi về khoa học. Trong các bài phát biểu của tôi, việc phản biện lại các dữ liệu khoa học là nhân tố chính. Đối với những người không có quan điểm về sự nóng lên toàn cầu, những người như tôi sẽ giải thích cho họ rằng đó không phải là vấn đề đáng lo ngại”.

Tài trợ nghiên cứu hoa học để chứng minh phản khoa học

Đằng sau các nhà vận động hành lang, là đội ngũ hùng hậu các nhà nghiên cứu phản bác lập luận Trái đất nóng lên là do nguyên nhân con người, họ làm việc trong các viện nghiên cứu danh giá. Thế nhưng, viện nghiên cứu Cato Institute, nơi ông Jerry Tailor làm việc, lại được đồng sáng lập bởi Charles Koch, nhà tỷ phú, CEO của tập đoàn dầu khí Koch Industries. Theo trang Exxonsecret, do tổ chức Greenpeace Hoa Kỳ quản lý, Cato Institute, cũng nhận được số tài trợ khổng lồ các ông lớn dầu khí khác như Exxonmobil và Shell.

Viện  Cato Institute không phải là viện tư vấn chiến lược duy nhất làm ra các báo cáo khoa học hay có đội ngũ vận động hành lang đông đảo với nhiệm vụ “phản biện lại việc nóng lên toàn cầu là từ khí thải CO2”. Viện tư vấn Competitive Entreprise Company (CEC), một think-tank hoạt động trong lĩnh vực tương tự, chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ bên ngoài. Tổ chức này đã từng cố vấn cho cựu tổng thống Mỹ, Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhiệm vụ của họ là gieo rắc hoài nghi về “biến đổi khí hậu” và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo báo Le Monde, đa số các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cứ hai người Mỹ thì có một người không đồng ý, và còn nghi ngờ với sự đồng thuận của giới khoa học về vấn đề khí hậu.

Cuối tháng 10/2021, Hạ Viện Hoa Kỳ đã cáo buộc các tập đoàn năng lượng hoá thạch về chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch kéo dài hàng thập kỷ, liên quan đến vai trò của nhiên liệu hoá thạch gây ra sự nóng lên toàn cầu. Giám đốc điều hành của ExxonMobil, ông Daren Woods đã bác bỏ cáo buộc này tại phiên điều trần của uỷ ban điều tra Hạ Viện như sau :

“ExxonMobil đã tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách liên quan đến môi trường và năng lượng trong nhiều năm. Quan điểm của chúng tôi về các chính sách và tác động của nó lên ngành công nghiệp được dựa trên các cơ sở khoa học (sự hiểu biết của chúng tôi về khoa học). Chúng tôi đã lên tiếng và thể hiện minh bạch trong việc hỗ trợ  chính phủ các quốc gia thực hiện các chính sách hiệu quả về chi phí và đạt được mức giảm lượng khí thải lớn nhất với chi phí thấp nhất cho xã hội. "

Theo AP, sự xuất hiện của bốn giám đốc điều hành  từ ExxonMobil, Chevron, BP và Shell tại Hạ Viện Hoa Kỳ đã làm ta liên tưởng đến phiên điều trần cấp cao vào những năm 1990 với giám đốc điều hành các doanh nghiệp thuốc lá, khi họ cố biện minh rằng nicotine không phải là chất gây nghiện. Chiến lược gieo rắc sự hoài nghi về minh chứng khoa học đã được các lobby của các doanh nghiệp này sử dụng trong vài thập kỷ, mãi cho đến khi các quy định hạn chế thương mại thuốc lá được ban hành. 

Định hướng nghiên cứu khoa học từ khi còn trứng nước

Các tập đoàn gây ô nhiễm nhất thế giới còn hành động ngay tại giảng đường, gây sức ảnh hưởng cho các viện nghiên cứu của các trường đại học danh giá nhất thế giới. Theo Bloomberg, quỹ tài trợ của Harvard, dành cho nghiên cứu về nhiên liệu hóa thạch, trị giá lên đến gần 42 tỷ đô la vào năm 2020. Và nhà tài trợ chính, không ai khác, vẫn là Exxon Mobil, một trong những ông lớn dầu khí lớn nhất thế giới. Trường đại học Stanford cũng nhận được tài trợ trị giá 22 tỷ đô la, cho nghiên cứu về năng lượng tái tạo từ các công ty khai thác than và dầu khí.

Theo chuyên viên nghiên cứu tại khoa lịch sử và khoa học tại Harvard, ông Geoffrey Supran, nguồn tài trợ khổng lồ từ các công ty nhiên liệu, có thể cho phép các công ty này định hướng đề tài nghiên cứu của sinh viên. Tính minh bạch và kết quả nghiên cứu có khả năng cao sẽ bị tác động. Ông nhận định về vụ việc như sau :

Các thể chế, mà đáng lẽ ra phải tìm ra giải pháp cho khủng hoảng khí hậu, lại bị phụ thuộc tài chính vào ngành công nghiệp bị de doạ lớn nhất từ các kết quả nghiên cứu, chúng ta có thể thấy ở đó một cuộc xung đột lợi ích. Không chắc chắn được là các kết quả nghiên cứu kia sẽ có lợi cho ai. Chính vì thế mà các nghiên cứu y khoa bị bắt buộc tuân theo khuôn khổ quy tắc và đạo tức nghề nghiệp, các nhà nghiên cứu y khoa phải công khai xung đột lợi ích. Về năng lượng và khí hậu, không có quy định rõ ràng về việc này

Trong nghiên cứu nói chung, xung đột lợi ích xảy ra khi các thành viên tham gia nghiên cứu, hoặc những người có thể ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu, có thể được hưởng lợi về tài chính, hoặc có được lợi ích không chính đáng. Cựu sinh viên trường Harvard, ông  Supran đã đồng nghiên cứu cùng nhà khoa học khí hậu Naomi Oreskes, công bố một loạt các nghiên cứu về chiến thuật truyền thông khí hậu mà các các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới sử dụng.

Theo đó, ngoài việc đưa ra các thông tin sai lệch hoàn toàn, các công ty này, trong đó có ExxeonMobil, đổi mới chiến thuật của họ. Từ việc chối bỏ hoàn toàn một cách trắng trợn sự nóng lên toàn cầu đến các hình thức vận động hành lang và tuyên truyền tinh vi hơn.  

Mục tiêu chấm dứt các hành động hướng đến loại bỏ khí thải carbon

Trong phỏng vấn với tờ Harvard Gazette, ông Supran khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng của họ vẫn không đổi, đó là chấm dứt các hành động loại bỏ khí thải carbon. Ông lo ngại rằng chiến lược của họ ngày càng tinh vi hơn. Trong đó có chiến lược “tẩy xanh” (greenwashing) hay còn gọi là "treo đầu dê bán thịt chó". Theo báo Guardian, các ông lớn vàng đen đầu tư vào năng lượng tái tạo, tạo dựng thương hiệu “xanh”, hay các cam kết “bù nhìn” về nghiên cứu nhiên liệu sinh học và cả việc ủng hộ “trá hình” việc tăng thuế carbon rồi sau lưng, kêu gọi lobby phản đối thuế carbon.

Một ví dụ điển hình về greenwashing, đó là lượng khí thải carbon cá nhân (carbon footprint), thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các cuộc hội thảo về trách nhiệm mỗi cá nhân trong việc tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thế nhưng, ít ai biết rằng, thuật ngữ này lần được tiên được tuyên truyền phổ biến trong một chiến dịch truyền thông từ năm 2004-2006 của tập đoàn dầu khí BP, trị giá 100 triệu đô la mỗi năm.

Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ InfluenceMap của Anh, chịu trách nhiệm theo dõi hành động ảnh hưởng của doanh nghiệp năm 2019, kể từ sau khi thỏa thuận Paris được ký kết, 5 tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới, đã chi gần 1 tỷ đô la cho vận động hành lang, bảo vệ lợi ích của họ về nhiên liệu hoá thạch.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.