Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Xung đột tại Thượng Karabakh : Nước Nga đại thắng ?

Đăng ngày:

Sau sáu tuần lễ chiến sự đẫm máu làm hơn 5.000 người chết ở cả hai phía, Armenia và Azerbaijan dưới sự chủ trì của Nga đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn trong đêm 9 rạng sáng 10/11/2020. Theo giới quan sát, với thỏa thuận này, Vladimir Putin một lần nữa khẳng định nước Nga vẫn làm chủ tình hình tại vùng Kavkaz, trước tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Binh lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại vùng Thượng Karabakh, ngày 14/11/2020.
Binh lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại vùng Thượng Karabakh, ngày 14/11/2020. REUTERS - STRINGER
Quảng cáo

Sau bốn mươi bốn ngày (27/9 – 10/11/2020) giao tranh khốc liệt, hàng ngàn người chết và mất tích, 7 vùng lãnh thổ mà Armenia chiếm đóng « bất hợp pháp » giờ phải trả lại cho Azerbaijan, khiến hàng chục ngàn người Armenia phải di tản. Thượng Karabakh giờ phải nằm dưới sự bảo hộ của Nga theo như những gì được đúc kết trong thỏa thuận. Tương lai chính trị thủ tướng Armenia Nikol Pachinian cũng vì thế bị lung lay. Phe đối lập và một bộ phận dân chúng tố cáo ông « phản bội » khi đặt bút ký thỏa thuận ngừng bắn ngày 10/11/2020 với Azerbaijan.

Những sai lầm của Armenia

Theo giới quan sát, ít nhất có hai nguyên nhân dẫn đến thất bại đau đớn này của Armenia. Thứ nhất, cuộc xung đột lần này là điều có thể dự đoán được. Ngay từ thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, người ta đã biết rằng một ngày nào đó phải có một giải pháp chính trị, và Armenia phải trao trả những vùng lãnh thổ chiếm đóng cho Azerbaijan. Thế nhưng, từ ba thập niên qua, cả hai phía, lúc thì Armenia, lúc thì Azerbaijan, đều từ chối mọi đề xuất của quốc tế.

Nhà địa lý học, chuyên gia về vùng Kavkaz, Jean Radvanyi, giáo sư danh dự Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO) trên kênh truyền hình quốc tế France 24 nhận định chính vì độ quá « ỷ lại » vào liên minh quân sự với Nga, mà chính quyền Erevan đã chủ quan và không biết cách chuẩn bị trong dài hạn.

« Ở bên này, chúng ta có Azerbaijan là một cường quốc dầu hỏa. Dù ở hàng thứ yếu, nhưng đó cũng là một cường quốc về dầu khí, tiền của dồi dào, có nhiều phương tiện quan trọng để mua sắm nhiều loại trang thiết bị quân sự tinh vi từ Nga, nhưng cũng từ  Thổ Nhĩ Kỳ, hay mua những chiếc drone đáng gờm của Israel… Trong khi đó, ở phía bên kia, Armenia lại là một quốc gia nằm lọt giữa, có rất ít nguồn thu ngân sách và do vậy không được trang bị những loại vũ khí tân tiến như các loại thiết bị của Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. »

Cũng trên kênh France 24, cựu đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Syria (1998-2002) và Thổ Nhĩ Kỳ (2006-2011) và cũng là nhà nghiên cứu tại Carnegie Châu Âu, ông Marc Pierini,  nhấn mạnh rằng chính những tính toán sai lầm về binh pháp đã dẫn đến thất bại đau đớn cho Armenia:

« Về mặt cơ bản, Armenia đã không biết cách đánh giá những gì diễn ra từ hơn một năm rưỡi qua trong các cuộc xung đột tại Syria và Libya, nghĩa là phải có một thay đổi toàn diện về chiến thuật. Nếu nhìn kỹ những khu vực núi cao, những nơi mà Armenia cho triển khai các binh đoàn bộ binh trong các chiến hào, xe tăng và dàn phòng thủ tên lửa tại những cao điểm cố định, đây quả thật là một thảm họa cho Armenia. Rõ ràng là trong cuộc xung đột này, Armenia đã có những sai lầm về chiến thuật và chiến lược. »

Thổ Nhĩ Kỳ trên thế thượng phong ?

Thỏa thuận được ký, Thượng Karabakh tạm ngưng tiếng súng, Azerbaijan cùng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ reo hò chiến thắng. Về mặt quân sự, thắng lợi này của Baku là điều không thể chối cãi. Để có được chiến thắng đó, tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev đã phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ về quân sự, cũng như hậu cần, đến mức theo một nhà phân tích chính trị Nga ẩn danh, có bút hiệu là Evgeny Krutikov, được tạp chí Conflit trích dẫn, Ankara hầu như điều khiển hoàn toàn các chiến dịch quân sự tại Azerbaijan.

Nhìn từ góc độ này, nhà chính trị học Marie Mendras, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, khi trả lời các câu hỏi của đài phát thanh France Culture không ngần ngại cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng ở thế thượng phong trong cuộc xung đột.

« Tôi nghĩ rằng trong mối tương quan lực lượng này, Thổ Nhĩ Kỳ ở trong thế mạnh so với Nga, bởi vì nước Nga đã tỏ ra thụ động, có vẻ thoái lui. Nhất là Nga không phải là nước đã khởi động cuộc chiến, mà chính Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch tấn công trong cuộc đọ sức cùng lúc với cả phương Tây và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ khả năng thống trị trong khu vực rộng lớn, đương nhiên vượt cả ngoài vùng Kavkaz. »

Tuy nhiên, quan điểm này của bà Marie Mendras không được một số nhà quan sát chia sẻ. Theo họ, đây mới chỉ là một thắng lợi quân sự, chứ chưa phải là một chiến thắng chính trị cho Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Quả thật, lúc ban đầu, tình hình vượt tầm kiểm soát, Matxcơva bất ngờ trước sự can dự của Ankara. Nhưng sự xuất hiện của binh sĩ Thổ, đà tiến như vũ bão của Azerbaijan, cũng như nguy cơ Thượng Karabakh thất thủ, buộc Nga phải nhanh chóng hành động, sau 44 ngày từ chối can thiệp quân sự cứu đồng minh Armenia.

Cựu bộ trưởng Gruzia về Hội nhập Châu Âu, Thorniké Gordadzé, hiện là nhà nghiên cứu trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po trên đài phát thanh France Culture phân tích nguyên nhân vì sao Nga không thể để mất Thượng Karabakh.

« Giả như Azerbaijan chiếm lại hết 100% vùng Thượng Karabakh, nước Nga có lẽ sẽ bị thua trên nhiều mặt trận. Nga có lẽ sẽ mất đi vĩnh viễn niềm tin của người dân Armenia : Lợi ích gì khi liên minh quân sự với một nước mà họ chẳng làm gì cho chúng ta cả ? Và rồi Azerbaijan cũng sẽ không cần đến Nga nữa, bởi vì họ đã tìm lại được toàn bộ vùng lãnh thổ mà họ cho là thuộc về Azerbaijan. Hơn nữa, Azerbaijan sẽ có được một mối liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt tầm ảnh hưởng của Nga tại vùng Kavkaz. »

Vladimir Putin và những nước cờ hiểm

Trong ván cờ này, Matxcơva lại một lần nữa chứng tỏ tài lèo lái khôn khéo, đặt Armenia cùng với Thượng Karabakh và trong một chừng mực nào đó là Azerbaijan « dưới sự bảo hộ » của Nga, mà không cần đến Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của Baku, nhưng cũng là đối tác và đối thủ của Matxcơva trong nhiều hồ sơ quốc tế.

Theo thỏa thuận được công bố, Nga độc quyền triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình nhằm bảo đảm an toàn cho các thường dân Armenia trong một thời hạn « tối thiểu » là 5 năm.

Những lực lượng này sẽ được triển khai ít nhất ở hai điểm : Thứ nhất là tại đường phân định ranh giới giữa Thượng Karabakh với trung tâm chỉ huy Barda ở Azerbaijan. Thứ hai là trên con lộ mới nối liền giữa hai vùng phía đông của Cộng Hòa Azerbaijan với nước Cộng hòa tự trị Nakhitchevan, nhưng nằm lọt thỏm trong lãnh thổ Armenia. Đặc biệt, đường giao thông liên lạc này sẽ do lính biên phòng thuộc Sở An ninh Liên bang Nga kiểm soát.

Vẫn theo lời chuyên gia Thorniké Gordadzé, để bảo đảm việc giám sát thực thi lệnh ngừng bắn, Nga còn bố trí nhiều loại vũ khí được cho là chỉ để dùng « tấn công » trên lãnh thổ Azerbaijan. « Vài ngày sau khi thỏa thuận được ký kết, Nga đã cho triển khai những loại vũ khí ʺbất thườngʺ trong khuôn khổ chiến dịch gìn giữ hòa bình. Nhất là người ta thấy xuất hiện các khẩu đại pháo hạng nặng, đó là những loại vũ khí tấn công và bình thường ra không được dự trù trong thỏa thuận ».

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn hỗ trợ mạnh mẽ từ vũ khí cho đến nhân lực của Azerbaijan, sau cùng được rút xuống ở mức quan sát viên tại « trung tâm điều phối Nga-Thổ ». Trung tâm này sẽ được đặt trên lãnh thổ Azerbaijan, chứ không phải tại vùng Thượng Karabakh.

Ilham Aliev : Con tin của cuộc đọ sức Nga – Thổ ?

Sự việc làm dấy lên nhiều câu hỏi : Nhà lãnh đạo độc tài Azerbaijan, vốn dĩ rất thân thiện với Ankara, đã tán đồng lệnh ngừng bắn và việc triển khai binh sĩ Nga đến mức nào, cho phép Nga đưa quân lên vùng Thượng Karabakh, cũng như đặt Azerbaijan dưới sự bảo hộ gần như là chính thức của Nga ?

Theo tờ Conflit, nhiều lời đồn thổi cho rằng Ankara đã cho điều quân về vùng biên giới Igdir, chỉ cách Armenia vài km. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bị gạt ra khỏi « cuộc chơi » ở Kavkaz là điều tổng thống Erdogan đã không dự trù tới. Hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ phải chăng là do việc Nga đơn độc triển khai quân ở Thượng Karabakh hay là ngược lại ? Giới quan sát cho rằng hiện khó có thể xác định được mối liên hệ giữa hai sự việc.

Ngoài ra còn có một nghi vấn khác : Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tổng thống Aliev cố ý « qua mặt », hay là Azerbaijan đã bị Nga đặt vào thế « sự đã rồi » ? Theo quan điểm của blogger Semyon Pegov – được cho là nắm rõ thông tin – có nhiều khả năng đó là giả thuyết thứ hai. Khi đặt Baku vào sự đã rồi, Matxcơva đã biến chiến thắng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ - Azerbaijan thành thắng lợi chính trị cho Nga.

Cho nên, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Thorniké Gordadzé, để ngăn chận Thượng Karabakh thất thủ, Matxcơva dường như đã không ngần ngại gây sức ép quân sự với Baku. « Nga đã huy động quân đội của mình ở vùng biên giới bắc Azerbaijan với Dagestan, nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga, tiến hành một cuộc thao dợt quân sự ngoài kế hoạch trong khu vực. Rồi người ta còn thấy hạm đội của hải quân Nga bỗng xuất hiện tập trận ở vùng biển Caspi, nhưng cách thủ đô Baku có vài km. Nga như muốn Azerbaijan phải hiểu rằng đến một lúc nào đó nên dừng cuộc tấn công ».

Trả lời báo Le Monde, ông Kavus Abushov, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế tại Baku nhắc lại rằng, ngay từ năm 1994, Nga đã muốn gởi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Thượng Karabakh. Trong vòng 20 năm, Azerbaijan luôn phản đối việc triển khai quân Nga. Nhưng trong cuộc xung đột này, hy vọng của Baku về một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 50% Nga và 50% Thổ xem như cũng tan theo mây khói.

Nhà chính trị học Azerbaijan đoán rằng dường như Vladimir Putin đã dùng một mẹo lừa địch để có thể lật ngược thế cờ vào phút chót: « Tổng thống Aliev đã chấp nhận bởi vì ông không còn chọn lựa nào khác do nhiều áp lực, do vụ bắn rơi chiếc trực thăng ngày 09/11. Tôi nghĩ rằng đây là một sự tính toán, tôi không dám chắc 100%, nhưng sự cố xảy ra dường như đã mang lại cho Nga một cái cớ chính đáng cho sự hiện diện quân sự, đương nhiên tôi không loại trừ khả năng Nga đóng một vai trò bình ổn khu vực ».

Dẫu sao thì sự kiện này đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của binh sĩ Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai quân tại ba nước vùng Nam Kavkaz. Nhưng vẫn còn một câu hỏi để ngỏ : Số phận của Karabakh phải chăng đã được định đoạt ? Quy chế nào cho Thượng Karabakh ?

Trong vấn đề này, chủ nhân điện Kremlin tuyên bố sẽ để cho cộng đồng quốc tế cùng xử lý !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.