Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hợp tác quân sự với Nga : Cơ hội để Bắc Triều Tiên bớt phụ thuộc vào Trung Quốc

Đăng ngày:

Ngày 13/09/2023, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Vladivostok, miền Viễn Đông của Nga, gặp đồng nhiệm Vladimir Putin. Đôi bên được cho là đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác quân sự. Một cơ hội để Bình Nhưỡng tiếp cận, cải thiện công nghệ phát triển tên lửa và hạt nhân, khôi phục nền kinh tế và nhất là, trong chừng mực nào đó, giảm bớt tầm ảnh hưởng chính trị từ Bắc Kinh.

Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm một xưởng lắp ráp rocket tại sân bay vũ trụ Vostochny, ngoại ô thành phố Tsiolkovsky, vùng Amur, Nga, ngày 13/09/2023.
Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm một xưởng lắp ráp rocket tại sân bay vũ trụ Vostochny, ngoại ô thành phố Tsiolkovsky, vùng Amur, Nga, ngày 13/09/2023. AP - Artyom Geodakyan
Quảng cáo

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Shin Won Sik trong cuộc gặp với giới báo chí hôm thứ Hai 26/02/2024, khẳng định nhiều nhà máy của Bắc Triều Tiên đang hoạt động hết công suất để sản xuất vũ khí và đạn pháo cung cấp cho Nga.

Thỏa thuận vũ khí : « Phao cứu hộ » kinh tế

Lãnh đạo Quốc Phòng Hàn Quốc thẩm định Bắc Triều Tiên dường như đã xuất khẩu hơn 6.700 container sang Nga từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Triều tháng 9/2023. Con số này ước tính tương đương với khoảng ba triệu đạn pháo loại 155 ly hay 500 ngàn đạn 122 ly. Trước đó, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc còn cho rằng Bình Nhưỡng đã chuyển giao tên lửa đạn đạo cho quân đội Nga, theo các hình ảnh vệ tinh do Mỹ cung cấp.

Đổi lại, Bình Nhưỡng dường như nhận được lương thực và nhiều mặt hàng thiết yếu khác, cũng như các loại nguyên liệu và linh kiện rời để sản xuất vũ khí. Hàn Quốc ước tính toàn bộ khối lượng container gởi từ Nga sang Bắc Triều Tiên cao hơn mức xuất đi theo chiều ngược lại là 30% tính từ tháng 7 hay tháng 8/2023. Ngoài ra, Matxcơva dường như đã cung cấp cho Bình Nhưỡng nhiều công nghệ để phát triển vệ tinh.

Theo nhiều nhà quan sát, thỏa thuận vũ khí với Nga thật sự là « món lộc trời ban » cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên, đang bị bóp nghẹt vì các lệnh trừng phạt quốc tế và hậu quả của những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khắt khe, đẩy hơn 60% dân số Bắc Triều Tiên xuống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Kinh tế gia Anwita Basu, phụ trách mảng Châu Âu, chuyên về các rủi ro, thuộc Fitch Solutions, dự phóng, sau 5 năm bị suy giảm mạnh (khoảng 4,5%), kinh tế Bắc Triều Tiên năm 2024 sẽ tăng trưởng trở lại 1%, mức cao nhất trong gần một thập niên nhờ vào thỏa thuận bán tên lửa đạn đạo và hàng triệu đạn pháo cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

Giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh

Hãng tin Bloomberg của Mỹ trong tuần cuối tháng 1 đầu tháng 2/2024 đưa tin nhà nước Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ thu được ít nhất một tỷ đô la từ việc bán đạn pháo cho Nga, trong khi tên lửa đạn đạo do Matxcơva đặt hàng thường có giá vài triệu đô la.

Trên kênh truyền hình Deutsche Welle của Đức, nhà kinh tế học lưu ý ngành công nghiệp quốc phòng cùng với nông nghiệp là những lĩnh vực có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên : « Nền công nghiệp quốc phòng của Bắc Triều Tiên khá tiên tiến. Họ đã đầu tư và phát triển lĩnh vực này từ những năm 1950 và kho dự trữ được cho là đủ lớn để đáp ứng nhu cầu hiện nay của Nga, vì họ hiện chỉ cung cấp loại đạn pháo khá thô sơ để Nga tiếp tục các đợt nã pháo hạng nặng mà Nga hy vọng sẽ thực hiện được trong suốt 12 tháng tới hoặc lâu hơn. »

Cũng theo nữ chuyên gia này, thỏa thuận vũ khí với Nga giúp củng cố hai điều mà Bắc Triều Tiên mong muốn từ lâu : « Thứ nhất là tính chính đáng với tư cách là một quốc gia, điều mà họ vẫn chưa có được vì Chiến Tranh Triều Tiên (1950 – 1953) vẫn chưa kết thúc. Thứ hai là một nền quốc phòng và quân sự bền vững, những công cụ giúp bảo vệ chủ quyền của họ. »

Việc Bình Nhưỡng ký kết hợp tác quân sự với Matxcơva đang làm dấy lên lo ngại về một trục tam giác Nga – Trung – Triều, nhằm đối kháng với liên minh quân sự ba bên Mỹ – Nhật – Hàn. Nhưng theo ông Pascal Dayez – Burgeon, nhà sử học, chuyên gia về Triều Tiên và nhà cựu ngoại giao ở Seoul, việc Nga bất ngờ đến « gõ cửa » cầu viện lại là dịp để Bắc Triều Tiên giảm bớt phần nào tầm ảnh hưởng kinh tế - chính trị từ Trung Quốc. Trên kênh truyền hình France 24, ông phân tích :

« Đây là một cơ hội cho Bắc Triều Tiên, vốn luôn chơi trò cân bằng giữa Nga và Trung Quốc. Matxcơva đang cầu viện đến Bình Nhưỡng và do vậy, đây là thời điểm để Bắc Triều Tiên có được những thứ họ thật sự cần, chẳng hạn như dầu hỏa, mà họ đã không được nhận trong một thời gian dài do Nga ngừng cung cấp vì dịch Covid-19 ; rồi có được các hợp đồng kinh tế, cả hai nước cũng có một đường biên giới chung ; và sau cùng là không còn phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, bởi vì Bắc Triều Tiên nhìn chung vẫn bị xem là quốc gia vệ tinh của Trung Quốc. Do vậy, khi chơi lá bài Nga, Bắc Triều Tiên đang tránh xa phần nào Trung Quốc. »

Quan hệ Trung - Triều và những thăng trầm

Quả thật, mối quan hệ Trung - Triều chưa bao giờ phẳng lặng, khi thì tồi tệ trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), lúc thì nguy hiểm như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, và có khi gặp khó khăn trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh.

Bắc Triều Tiên luôn bảo vệ nền độc lập và quyền tự quyết của mình vì trước hết, quốc gia khép kín nhất hành tinh này hiểu rõ là quyền tự quyết đó trong thời gian dài đã bị đặt dưới sự giám hộ hay bị đe dọa bởi quân đội Mỹ và liên quân Liên Hiệp Quốc trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, bởi đế quốc Nhật Bản trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, nhưng đầu tiên là bởi đế chế Trung Hoa trong quá khứ.

Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy, vốn rất lo lắng cho sự bất ổn trong vùng ngoại vi sát cạnh, từ lâu đã tìm cách can dự vào chuyện nội bộ của nước láng giềng có diện tích chỉ bằng một tỉnh của mình. Chế độ Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không bao giờ quên việc Bắc Kinh ngang nhiên xen vào chuyện thanh lọc bộ máy nhân sự trong nội bộ Đảng Lao Động Triều Tiên năm 1956.

Théo Clément, nhà nghiên cứu về quan hệ Trung – Triều, thuộc trường đại học Lyon, trong một bài viết đăng trên tạp chí Diplomatie số ra cho năm 2017, nêu ra ít nhất hai giai thoại thật sự gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai nước, mà bề ngoài luôn chứng tỏ là đồng minh : Thứ nhất là khi Trung Quốc và Liên Xô gạt Triều Tiên ra khỏi bộ chỉ huy tác chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), một giai đoạn mà Bình Nhưỡng xem như là một sự sỉ nhục.

Lần thứ hai là việc Bắc Kinh từ năm 1992 không ngừng hối thúc đối tác Bình Nhưỡng thanh toán hàng nhập khẩu bằng ngoại tệ và bằng tiền mặt hơn là thông qua một cơ chế hàng đổi hàng. Sự thay đổi thái độ này của Trung Quốc đã bị ông Kim Jong Il, thân phụ của lãnh đạo Kim Jong Un hiện nay, khi ấy đang sắp trở thành « Lãnh tụ đáng kính » xem như là một sự phản bội. Cách hành xử này của Bắc Kinh ít nhiều cũng góp phần dẫn đến nạn đói kéo dài từ năm 1994-1997, khiến từ 600 ngàn đến hơn hai triệu người chết, tùy theo các ước tính khác nhau, như nhận định của nhà nghiên cứu Théo Clément.

Nô lệ kinh tế

Trái lại nước Nga thời Vladimir Putin, dưới áp lực của lệnh trừng phạt quốc tế sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014, vì muốn tìm cách thoát khỏi thế cô lập và thắt chặt lại bang giao với Bắc Triều Tiên, nên đã xóa đến 90% nợ cho Bình Nhưỡng. Điều này có lẽ giải thích cho sự trọng thị mà Bắc Triều Tiên dành cho ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov khi ông đến Bình Nhưỡng hồi mùa hè 2023.

Đích thân lãnh đạo Kim Jong Un đã hướng dẫn ngoại trưởng Nga tham quan nhiều nhà máy sản xuất vũ khí, theo như ghi nhận từ nhà sử học Juliette Morillot, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, trên kênh truyền hình France 24 ngày 07/02/2024 :

« Nước Nga chưa bao giờ vắng bóng trong quan hệ ngoại giao và xích lại gần với Bắc Triều Tiên. Thông thường khi nói đến Bắc Triều Tiên, người ta nghĩ ngay đến Trung Quốc mà quên mất Nga. Theo tôi, về truyền thống và có phần nghịch lý, Bắc Triều Tiên luôn tin tưởng vào Matxcơva hơn là Bắc Kinh và Bắc Triều Tiên chưa bao giờ vâng lời Trung Quốc cả ! »

Ngoài ra, nếu Bắc Triều Tiên vẫn xem Trung Quốc như là một chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế, cũng như là nguồn hậu thuẫn tiềm tàng trong trường hợp bán đảo Triều Tiên có căng thẳng hay xung đột, thì những hợp tác về đầu tư – kinh tế với Trung Quốc không đạt được những kết quả như ông Kim Jong Un mong đợi.

Hoàn toàn tương phản với chiến lược kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại ở châu Á và thậm chí trên thế giới, và bất chấp hàng chục đặc khu kinh tế được thiết lập ở Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh ít can dự vào mà chỉ để cho các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tư nhân tự do hoạt động, chủ yếu tập trung khai thác và nhập khẩu nguyên nhiên liệu thô giá trị thấp và xuất khẩu các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất sang Bắc Triều Tiên. Tình trạng này khoét sâu cán cân thâm hụt thương mại và để lại rất ít triển vọng phát triển kinh tế mà Bắc Kinh từng hứa hẹn, như phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển giao công nghệ.

Nhà cựu ngoại giao Pascal Dayez – Burgeon kết luận, việc ký kết thỏa thuận vũ khí với Nga rõ ràng đang mang lại chút làn gió mới cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

« Trung Quốc không muốn có quan hệ thương mại. Trung Quốc chỉ đang biến Triều Tiên thành thuộc địa bóc lột sơ cấp. Điều Bắc Kinh quan tâm là than đá, đất hiếm, nhân công mà họ có thể tuyển dụng với giá nô lệ. Đây là điều Bắc Triều Tiên muốn tránh, nhưng Trung Quốc đang làm. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên là một thuộc địa kinh tế và thực sự theo kiểu chế độ phong kiến của Trung Quốc, do đó, khả năng hợp tác với Nga là điều kỳ diệu mới. Tuy đó chỉ là những hợp tác nhỏ, nhưng có thể mang đến chút dưỡng khí.

Đây cũng là điều mà Kim Jong Un từng hy vọng trong cuộc gặp với Donald Trump, tức là chơi trò cởi mở một chút với phương Tây để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Nhưng điều đó đã không xảy ra và do vậy, ông ấy đang chơi đến cùng quân bài chiến tranh, hay chí ít ông Kim Jong Un đang nỗ làm lực làm cho chúng ta tin như vậy, nhưng mối quan hệ thương mại, sự bình đẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên là hoàn toàn không có ».

Nỗi lo của Bắc Kinh

Dù vậy, việc Nga và Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ quân sự, cùng với thông báo tổng thống Vladimir Putin sẽ đến thăm Bình Nhưỡng, lần đầu tiên sau chuyến thăm thứ nhất cách nay 23 năm, cũng đã khiến Trung Quốc lo lắng. Vào lúc cuộc chiến Ukraina bước sang năm thứ ba, tổng thống Nga rất có thể có mưu đồ tạo ra những điểm nóng mới nhằm chuyển hướng chú ý của phương Tây trong hồ sơ Ukraina và giảm áp lực cho Matxcơva.

Theo trang mạng thông tin L’Opinion, nguy cơ này đã được ông Fang Ning, giáo sư trường đại học Tứ Xuyên, cựu giám đốc Viện Khoa học Chính trị, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đánh động trong một cuộc hội thảo do đại học Nhân dân Bắc Kinh tổ chức. Theo ông, « cần phải lưu ý đến sự hiện hữu những xu hướng theo đó Nga có thể thực hiện một chiến lược như thế ở Đông Bắc Á trong năm 2024, khu vực cận kề với Trung Quốc. Điều này cần phải được quan tâm và xử lý một cách cẩn trọng ».

Dường như lời báo động này đã được Bắc Kinh lắng nghe. Chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây đã liên tiếp có những cuộc tiếp xúc với chính quyền Bình Nhưỡng vào lúc Bắc Triều Tiên tăng cường thử nghiệm tên lửa, bắn đạn thật về phía Hàn Quốc và có những phát biểu dọa dẫm. Ngày 26/01/2024, lần thứ hai trong chưa đầy một tháng, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã đến Bình Nhưỡng gặp người đồng cấp Pak Myong Ho !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.