Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận hạ tầng xã hội - « công trường » còn dang dở

Đăng ngày:

Dù là điểm đến hấp dẫn, nước Pháp cũng như thủ đô Paris ngày nay vẫn bị xếp hạng thấp về vấn đề thuận tiện cho người khuyết tật so với mặt bằng các thành phố du lịch toàn cầu.

Một chiếc xe lăn màu xanh lá cây được đặt bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 26/01/2012.
Một chiếc xe lăn màu xanh lá cây được đặt bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 26/01/2012. Reuters/Benoit Tessier
Quảng cáo

Đến hè năm 2024, Thế Vận Hội Olympique và Thế Vận Hội cho người khuyết tật sẽ diễn ra tại thủ đô Paris. Nhiều chương trình hành động để cải thiện khả năng tiếp cận tại các khu vực diễn ra Thế Vận Hội, trong nôi đô Paris và vùng phụ cận. Tuy vậy, so với những mục tiêu đặt ra từ khi luật về bình đẳng về quyền, cơ hội, quyền tham gia và quyền công dân của người khuyết tật ra đời năm 2005, dù những thay đổi đáng kể được ghi nhận, vẫn còn nhiều việc cần phải làm ở phía trước.

Vùng Paris tích cực cải thiện khả năng tiếp cận giao thông công cộng

Nói đến việc tiếp cận, đầu tiên phải kể đến vấn đề di chuyển, giao thông. Hiện nay, riêng vùng Paris, ước tính tỉ lệ người khuyết tật ảnh hưởng đến khả năng đi lại chiếm 12%, bao gồm khuyết tật vận động, thị giác, thính giác, tâm thần, nhận thức. Từ năm 2005, điều luật về bình đẳng cho người khuyết tật đã đặt ra mục tiêu trong vòng 10 năm, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng phải dễ tiếp cận với người khuyết tật. Theo đó, các tuyến mới xây dựng, tuyến tàu điện trên mặt đất và mạng lưới xe bus đều thiết kế đạt tiêu chuẩn này.

Tuy vậy, khó khăn lớn nằm ở việc cải tạo lại các tuyến tàu điện ngầm đã có tuổi đời hơn 100 năm và các ga đường sắt, trong khi hai loại phương tiện này chiếm đến 53% phương tiện sử dụng của người khuyết tật (theo thống kê của vùng Ile-de-France năm 2014). Dù rất nhiều bến tàu đã được cải tạo, nghiên cứu khả thi cho thấy còn nhiều bến tàu điện ngầm trong nội thành Paris không thể ghép thêm thang máy, chủ yếu do tính chất phức tạp và chồng chéo của mạng lưới hạ tầng ngầm. Đến năm 2019, mới chỉ có 38% các tuyến giao thông công cộng có thể đón tiếp người dùng xe lăn.

Trước những rào cản này, những người khuyết tật ở Paris gặp phải nhiều khó khăn hàng ngày trong việc đi lại. Trong một phóng sự của Le Monde, cô Liliane Morellec, người sử dụng xe lăn từ năm 20 tuổi, so sánh việc không thể đăng ký được phương tiện di chuyển như là sự « quản thúc tại gia », và phẫn nộ nói « chúng tôi quá chán nản vì bị lãng quên, như những công dân hạng hai ». Phóng sự cũng cho thấy việc thiếu phương tiện giao thông công cộng ảnh hưởng lớn đến khả năng tự chủ của những người khuyết tật trẻ tuổi, khi mà ngay cả những hoạt động cơ bản như việc đến trường hay tham gia các khoá đào tạo, vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của gia đình.

Về phần các tuyến tàu hoả vùng Paris, từ năm 2009 đến nay, khoảng 200 ga tàu đã được cải tạo lại để đảm bảo tiếp cận được với người khuyết tật, mục tiêu là đến năm 2024 con số này sẽ đạt 270 ga, đưa tổng số ga và trạm dừng đạt chuẩn tiếp cận lên thành 639. Tuy vậy, con số đó mới chỉ chiếm 60% số ga trên toàn vùng. Chi phí cho kế hoạch này dự tính lên đến 1,4 tỷ euro, phần lớn do cơ quan phụ trách giao thông vùng Ile-de-France (IDFM) đóng góp, công ty đường sắt quốc gia SNCF đóng góp 25%. Không những thế, vùng Paris còn đầu tư cải tạo để các toa tàu đạt chuẩn đồng bộ. Để đẩy nhanh và cải tạo được nhiều hơn nữa, chủ tịch vùng, bà Valérie Pécresse, cũng kêu gọi chính phủ và thành phố Paris cùng tăng cường đầu tư cải thiện khả năng tiếp cận của mạng lưới giao thông này.

Đến nay, các tuyến tàu RER A, RER B và tuyến tàu điện ngầm 14 hoàn toàn tiếp cận được đối với người khuyết tật. Các tuyến số tàu điện ngầm số 1, 2, 6 và 10 cũng đang tiến hành nghiên cứu khả thi. Các nhân viên vận hành cũng được đào tạo để có khả năng hỗ trợ và tiếp đón hành khách khuyết tật. Những tiến bộ rõ rệt đã được ghi nhận về việc trang bị, chỉ dẫn và hỗ trợ trong mạng lưới giao thông công cộng cho những nhóm khuyết tật khác.

Đường xá và không gian công cộng thân thiện hơn với người khuyết tật

Việc tạo thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng được nhận thấy rõ rệt nhất ở đường xá và các khu vực công cộng. Những vỉa hè có gờ nổi, đèn tín hiệu hay bảng thông tin có âm thanh, những lối đi có độ dốc thoải vừa phải, những bậc tam cấp có tay vịn, lối sang đường bằng phẳng, những vị trí đỗ xe dành riêng … giúp người khuyết tật di chuyển an toàn, thuận tiện. Và trên hết, họ cảm thấy dễ hoà nhập, được quan tâm, được dành cho một vị trí trong cộng đồng. Ngoài ra, những biện pháp và thiết bị đó còn tạo thuận lợi cho việc di chuyển của những người cao tuổi, những bậc phụ huynh mang xe đẩy trẻ em.

Tiến tới Thế Vận Hội cho người khuyết tật, ban tổ chức đặt khả năng tiếp cận vào trọng tâm của các dự án. Chương trình Di Sản Thế Vận Hội được đề ra với mong muốn ngày hội thể thao thế giới sẽ giúp Paris và vùng Ile-de-France kế thừa một hạ tầng thân thiện hơn với người khuyết tật. Vùng Ile-de-France đã uỷ thác cho Trung tâm nghiên cứu và chuyên gia về nguy cơ, môi trường, giao thông và quy hoạch (Cerema) tiến hành một nghiên cứu tập trung vào các tuyến đi bộ xung quanh các khu vực thi đấu, nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể để toàn bộ các lối đi bộ này dễ tiếp cận cho người khuyết tật. Ba địa điểm được chọn là sân vận động Paris (Saint-Denis), khu triển lãm Portes de Versailles (Paris) và sân vận động quốc gia (Saint-Quentin-en-Yvelines). Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra những vấn đề và đưa ra giải pháp cải thiện trong việc giao cắt, kết nối giữa các luồng di chuyển và của những đối tượng sử dùng khác nhau, giữa người đi bộ, người khuyết tật và người đi xe đạp, hay những nguy cơ cần giảm thiểu trong những khu vực vắt qua đường giao thông, quảng trường ...

Bên cạnh đó, thành phố Paris cũng tiến hành một nghiên cứu khác cùng hướng tới tiếp cận cho người khuyết tật, phạm vi nghiên cứu tại chính vùng lõi trung tâm Paris. Do cơ quan nghiên cứu quy hoạch Paris (Apur) thực hiện, nghiên cứu này tập trung vào 15 khu phố trung tâm, phân tích mọi thành phần của đô thị : từ ngoài nhà đến trong nhà, từ giao thông công cộng, đường xá, đến các cửa hàng, dịch vụ, thương mại và cả các khối nhà ở. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tiếp cận cao trong khối các công trình công cộng lớn như bảo tàng, công trình văn hoá, tín ngưỡng, trụ sở hành chính, nhưng cao nhất thì vẫn chưa vượt mức 70%. Thống kê cho thấy kết quả khả quan trong ngành dịch vụ khách sạn : 93% đã và đang tiến hành nâng cấp bảo đảm khả năng tiếp cận cho người khuyết tật.

Vấn đề là tuy các tuyến đường có độ dốc thuận lợi cho di chuyển bằng xe lăn hay xe đẩy, nhưng 20% các vỉa hè có chiều rộng hạn chế, gây khó khăn cho di chuyển bằng xe lăn, khu vực bờ kè đi bộ dọc sông Seine còn khó tiếp cận, số lối sang đường có hỗ trợ về âm thanh vẫn còn thấp ... Từ đó, các biện pháp cải tạo cụ thể đã được đề xuất, hoặc tăng cường tiếp cận về thông tin về giao thông, di chuyển dành cho người khuyết tật. Lộ trình hiện thực hoá cũng được đề xuất, khuyến khích mọi tác nhân công cộng và tư nhân tham gia.

Quy định chặt chẽ tiêu chuẩn tiếp cận trong các toà nhà

Bên cạnh giao thông và không gian công cộng, điều luật ban hành năm 2005 yêu cầu các công trình tiếp đón công chúng và nhà ở phải đạt khả năng tiếp cận cho người khuyết tật trong vòng 10 năm. Nhưng sau khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh phí và sự quan tâm bị sụt giảm, việc thực hiện ở các công trình hiện có hoặc công trình cổ còn nhiều khó khăn, nên thời hạn phải lùi lại.Đến cuối năm 2019, mới chỉ có khoảng 1 triệu trong tổng số 1,4 triệu công trình, trụ sở đã và đang thực hiện việc đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Hạng mục các nhà hàng, dịch vụ nhỏ tư nhân là nhưng nơi còn chậm nhất, do thiếu kinh phí và diện tích quá nhỏ. Giờ đây, dịch bệnh Covid -19 lại càng làm chậm thêm kế hoạch đã đề ra.

Dù sao, điều luật ra đời cũng đánh dấu những chuyển biến rõ rệt. Đối với toàn bộ các công trình xây mới, những tiêu chuẩn này được thực hiện và kiểm tra nghiêm ngặt. Cùng với phòng cháy chữa cháy, khả năng tiếp cận cho người khuyết tật là 1 trong 2 tiêu chuẩn không thể thiếu với những quy định chi tiết, chặt chẽ và do một ban chuyên môn giám sát và phê duyệt. Tại các trụ sở hành chính, hay các công trình công cộng, bên cạnh dù chỉ vài bậc thềm, người ta cũng dễ bắt gặp những đường dẫn dài với độ dốc tối đa chỉ 4-5%, thang nâng, quầy lễ tân hay thanh toán với một vị trí có độ cao phù hợp cho người dùng xe lăn, bãi đỗ xe phải được thiết kế với 5% chỗ dành riêng và thuận lợi cho người khuyết tật, những biển chỉ dẫn, nút thang máy có chữ nổi, lối đi có gờ nổi cho người khiếm thị, phòng vệ sinh hay ghế nghỉ dành riêng cho người khuyết tật ...  Dù đã được sử dụng trước đó ở nhiều nơi, nhưng tất cả những cách bố trí và thiết bị nói trên đều mới là bắt buộc từ năm 2005 và trở thành điều kiện để xin cấp phép xây dựng.

Trong các công trình nhà ở chung cư có bố trí thang máy, 100% các căn hộ phải được thiết kế để người đi xe lăn có thể sử dụng. Nếu người mua hoặc thuê nhà đến ở, có thể thắc mắc về những bố trí có phần « không tối ưu » của căn hộ, nhất là với các phòng nhỏ và có nhiều trang thiết bị như phòng tắm, vệ sinh và bếp. Trên thực tế, đó là những bố trí được tính toán chính xác đến từng centimet, bắt buộc phải có để người khuyết tật sử dụng xe lăn có thể di chuyển đến mọi vị trí trong căn hộ và sử dụng trang thiết bị một cách dễ dàng.

Những chính sách thúc đẩy mới trên toàn quốc

Trên cả nước, nhiều thành phố trẻ có mạng lưới giao thông hiện đại, ít giao thông ngầm và với quy mô vừa, đã kịp thời đưa các tiêu chuẩn vào áp dụng, vươn lên trở thành những đô thị xếp hạng cao trong vấn đề tiếp cận, như Grenoble, Nantes, Lille, Lyon, Bordeaux ...Dù vậy, theo một nghiên cứu của IFOP cho l’APF, France Handicap - Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người khuyết tật, công bố cuối năm 2019, 2/3 số người khuyết tật tại Pháp vẫn gặp khó khăn trong việc đi lại. Ở các thành phố nhỏ và nông thôn, giao thông công cộng thưa thớt hơn, việc di chuyển của người khuyết tật bị cản trở nhiều.

Để bù đắp cho những khó khăn của người khuyết tật khi dùng phương tiện giao thông công cộng, PAM, hệ thống xe hỗ trợ di chuyển theo yêu cầu dành cho người khuyết tật mức trên 80%, đã ra đời năm 2003, nhưng luôn không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì thế, việc đặt trước gặp nhiều khó khăn. Phương tiện thay thế này chỉ giới hạn ở những hoạt động thiết yếu, giờ hẹn không chính xác do quá tải, chi phí đắt đỏ hơn nhiều so với phương tiện công cộng ... cản trở người khuyết tật tham gia các hoạt động cơ bản trong đời sống thường nhật và nhất là các hoạt động giải trí.

Nhằm cải thiện tình hình và củng cố thêm những chính sách đã có, cuối năm 2019, trong khuôn khổ luật « định hướng về giao thông », nhiều quy định mới đã được bổ sung theo hướng tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. Từ ngày 01/04/2021, quy định giá vé giao thông công cộng ưu đãi hoặc miễn trừ hoàn toàn cho người đi kèm người khuyết tật được mở rộng hơn. Người khuyết tật được sử dụng dịch vụ đặt xe PAM mọi nơi trên nước Pháp, không giới hạn trong địa bàn cư trú như trước đây. Quy định và phân loại về giá vé cho các mức độ và dạng khuyết tật, tại các vùng khác nhau, trước đây vốn phức tạp, nay cũng được đơn giản hoá. Các trạm sạc xe điện cũng phải trang bị chỗ cho người khuyết tật.

Cũng có nhiều cải cách trong mảng tiếp cận thông tin, với các trang mạng riêng để tra cứu lộ trình, đặt mua vé, đặt xe dễ dàng hơn. Hệ dữ liệu về khả năng tiếp cận của các công trình, khu vực công cộng, các bến tàu xe cũng được xây dựng để người khuyết tật tra cứu. Mạng wifi, định vị GPS cho người đi bộ, đèn hiệu âm thanh hay chỉ dẫn trên mặt đường phải được trang bị.

Nhìn rộng hơn, hướng phát triển ngày nay ngày càng đề cao yếu tố nhân văn, xây dựng một đô thị vị nhân sinh : năng động, an toàn, bền vững và lành mạnh cho cư dân. Ở đó, con người thấy gắn bó, thoải mái từ nơi ở đến không gian công cộng. Mọi thành phần trong xã hội đều cùng tham gia, dễ dàng chia sẻ, trao đổi, gặp gỡ, chung sống hài hoà, gần gũi với thiên nhiên, kích thích các giác quan và cảm xúc tích cực. Trong tầm nhìn đó, việc tạo điều kiện cho người khuyết tật, cũng như nhiều thành phần người già yếu, người thu nhập thấp ... được bình đẳng về cơ hội và quyền lợi, được tiếp cận rộng rãi và dễ dàng hơn vào đời sống cộng đồng, là một phần không thể thiếu, thậm chí là cốt lõi, để xây dựng một đô thị bền vững, lấy con người là trung tâm cho sự phát triển.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.