Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tướng Andrey Vlasov : Muốn “giải phóng nước Nga” nhưng lại trở thành kẻ phản bội lớn nhất lịch sử

Đăng ngày:

Tròn 75 năm trước, vào rạng sáng ngày 02/08/1946, tại sân nhà tù khét tiếng Butyrka, một cựu sĩ quan Liên Xô tên là Andrey Vlasov đã phải lên đoạn đầu đài : ông bị xử giảo hình khi mới 44 tuổi tại nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị thời Liên bang Xô-viết.

Tướng Andrey Vlasov (T) trong một cuộc họp với bộ trưởng Tuyên Truyền phát xít Đức Joseph Goebbels (P) tại Berlin, Đức, ngày 28/02/1945.
Tướng Andrey Vlasov (T) trong một cuộc họp với bộ trưởng Tuyên Truyền phát xít Đức Joseph Goebbels (P) tại Berlin, Đức, ngày 28/02/1945. Bundesarchiv - o.Ang.
Quảng cáo

Là nhà tù lớn nhất của Matxcơva và lâu đời nhất, nổi tiếng nhất của nước Nga, đây là nơi đã cầm cố những tên tuổi lớn của đời sống chính trị, văn hóa và xã hội Nga - Xô và nhiều thế kỷ. Việc một sĩ quan bị tử hình dưới thời Stalin thì không có gì lạ, vì quá phổ biến. Nhưng Vlasov thì khác: Chẳng những là một vị tướng tài ba bậc nhất của Hồng quân trước đó ít năm, về sau, ông còn bị coi như kẻ phản bội lớn nhất trong lịch sử Liên Xô, trên cương vị nhà lãnh đạo Quân đội Giải phóng Nga (ROA) cùng phe với phát-xít Đức chống lại Stalin, và sau khi bị bắt giữ, ông đã bị buộc tội phản quốc với chiếc thòng lọng treo cổ đang chờ đợi.

Báo chí Xô-viết đương thời chỉ đưa tin về cái chết của Vlasov trong một mẩu tin vắn ở trang cuối, đương nhiên không xứng với tầm vóc của một nhân vật từng khiến nhà độc tài Stalin phải “điên đầu”, và hậu thế phải khổ sở khi nhìn nhận ông như một nhân vật lịch sử đầy mâu thuẫn và bi thảm của thời đại ông sống. Trong một thời gian rất dài, tiểu sử của ông toàn một màu đen, và cái tên của ông đồng nghĩa với sự bội bạc khủng khiếp nhất.

Vị tướng trẻ tài ba

Andrey Vlasov chào đời cách đây tròn 120 năm trong một gia đình nghèo có 13 người con và ông là con trai út. Thời thơ ấu, cậu bé Vlasov tốt nghiệp trường dòng rồi vào học Chủng viện Nhizegorod, nhưng rồi cậu sớm hiểu được chính quyền cộng sản không ưa gì tôn giáo, nên đã nhanh chóng bỏ nghề cha cố Chính thống giáo để học và trở thành kỹ sư Canh - Nông. Ông nhập ngũ năm 1919 và lập tức được để ý bởi khả năng lãnh đạo tài giỏi.

Trong nội chiến, Vlasov được cử đi học khóa đào tạo chỉ huy và sau đó, thể hiện phẩm chất can trường của một quân nhân có đầu óc sáng láng. Ông tiếp tục được đào tạo ở các khóa cao cấp, rồi gia nhập đảng Cộng Sản và luôn được sự đánh giá ưu ái. Mùa thu năm 1938, Vlasov nhận nhiệm vụ cố vấn quân sự cho chính quyền Tưởng Giới Thạch, một cương vị đòi hỏi sự tin tưởng cao và lòng trung thành với ban lãnh đạo cộng sản thượng đỉnh.

Trở về Liên Xô đầu năm 1940, Vlasov không chỉ thoát khỏi những cuộc thanh trừng đẫm máu của Stalin thời “Đại khủng bố” kéo dài nhiều năm trước đó, mà còn được bổ nhiệm đứng đầu Sư đoàn bộ binh số 99, và biến đơn vị này thành một trong những sư đoàn xuất sắc nhất của Hồng quân, theo đánh giá của bộ trưởng Quốc Phòng Semyon Timoshenko. Tư lệnh Vlasov trở thành một cá nhân “điển hình”, và được phong hàm thiếu tướng.

Ngày 22/06/1941, Đức quốc xã sau khi đã làm mưa làm gió ở Phương Tây mà không gặp phải sự chống cự nào thật đáng kể, đã quay sang tấn công đồng minh lớn nhất của mình là Liên Xô, cho dù đôi bên đã cùng ký Hiệp ước bất tương xâm cuối tháng 08/1939 làm bùng nổ Đệ Nhị Thế Chiến, với cuộc tấn công chung và xóa sổ Ba Lan hỏi bản đồ thế giới. Quân đội Liên Xô rơi vào tình cảnh bi đát hiếm thấy, vì các tướng tài đều đã bị thanh trừng.

Thống kê cho thấy trong những cuộc đàn áp, Stalin đã giết 3 trong số 5 nguyên soái lỗi lạc, được tấn phong năm 1935, rất nhiều đại tướng tài ba, các thủy sư đô đốc cũng bị ám hại. Tất cả 80 thành viên Hội đồng Quân sự (thành lập năm 1934) và nhiều tướng tá khác đã bị thủ tiêu, ước tính có tới 30.000 thượng và hạ sĩ quan bị xử bắn. Trên cái nền ấy, Vlasov trở thành một gương mặt tài ba, quả cảm và mẫu mực khi cuộc chiến bùng nổ.

Ông lập được nhiều công trạng trong cuộc phòng thủ Kiev và thoát khỏi vòng vây của phát-xít Đức trong một chiến dịch mà hàng trăm ngàn lính Hồng quân thiệt mạng hoặc bị bắt làm tù binh. Vlasov cũng đóng vai trò quan trọng trong trận chiến bảo vệ Matxcơva cuối năm 1941, và được phong hàm trung tướng khi mới 40 tuổi. Ông cũng sở hữu Huân chương Lênin và Huân chương Cờ Đỏ, 2 danh hiệu rất cao quý, chứng tỏ được tin tưởng.

Người tù binh đặc biệt

Mùa xuân năm 1942, Vlasov được giao nhiệm vụ nặng nề là lãnh đạo trận tấn công đầu tiên nhằm giải vây cho Leningrad. Trong những điều kiện rất khó khăn do các cánh quân khác gặp nhiều sai lầm thảm khốc, trên cương vị Tư lệnh Tập đoàn quân số 2, Vlasov đã bị bao vây hoàn toàn và lạc trong rừng sau khi từ chối được giải cứu bằng máy bay. Tại khu vực bị Đức chiếm đóng, một cư dân đã chỉ điểm Vlasov khiến ông lọt vào tay quân Đức.

Tồn tại nhiều giả thuyết về việc Vlasov đã sa lưới quân thù như thế nào, tuy nhiên rất có khả năng là ông đã không hề chống cự, và bằng lòng với việc ngả về phía Đức. Ông không hề bị ngược đãi, bù lại, ông đã ký mọi truyền đơn và lời kêu gọi nhân danh mình. Theo chính lời khai của Vlasov, trong 10 ngày lẩn trốn, ông nhận ra Stalin là kẻ thù chính của dân tộc Nga và nảy ra ý làm sao có được cuộc sống tốt đẹp hơn cho các đồng hương của mình.

Đã quen với lòng dũng cảm và sự kháng cự của đa số các tù binh Liên Xô khi sa cơ, nên người Đức ngạc nhiên trước thái độ “quy phục” của Vlasov, và nhận ra rằng họ đã “bắt được vàng” khi có thể sử dụng vị sĩ quan tài giỏi này cho mục đích tuyên truyền. Nhưng Vlasov thì có ý tưởng xa hơn thế nữa, khi ông muốn cùng người Đức lập ra các đơn vị chiến đấu từ những tù binh Xô-viết, mà chính vị bại tướng Nga là một sự bảo chứng đáng tin cậy.

“Sáng kiến” đó thoạt đầu không được thủ lĩnh Hitler hưởng ứng, vì nhà độc tài lo ngại Vlasov phải chăng muốn chiếm lĩnh vị trí của Stalin, và có thể ngăn chặn ý định cho quân Đức tràn vào khu vực phía đông của Liên Xô. Tuy nhiên, Vlasov cùng một số đồng sự tỏ ra rất tích cực: không chỉ bằng lòng với việc cho rải truyền đơn ký tên ông, mà Vlasov còn đi vận động tù binh Xô-viết đứng về phía Đức với lý do đã là tù binh thì Stalin đều coi là “phản quốc”.

Dầu vậy, sự thắng thế của phe Đồng minh khiến phát-xít Đức cảm thấy họ cần thêm từng người lính một và Hitler rốt cục đã cho phép thành lập một đạo quân gồm 10 sư đoàn do Vlasov chỉ huy. Ngày 14/11/1944, “Ủy ban Giải phóng các Dân tộc Nga” được thành lập tại Praha do Vlasov đứng đầu, trên cương vị một chính phủ Nga lưu vong, với lực lượng quân sự là “Quân đội giải phóng nước Nga” cũng do cựu trung tướng Hồng quân lãnh đạo.

Các quân nhân của Vlasov, khi quyết định chống lại Stalin, đều có nhiều lý do để làm việc đó. Nhiều người không quên họ đã bị dồn vào chảo lửa chiến tranh mà không được phép lùi bước kể cả khi đã trong cảnh vô vọng trước quân Đức: luôn có những họng súng sau lưng ngăn không cho họ lùi. Cũng không ít kẻ bất bình trước thể chế độc tài tàn bạo của Stalin, đã khiến họ và thân nhân lâm vào cảnh khốn cùng, nên đã rời sang phía bên kia.

Đoạn kết bất hạnh của một đạo quân

Các sư đoàn của “Quân đội giải phóng nước Nga” (ROA) chỉ được tung vào cuộc hồi cuối năm 1944, đầu năm 1945, tức là khi kết cục cuộc chiến coi như đã ngã ngũ và không một lãnh đạo quốc xã nào dám nghĩ là họ có thể xoay ngược thế cờ. Với quân trang, quân dụng và vũ khí nghèo nàn, ROA đã có đôi ba trận chiến quyết liệt trước Hồng quân vào tháng 2/1945, nhất là tại vùng sông Odera vào ngày 11/4 cùng năm, nhưng rồi cũng phải rút quân.

Những hồi ức để lại cho thấy “lính Vlasov” trực thuộc ROA đã chiến đấu rất ngoan cường và không hề quản ngại cái chết, vì họ tâm niệm rằng bằng việc hợp tác với Đức, họ đã cầm chắc cái chết nếu lọt vào tay Hồng quân. Vào cuối cuộc chiến, Vlasov và một nhóm quân ROA được chuyển sang Praha, Tiệp Khắc, và ở đây họ tìm cách đàm phán với Phương Tây để có thể trở thành một “lực lương thứ ba” mà không phải đầu hàng phía Liên Xô.

Là một nhà quân sự có đầu óc thực tiễn, Vlasov còn tính đến chuyện, các cường quốc Phương Tây và Liên Xô thế nào cũng có xung đột và chiến tranh, và ROA có thể đứng về phe Phương Tây để chống lại Stalin. Tuy nhiên, ý định đó đã bất thành: chỉ 1/3 số quân nhân ROA kịp thoát thân và đầu hàng quân đội Mỹ, là sống sót, và vào ngày 12/05/1945, Vlasov ẩn náu trong xe thì bị một thuộc cấp chỉ điểm, cũng như 3 năm trước đó!

Sau khi bị quân đội Nga bắt giữ gần Plzeň, Tiệp Khắc, lập tức ông bị đưa ngay về Matxcơva và thừa nhận mọi tội lỗi, ông cùng 11 sĩ quan khác của ROA bị Tòa án Quân sự trực thuộc Tòa án Tối cao Xô-viết tước quân hàm và kết án tử hình treo cổ trong phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 07/1946. Đây là những bản án giảo hình cuối cùng của Liên Xô, vì sau đó quốc gia cộng sản này chuyển sang hình thức xử bắn với sự tham gia của đội hành quyết.

Các thành viên khác của “Quân đội giải phóng nước Nga” cũng đều bị cơ quan tư pháp Xô-viết kết án phản quốc, và đều bị án tử hình hoặc đày ải tại các trại lao động trừng giới. Khởi đầu như một tổ chức chống cộng sản có mong muốn tạo dựng một “nước Nga mới”, ROA và người đứng đầu, tướng Vlasov phải chịu sự nguyền rủa ghê gớm của người đương thời, và cho tới nay, nhìn chung vẫn bị xem là biểu tượng của sự bội phản, phản quốc.

Dưới thời Xô-viết, các sử gia Liên Xô tìm cách đưa vào quên lãng cái tên Andrey Vlasov, hoặc nếu có nhắc tới, thì coi ông như kẻ hèn nhát, đã đầu hàng quân Đức để cứu mạng sống của mình. Còn phe hữu và cực hữu Phương Tây cũng trong thời gian đó thường lại quá đề cao vị cựu trung tướng Hồng quân và đạo quân của ông cho dù ROA, tuy có gây nên cơn thịnh nộ cho Stalin và giới lãnh đạo quân sự Liên Xô, lại không có vai trò gì đáng kể.

Góc nhìn khác của lịch sử?

Như thế, trong nhiều thập niên, những hành động của Vlasov đã khiến công luận Nga luôn có quan điểm trái ngược. Năm 2016, một nhà nghiên cứu Nga - ông Kirill Aleksandrov - trong luận án tiến sĩ của mình, đã khảo sát câu chuyện của 180 sĩ quan thuộc đạo quân Vlasov, và chỉ ra rằng trái với góc nhìn “chính thống” của Nga - Xô xưa nay, đa số các sĩ quan tham gia ROA không phải vì sự xu thời, muốn thăng tiến, mà vì họ căm ghét thể chế Stalin.

Là những nạn nhân ở nhiều dạng khác nhau của bộ máy “khủng bố đỏ” Stalin, những sĩ quan ấy đã đứng về phe Đức. Điều này có cái gì đó tương đồng với phong trào dân tộc của Ukraina, hoặc một số lực lượng quân sự và cả người dân nhiều vùng bị Đức chiếm đóng trong Đệ Nhị Thế Chiến, đã tiếp đón quân đội Đức như những người giải phóng họ khỏi ách đàn áp của Stalin. Quan điểm ấy của vị sử gia Aleksandrov đương nhiên đã gây sóng gió rất lớn.

Một tháng sau ngày ông bảo vệ luận án tiến sĩ, vẫn có nhiều đám đông tụ tập trước trụ sở tại thành phố Saint Petersburg của Viện Sử học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga để chỉ trích nhà sử học mà theo họ là đã “tuyên truyền cho chủ nghĩa quốc xã” do ông không lên án mạnh mẽ Vlasov trong công trình của mình. Nhưng cái nhìn của nhà nghiên cứu thật ra không quá dị biệt, mà ít nhiều là sự tiếp nối của những dòng suy nghĩ đã có từ cách đó 15 năm!

Năm 2001, tổ chức dân sự “Vì niềm tin và Tổ quốc” đã đề nghị Viện Công tố Quân sự Liên bang Nga xem xét lại vụ án xét xử Vlasov và các đồng sự. Theo tổ chức này, Vlasov là một nhà ái quốc, người đã trải qua một quá trình chiêm nghiệm dài để đánh giá lại những gì mà ông đã phục vụ trong Hồng quân và di sản tinh thần của thể chế Stalin trước khi đồng ý hợp tác với Đức. Dầu vậy, ủy viên công tố đã không đồng ý tái thẩm vụ án của Vlasov.

Tuy nhiên, cho dù cơ quan công tố nói rằng đạo luật phục hồi cho các nạn nhân của sự đàn áp chính trị thời cộng sản không có hiệu lực đối với Vlasov, những lời buộc tội ông “tuyên truyền phản Xô-viết” cũng đã được xóa bỏ. Một đài tưởng niệm dành cho Vlasov và các quân nhân thuộc đạo quân ROA của ông cũng đã được dựng lên trong khuôn viên một tu viện và nghĩa trang Chính thống Nga ở một thành phố nhỏ thuộc bang New York, Hoa Kỳ.

Ở đó, mỗi năm 1 lần, vào ngày kỷ niệm Vlasov - ngày Chủ Nhật sau lễ Phục Sinh theo Đạo Chính thống giáo - một lễ tưởng niệm lại được tổ chức cho vị tướng bất hạnh Andrey Vlasov và các chiến binh “Quân đội Giải phóng nước Nga”, một nét bi thảm của lịch sử Nga - Xô và lịch sử Đệ Nhị Thế Chiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.